Bài viết của tôi năm 2001:
MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG QUÝ
CHƯƠNG III
SỬ DỤNG MÔ HÌNH VQEM TRONG PHÂN TÍCH KINH TẾ, MÔ PHỎNG CHÍNH SÁCH VÀ DỰ BÁO MỘT SỐ KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN NGẮN HẠN
(tiếp theo)
2) Dự báo các biến ngoại sinh thuần tuý khác
Trong mô hình VQEM, có coi một số biến sau đây là biến ngoại sinh thuần tuý (tức là các biến mà khả năng can thiệp của Nhà nước làm thay đổi giá trị của chúng rất thấp, nhất là trong thời kỳ ngắn hạn): Vốn FDI thực hiện (FDIREA), chi ngân sách để trả nợ và viện trợ (PAYIN), chỉ số giá nhập khẩu (IMPRI), chỉ số giá xuất khẩu (EXPRI), tỷ lệ tăng trưởng GDP của 18 nước bạn hàng chính, cơ cấu xuất khẩu theo 18 nước bạn hàng chính.
Nhìn vào danh sách các biến được coi là ngoại sinh thuần tuý ở trên, có thể thấy phần lớn chúng đều phụ thuộc vào môi trường kinh tế quốc tế, do đó việc dự báo chúng phải căn cứ vào dự báo biến động của kinh tế thế giới. Vì mô hình được xây dựng với chuỗi số liệu đến quý I/2001 nên để dự báo cho các năm 2002-2003, cần phải dự báo triển vọng kinh tế thế giới các năm 2001-2003.
2.1) Dự báo triển vọng kinh tế thế giới các năm 2001-2003
a) Triển vọng kinh tế các nước công nghiệp
Về năm 2001, nhìn chung, đến nay có thể khảng định tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chậm lại, trung bình chỉ đạt 1,4% so với mức 4,7% năm 2000 và 3,6% năm 1999, chủ yếu phản ánh sự đi xuống sau thời kỳ tăng trưởng cao và kéo dài chưa từng thấy tại khu vực Bắc Mỹ. Nền kinh tế Mỹ đã giảm tốc độ tăng trưởng ngay từ quý III năm 2000 và kéo dài đến hết năm 2001; các nền kinh tế Tây âu cũng trong tình trạng tương tự dù mức độ thấp hơn. Vì kinh tế Mỹ và Tây âu chiếm hơn 50% GDP toàn cầu nên sự sụt giảm của hai khu vực này đã làm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Tăng trưởng nhập khẩu của Mỹ đã rất cao trong suốt năm 1999 và kéo dài trong suốt 3 quý đầu năm 2000, nhưng từ quý IV/2000 và trong cả năm 2001, tăng trưởng nhập khẩu của Mỹ giảm dần do cầu nội địa giảm. Cầu nhập khẩu của Nhật bản và Liên minh châu Âu cũng giảm dần từ quý III/2000 đến nay sau những đợt gia tăng rất mạnh từ đầu năm 1999. Do vậy, cầu nhập khẩu của thế giới đối với sản phẩm của khu vực châu á nói chung và Việt nam nói riêng mặc dù còn được giữ ở mức cao trong hai quý đầu năm 2001 nhưng tốc độ tăng trưởng giảm dần và khả năng sẽ rất thấp vào hai quý cuối năm 2001.
Trong ba quý đầu năm 2001, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã 8 lần cắt giảm lãi suất để giúp phục hồi sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Tiếp đó, ngày 2/10/2001, lãi suất lại được cắt giảm thêm tới 0,5% và các nhà kinh tế và tài chính đều dự báo là việc cắt giảm lãi suất sẽ còn tiếp tục. Tương tự, trong bối cảnh tỷ lệ tăng trưởng kinh tế châu âu giảm mạnh nhưng lạm phát vẫn bị kiềm chế chặt chẽ nhờ giá năng lượng thấp và tỷ lệ tăng trưởng tiền lương khiêm tốn nên Ngân hàng trung trung ương Châu âu đã liên tiếp giảm lãi suất tới 4 lần trong 2 quý giữa năm 2001. Đến đầu quý IV/2001, các lãi suất ở Mỹ và châu Âu đã giảm tới mức thấp nhất trong vòng 30-40 năm qua trong khi lãi suất ở Nhật bằng 0, làm cho lãi suất thế giới đã được giảm tới mức rất thấp. Chính phủ Mỹ và các chính phủ khác đều đã công bố những chương trình kích cầu, giảm thuế rộng lớn mới để hy vọng đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế. Đây là những chuyển động rất có lợi cho quá trình phục hồi kinh tế thế giới trong năm 2002.
Về các năm 2002-2003, đến nay, phần đông các nhà kinh tế thế giới đều cho rằng cuộc khủng bố nhằm vào nước Mỹ vừa qua cũng là một đòn mạnh đánh vào toàn bộ nền kinh tế thế giới và làm cho quá trình phục hồi kinh tế thế giới sẽ chậm lại khoảng 2 quý. Nếu như các dự báo trước đây cho răng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi từ quý IV/2001 thì đến nay, dự kiến phải đợi đến giữa năm 2002; và nếu như không có những tác động xấu bất ngờ khác trong khi chính sách kích cầu và khôi phục lòng tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư được thực hiện tốt thì kinh tế Mỹ và thế giới có thể lấy lại đà tăng trưởng từ quý II hoặc chậm nhất là từ quý III năm 2002 và trở lại tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2003 (theo kinh nghiệm của các cuộc suy thoái khác)[1].
Thực tế, ảnh hưởng của cuộc khủng bố vừa qua tới kinh tế thế giới là rõ ràng, nhưng quy mô và độ dài của ảnh hưởng có thể không lớn như những suy đoán ban đầu. Ảnh hưởng tức thời rất lớn, thể hiện trên nhiều mặt: gây tâm lý hốt hoảng, lo ngại về khả năng suy thoái mạnh của kinh tế Mỹ, kéo theo suy giảm tiếp ở Châu Âu, Nhật bản và toàn thế giới; gây tổn thất lớn lao cho nhiều ngành kinh tế, nhất là hàng không, du lịch, dịch vụ, nhà hàng, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, thương mại; gây tổn thất to lớn về con người, nhất là những nhà kinh tế, tài chính, tin học, thương nhân hàng đầu thế giới... Hậu quả là kinh tế Mỹ và thế giới sẽ tiếp tục đi xuống trong năm 2001 và nửa đầu năm 2002 như ước tính nêu trên.
Tuy nhiên, ảnh hưởng dài hạn của sự kiện trên có thể sẽ không lớn[2]. Thứ nhất, mức thiệt hại về kinh tế mà cuộc khủng bố vừa qua gây cho nước Mỹ không lớn bằng vụ lũ lụt năm 1994, thấp hơn nhiều so với cuộc động đất năm 1995 ở Kobê mà nền kinh tế Nhật bản phải gánh chịu; chỉ số chứng khoán chỉ giảm 7% trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi mở lại chứ không phải 10% như dự đoán và thấp hơn mức 22% trong cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 1987. Về mặt tâm lý, cuộc khủng bố vừa qua chỉ làm giảm niềm tin của giới đầu tư và người tiêu dùng ở mức tương đương với cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 mà sau đó là thời kỳ phát triển rất nhanh của nền kinh tế Mỹ[3].
Thứ hai, chính phủ Mỹ còn rất nhiều khả năng để khôi phục lòng tin, khuyến khích tiêu dùng và đầu tư vì hiện nay phạm vi sử dụng lãi suất, thuế, chi tiêu công cộng còn rất lớn. Trên thực tế, Mỹ và các nước công nghiệp phát triển đã có những phản ứng tức thời để khôi phục lòng tin như giảm thêm lãi suất 0,5 điểm (nhưng lãi suất cơ bản ở Mỹ còn ở mức 3% và lãi suất chiết khấu còn 2%, tức là còn khả năng giảm khá mạnh)[4]; nhanh chóng mở lại thị trường chứng khoán, can thiệp 80 tỷ USD để ổn định tỷ giá đồng đô la, đưa ra các cam kết quân sự để khôi phục niềm tin vào sức mạnh của Mỹ, trợ cấp ồ ạt cho các lĩnh vực gặp khó khăn do khủng bố. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Châu âu (ECB) đã cung ứng koảng 300 tỷ USD để đảm bảo khả năng thanh toán cho hệ thống tài chính bằng cách mua lại các tài sản đầu tư từ các ngân hàng và tổ chức khác trên thị trường tiền tệ. FED, ECB và Ngân hàng Canada đã thu xếp một giao dịch hoán đổi (swap) 81 tỷ đô la cho phép ECB cung cấp đô la cho bất kỳ ngân hàng nào trong khu vực đồng euro gặp khó khăn trong việc thanh toán. Đặc biệt, đầu tháng 10/2001, chính phủ Mỹ đã thông báo kế hoạch cả gói với giá trị khoảng 60-75 tỷ USD (có thể lên tới 100 tỷ USD) nhằm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trên cơ sở cắt giảm nhanh thuế, đẩy mạnh chi tiêu chính phủ và kéo dài thời gian trợ cấp thất nghiệp (thặng dư ngân sách chính phủ Mỹ khá lớn trong những năm gần đây). Các công ty lớn cũng đã nhanh chóng cam kết mua lại cổ phần do họ phát hành để ổn định thị trường chứng khoán.
Thứ ba, theo phân tích của các tổ chức chuyên về cạnh tranh quốc tế, nền kinh tế Mỹ vẫn rất năng động và duy trì được sức cạnh tranh cao, do đó, sau khi bị suy thoái do quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chịu thêm tác động của cuộc khủng bố hôm 11/9, kinh tế Mỹ vẫn có đủ xung lực để sớm phục hồi mạnh. Bên cạnh đó, bản chất của người Mỹ là lạc quan, do đó tâm lý hoang mang lo ngại sau sự kiện 11/9 sẽ chỉ là tạm thời, chỉ sau 1 hoặc 2 quý, đầu tư và tiêu dùng có khả năng tăng mạnh trở lại. Kinh nghiệm cho thấy sau các cuộc khủng hoảng 1973, 1979 (do tăng giá dầu mỏ), 1987 (do khủng hoảng thị trường chứng khoán), 1994 (do khủng hoảng kinh tế Mexico), 1997 (do khủng hoảng kinh tế châu á), kinh tế Mỹ phục hồi rất nhanh và tăng trưởng mạnh.
Thứ tư, kinh tế Mỹ là đầu tầu của kinh tế thế giới, khi kinh tế Mỹ khó khăn thì kinh tế thế giới suy yếu theo, do đó các quốc gia giàu có khác sẽ phải hợp sức giúp đỡ chính phủ Mỹ khôi phục lại tốc độ tăng trưởng. Thực tế, trong quá trình suy giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ trước sự kiện 11/9, chính phủ các nước phương tây đã có nhiều động tác hỗ trợ kinh tế Mỹ như cắt giảm lãi suất chậm hơn Mỹ, mua lại đồng tiền nước mình để giảm giá trị đồng đô la, qua đó nâng đỡ sức cạnh tranh của hàng hoá Mỹ... Ngay sau sự kiện ngày 11/9, các nước Tây âu cam kết đóng góp xây dựng lại Trung tâm thương mại thế giới cho Mỹ (bằng việc xây dựng một trong hai toà tháp và đặt tên là Europe), mua đô la vào để chống suy giảm lòng tin vào đồng đô la, cung cấp tín dụng cho các ngân hàng và doanh nghiệp Mỹ, và nhất là cam kết tham gia vào liên minh quân sự chống khủng bố do Mỹ cầm đầu.
Trên cơ sở những nhận định trên, chúng tôi đã lựa chọn phương án dự báo tăng trưởng kinh tế dưới đây trên cơ sở các tài liệu tháng 10/2001 của Liên hợp quốc, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới và một số nguồn khác (xem trang sau).
b) Triển vọng kinh tế khu vực Đông á
Sau khủng hoảng kinh tế gay gắt vào năm 1997 và 1998, các nền kinh tế Đông Á đã có sự phục hồi đáng kể trong hai năm 1999 và 2000. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trung bình của khu vực Đông Nam á đạt gần 6% năm 2000, vượt xa các dự báo, trong đó ấn tượng nhất là Malaixia 8,8%, Singapo 9,9%, Hàn quốc 8,8%, Trung quốc 8,0% và Việt nam 6,7%. Sản xuất công nghiệp của nhiều nước trong khu vực đã đạt mức tăng trưởng hơn 15% và vượt mức trước khủng hoảng.
Nguyên nhân chính của quá trình phục hồi đầy ấn tượng trên là môi trường bên ngoài thuận lợi và kết quả của những biện pháp cải cách kinh tế mạnh trong mỗi nước. Môi trường bên ngoài thuận lợi thể hiện ở sự tăng lên rất nhanh của thương mại thế giới và nhu cầu nhập khẩu của các nước công nghiệp, trước hết là Mỹ và khối Tây âu. Những biện pháp cải cách chủ yếu trong nước gồm kích cầu nội địa, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và khu vực doanh nghiệp, đổi mới các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài...
Tuy nhiên, sau khi đạt được tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong hai năm 1999-2000 nhờ những điều kiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu đặc biệt tốt và kết quả của những cải cách cơ cấu sau khủng hoảng, khu vực này đã phải đối mặt với suy giảm nhanh tốc độ tăng trưởng từ cuối năm 2000 và kéo dài suốt trong năm 2001. Tỷ lệ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2000 đạt 7,8% nhưng đến quý IV/2000, giảm xuống chỉ còn khoảng 3%, dự kiến cả năm 2001 chỉ đạt khoảng 4%.
Bảng 11: Dự báo tăng trưởng GDP của các đối tác kinh tế chính
(% so với năm trước)
Tên nước
|
Năm 2000
|
Ước 2001
|
Dự đoán 2002
|
Dự đoán 2003
|
Toàn thế giới
|
4,7
|
1,5
|
2,0
|
3,1
|
Các nước phát triển
|
3,8
|
0,8
|
1,2
|
2,5
|
Các nước công nghiệp G7
|
3,4
|
0,6
|
1,1
|
3,1
|
Mỹ
|
4,1
|
0,8
|
1,3
|
3,0
|
Nhật
|
1,5
|
-0,3
|
0,1
|
1,1
|
Đức
|
3,0
|
0,5
|
1,1
|
2,5
|
Pháp
|
3,4
|
1,2
|
1,2
|
3,0
|
Italia
|
2,9
|
1,1
|
1,2
|
2,3
|
Anh
|
3,1
|
1,2
|
1,4
|
2,7
|
Canada
|
4,4
|
2,0
|
2,2
|
2,8
|
Các nước công nghiệp khác
|
5,3
|
1,9
|
3,3
|
2,1
|
Riêng Liên minh Châu Âu
|
3,4
|
1,8
|
2,2
|
2,9
|
Khu vực Euro
|
3,5
|
1,8
|
2,2
|
2,9
|
Các nước công nghiệp mới ở Châu á
|
8,2
|
1,0
|
4,3
|
5,3
|
Các nước đang phát triển
|
5,8
|
4,3
|
5,3
|
5,3
|
Châu Phi
|
2,8
|
3,8
|
4,4
|
4,6
|
Châu á
|
6,8
|
5,8
|
6,2
|
6,6
|
Trung quốc
|
8,0
|
7,5
|
7,1
|
7,2
|
Ấn độ
|
6,0
|
4,5
|
5,7
|
7,3
|
ASEAN 4
|
5,0
|
2,4
|
4,1
|
5,3
|
Trung đông
|
6,0
|
2,3
|
4,8
| |
Nam Mỹ
|
4,2
|
1,7
|
3,6
|
4,4
|
Brazil
|
4,5
|
2,2
|
3,5
|
5,0
|
Các nước đang chuyển đổi
|
6,3
|
4,0
|
4,1
|
4,9
|
Trung và Đông âu
|
3,8
|
3,5
|
4,2
|
4,6
|
Nga
|
8,3
|
4,0
|
4,0
|
5,1
|
Nguồn: Tổng hợp và xử lý lại trên cơ sở các tài liệu: 1) Dự báo từ mô hình quý của trường đại học Pennsylvania về kinh tế Mỹ và các thị trường tài chính (L. R. Klein và S. Ozmucur) ngày 15/10/2001; 2) Thông tin cập nhật đến 09/10/20001 chuẩn bị cho cuộc họp mùa thu (giữa tháng 11/2001) của Tổ chức LINK thuộc Ban thư ký Liên hợp quốc (cơ quan chuyên soạn theo các dự báo cho Liên họp quốc trên cơ sở sử dụng các mô hình kinh tế lượng); 3) World Economic Outlook, October 2001 của IMF, WB và UN; 4) Dự báo ngày 20/9/2001 của Ngân hàng Thế giới.
Những nguyên nhân chính của bước suy giảm trên là: (1) Hệ thống ngân hàng Châu á đang yếu đi nhanh trong khi nợ công cộng lại tăng nhanh trong quá trình cơ cấu lại khu vực tài chính và công ty; vấn đề nợ sẽ càng trở nên nghiêm trọng khi tình trạng suy giảm tỷ lệ tăng trưởng trong khu vực kéo dài; (2) Xuất khẩu, nhân tố đóng vai trò quyết định trong quá trình phục hồi kinh tế tại khu vực, đã phát triển chậm lại[5]; (3) Tiêu dùng nội địa cũng chậm lại do các nước lo ngại nguy cơ tái lạm phát; (4) Tình hình chính trị tại nhiều nước trong khu vực không ổn định.
Những biến động trên thị trường quốc tế thập kỷ vừa qua đã chứng tỏ kinh tế châu á, nhất là công nghiệp châu á phụ thuộc rất lớn vào thị trường Mỹ. Mặc dù buôn bán liên khu vực châu á chiếm từ 38-42% tổng khối lượng hàng hoá trao đổi, nhưng thị trường khu vực đã đến mức bão hoà. Do hậu quả của khủng hoảng tài chính vừa qua, tình trạng cung vượt cầu đã và đang diễn ra gay gắt trong thị trường các nước châu á. Ngân hàng Phát triển châu á còn cho rằng khu vực này chưa đạt đến độ chín về hoạt động kinh tế nên cần phải có người đõ đầu, và người đó phải là Mỹ. Khi kinh tế Mỹ gặp khó khăn thì tăng trưởng của hệ thống kinh tế châu á sẽ chậm lại rất mạnh. Tuy nhiên, một số báo cáo gần đây của Liên hợp quốc và các tổ chức tài chính quốc tế cho rằng mặc dù vẫn bị đe doạ về nguy cơ hạ cánh quá nhanh của nền kinh tế Mỹ và sự phục hồi quá chậm chạp của nền kinh tế Nhật, nhưng các nước khu vực đông Nam á đã có thể phản ứng tốt hơn so với giai đoạn khủng hoảng 1997-98, tức là khả năng phục hồi lại sẽ nhanh hơn.
Ảnh hưởng của thay đổi môi trường quốc tế có tác động khác nhau đối với từng nước. Hồng kông sẽ là nước phải chịu hậu quả nặng nề nhất, tiếp đến là Singapo. Các nước Hàn quốc, Đài loan và Thái lan bị ảnh hưởng yếu hơn do độ mở cửa thấp hơn; tuy nhiên, tính trạng khó khăn tăng nhanh trong hệ thống ngân hàng và sự tăng lên của nợ công cộng cũng là những nhân tố gây bất ổn đối với các nước này. Mức độ giảm tăng trưởng của Indonesia và Philippin thấp hơn vì các nhà đầu tư đang xem xét xoá nhiều khoản nợ khó đòi của họ.
Khả năng phát triển ngắn hạn từ nay đến năm 2003 của các nước khu vực Đông á phụ thuộc rất lớn vào tăng cầu nội địa. Thực tế, phục hồi kinh tế Hàn quốc đã diễn ra mạnh từ năm 1999 chủ yếu dựa trên xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu hàng dệt may; nhưng từ nay quá trình phục hồi này sẽ chỉ được tiếp tục nếu cầu nội địa phát triển do xuất khẩu không thể tiếp tục tăng nhanh như trước. Tăng trưởng các năm 2002-2003 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tính động của các thành phần cung nội địa, nhất là thương mại và dịch vụ; nhờ sự năng động của khu vực này, tỷ lệ tăng trưởng có thể tiếp tục được duy trì bất chấp các hoạt động công nghiệp giảm dần. Một số ý kiến cho rằng quá trình phục hồi kinh tế thế giới từ giữa năm 2002 phụ thuộc vào biến động giá thế giới (nhất là giá dầu thô) theo hướng tăng lên do hậu quả của chiến tranh do Mỹ phát động. Việc tăng giá này sẽ kéo theo tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới, làm giảm cầu nước ngoài và cầu nội địa ở các nước Đông á, gây ảnh hưởng bất lợi tới quá trình tăng trưởng kinh tế; nhưng nguy cơ này không nhiều. Ngân hàng thế giới dự báo giá dầu thô sau đỉnh cao vào năm 2000 sẽ giảm dần qua các quý trong 2 năm 2001-2 và ổn định trong năm 2003[6].
Bảng 12: Dự báo tăng trưởng GDP của một số nước lớn khu vực châu á (% so với năm trước)
Tên nước
|
Năm 2000
|
Ước 2001
|
Dự đoán 2002
|
Dự đoán 2003
|
Các nước Châu á tăng trưởng nhanh
|
7,0
|
5,1
|
5,9
|
6,6
|
Các nước CN mới châu á
|
8,2
|
1,0
|
4,3
|
5,3
|
Hồng kông
|
10,5
|
0,6
|
4,0
|
4,6
|
Hàn quốc
|
8,8
|
2,5
|
4,5
|
5,5
|
Singapo
|
9,9
|
-0,2
|
4,0
|
5,8
|
Đài loan
|
6,0
|
-0,1
|
4,0
|
5,8
|
Khối ASEAN-4
|
5,0
|
2,4
|
4,1
|
5,3
|
Indonesia
|
4,8
|
3,0
|
4,3
|
5,1
|
Malaysia
|
8,3
|
1,0
|
4,8
|
6,0
|
Philipines
|
4,0
|
2,5
|
3,5
|
5,3
|
Thái lan
|
4,4
|
2,0
|
4,0
|
5,0
|
Nam á
|
5,8
|
4,5
|
5,6
|
6,0
|
Bangladesh
|
6,0
|
5,5
|
5,0
|
5,5
|
Ấn độ
|
6,0
|
4,5
|
5,7
|
7,3
|
Pakistan
|
3,9
|
3,9
|
4,6
|
5,0
|
Các nước đang chuyển đổi
|
7,9
|
7,4
|
7,1
|
7,2
|
Trung quốc
|
8,0
|
7,5
|
7,1
|
7,2
|
Việt nam
|
5,8
|
6,7
|
7,0
|
7,3
|
Nguồn: Tổng hợp và xử lý lại trên cơ sở các tài liệu: 1) Các báo cáo World Economic Outlook, October 2001, IMF, WB và UN; 2) Các tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị LINK tháng 11/2001; 3) "East Asia Update", The World Bank, March 2001; 4) Dự báo tháng 9/2001 của Ngân hàng Thế giới.
Triển vọng kinh tế các năm tới của khu vực còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của đồng đô la. Trong những năm qua, các đồng tiền trong khu vực đã yếu đi, vừa do đồng đô la mạnh lên, vừa do những bất ổn về chính trị tại nhiều nước. Tuy nhiên so với thời điểm năm 1997, hiện nay các đồng tiền này đã lên giá trở lại, nhất là sau cuộc khủng bố tại Mỹ ngày 11/9/2001. Do các đồng tiền châu á đang được đánh giá cao nên những căng thẳng lạm phát do giá thế giới tăng đang được kiểm soát. Dự trữ ngoại tệ cũng đang được duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng lên. Tỷ lệ lạm phát giảm, cho phép hạ dần lãi suất về mức bình thường. Nhìn chung, tỷ giá tiếp tục là chiếc neo duy trì sự ổn định của hệ thống tiền tệ và giá cả. Mặt tiêu cực của việc các đồng tiền trong khu vực lên giá so với đô la Mỹ là xuất khẩu có nguy cơ giảm mạnh trong 2 năm tới. Nhìn chung, môi trường kinh tế vĩ mô khu vực có khả năng ổn định, tạo thuận lợi cho quá trình phát triển.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực như vậy, có thể dự đoán tỷ lệ tăng trưởng của khu vực từ năm 2003 sẽ tăng mạnh hơn nhờ nhân tố tăng trưởng trung hạn: Sau khủng hoảng 1997, Đông á đã trở nên cởi mở hơn cả về chính trị và kinh tế, trong đó các chính phủ đều cam kết phát triển hướng vào khu vực tư nhân, những nhân tố này sẽ làm cho các nước trong khu vực ổn định hơn và có khả năng phát triển bền vững hơn. Nhiều cải cách tiếp tục được tiến hành trong bối cảnh là khu vực có truyền thống về duy trì được những tỷ lệ cao về tiết kiệm tư nhân, đầu tư nội địa, đầu tư cho y tế, giáo dục, con người, phát triển hướng ngoại và quyết tâm xoá đói giảm nghèo. Căn cứ vào những diễn biến kinh tế đến cuối năm 2001, có thể dự báo kinh tế khu vực châu á năm 2002 sẽ chỉ tương đương với năm 2001 nhưng từ năm 2003 sẽ tăng trưởng mạnh trở lại.
2.2) Dự báo giá trị của các biến ngoại sinh thuần tuý
Từ các dự báo triển vọng kinh tế thế giới theo năm nêu trên, sử dụng kỹ thuật phân rã theo quý, có thể dự báo khả năng phát triển kinh tế theo quý của các nước bạn hàng chính của nước ta, trên cơ sở đó xác định được chỉ số trung bình trọng số của chỉ số tăng trưởng GDP của các nước bạn hàng chính (biến QE). Các chỉ tiêu khác như vốn đầu tư nước ngoài thực hiện (FDIREA), chi ngân sách để trả nợ và viện trợ, chỉ số giá nhập (IMPRI), chỉ số giá xuất (EXPRI)... được xác định dựa theo xu thế phát triển quá khứ có tính đến những đặc trưng quý của chúng. Các kết quả này được dùng làm đầu vào để mô phỏng các dự báo.
3) Dự báo các biến ngoại sinh chính sách
Bên cạnh các biến ngoại sinh thuần tuý nêu trên, mô hình VQEM còn chứa những biến ngoại sinh chính sách tức là những biến mà Nhà nước có thể can thiệp làm thay đổi giá trị của chúng, từ đó tác động tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác và toàn nền kinh tế, lái nền kinh tế phát triển theo định hướng mong muốn. Các biến ngoại sinh chính sách trong mô hình VQEM là tỷ lệ tín dụng ngân hàng dành cho khu vực tư nhân (PRIRATE), lãi suất huy động nội tệ ngắn hạn (INTEIN3), tỷ giá đồng VN / USD (EXRAT), tiêu dùng của Chính phủ (CONGO) và tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP (DEFRA). Phương pháp chung để dự báo các chỉ tiêu này là kết hợp sử dụng kỹ thuật kinh tế lượng với kỹ thuật lấy ý kiến chuyên gia; cụ thể như sau:
3.1) Tỷ lệ tín dụng dành cho khu vực tư nhân
Số liệu quá khứ cho thấy tỷ lệ tín dụng dành cho khu vực tư nhân đã tăng mạnh trong thập kỷ 90, tuy nhiên quá trình đó cũng có những điểm đặc biệt. Tỷ lệ tín dụng dành cho khu vực tư nhân tăng lên rất mạnh trong giai đoạn từ quý I/1992 (điểm bắt đầu của chuỗi quan sát): từ 10,04% lên 34,93% vào quý I/1994. Tỷ lệ này giảm nhẹ trong năm 1994 (1%), sau đó liên tục tăng lên nhưng với tốc độ chậm hơn; đến hết quý I/1998 đạt 47,3%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tiền tệ châu á, tỷ lệ tín dụng dành cho khu vực tư nhân ở nước ta đã giảm mạnh trong khoảng 3 quý tiếp theo (giảm khoảng 4-5%); chỉ từ quý I/1992 mới trở lại xu thế tăng lên; đến hết quý II/2001, tỷ lệ này đạt 56,1%. Đặc trưng quý của chỉ tiêu này rất thấp; nếu loại trừ một số ít quý phát triển bất thường thì thấy tỷ lệ này tăng gần như theo đường thẳng.
Để dự báo khả năng tiến triển của chỉ tiêu tỷ lệ tín dụng dành cho khu vực tư nhân cho các quý giai đoạn tới hết năm 2003, trước hết, cần căn cứ vào xu hướng phát triển quý khứ của nó, tiếp đến xem xét các phương án do Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan kinh tế tổng hợp của Chính phủ dự kiến. Trong báo cáo phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2001-2005 của ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ nâng tỷ lệ tín dụng cho vay ngoài quốc doanh trong tổng dự nợ tín dụng cho vay toàn nền kinh tế lên trung bình 65% trong 5 năm tới. Dự báo xu thế theo 1 mô hình kinh tế lượng độc lập cho thấy tỷ lệ này tăng liên tục trong giai đoạn 2001-2003 và đạt 63,7% vào quý IV/2003 để có thể đạt gần 70% vào cuối năm 2005, tức là tương đương với dự kiến của Ngân hàng Nhà nước. Do vậy, chúng tôi chọn dự báo xu thế này.
3.2) Lãi suất huy động nội tệ ngắn hạn
Lãi suất huy động giảm rất mạnh trong thập kỷ 90 và thường giảm theo hình bậc thang. Nếu như lãi suất quý vào quý I/1992 ở đỉnh rất cao là 3,5%/quý thì đến quý II/2001 chỉ còn 0,28%/quý. Căn cứ vào tiến triển của tình hình kinh tế thế giới, môi trường kinh doanh trong nước và dự kiến điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, có thể dự báo lãi suất nội tệ sẽ giảm xuống còn 0,25%/quý trong các quý III-IV/2001, giảm tiếp còn 0,22% trong các quý I-II/2002, sau đó tăng lên 0,27% vào quý III/2002, và ổn định ở mức 0,3%/quý trong quý IV/2002 và suốt năm 2003.
3.3) Tiêu dùng của chính phủ
Tiêu dùng chính phủ trong quá khứ phụ thuộc nhiều vào xu thế tiêu dùng tức là có tính tự tương quan khá cao. Ngoài ra, đặc trưng quý của tiêu dùng chính phủ rất rõ: tiêu dùng chính phủ thường tăng mạnh so với xu thế vào các quý II và IV với mức độ tương đối giống nhau. Để dự báo tiêu dùng chính phủ trong tương lai, một mặt, cần phân tích những đặc trưng trên và đưa vào mô hình; mặt khác, cần dự báo khả năng mở rộng kích cầu thông qua chính sách ngân sách và tiền tệ trong 2 năm tới của chính phủ. Dựa trên các phân tích trên, chúng tôi đã xây dựng được phương án dự báo chi tiêu chính phủ, trong đó tốc độ kích cầu tiêu dùng chính phủ sẽ tăng nhanh hơn quá khứ một chút. Kết quả cụ thể được đưa vào chạy mô hình.
3.4) Tỷ giá đồng VN / USD
Dự báo tỷ giá là một vấn đề rất khó khăn vì ở nước ta, tỷ giá không chỉ phụ thuộc vào quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường mà còn phụ thuộc vào chính sách tỷ giá của nhà nước trong khi chính nhân tố thứ 2 mới là nhân tố đóng vai trò quyết định. Để dự báo, trước tiên chúng tôi xây dựng một mô hình kinh tế lượng độc lập với chuỗi thời gian từ quý I/1992 đến quý I/2001; tiếp đến dùng mô hình này dự báo tỷ giá của quý II, III và IV/2001. Kết quả cho thấy tỷ giá quý II/2001 là 14530 đồng/USD, quý III/2001 là 14980 đồng/USD và quý IV/2001 là 15032 đồng/USD, xấp xỉ như số liệu thực tế. Chạy tiếp mô hình để dự báo đến quý IV/2003 thì thấy tỷ giá lúc đó là 15670 đồng/USD. Mức độ lên giá của đô la Mỹ so với tiền Việt trong 2 năm 2002-2003 là 4,2%, tức là khoảng 2,1%/năm. Nếu so với mức độ phá giá năm 1999 là 1,1%, năm 2000 là 3,4% và năm 2001 khoảng 3,5-4% thì mức độ phá giá nêu trên là thấp, nhưng so với tỷ lệ điều chỉnh tỷ giá chỉ 0,5%/năm giai đoạn 1993-1996 thì lại là cao. Do vậy, chúng tôi chọn phương án trên làm phương án cơ bản; ngoài ra, sẽ chọn các kịch bản dự báo khác cao hơn.
3.5) Tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP
Tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP biến động rất khác nhau qua các quý. Thông thường, tỷ lệ này rất thấp vào quý I, sau đó tăng nhanh trong năm; tuy nhiên có một số năm tỷ lệ thâm hụt ngân sách của quý II lại thấp hơn của quý I. Kinh nghiệm 2 năm gần đây như sau: Đối với 4 quý của năm 2000, tỷ lệ này lần lượt là 0,66%, -2,56%, -4,11% và -8,57%; đối với 4 quý của năm 2001, tỷ lệ này lần lượt là -1,78%, -1,62%, -4,29% và -6,92%. Căn cứ vào chủ trương kích cầu của Nhà nước và tỷ lệ thâm hụt ngân sách cả năm 2002 và 2003 là 5% sẽ được Quốc hội thông qua, có thể dự báo tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP các quý trong 2 năm tới như sau: -1,43% trong các quý I, -1,62% trong các quý II, -4,29% trong các quý III và -6,96% trong các quý IV.
4) Dự báo các sai số
Dự báo sai số là một công đoạn rất phức tạp và tốn kém trong toàn bộ quy trình dự báo vì các sai số không phụ thuộc vào các hiện tượng kinh tế xã hội mà mang tính chất ngẫu nhiên. Do các chuyển động ngẫu nhiên cũng có thể mang một số đặc trưng nào đó nên có thể áp dụng các kỹ thuật của lý thuyết xác suất thống kê để tìm ra quy luật dao động của các sai số, từ đó đưa ra các dự báo sai số.
Tuy vậy, trong điều kiện nước ta hiện nay, khó có thể dự báo sai số theo kỹ thuật trên. Vì vậy, trong mô hình, chúng tôi chấp nhận cho các sai số bằng không nếu sai số của biến kinh tế tương ứng thấp, và bằng sai số ước lượng mô hình nhưng được giảm dần theo một tỷ lệ nhất định trong quá trình mô phỏng.
[1] Các báo gần đây đưa ra nhiều thông tin dự báo khác nhau. Một số dự báo cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng âm trong quý III và quý IV năm 2001, sau đó sẽ tăng trưởng dương từ quý I/2002. Một số dự báo khác cho rằng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ không tụt xuống tới mức âm và sẽ phục hồi sớm hơn. Tổ chức LINK thuộc Ban thư ký Liên hợp quốc dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ quý III/2001 là -0,52%, quý IV/2001: -1,16% (thực tế quý I/2001 là +1,32%, quý II/2001 là 0,31%). Báo Nhân dân ngày 12/10/2001 cho biết Liên hợp quốc vừa đưa ra dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm xuống còn 0,6% trong quý III/2001 và sau đó tăng lên 1,3% ngay trong quý IV/2001; tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2001 ước tính chỉ tăng 1,4% thay vì 2,4% dự kiến vào tháng 4/2001 (theo báo cáo "Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2001" của Liên hợp quốc công bố ngày 10/10/2001, trong đó đã tính đến ảnh hưởng của thảm hoạ ngày 11/9/2001.
[2] Theo Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia thống kê của Liên hợp quốc, ảnh hưởng kinh tế trực tiếp và dây truyền của sự kiện 11/9/2001 không lớn đối với nền kinh tế Mỹ vì hàng năm WTO tạo ra khoảng 10 tỷ USD cho GDP, chỉ bằng 1/100 GDP của New York và 1/1000 GDP nước Mỹ; giá trị mấy toà nhà chỉ khoảng 10 tỷ USD, chi phí bồi thường bảo hiểm khoảng 30 tỷ USD; như vậy tổng thiệt hại kinh tế khoảng 40 tỷ USD, một con số rất nhỏ. Với việc mất đi một số cơ sở hạ tầng, việc xây dựng lại các khu vực bị phá hoại sẽ làm cho hoạt động của New York tăng lên, làm cho thu nhập tăng lên. Tuy nhiên, sự kiện 11/9 xảy ra đúng lúc nền kinh tế Mỹ và thế giới đang suy giảm nên nó có ảnh hưởng mạnh hơn những lần ảnh hưởng trước (xem báo Nhân dân ngày 15/9/2001).
[3] Phan Lương (theo báo chí nước ngoài) "Tổn thương ở mức độ nào ?", Báo Đầu tư số 121 (761) ngày 8/10/2001.
[4] Các ngân hàng trung ương đã phản ứng rất nhanh và thống nhất trong việc cắt giảm lãi suất. Cùng với cắt giảm lãi suất ở Mỹ, trong các ngày 17 và 18/9/2001, ECB đã cắt giảm lãi suất 0,5 điểm, đưa lãi suất cơ bản xuống còn 3,75% là mức vẫn khá cao, NHTW Anh cắt giảm 0,25 điểm; các NHTW Canada, Thuỵ sĩ, Thuỵ điển, australia, New Zealand, Hàn quốc, Malaysia... đều đồng loạt cắt giảm từ 0,25 đến 0,5 điểm. Các nhà kinh tế đều tin rằng lãi suất thế giới sẽ còn giảm trong quý IV/2001.
[5] Theo ước tính và dự báo của tổ chức LINK vào tháng 4/2001, xuất khẩu thế giới năm 2000 tăng 12,3%, năm 2001 tăng 6,4%. Tăng trưởng nhập khẩu của các nước công nghiệp năm 2000 là 11,5%, năm 2001 chỉ còn là 6,5%; các số liệu tương tự của Bắc Mỹ là 18,8% và 3,1%, riêng Mỹ 20,3% và 3,4%; Nhật bản 17,6% và 1,7%; Liên minh Châu âu 7,0% và 9,6%; các nước đang phát triển 19,9% và 7,5%, trong đó Châu Mỹ la tinh 16,4% và 8,9%, Châu phi 9,5% và 5,2%, Đông nam á 22,8% và 7,1%.
[6] Ngân hàng thế giới (2001) "East Asia update", The World Bank, March 2001.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét