Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

Thọ hoàn toàn không muốn nhận Nobel Hòa bình 1973?

Những người VN có tri thức và lương tri đều biết Lê Đức Thọ, biệt danh Sáu Búa, là một kẻ tàn ác, sẵn sàng chà đạp, tiêu diệt dã man những người không cùng phe cánh, nhất là các nhân sĩ yêu nước, là chủ mưu và là người tổ chức thực hiện chiến dịch đàn án dã man những người của chế độ Sài Gòn sau khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975. Do đó họ rất khinh bỉ, căm phẫn nhân vật lịch sử này.
Có đúng là ông Lê Đức Thọ hoàn toàn không muốn nhận Nobel Hòa bình 1973?
8 tháng 10 2021 - BBC - 
Nhà đàm phán Bắc Việt, ông Lê Đức Thọ từ chối nhận Nobel Hòa bình chung với 'kẻ thù' Henry Kissinger nhưng sau chiến tranh có nói với truyền thông Phương Tây rằng nếu được 'trao riêng thì ông vẫn nhận'.

Hai ông Lê Đức Thọ và Henry Kissinger tại Paris năm 1973
Trong số người được trao Nobel Hòa bình từ 1901 đến 1973, ông Lê Đức Thọ còn là người thuộc nhóm lãnh đạo đương quyền duy nhất từ cả phe xã hội chủ nghĩa, gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Liên Xô và khối Đông Âu, Cuba, Bắc Hàn, TQ, được trao giải thưởng lớn 'từ phe tư bản', theo quan niệm khi ấy.

Trong một thời gian có lời suy đoán rằng Hà Nội không thể cho một lãnh đạo của mình nhận giải của 'phe địch' khi mà nước đàn anh Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh ngăn cản công dân của họ và người các nước đồng minh Đông Âu nhận Nobel Hòa bình và Nobel Văn học.

Trang Giải Nobel trong mục "The Nobel Peace Prize: revelations from the Soviet past" viết "trong nhiều năm, giải Nobel Hòa bình bị một số nhóm trong xã hội Liên Xô coi là vũ khí trong cuộc chiến ý thức hệ giữa Đông và Tây".

Nhưng chính ông Lê Đức Thọ có đưa ra một lời giải thích của mình năm 1985.

Còn về chính thức, mục Nobel Hòa bình 1973 trên trang của Ủy ban Nobel lại ghi chuyện từ chối giải, 'Refused the Peace Prize' của ông như sau:

"Khi Hà Nội bị ném bom vào mùa Giáng Sinh theo lệnh của Kissinger, Lê Đức Thọ đồng ý ngưng bắn. Nhưng khi ông được trao giải Nobel cùng Kissinger vào mùa thu năm 1973, ông đã từ chối chấp nhận nó, lấy lý do là người cùng nhận vi phạm thỏa thuận ngưng bắn."

Ông Kissinger trái lại đã tự hào nhận giải thưởng vào năm 1973 có giá trị 510 000 kronor.

Một báo Việt Nam hồi 2011, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Lê Đức Thọ, đã nhắc lại chuyện này:

"Đồng chí Lê Đức Thọ được trao giải Nobel Hòa bình cùng Henry Kissinger năm 1973. Tuy nhiên, ông từ chối giải thưởng này vì lý do hòa bình chưa thực sự được lập lại trên đất nước Việt Nam."

Trang Nobel Prize tuy thế vẫn có mục riêng ghi danh ông Lê Đức Thọ (www.nobelprize.org/prizes/peace/1973/tho/facts/) như người được trao nhưng từ chối nhận giải

Trang này cũng nói ông Lê Đức Thọ "sau Thế Chiến đã trở thành một trong những chỉ huy quân sự trong cuộc kháng chiến chống người Pháp".

"Nếu trao riêng thì tôi sẽ nhận"

Tuy thế, hồi năm 2013, báo Việt Nam đăng lại cuộc phỏng vấn của nữ nhà báo Mỹ, Synvana Foa hồi năm 1985, ghi nhận toàn bộ lời giải thích cùa ông.

Trả lời bà Foa, làm cho hãng UPI, ông Lê Đức Thọ nói, theo bản dịch trên Tiền Phong (24/01/2013):

"Mỹ tiến hành xâm lược đất nước tôi 20 năm. Người chống Mỹ và làm cho Mỹ thất bại, giành độc lập đưa hòa bình cho đất nước và cho cả khu vực này là chúng tôi. Người làm hòa bình là chúng tôi chứ không phải Mỹ.

Trong thư gửi Ủy ban Giải Nobel, tôi đã phân tích kỹ Mỹ tiến hành chiến tranh như thế nào? Nhưng Ủy ban Giải đã đặt ngang bằng kẻ xâm lược và người bị xâm lược, giữa kẻ gây chiến tranh và người tạo (làm) hòa bình. Coi chúng tôi cũng như Mỹ. Điều đó là sai lầm và tôi không thể chấp nhận như vậy. Vì vậy tôi đã không nhận Giải thưởng Nobel."

Nhà báo Mỹ đã hỏi thêm rằng [giả sử] bây giờ Việt Nam đã thống nhất, ông có nhận lại giải thưởng đó không, thì được nghe trả lời:

"Về cơ bản với tính chất của giải thưởng đó nó đã sai lầm ngay từ đầu, sai lầm cơ bản. Nếu bây giờ có giải thưởng riêng cho tôi thì tôi nhận."

Ông Lê Đức Thọ cũng lên án Ủy ban Nobel đã trao giải năm đó "có sai lầm, một sai lầm đáng tiếc".


Hòa đàm Paris 1973 với ông Henry Kissinger ngồi giữa

Hai hình ảnh khác nhau về một nhân vật

Với thế giới, người ta chỉ biết ông Lê Đức Thọ là 'nhà đàm phán Bắc Việt", đối thủ của Henry Kissinger, nhưng tại Việt Nam, giới bất đồng chính kiến lại nêu vấn đề họ cho là "quyền lực khuynh loát chế độ" của ông Lê Đức Thọ khi ông làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương ĐCS VN trong nhiều năm.

Tiểu sử của ông Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải) được giới thiệu trên trang của giải Nobel Hòa bình qua như sau:

"Khi đàm phán với Henry Kissinger về cuộc ngưng bắn ở Việt Nam từ 1969 đến 1973, Lê Đức Thọ đã có kinh nghiệm lâu dài trong cuộc chiến chống lại các đại cường. Khi còn trẻ tuổi, ông đã trở thành người Cộng sản và bị chính quyền thực dân Pháp cầm tù nhiều năm. Ông giành chỗ đứng trong nhóm lãnh đạo Đảng Cộng sản trong thời gian Nhật chiếm đóng Việt Nam, thời kỳ Thế Chiến Hai..."

Nhà văn Vũ Thư Hiện, hiện tỵ nạn chính trị tại Pháp, trong cuốn "Đêm giữa ban ngày" xuất bản ở nước ngoài đã mô tả ra một Lê Đức Thọ quyền sinh quyền sát, sẵn sàng cho bỏ tù các cựu đồng chí bất chấp quy định của pháp luật, theo mô hình 'Đảng xử lý kiểu Maoist'.



Ngoài ra, có những ý kiến nói rằng công tác tổ chức nhân sự Đảng mang tính bí mật từ thời chiến, đề cao trung thành hơn trình độ mà ông Lê Đức Thọ để lại và vẫn được duy trì cho đến nay đóng góp không nhỏ vào các căn bệnh mang tính hệ thống của bộ máy công quyền tại Việt Nam, và ngày càng không phù hợp với môi trường kinh tế, xã hội cởi mở, hội nhập.

Ngược lại, hệ thống truyền thông chính thống ở Việt Nam đến nay vẫn ca ngợi ông Lê Đức Thọ, người được đặt tên phố ở quốc gia này.

Mới đây, hôm 7/10/2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Nam Định đã tổ chức Hội thảo khoa học với tựa đề: "Đồng chí Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam".

Hội thảo có nêu "những hoạt động và đóng góp của đồng chí Lê Đức Thọ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý đối với công tác tổ chức, xây dựng Đảng hiện nay", theo trang tuoitrethudo.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58845686

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét