Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

PHU NHÂN

Bệnh viện Vì Dân được xây dựng do bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, vận động quyên tiền từ thiện của nhiều người bao gồm thân hào nhân sĩ, trí thức, thương gia, kỹ nghệ gia... Ngày 4/9/1971 Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng vợ khánh thành Bệnh viện Vì Dân. Bệnh Viện Vì Dân ngày xưa là Bệnh Viện tư, nhưng được điều hành như Bệnh Viện công, nghĩa là không thu viện phí, không thu tiền khám chữa bệnh, không thu tiền các loại thuốc thông dụng có sẵn ở Bệnh Viện, người dân vào khám chữa được miễn phí hoàn toàn. Sau năm 1975, Bệnh viện Vì Dân đổi tên thành bệnh viện Thống Nhất, được dành riêng để chăm lo sức khỏe cho quan chức trung cao cấp của Đảng và Nhà nước. Thời nay ở nước ta đâu còn thấy những phu nhân quan chức cấp cao có những việc làm cao thượng và nhân văn như phu nhân Tổng thống Thiệu, trong khi loại phu nhân chân đất mắt toét đeo hạt xoàn thì nhan nhản. Cũng chỉ còn rất hiếm những phu nhân biết khiêm nhường đứng đằng sau chồng, giúp chồng làm việc chính nghĩa, dù năng lực của họ không kém gì chồng.
PHU NHÂN
Fb Truong Huy San - Hôm nay, mạng xã hội xuất hiện rất nhiều hình ảnh và lời chia buồn khi có tin bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phu nhân cố Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, qua đời (1931-2021). Một “ông anh” của tôi, con trai một nhà ngoại giao thời kỳ đầu của chính thể Việt Nam DCCH - người xuất hiện trong khá nhiều bức hình bên cạnh Hồ Chủ Tịch (bế và dắt tay khi còn là một đứa bé 5-6 tuổi) - viết: “Sau 1975 làm quái gì có 'phu nhân...'; chỉ toàn chân đất, mắt toét đeo hột xoàn”.
Có thể là hình ảnh về 1 người và đang đứng
“Ông anh” tôi quả là quá khắt khe. Đành rằng, phần lớn vợ của các nhà lãnh đạo chính thể Việt Nam DCCH và Cộng hòa XHCN Việt Nam đều xuất thân từ nông dân, nhưng có những người trong số họ làm “phu nhân” cũng rất đáng nể.

Người đầu tiên tôi muốn nói là bà Bảy - Ngô Thị Huệ - phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Bà “làm cách mạng” từ thời “Nam Kỳ Khởi Nghĩa”, cấp trên, đàn chị của những nhân vật như Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhưng, bà giữ mình ở vị trí cấp vụ. Vai trò của bà là đứng sau, hóa giải các xung đột giữa những đồng chí của mình với chồng. Bà cũng là người giúp cho các mâu thuẫn chính trị giữa các nhà lãnh đạo miền Nam với chồng (một người gốc Bắc) không trở thành xung đột [bà sinh 1918].

Người thứ hai là bà Nguyễn Thị Sáu, phu nhân của Cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông Khải, con đầu, mà luôn được gọi là “Anh Sáu, Chú Sáu”, đủ thấy ảnh hưởng của “bà Sáu” lớn như thế nào. Khi hai người lấy nhau, bà Nguyễn Thị Sáu đang giữ vị trí quan trọng hơn ông Phan Văn Khải. Việc ông Phan Văn Khải về Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có vai trò rất lớn của bà. Nhưng, cũng như bà Bảy Huệ, bà Sáu khép mình ở vị trí phó giám đốc sở. Bà là một phu nhân đứng sau, lịch lãm.

15 năm trước, khi đang theo một học bổng ở khu vực Washington, D.C. tôi hay ghé Sứ quán chơi. Một lần, tôi nhận xét một nhà ngoại giao với vợ của ông ấy đang là tham tán công sứ ở đó, “Anh ấy hiền lành quá”. Chị vội vàng đính chính, “Trông vậy nhưng không phải vậy đâu”. Tôi biết, chị rất sắc sảo nhưng vẫn không muốn ai thấy chị sắc sảo hơn chồng.

Có lẽ không ai có thể hiểu nhau hơn những người trong cuộc. Ở đời, có rất nhiều trường hợp người vợ trở thành trụ cột trong gia đình. Người chồng không vì thế để tự tôn hay tự ti mà nỗ lực đóng góp những giá trị bổ sung. Trong chính trị, cũng có không ít những người chồng đứng sau. Và ở tình huống phổ biến, những người vợ thông minh không bao giờ nhảy ra trước “sân khấu” để đọ với chồng mức độ tài năng, sắc sảo.

Họ đứng sau không phải vì họ là nữ (trong một quốc gia trọng nam). Họ đứng sau vì người chồng đang đảm nhiệm những vị trí mà hình ảnh của họ, quyết định của họ ảnh hưởng rất nhiều tới đất nước. Cả thế giới biết, bà Kha Ngọc Chi thời đi học không thua kém gì ông Lý Quang Diệu, nhưng trọn đời bà đứng sau làm phu nhân. Bởi, bà biết, chỉ có cách ấy bà mới đóng góp được nhiều nhất cho đất nước Singapore của bà.

Tôi không nói về bà Nguyễn Thị Mai Anh trong post này, vì, sự nghiệp của chồng bà nên để “thiên thu định luận”. Tôi chỉ nhân một ý kiến của “ông anh”, viết vài dòng về “phu nhân” mà không có ý so sánh (không thể và không nên so sánh).

Và, với vai trò vận động để lập ra bệnh viện Vì Dân (bệnh viện Thống Nhất ngày nay) của bà Nguyễn Thị Mai Anh, đủ thấy, khi một đệ nhất (nhị, tam, tứ) phu nhân muốn khai thác ảnh hưởng của chồng, thay vì mưu cầu địa vị hay tiền bạc, họ chỉ nên làm những việc mà nửa thế kỷ sau, dù yêu hay ghét di sản chính trị của chồng, dân chúng vẫn trân trọng những gì mà các “phu nhân” làm được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét