Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

Chuyện Kissinger đến Hà thành

Đọc câu chuyện dưới đây để biết lịch sử. Tin câu chuyện đúng đến mức nào là tùy mỗi người. Cá nhân tôi rất ác cảm với Đại sứ VN đầu tiên tại Mỹ nhiệm kỳ 1997-2001 là ông Lê Văn Bàng, Thứ trưởng Bộ ngoại giao. Hôm 30/4/2000 khi đang học ở thủ đô Washington của Mỹ, tôi nhận được tin Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ trần hôm 29/4, thọ 94 tuổi. Tôi rất kính trọng bác Đồng. Lần cuối cùng tôi gặp bác là năm 1997 khi cùng các bạn Pháp về Việt Nam tổ chức và dự Diễn đàn kinh tế các nước nói tiếng Pháp. Bác đã tiếp chúng tôi tại Phủ chủ tịch, nói chuyện rất vui và rất dài. Trước đó Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đến dự Diễn đàn và phát biểu một bài cũng rất hay. Tôi không bao giờ quên giọng nói đầm ấm, tiếng cười sảng khoái vô tư của bác Đồng. Vì thế nghe tin bác mất, tôi vội vã đến ngay Đại sứ quán VN tại Mỹ để nghe ngóng tình hình tổ chức viếng bác. Tuy nhiên hôm đó đại sứ quán chưa tổ chức. Mấy hôm sau lễ tang mới chính thức bắt đầu. Tang lễ bắt đầu khoảng 10h sáng, khi tôi cùng mọi người đến thì đã 10h nhưng thật sốc là đại sứ quán vẫn chưa chuẩn bị gì cả. Chúng tôi cùng vào một căn phòng trống trơn, tối tăm rồi cùng nhau dọn dẹp những thứ rác rưởi, bụi bậm trong phòng và nhất là dẹp bỏ đồ đạc trên 1 cái lò sưởi củi ở góc phòng. Sau đó nhân viên đại sứ quán mang đến một lá cờ tổ quốc phủ lên cái lò sưởi, đặt thêm bức ảnh chân dung cựu Thủ tướng. Cũng không nhớ có thêm bát hương hay không, chắc là không. Thế là xong, vô cùng sơ sài, hình thức. Chúng tôi gồm bạn bè người Việt và nhân viên sứ quán chỉ khoảng 20 người đứng viếng. Sau nghi lễ mặc niệm, đại sứ Bàng đọc điếu văn do Bộ Ngoại giao soạn sẵn gửi sang. Sau đó là kết thúc. Tôi không biết sau này các đoàn ngoại giao quốc tế đến viếng thì đại sứ quán tổ chức thế nào chứ buổi ban đầu làm quá tệ. Lỗi chính thuộc về đại sứ Lê Văn Bàng, làm tôi từ đó mỗi khi nghe đến tên ông là thấy ghét.
Chuyện Kissinger đến Hà thành 
17/10/2021, Tác giả: Ghi chép của Xuân Ba
Chỉ ít bữa sau cuộc ký chính thức Hiệp định Ba Lê mùa xuân năm 1973 ấy, Kiến trúc sư chính kiêm Cố vấn Kissinger đã đến Hà Nội chấp thuận lời mời của cái người từng mắng mình, ông Cố vấn Lê Đức Thọ!
Có thể là hình ảnh về 5 người
Mắng? Chi tiết thú vị mà nữ phóng viên Synvana FOA của hãng thông tấn Mỹ UPI trong lần phỏng vấn Cố vấn Lê Đức Thọ (ngày 15/3/1985) đã cho hậu thế biết thêm về tính cách ông Cố vấn. Đó là chuyện các yếu nhân thế giới như Ngoại trưởng Pháp Dobre, Ngoại trưởng Liên Xô Gromukco, Chu Ân Lai… đã từng tò mò lẫn e ngại khi hỏi ông Thọ rằng có phải ông đã từng nhiều lần đập… bàn trước Kissinger ở cuộc hòa đàm Ba Lê? Ông Lê Đức Thọ đã cười, vì những lần ấy ông Kít trong đàm phán tráo trở lật lọng!

Rồi một chi tiết nữa. Lần ấy hiếm hoi không khí cuộc đàm phán như chùng xuống, hòa dịu. Ông Kít cười “Bây giờ ông Cố vấn đàm phán với tôi, nói như mắng tôi. Thế còn sau này kết thúc đàm phán chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình rồi thì ông Cố vấn mắng ai? Ngài có mắng cán bộ của mình như mắng tôi không?”. Lê Đức Thọ điềm nhiên “Xin ngài chớ nặng lời lúc tôi trình bày với ngài. Tôi chỉ nói lên tiếng nói của nhân dân tôi thôi. Cán bộ của tôi có quay quắt lật lọng tráo trở đâu mà tôi phải mắng!”

Hơi tiếc, đến tận bây giờ, vẫn quá hiếm hoi những dòng về cuộc thăm Hà Nội bất ngờ lần ấy của Kissinger. Hóa ra Kissinger đã đến Hà Nội 2 lần! Ông ta có kể sơ qua trong hồi ký là năm 1967, ông bí mật tới Hà Nội thực hiện sứ mệnh hòa bình làm trung gian hòa giải giữa Washington và Hà Nội. Và lần thứ hai, tháng 2 năm 1973.

*

Tôi ngược về Xứ Đoài tìm đến căn nhà giản dị ở ven thành Sơn Tây. Chủ nhân là một người đứng tuổi đương cần mẫn trên mảnh vườn bé nhỏ. Khó nhận ra đó là một sứ thần tên tuổi của ngành ngoại giao một thuở một thời. Câu chuyện giữa chủ và khách như cuốn phim quay chậm của một quá vãng liệt oanh? Nhân vật chính của chúng ta, một chuyên viên của Bộ Ngoại giao từng ở Paris cuối năm 1972 bám sự kiện Hiệp định Paris. Ông làm cái việc theo dõi báo chí và dư luận Mỹ để báo cáo cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Chính trị. Sau này ông đảm nhận vị trí phụ trách quan hệ của Vụ Bắc Mỹ. Rồi từ một trưởng phòng liên lạc, đại biện lâm thời, ông trở thành đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ. Thôi chức Thứ trưởng Bộ ngoại giao vào đầu năm 2008, ông lại tham gia dự án KX03 về chính sách đối ngoại của Đảng, trong đó phần của ông là quan hệ song phương Việt - Mỹ trong các mối tương quan song phương và đa phương khác. Người đó là cựu Đại sứ Lê Văn Bàng!

Hà Nội vừa qua những ngày khói lửa ác liệt của cuộc tập kích B52. Ông Bàng được giao việc bí mật, đột xuất. Phiên dịch cho đoàn thăm của cố vấn Kissinger tới Hà Nội. Có thể nói đó là một dịp may bất ngờ! Vừa ở Paris về và đối với một nhân viên ngoại giao mới vào ngành chỉ hơn một năm sau khi tốt nghiệp đại học ở Cuba, chuyên ngành tiếng Anh, mà đã được giao một việc trọng. Công việc cụ thể của ông Bàng chỉ là phiên dịch cho nhóm phi công của chuyên cơ Kissinger. Đoàn của ông Kissinger đến Nội Bài vào buổi tối ngày 10/2/1973 (Mồng Tám Âm lịch Tết Quý Sửu). Khi đó, sân bay Nội Bài còn ngổn ngang tung toé sau những trận bom. Ngay cái đường băng cũng mới được dọn dẹp vội cho chuyên cơ của Kít hạ cánh. Đường từ Nội Bài về nội thành hai bên đường chi chít hố bom. Có đoạn đoàn xe phải vòng tránh. Có đọạn đi rất chậm. Ông Cố vấn Lê Đức Thọ chỉ cho ông Kít những hố bom nối dài tít tắp…

Sáng hôm sau có trục trặc nhỏ. Phiên dịch chính cho các ông Xuân Thủy, Lê Đức Thọ suốt cả các cuộc hội đàm dài dặc là Nguyễn Đình Phương bận việc đột xuất. Vậy là Lê Văn Bàng phải gánh việc phiên dịch cho Kissinger. Đoàn ông Kissinger trên đường đến đến thăm Bảo tàng Mỹ thuật ở Phố Nguyễn Thái Học. Một cành bích đào xum xuê còn chi chít nụ trưng ở sảnh chính Bảo tàng. Hơi xuân Quý Sửu Hà thành như còn đương chùng chình đưa hết

Ông Lê Văn Bàng kể lại, chẳng biết có phải ngẫu nhiên tình cờ không mà ông Kissinger đã dừng lại khá lâu ở các phòng trưng bày điêu khắc gỗ các thế kỷ 16, 17, 18 cùng các phiến đoạn chạm khắc gỗ phản ánh tinh thần lạc quan bất khuất yêu đời trong sinh hoạt dân gian của dân tộc Việt Nam, một thứ vũ khí tinh thần lợi hại mà các nghệ sĩ dân gian đã gửi gắm lại… Dừng lại ngắm nhìn và không hỏi thêm gì

Việc ông Kít và Đoàn khách Mỹ bí mật đến thăm Bảo tàng đã bị loang khắp. Khi kết thúc cuộc tham quan, ông Bàng bất ngờ trước một cảnh tượng lạ. Ấy là dân mình đang tập trung rất đông ở lối cổng chính nhà bảo tàng cứ như đang biểu tình phản đối. Nhiều người trong tay còn lăm lăm gạch, đá. Nhiều người còn chít cả khăn tang trắng. Vừa mới đây thôi, mối thù An Dương, Khâm Thiên, Bạch Mai với những trận B52 còn còn nóng hổi mà

Đả đảo Đế quốc Mỹ! Nợ máu Nixon phải trả bằng máu!... Đâu đây có tiếng hô hét.

Anh phiên dịch Lê Văn Bàng và một số cán bộ cùng đi ngước cái nhìn lo lắng sang ông Cố vấn. Rất nhanh có lẽ cái nhìn lo lắng ấy diễn ra và có từ trước với H. Kissinger và đoàn tùy tùng Hoa Kỳ khi tận mắt chứng kiến đoàn người dân bịt kín lối ra cổng chính. Cái cười nhẹ, tươi tắn như vẫn không tắt trên gương mặt ông Cố vấn. Rất nhanh ông nói nhỏ gì đấy với một cán bộ bên cạnh. Người ấy tiến nhanh đến đám đông và nói gì đấy. Và cũng rất lẹ, đoàn khách Mỹ được lệnh trở lại Bảo tàng. Một lúc sau. Cánh cổng phụ bảo tàng trổ sang đường Cao Bá Quát đã được mở. Tất cả yên lành rời bảo tàng tiếp tục cuộc thăm tới Bảo tàng Lịch sử.

Sau này đọc những dòng của H. Kissinger trong hồi ký: “Người dân ở đây trông rất nghiêm trang, đứng đắn, xa cách và thờ ơ. Trên gương mặt họ không thể hiện cho chúng ta biết được điều gì đã thúc đẩy những nam thanh nữ tú này chiến đấu và chịu đựng một cách ngoan cường đến vậy...”. Không biết có phải tác giả cuộc tập kích B52 xuống Hà Nội 12 ngày đêm ấy viết về sự kiện sáng đó ở Bảo tàng Mỹ thuật không nhỉ?

Cuộc thăm Bảo tàng Lịch sử không xảy ra cuộc tụ đông người trước cổng. Không phải là không có! Nhưng rất may an ninh đã làm tốt cái việc giải tỏa.

Cái vốn tiếng Anh hồi ấy chưa phải đã là xông xênh tày tặn đối với một cán bộ mới vào làm ở Bộ Ngoại giao như Lê Văn Bàng. Anh học tiếng Anh ở La Habana. Và tất nhiên thạo tiếng Tây Ban Nha hơn… Khi cả đoàn dừng lại ở gian trưng bày và mô tả trận đánh trên sông Như Nguyệt đánh thắng cuộc xâm lược quân Tống của anh hùng Lý Thường Kiệt thì H. Kissinger trỏ vào bài thơ Thần Nam quốc sơn hà… Lê Văn Bàng thoắt toát mồ hôi. Nhưng anh nhanh chóng trấn tĩnh chăm chú vào lời của cô thuyết minh. Và cũng rất nhanh, ngữ nghĩa bài thơ đã được anh chuyển tới các vị khách Hoa Kỳ. Thoáng, vâng thoáng chút và rất nhanh thôi, Lê Văn Bàng cố đọc trên khuôn mặt Kissinger lẫn của ông Cố vấn! Điều gì ư? Hiệu ứng, chất lượng của lời dịch chuyển ngữ chẳng hạn? Trong khi đó thì ông cố vấn cũng đang hướng cái nhìn chăm chú sang vị khách. Bất ngờ ngài cố vấn Kissinger sau này là Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã bật lên một thán từ. Âm thanh của thán từ ấy như ngạc nhiên, như là sửng sốt! Kèm luôn là động thái giơ hai bàn tay lên của ông Kít là âm lượng cùng chất giọng của khách (cái thứ tiếng Anh mà ngay từ đầu gặp, Lê Văn Bàng coi tiếng Anh của ông Kít khá là khó nghe). Nhưng Lê Văn Bàng đã hiểu ngay, và rành rẽ có luôn một lời dịch:

Vâng, nội dung bài thơ chính là Điều I Chương I của Hiệp định Paris vừa ký kết!

(Điều 1 trong Chương I của Hiệp định Paris: “Hoa Kỳ và các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam”)

Không khí gian phòng đương tĩnh lặng bỗng rộn lên những âm thanh xuýt xoa! Ông Cố vấn Lê Đức Thọ như gây thêm ấn tượng với khách bằng chất giọng trầm điềm tĩnh, ông đọc lại bài thơ Thần. Đợi cho âm thanh Hán Việt của bài thơ lắng xuống, ngài Kít khoát thêm một vòng tay.

Bây giờ tôi mới hiểu thảo nào trong đàm phán, ngài từng đã khăng khăng và nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu trả lời khi bàn về quân đội miền Bắc ở miền Nam Việt Nam.

Khách Mỹ dừng một lúc lâu ở gian trưng bày cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc. Khi nghe giới thiệu dân tộc Việt Nam đã ba lần chiến thắng quân Nguyên, ông Kissinger thốt lên một câu mà khi dịch bất giác Lê Văn Bàng thấy gai ốc như dựng lên khắp sống lưng. Mặc dù anh biết đó là vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp rằng chớ nên để cảm xúc lấn át.

Cái câu ấy là: “Với chúng tôi một lần đánh nhau với các ông cũng thấy là quá đủ!”.

Sau câu ấy, một thoáng sau, các cung bậc cười vui vẻ lan khắp.

Bữa ăn tối ấy chiêu đãi đoàn khách Mỹ, ông Lê Văn Bàng không có mặt.

*

Bây giờ chúng ta lại trở lại với Nguyễn Đình Phương, người phiên dịch, nhà ngoại giao suốt gần 5 năm trời luôn cặp kè như hình với bóng bên cạnh Xuân Thủy – Hariman - Lê Đức Thọ - Kissinger. Căn nhà chật chội của ông trong ngõ Thanh Miến gần Miếu Văn, tôi may mắn được nhiều lần ghé. Xong Hội nghị Paris, ông Phương về công tác ở Bộ ngoại giao. Từng là Vụ trưởng Tây Bắc Âu, rồi đại sứ kiêm nhiệm ở các nước Bắc Âu gồm Thuỵ Điển, Đan Mạch, Nauy, Iceland... Từ khi về hưu năm 1992, một thứ vui đeo bám ông là dịch sách, dịch tài liệu cho một số nhà xuất bản. Hàng chục cuốn dầy cộp mấy trăm trang in từ tiếng Việt được ông chuyển ngữ sang tiếng Anh Cuộc đối đầu Lê Đức Thọ - Kissinger; Lịch sử Việt Nam; Du lịch Việt Nam; Cơ sở văn hoá Việt Nam v.v... được xuất bản đều đặn. Ngày nào ông cũng ngồi vào bàn như thế với cặp kính không biết số bao nhiêu nhưng dầy ơi là dầy. Trợ giúp cho cặp kính ấy lại thêm một chiếc kính lúp tiết diện bằng miệng cái bát ăn cơm để “phóng” ra những con chữ từ những thứ li ti trong cuốn từ điển hàng ngàn trang nặng hàng ký. Lọt thỏm trong đám sách vở giấy tờ là chiếc máy chữ chuyên gõ tiếng Anh kiểu cổ khổ chỉ bằng chiếc điện thoại để bàn.

Rồi một trận ốm đột ngột đã đưa người phiên dịch - nhà ngoại giao Nguyễn Đình Phương về với tiên tổ!

Sinh thời, có lần tôi đã tò mò gạn ông về cái bữa cơm tối ông Cố vấn mời ngài Kít. Ngạc nhiên khi biết thêm một nguyên tắc nghiêm nhặt. Bởi nội dung choán phần lớn bữa ăn là ông Cố vấn bàn riêng với ông Kít, người phiên dịch (cho đến mấy chục năm sau) vẫn chưa được phép tiết lộ. Nhưng thời gian còn lại bữa chiêu đãi tối ấy tinh những chuyện vui! Thời điểm ấy chưa qua Rằm Tháng Giêng Quý Sửu nên ông Cố vấn nói vui là bữa nay mời ngài Cố vấn ăn Tết Việt Nam. Mọi người chứng kiên ông Cố vấn ân cần gắp cho ngài Kít lát bánh chưng, kèm lời lý giải cặn kẽ, thứ giống nếp cái hoa vàng từ khi trồng cấy đã được người nông dân Nam Định quê ông chăm sóc như thế nào để có thứ gạo thơm ngon làm nên thứ bánh chưng này. Rồi cũng từ thứ gạo ấy các công đoạn chưng cất để ra hai thứ rượu nếp cái ngọt và thứ rượu gạo trong suốt như mắt mèo (làm ông Phương phải loay hoay tìm cái từ tương ứng để biểu đạt hết cái ý mắt mèo ấy) ra làm sao! Rồi ông Cố vấn lại thân rót mời thêm cái người mà mình từng đập bàn ở Hội nghị đàm phán thêm mấy ly mắt mèo nữa!

Điều thú vị là ngài Kít ăn uống rất thiệt tình. Chi tiết cuối bữa ăn là ông Cố vấn nói nhỏ với chỗ bộ phận phục vụ đem ra cặp chai sáu lăm (0,65ml) hai chai rượu mắt mèo nếp cái hoa vàng làm quà tặng ngài Kít!

Nguồn Văn nghệ số 42/2021
http://baovannghe.com.vn/chuyen-kissinger-den-ha-thanh-23885.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét