Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

Lằn ranh giữa lạm dụng từ nước ngoài và chuyển mã ngôn ngữ

Các bạn trẻ nên đọc bài này. Sự kết hợp nhiều thứ tiếng khác nhau trong một câu nói không phải là dấu hiệu cho thấy một người không thể nói tốt các ngôn ngữ. "Khi đã đạt đến trình độ song ngữ nhuần nhuyễn, mọi người không chỉ ghép các từ lại với nhau một cách ngẫu nhiên. Cách nói của họ tuân theo các quy tắc ngữ pháp, bất kể có một hay nhiều ngôn ngữ tham gia.
Lằn ranh giữa lạm dụng từ nước ngoài và chuyển mã ngôn ngữ
"Enjoy cái moment", "hoạt activities", "throwback lại" - cách nói chuyện "nửa Tây nửa ta" của Chi Pu khiến giới trẻ tranh cãi về việc chêm từ nước ngoài vào các cuộc hội thoại. “Vũ ơi, khách mới đổi brief, em xem check mail rồi chỉnh lại nhé, design thêm một option khác” - đó là một trong những câu nói quen thuộc với Nguyễn Quang Vũ (22 tuổi), nhân viên thiết kế.

Chêm tiếng nước ngoài vào cuộc trò chuyện không còn là chuyện hiếm với giới trẻ. Ảnh: Phương Lâm.

Làm việc trong ngành Marketing, Vũ thường xuyên nghe mọi người trao đổi với nhau theo kiểu chêm tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt. Chàng trai ước tính tình trạng này diễn ra khoảng 40% trong các cuộc hội thoại và hay phổ biến với những người có tần suất giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ hai dày đặc.

“Có nhiều thuật ngữ chuyên ngành như ‘insight’, ‘brief’, ‘A/B Testing’... dịch ra thì vẫn được nhưng nghĩa ngượng nghịu nên ai cũng dùng từ tiếng Anh luôn cho tiện. Điều này là chuyện bình thường với dân trong ngành, nhưng khi nói chuyện ở môi trường khác thì mình phải tiết chế”, Vũ nói với Zing.


Ngoài ra, vì học chuyên ngành ngoại ngữ, việc suy nghĩ bằng tiếng Anh giúp Vũ tiếp cận kiến thức nhanh hơn.

Không chỉ riêng Quang Vũ, đệm ngoại ngữ đã trở thành một phần tất yếu trong giao tiếp với giới trẻ ngày nay. Một số cho rằng đây là xu hướng tự nhiên của việc sử dụng song ngữ (bilingual) và đa ngôn ngữ (multilingual). Trong khi số khác thì phản đối vì điều này gây khó chịu cho người nghe và làm mất thiện cảm với đối phương.

"Loạn" ngôn ngữ

Vũ cho biết thêm từ khi học tiếng Trung, dung lượng não của anh gần như bị quá tải bởi 3 hệ thống ngôn ngữ cạnh tranh nhau. Chàng trai phải dùng “code-switching” (chuyển mã: hành động chuyển đổi qua lại nhiều loại ngôn ngữ trong lời nói, thường xảy ra giữa những cá nhân biết nhiều hơn một thứ tiếng) nhiều lần khi nói chuyện để diễn tả ý muốn.

“Lúc nghiên cứu về thiền và các ứng dụng liên quan bằng tiếng Anh, mình đọc chữ ‘meditation’ nhiều quá nên lúc nói chuyện với chị gái phải múa máy tay chân, bật các hình ảnh liên quan mới nhớ ra được chữ thiền”, Vũ kể.

Theo Vũ, chuyện lãng quên tiếng mẹ đẻ trong một vài thời điểm khi học nhiều ngoại ngữ là hiện tượng bình thường. Vì điều đó rất khó tránh nếu bản thân vô thức bật ra lời nói theo quán tính, thói quen.


Như Uyên phải điều chỉnh việc chêm ngoại ngữ từ khi về nước. Ảnh: NVCC.

Tương tự Quang Vũ, Như Uyên (22 tuổi), nhân viên ngân hàng, cũng gặp tình trạng này khi vừa đi du học từ Singapore về. Hồi còn ở nước ngoài, hầu như lúc nào cô cũng nói chuyện chêm ngoại ngữ với bạn bè nên khi về nước điều đó đã trở thành thói quen.

“Thời gian đầu, mình quên khoảng 30% tiếng Việt, nhiều khi bị khựng lại và cần mấy phút suy nghĩ. Nhưng từ khi vào đi làm, mình phải điều chỉnh gấp vì các đồng nghiệp trong cơ quan ngại nói chuyện xen lẫn tiếng Anh, bạn bè mình cũng vậy”, Uyên chia sẻ.

Trong hơn 6 năm theo học tiếng Nhật, Lê Ly (25 tuổi) và bạn bè thường xuyên nói những câu lẫn lộn tiếng Nhật và Việt.

"Thay vì nói 'Hôm nay mệt mỏi chán quá không muốn làm gì cả', tụi mình sẽ nói 'Hôm nay không có 'yaruki' làm gì cả'. Ngoài việc học tiếng ra thì tụi mình nói vậy bởi ai cũng hiểu và nó ngắn gọn hơn".

Tuy nhiên, có một vài giai đoạn, Ly bắt đầu cảm thấy mình bị "loạn ngôn ngữ". Đôi lúc, cô nói chêm ngoại ngữ khi trò chuyện với bạn bè Việt Nam, những người không học tiếng Nhật, mà không hề hay biết.

"Khi sang Nhật Bản du học, mình nói tiếng Nhật thường xuyên và đôi khi giật mình vì quên cách diễn đạt trong tiếng Việt. Lúc mới về nước và làm việc trong một công ty Nhật Bản, nhiều lúc đi với bạn bè mình vô ý bật ra một số từ tiếng Nhật. Một số bạn bè học tiếng Nhật của mình cũng gặp trường hợp tương tự. Lúc uống say, họ thậm chí chỉ nói chuyện bằng tiếng Nhật và tiếng Anh".

Đúng lúc, đúng chỗ

Theo tiến sĩ Sharon Unsworth, nhà ngôn ngữ học tại Đại học Radboud (Hà Lan), sự trộn lẫn ngôn ngữ là một hiện tượng bình thường với những cá nhân, cộng đồng sử dụng song ngữ hoặc đa ngữ.

"Những lo ngại về sự pha trộn ngôn ngữ xuất phát từ quan điểm về thế giới, trong đó nhiều nơi, bao gồm cả Hà Lan, việc nói đơn ngữ được coi là chuẩn mực và song ngữ là ngoại lệ. Thay vì lo lắng về sự pha trộn, có lẽ đã đến lúc mọi người nên chấp nhận song ngữ".

Sự kết hợp nhiều thứ tiếng khác nhau trong một câu nói không phải là dấu hiệu cho thấy một người không thể nói tốt các ngôn ngữ.

"Khi đã đạt đến trình độ song ngữ nhuần nhuyễn, mọi người không chỉ ghép các từ lại với nhau một cách ngẫu nhiên. Cách nói của họ tuân theo các quy tắc ngữ pháp, bất kể có một hay nhiều ngôn ngữ tham gia.

Trộn lẫn các ngôn ngữ thực sự là một quá trình khá sáng tạo, trong đó những người nói song ngữ phải sử dụng tất cả kiến ​​thức của họ để giao tiếp", tiến sĩ cho hay.


Các cộng đồng đa ngữ, song ngữ dễ dàng chấp nhận hiện tượng "code-switching" (chuyển mã) trong ngôn ngữ. Ảnh: NPR.

Tuy nhiên, bà Unsworth lưu ý rằng hiệu quả của sự pha trộn ngôn ngữ còn phụ thuộc vào đối tượng, nội dung và hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.

Với Mai Anh (19 tuổi), du học sinh Canada, “code-switching” là phương tiện giúp cuộc hội thoại trở nên tự nhiên hơn. Nữ sinh cho biết hầu như bạn bè người Việt của cô ở nước ngoài đều chêm ngôn ngữ khác khi nói chuyện.

Tuy nhiên, Mai Anh chỉ sử dụng “code-switching” khi chắc chắn đối phương hiểu mình đang nói gì.

Theo Mai Anh quan sát, người nói song ngữ (bilingual) dễ trở thành "byelingual" - hiện tượng học hai ngôn ngữ nhưng lại dần quên mất từ vựng của cả hai - nếu không kiểm soát được việc sử dụng ngoại ngữ và lạm dụng việc chêm quá nhiều.

“Khi nói chuyện với người lớn tuổi hoặc những người chỉ nói tiếng mẹ đẻ mà đệm từ lóng hay ngôn ngữ khác thì sẽ khiến họ bối rối và phải hỏi lại. Từ lúc nhận ra tình trạng quên tiếng Việt, mình phải nói chậm hơn hoặc hỏi trực tiếp đối phương nghĩa của từ để khắc phục việc này”.

Trong trường hợp của Lê Ly, những lúc bị "lậm tiếng Nhật" khi nói chuyện với bạn bè Việt Nam, những người không học tiếng Nhật, cô luôn ngay lập tức xin lỗi và giải thích điều mình vừa nói.

"Mình nghĩ đó là phép lịch sự, thể hiện sự tôn trọng khi giao tiếp với người khác. Bạn phải chắc chắn đối phương hiểu và cảm thấy thoải mái với những gì bạn nói", Ly chia sẻ.

https://zingnews.vn/lan-ranh-giua-lam-dung-tu-nuoc-ngoai-va-chuyen-ma-ngon-ngu-post1271067.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét