Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

Bao giờ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành?

Câu hỏi đặt ra quá khó để trả lời trước tình hình nhà thầu Trung Quốc từ chối hợp tác hoàn thiện dự án hiện nay. Trước đó Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần tuyên bố sẽ đưa dự án vào vận hành vào ngày này tháng nọ nhưng rồi đều lỡ hẹn. Tôi dự đoán nhanh nhất và may mắn nhất thì cũng phải đến dịp 02/9 năm 2022 mới có thể thông xe kỹ thuật đồng bộ toàn tuyến và sau đó mới đưa vào vận hành được!
Bao giờ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành?
17-10-2021 - Trong dự thảo báo cáo gửi Quốc hội về tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Chính phủ đã đề cập thời gian dự kiến đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Cụ thể theo dự thảo báo cáo của Chính phủ để gửi Quốc hội về dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dự án đã hoàn thành toàn bộ phần xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành thử toàn hệ thống theo tiêu chuẩn dự án vào tháng 12/2020. 
Bộ Xây dựng khẳng định hội đồng chỉ tổ chức họp, kiểm tra công tác nghiệm thu dự án sau khi chủ đầu tư hoàn thành nghiệm thu công trình. Dự kiến thời gian nghiệm thu là trong tháng 10 này.
Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành công tác nghiệm thu dự án. Trên cơ sở kết quả nghiệm thu các công trình thành phần, nghiệm thu tổng thể dự án, Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo hoàn thành gửi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đề nghị tiến hành kiểm tra và có ý kiến chấp thuận về công tác nghiệm thu.

"Do dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp (bao gồm nhiều chuyên ngành), lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên quá trình hoàn thiện thủ tục nghiệm thu bàn giao kéo dài", dự thảo báo cáo đề cập.


Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn một số vướng mắc, chủ yếu là công tác thanh toán và việc thực hiện ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước (Ảnh: Đ.Quân).

Ngoài ra dự thảo cũng cho biết, Cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã thường xuyên tổ chức các buổi kiểm tra, rà soát hồ sơ tài liệu trong quá trình thực hiện dự án; đồng thời đã tiến hành kiểm tra tổng thể hiện trường dự án (ngày 23/7 vừa qua). Dự kiến Hội đồng sẽ tổ chức họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng trong dịp đầu tháng 10.

Sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng kiểm tra nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiến hành bàn giao dự án cho UBND Thành phố Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định.

Về kế hoạch bàn giao, tiếp nhận dự án, Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất chủ trương về kế hoạch bàn giao, tiếp nhận dự án (bao gồm hồ sơ tài liệu; mặt bằng, các mốc chỉ giới; tài sản hình thành sau đầu tư; khoản nợ theo cơ chế tài chính của dự án…).

Hiện nay đã tiến hành bàn giao một phần các văn bản pháp lý, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật... của dự án theo tiến độ chuyển giao. Do khối lượng bàn giao lớn, bao gồm nhiều hạng mục nên công tác kiểm đếm đã được các bên bắt đầu triển khai từ cuối năm 2020.

Đánh giá về quá trình thực hiện, dự thảo báo cáo của Chính phủ cho biết, dự án từ khi khởi công đến nay gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư. Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng đến khảo sát, thiết kế, thi công, tiến độ và chi phí dự án. Ngoài ra quy định của Việt Nam về hình thức hợp đồng EPC chưa rõ ràng, có nhiều khác biệt với thông lệ quốc tế nên hợp đồng EPC ký kết ban đầu chưa hoàn chỉnh, thiếu chặt chẽ, chưa đúng với bản chất hợp đồng EP.

Dự án được sử dụng nguồn vốn ODA của nhà tài trợ nước ngoài, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới và lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam nên phía Việt Nam chưa lường hết các yêu cầu về kỹ thuật công nghệ.

Thủ tục bổ sung Hiệp định và hiệu lực Hiệp định kéo dài; các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về đơn giá, định mức có nhiều thay đổi và chưa ban hành kịp thời.

Dự án trải qua hai đợt nền kinh tế Việt Nam bị lạm phát cao đã ảnh hưởng lớn đến giá nhân công, vật tư, vật liệu xây dựng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh; ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay...

Quá trình thực hiện dự án của tổng thầu còn bộc lộ nhiều hạn chế trong chỉ đạo, điều hành và quản lý, phụ thuộc nhiều vào các đơn vị liên kết; chưa thực hiện các yêu cầu của chủ đầu tư nên thường xuyên chậm trễ hoàn thành các hạng mục theo mốc tiến độ đã cam kết.

Trước đó, góp ý về dự thảo báo cáo (do Bộ Giao thông Vận tải thay mặt Chính phủ soạn thảo), lãnh đạo Bộ Xây dựng đã đề nghị sửa một số nội dung trong dự thảo báo cáo cho phù hợp với tiến độ hoàn thành nghiệm thu đường sắt Cát Linh - Hà Đông trên thực tế.

Cụ thể, thứ nhất, Bộ Xây dựng đã đề nghị sửa nội dung báo cáo trên thành "Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành nghiệm thu tổng thể công trình. Trên cơ sở kết quả nghiệm thu các công trình thành phần, nghiệm thu tổng thể công trình, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo hoàn thành gửi Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng...".

Thứ hai, về nội dung "Dự kiến Hội đồng sẽ tổ chức họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng trong dịp đầu tháng 10...", Bộ Xây dựng đề nghị sửa lại là: "... Hội đồng sẽ tổ chức họp kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư sau khi chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình, dự kiến trong tháng 10/2021...".

Như vậy, về tiến độ nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trước đó Bộ Giao thông Vận tải cho biết dự kiến Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng sẽ tổ chức họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng vào đầu tháng 10.

Tuy nhiên Bộ Xây dựng khẳng định hội đồng chỉ tổ chức họp, kiểm tra công tác nghiệm thu dự án sau khi chủ đầu tư hoàn thành nghiệm thu công trình. Dự kiến thời gian nghiệm thu là trong tháng 10 này.

Nguyễn Mạnh
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/bao-gio-du-an-duong-sat-cat-linh-ha-dong-van-hanh-20211017120524793.htm#dt_source=Home&dt_campaign=MainList&dt_medium=4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét