Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2021

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông ‘treo’ vô thời hạn?

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông ‘treo’ vô thời hạn?
Tổng thầu Trung Quốc không hợp tác, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông ‘treo’ vô thời hạn? Tổng thầu EPC Trung Quốc của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho rằng mình không có nghĩa vụ phải thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, thiếu hợp tác và từ chối thực hiện kết luận kiểm toán, nhất là các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của cơ quan kiểm toán.
Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'CATLINH-HAĐÃNG Tổng thầu Trung Quốc "xù" hợp tác hoàn thiện đường sắt Cát Linh-Hà Đông KẺ NÀO CHỊU TRÁCH NHIỆM?'

Toa tàu chạy thử trên đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngày 20/9/2018. (Ảnh: GIANG HUY/AFP qua Getty Images)

Dự thảo báo cáo tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM sẽ được gửi tới các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, khai mạc vào ngày 20/10 tới.

Liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, theo nội dung dự thảo báo cáo Quốc hội của Bộ Xây dựng vừa gửi tới Văn phòng Chính phủ, khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án này là việc thanh quyết toán và việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Trong đó, tổng thầu EPC Trung Quốc từ chối hợp tác thực hiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Cụ thể, theo nội dung dự thảo báo cáo, Tổng thầu EPC Trung Quốc được chỉ định trong hiệp định vay vốn làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho rằng mình không có nghĩa vụ phải thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, thiếu hợp tác và từ chối thực hiện kết luận kiểm toán, nhất là các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của cơ quan kiểm toán.

Trong dự thảo này, Bộ GTVT một lần nữa nêu rõ nguyên nhân dự án chậm tiến độ, đội vốn là do việc giải phóng mặt bằng chậm; quy định của Việt Nam về hình thức hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công) chưa rõ ràng, có nhiều khác biệt với thông lệ quốc tế nên hợp đồng EPC ký kết ban đầu chưa hoàn chỉnh, thiếu chặt chẽ.

Việt Nam chưa lường hết các yêu cầu về kỹ thuật công nghệ. Các đơn vị tư vấn tham gia lập, thẩm tra dự án chưa có nhiều kinh nghiệm dẫn đến thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật.

Đồng thời, đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt đô thị lần đầu tiên được thí điểm thực hiện tại Việt Nam, một số định mức đơn giá chưa được ban hành và không thể lập lại tại thời điểm dự án đã hoàn thành công tác thi công, xây dựng, dẫn đến việc hoàn thiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với báo Đất Việt về tình huống này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ quản lý và xây dựng (Đại học Xây dựng Hà Nội) - cho biết, hợp đồng tổng thầu EPC là hợp đồng trọn gói, một chủ thể thực hiện tất cả các công đoạn từ thiết kế đến cung cấp thiết bị công nghệ, thi công xây dựng công trình, và chính quyền chỉ cần giám sát chủ thể đó.

"Cái lợi của hợp đồng EPC là khi nhà đầu tư cho vay vốn, họ sẽ làm tất cả mọi thứ rồi chuyển giao cho phía Việt Nam, Việt Nam không phải lo gì ngoài việc vay vốn, thế nhưng khi ấy giá thành sẽ rất cao.

“Vấn đề ở chỗ chúng ta không chủ động được. Chúng ta vay vốn trên giấy và khó được quyết định mọi thứ", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói.

Khi Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán dự án về việc thực hiện chính sách của Nhà nước về chi tiêu tài chính, thủ tục hành chính, nếu dự án thực hiện không đúng thì Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Ban Quản lý dự án phải thực hiện, còn Ban Quản lý dự án lại căn cứ vào hợp đồng với Tổng thầu EPC. Vấn đề nào nằm trong phạm vi hợp đồng thì Ban Quản lý yêu cầu Tổng thầu EPC phải thực hiện, vấn đề nào nằm ngoài phạm vi hợp đồng thì Tổng thầu EPC không có nghĩa vụ thực hiện.

Trong một bài đăng trên báo Lao Động năm 2020, Đại sứ Việt Nam tại các nước Trung Đông Nguyễn Quang Khai từng so sánh dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông với dự án đường sắt trên cao ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Dự án đường sắt này cũng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, có chiều dài 31,1 km với 39 nhà ga. Tốc độ tàu chạy có thể đạt tới 70 km/giờ, vốn đầu tư chỉ 475 triệu USD (tương ứng chi phí cho 1 km là 15,27 triệu USD) và hoàn thành sau 38 tháng.

Đại sứ Khai dẫn số liệu Bộ GTVT Ethiopia cho biết, chỉ trong 9 tháng hoạt động (năm 2016), dự án này đã tạo ra 13.000 việc làm, lãi 3 triệu USD.

Như vậy, cũng nhà thầu Trung Quốc, cũng với tiêu chuẩn tương tự, công nghệ tương tự, nguồn vốn tương tự, nhưng dự án của Việt Nam đã đắt gấp 4 lần (chi phí cho 1 km là 66,77 triệu USD). Chiều dài chỉ bằng 1/3 so với dự án của Ethiopia nhưng thời gian thực hiện đã kéo dài cả thập kỷ.

Về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan tới dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, theo báo cáo của Bộ GTVT, dự án chậm tiến độ nhiều năm, tăng tổng vốn đầu tư từ khoảng 8.769,9 tỉ đồng (tương đương 552,86 triệu USD) lên 18.001,5 tỉ đồng (tương đương 868,04 triệu USD) - tăng 9.231,6 tỉ đồng.

Ngoài trách nhiệm chính thuộc phía tổng thầu Trung Quốc, thì chủ đầu tư là Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong việc quản lý, điều hành dự án.

Tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư. UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng. Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng.

Tổng hợp từ báo mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét