Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

Nếu TQ rút khỏi UNCLOS rồi vào Tư Chính đào dầu ?

Nếu TQ rút khỏi UNCLOS và nếu TQ đem giàn khoan khai thác bãi Tư chính…
Trương Nhân Tuấn - 13-8-2019 Trên BBC có nhiều lần “học giả” đặt lại giả thuyết nếu VN không kiện TQ bây giờ thì (e rằng) VN sẽ không còn cơ hội. Bởi vì TQ có thể tuyên bố rút khỏi Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS 1982) để không còn bị ràng buộc bới bộ luật này nữa. Ý kiến này có đáng lo ngại hay không?
Theo tôi, sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực tại La Haye ngày 11 tháng 7 năm 2016, đến nay TQ không rút ra khỏi UNCLOS thì ít có khả năng TQ sẽ rút trong tương lai.
Ý kiến “TQ có thể rút khỏi UNCLOS” nguyên thủy là của luật gia Julian Ku viết trên Opinio Juris trong một bài viết ngày 4 tháng 11 năm 2015. Tác giả cho rằng TQ có thể rút khỏi UNCLOS (để tránh những ràng buộc trong vụ kiện) nhưng TQ vẫn gia nhập các kết ước khác của LHQ về luật biển (thông luật – droit international cutumier). Tác giả cho rằng việc này không tốt cho TQ nhưng chắc chắn nói không giúp cho Phi (làm khó TQ).

Theo tôi, nếu TQ rút khỏi UNCLOS thì lợi bất cập hại.

Cái “lợi” hiển nhiên là để tránh ràng buộc phán quyết của Tòa PCA.

Cái hại thì có rất nhiều. Rút khỏi luật biển 1982 TQ sẽ trở lại tuyên bố 4-9-1958 của TQ về lãnh hải.

Thứ nhứt, tất cả các đảo của TQ sẽ không còn hưởng vùng kinh tế độc quyền (EEZ 200 hải lý) cũng như thềm lục địa. Bởi vì qui ước “vùng kinh tế độc quyền” và thềm lục địa chỉ đến từ Luật biển 1982.

Thứ hai, tất cả các đảo của TQ chỉ có hiệu lực 12 hải lý. Công hàm 1958 của VN chỉ công nhận điều này mà thôi.

Điều tệ hại là TQ không được hưởng luật về “thời hiệu – contemporaneité”. Có nghĩa là trước kia TQ tuyên bố các đảo chỉ có hiệu lực 12 hải lý lãnh hải thì sau khi UNCLOS 1982 được đưa vào áp dụng, các đảo này vẫn chỉ có 12 hải lý lãnh hải mà thôi.

Hiển nhiên phía VN là có lợi hơn hết. Tranh chấp giữa VN và TQ lúc đó sẽ trở thành việc áp đặt đơn phương “biển lịch sử” của TQ.

Thực tế cho thấy TQ đã làm bằng cách khác, là tuyên bố không tham gia, không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa và dĩ nhiên không công nhận phán quyết của Tòa.

Bây giờ giả sử TQ đem giàn khoan vào khai thác khu vực trầm tích bãi Tư chính mà họ đã thăm dò hơn tháng qua. VN sẽ làm gì?
Theo tôi, VN cũng không nên kiện TQ ra tòa CPA (theo mô hình của Phi). VN phải kiện một tòa quốc tế khác, có thể là Tòa Công lý quốc tế (IJC), hoặc Tòa án về Luật Biển (Itlos) với nội dung yêu cầu tòa giải thích “phán quyết của Tòa PCA 11-7-2016 có thể áp dụng trong vùng biển và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN hay không.”

Dĩ nhiên trước đó VN đơn phương ra tuyên bố công khai nhìn nhận án lệ 11-7-2016 của tòa PCA, trong đó nhắc lại VN đã từng ra tuyên bố (tháng 12 năm 2014) nhìn nhận thẩm quyền của tòa. Điều này cho thấy VN mặc nhiên đã nhìn nhận án lệ mà điều này thể hiện trên thực tế, từ 11-7-2016 đến nay, qua các hành vi trên thực tế VN luôn tôn trọng và nghiêm túc thực thi phán quyết của Tòa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét