Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

CÁI TẾT ĐÁNG SỢ

CÁI TẾT ĐÁNG SỢ
21/02/2018 - cán bộ viên chức đều theo gương các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước: Hôm nay, đã là ngày làm việc, rất nhiều các đồng chí trung ương vẫn tới các cơ quan để chúc Tết. Không rõ việc chúc Tết ấy có tác dụng gì trong hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp, nhưng chắc chắn nó gây lãng phí nhiều tiền của và thời gian. Và nhất là nó nêu một tấm gương xấu về kéo dài cái Tết, làm ảnh hưởng tới sự vận hành của bộ máy và đặc biệt là thái độ coi thường kỷ cương phép nước ngay từ cấp cao nhất.

Tết Mậu Tuất đã hết, những cuộc bàn cãi về việc để hay bỏ, kết hợp hay giữ nguyên Tết âm lịch hàng năm đã tạm lắng xuống nhưng chắc chắn sẽ lại được nhắc tới khi cái Tết của sang năm sắp tới.

Tôi cho rằng Tết của ta có nhiều nét độc đáo, đặc sắc, đã trở thành truyền thống lâu đời, con Lạc cháu Hồng nghĩ tới cái ngày không còn cảnh sum họp gia đình quanh nồi bánh chưng, quanh cành đào, chậu quất chắc hẳn không khỏi ngậm ngùi. Đừng thấy Nhật Bản đã bỏ Tết âm lịch mà vội học theo. Cho đến nay, đó là đất nước vẫn xứng danh “anh cả da vàng” do các chí sĩ cách mạng hồi đầu thế kỷ 20 suy tôn nhưng không hẳn cái gì của họ đều đáng để noi gương. Quả là chúng ta có thể học được người Nhật nhiều điều, nhưng không phải thế là học tất cả.

Cái Tết của ta giờ đây rườm rà, trở nên nỗi sợ hãi cho không ít người nhưng gánh nặng của Tết nhất chưa hẳn đã do phong tục tập quán từ nghìn đời. Theo dõi một số năm gần đây, tôi thấy cái Tết đáng sợ chính vì lẽ nó kéo dài quá. Xưa, Tết chỉ kéo dài 3 ngày (Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết), tức là ngày 30 của năm cũ và ngày 1, 2 của năm mới. Việc hệ trọng số một của mỗi gia đình xưa kia là cố lo cho được nồi bánh chưng thì cũng là việc của ngày 30. Đêm 30, quanh bếp lửa bập bùng, ấm áp, ông bà, cha mẹ, cháu con quây quần chăm chút cho nồi bánh sôi sao cho đều. Nào là tiếp nước, thêm củi, bỏ trấu, … ai cũng muốn góp một tay để làm nên những chiếc bánh cả năm mới có một lần. Chính đây cũng là lúc cả gia đình đón giao thừa, thời khắc thiêng liêng giã từ năm cũ đón chào năm mới với biết bao hy vọng.

Tết thường được kết thúc vào ngày 3, ít gia đình tổ chức “hóa vàng” vào những ngày sau đó. Cùng với việc “hóa vàng”, bàn thờ được thu dọn, thức ăn để trong những ngày Tết cũng không còn (không có tủ lạnh nên không thể để thức ăn lâu như hiện nay). Cỗ bài tam cúc mua cho lũ trẻ chơi mấy ngày nghỉ Tết cũng được “hóa” luôn để chúng trở lại với việc đèn sách. Cho nên cái Tết không nặng nề, người ta không phải chịu đựng, thậm chí với không ít người, cảm giác vẫn còn “thòm thèm”, chia tay với cái Tết còn lưu luyến mong chờ đén Tết sau.

Mấy năm nay, cái Tết đã dài, nghỉ Tết nhiều năm thành 7 thậm chí 10 ngày. Thôi thì cứ cho là số ngày nghỉ ấy có thể hợp lý, để người dân đi làm ăn xa có điều kiện trở về gia đình sum họp, để kích cầu du lịch góp phần vào tăng trưởng kinh tế, … Nhưng trong thực tế cái tinh thần Tết, cái không khí Tết thì kéo dài hàng tháng kể cả trước và sau Tết. Tôi không muốn nói tới những mặt hàng Tết được bày bán, được quảng cáo từ rất sớm. 

Điều cần phải nói tới là công việc của các cơ quan nhà nước đặc biệt là hoạt động của các vị lãnh đạo đảng và Nhà nước. Từ trước rằm tháng Chạp (nghĩa là từ hơn nửa tháng trước Tết) đã thấy báo, đài, ti-vi đưa tin các vị về các địa phương thăm hỏi, chúc Tết, trao quà. Chắc việc tập hợp được một lượng người không nhỏ cho các cuộc thăm viếng này không phải đơn giản (tất nhiên trừ những người được nhận quà thì sự hồ hởi là không thể nghi ngờ). Những nhiêu khê, tốn kém ấy không chỉ gây mất thời giờ, tiền bạc mà còn gây một không khí rã đám đặc biệt trong các cơ quan nhà nước. Sự chểnh mảng với việc chung khiến cỗ máy rệu rã bắt đầu từ khi ấy. Cứ thế, ngày nào cũng có những cuộc thăm viếng, những cuộc chào mừng.

Người nông dân trước đây, nhiều khi ngày 2 Tết đã ra đồng cấy chiêm trong tiết trời rét thấu xương (và bây giờ nhiều nơi vẫn như vậy). Nhưng công chức, viên chức mang tiếng “công bộc” nhưng thực chất là “cơm nhà chúa múa tối ngày”, ngày 6 Tết đi làm đã là muộn. Nhưng hôm nay, vẫn có biết bao các cơ quan, ban ngành vẫn chưa làm ăn gì. Họ đến cho có mặt để hội ngộ sau mấy ngày nghỉ Tết, để mừng tuổi lẫn nhau, … và sau đó là những cuộc “rồng rắn” tới thăm viếng nhau tại tư gia hoặc cùng đi lễ nơi đền chùa. Những cuộc “rồng rắn” ấy còn kéo dài ít nhất tới ngày rằm tháng Giêng. 

Cho nên nói cái Tết kéo dài hàng tháng không phải là nói ngoa. Điều này đã diễn ra từ nhiều năm trước, tới mấy năm gần đây thì trở thành phổ biến vì cán bộ viên chức đều theo gương các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước: Hôm nay, đã là ngày làm việc, rất nhiều các đồng chí trung ương vẫn tới các cơ quan để chúc Tết. Không rõ việc chúc Tết ấy có tác dụng gì trong hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp, nhưng chắc chắn nó gây lãng phí nhiều tiền của và thời gian. Và nhất là nó nêu một tấm gương xấu về kéo dài cái Tết, làm ảnh hưởng tới sự vận hành của bộ máy và đặc biệt là thái độ coi thường kỷ cương phép nước ngay từ cấp cao nhất.

Cho nên, muốn cái Tết gọn nhẹ, tránh lãng phí, rườm rà, càn sự nêu gương của các cán bộ và cơ quan đầu não.

http://onggiaolang.com/cai-tet-dang-so/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét