Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

Nơi lưu giữ các kỷ vật VN trên đất bạn Trung Quốc

Nơi lưu giữ các kỷ vật Việt Nam xuyên thế kỷ trên đất bạn Trung Quốc
20/02/2018 VOV.VN -Nhiều người đã khóc khi trở về Nhà Kỷ niệm các trường học Việt Nam ở Quế Lâm vì nơi đây lưu giữ những kỷ niệm máu thịt của họ về một thời gian khổ nhưng hào hùng…

Khu nhà Kỷ niệm được đặt trong khuôn viên của Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây
Từ năm 1951-1958, có khoảng hơn 5.000 học sinh Việt Nam học tập từ ở những trường như Khu học xá Trung ương, trường Thiếu nhi Việt Nam này đã trở thành thế hệ học sinh đầu tiên của Trường Dục Tài…

Vào những năm 50-70 của thế kỷ trước, nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, được sự đồng ý của nước bạn Trung Quốc, một số trường học của Việt Nam đã được chuyển đến giảng dạy tại Quảng Tây (Trung Quốc) để đảm bảo sự an toàn cho thầy và trò.

Các trường này đã đào tạo được hơn 10.000 cán bộ xuất sắc của Việt Nam, góp phần cho cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây được coi là giai đoạn đánh dấu đậm nét mối tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.


Chúng tôi đến thăm Nhà Kỷ niệm các trường học Việt Nam ở Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc vào đúng những ngày sát Tết nguyên đán Mậu Tuất. Khu nhà Kỷ niệm được đặt trong khuôn viên của Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây khá rộng rãi, và cũng chính là nơi một số trường học như Khu học xá Trung ương, trường Thiếu sinh quân Việt Nam… được đặt ở đây.

Được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Việt Nam - Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950 – 18/1/2010), nơi đây hiện đang trưng bày những kỷ vật, hình ảnh… ghi lại những năm tháng học tập không thể nào quên của những thế hệ học sinh Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ…


Thầy Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Nhà kỷ niệm bồi hồi kể lại những kỷ vật gắn liền với những câu chuyện đáng nhớ

Sau lớp học sinh đầu tiên học tập ở đây, từ năm 1967-1975, lần lượt các trường học ở đây được thành lập ở Quế Lâm, như: trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, trường Nguyễn Văn Bé, trường Võ Thị Sáu và trường Dân tộc Trung ương - những trường này được lấy tên là Trường Mồng 2 tháng 9, đã đào tạo khoảng hơn 5.000 học sinh. Những học sinh này tự được coi mình là “người Dục Tài” thế hệ thứ 2.

Thầy Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Nhà kỷ niệm cho biết, nơi này lưu lại những kỷ niệm, truyền thống tốt đẹp về mối quan hệ giữa 2 nước, rất có ích cho học sinh 2 nước tìm hiểu về giai đoạn lịch sử đầy ý nghĩa này. “Tôi rất tự hào khi nhà kỷ niệm đã từng được đón các lãnh đạo của Việt Nam đến thăm như nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân… Nhiều người đã để lại lưu bút và những tình cảm rất tốt đẹp đối với Nhà kỷ niệm”.


Ông Nguyễn Thiện Nhân viết lưu bút tại Nhà kỷ niệm

Đưa chúng tôi đi thăm khu nhà, thầy Nguyên chỉ cho xem từng kỷ vật, những bộ quần áo, ba lô bạc màu, những chiếc bàn, cái ghế gỗ... của học sinh, sinh viên Việt Nam từng học ở đây vẫn còn khá nguyên vẹn. Mỗi kỷ vật đều gắn với những kỷ niệm xúc động: “Có những chiếc ghế rất bé dành cho các em bé Việt Nam chỉ vài tháng tuổi. Vì điều kiện chiến tranh, bố mẹ đều tham gia chiến đấu nên các em được gửi sang đây từ rất bé. Rất nhiều người sau này đã quay trở lại trường và xúc động khi được thấy những kỷ vật gắn liền với mình một thời đáng nhớ”.

Thầy Nguyên cũng kể lại những kỷ niệm vui về những học sinh thời đó, từ chuyện học hành, ăn uống, lao động… trong đó có rất nhiều học sinh sau này đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Việt Nam.


Học bạ, bảng điểm, giấy khen của các cựu học sinh Việt Nam từng học tại các trường học Việt Nam ở Quảng Tây

Trong những tháng năm khó khăn ấy, rất nhiều kỷ niệm sâu sắc đã được các thế hệ thầy, trò ở trường ghi nhớ và kể lại cho các học sinh lớp sau. Như câu chuyện nữ bác sĩ Đặng Hải Đường đã cứu sống một học sinh Việt Nam bị ngã xuống hố nước thải gia súc, bác sĩ đã dùng miệng hút sạch nước, phân khỏi mũi, miệng học sinh này, cứu sống được em. Câu chuyện “cải tử hoàn sinh thần kỳ” đầy xúc động tình người này có lẽ với các thế hệ học sinh Dục Tài họ sẽ không bao giờ quên…

Hay khi mới sang, các học sinh Việt Nam không quen ăn món ăn Trung Quốc, nhà trường đã mời một đầu bếp biết nấu ăn món ăn Việt từ Bắc Kinh về trường để nấu cho các em ăn.

Cô Lư Mỹ Niệm, giáo viên của trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, từng được giao nhiệm vụ phiên dịch cho các đoàn Việt Nam sang thăm trường, cũng như trước đây tham gia giảng dạy tại các trường học của Việt Nam bồi hồi xúc động: “Nhà kỷ niệm này đối với sinh viên Trung Quốc và Việt Nam rất quý giá. Nhiều em học sinh thế hệ bây giờ khi biết đến nơi đây đều tự hào đã có một giai đoạn lịch sử Việt Nam và Trung Quốc thật đáng nhớ và thấy có trách nhiệm phải gìn giữ, phát triển mối quan hệ tốt đẹp đó”.


Cô Lư Mỹ Niệm, giáo viên của trường Đại học Sư phạm Quảng Tây

Trong giai đoạn Việt Nam bước vào giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, cùng với rất nhiều thanh niên tình nguyện, cô Lư Mỹ Niệm cũng tình nguyện tham gia dạy tiếng Việt- Trung cho nhiều thế hệ học trò… Cô Niệm cho rằng, đây chính là quãng thời gian tự hào nhất trong cuộc đời của cô.

Chính vì vậy, cho đến nay, mỗi khi đứng lớp, dù dạy học cho các em học sinh Việt Nam hay Trung Quốc, cô đều kể về những kỷ niệm ngày xưa, để các em hiểu về tình hữu nghị giữa Đảng và nhân dân hai nước… để truyền cảm hứng, tinh thần đoàn kết, lịch sử gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc.

Hoàng Thị Ngọc Lưu - Thạc sĩ sư phạm khoa Hán ngữ quốc tế năm thứ 2 đang theo học tại trường Đại học sư phạm Quảng Tây cho biết, khi qua đây học ban đầu gặp rất nhiều khó khăn bỡ ngỡ, nhưng được sự giúp đỡ của các sinh viên cả Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là các thầy cô giáo người Trung Quốc ở trường quan tâm, chỉ sau một thời gian ngắn những sinh viên như Hoàng Thị Ngọc Lưu đã hòa nhập tốt với môi trường mới.“Em nhớ ngày đầu sang đây học em rất bỡ ngỡ, nhưng được các bạn sinh viên Trung Quốc giúp đỡ rất nhiệt tình, nên em thấy rất ấm áp”.


Hàng ngày, có nhiều sinh viên Việt Nam và Trung Quốc đang học tại các trường Đại học ở Quảng Tây đến Nhà kỷ niệm để tận mắt thấy những kỷ vật vô giá này và hiểu thêm về mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt- Trung
Bên cạnh đó, khi được tới thăm nhà kỷ niệm và đọc về lịch sử của lớp cha anh đã từng sinh sống, học tập ở đây, Lưu cũng như các bạn càng thêm tự tin và nguyện gắng sức học tập để trở về đóng góp cho quê hương.

Ngôi nhà kỷ niệm các trường học của Việt Nam ở Quảng Tây, Trung Quốc có thể nói không chỉ đơn thuần là nơi lưu giữ những hình ảnh, thông tin về một quá trình lịch sử, mà nơi đây đã trở thành ngôi nhà truyền thống lưu giữ những ký ức tốt đẹp về mối quan hệ giữa hai dân tộc trong quá khứ và giúp các bạn sinh viên trẻ của cả Trung Quốc và Việt Nam hiểu và tự hào về thế hệ cha anh của mình…/.


Giọt nước mắt của cô dâu Việt trong Tết xa quê
VOV.VN -Những giọt nước mắt mang nặng nỗi nhớ quê nhưng chứa chan niềm vui của những Kiều bào trong ngày Tết cộng đồng do Lãnh sự quán Việt Nam ở Quảng Tây, Trung Quốc tổ chức…


Tổng Lãnh sự VN tại Nam Ninh: “Bảo hộ công dân là nhiệm vụ trọng tâm“
VOV.VN - Tổng lãnh sự quán giữ liên hệ công tác chặt chẽ với Cục lãnh sự, các cơ quan trong nước và các cơ quan của tỉnh Quảng Tây phối hợp xử lý vụ việc phát sinh kịp thời, hiệu quả.


Phở “Tiến sĩ Việt”: Gắn kết tình thân thực khách Việt-Trung
VOV.VN -Cả 3 “ông bà chủ” đều đang là nghiên cứu sinh tại các trường ĐH ở Quảng Tây (Trung Quốc) có chung đam mê giới thiệu Phở và các món ăn Việt Nam tới bạn bè Trung Quốc

Nhóm phóng viên VOV
http://vov.vn/chinh-tri/noi-luu-giu-cac-ky-vat-viet-nam-xuyen-the-ky-tren-dat-ban-trung-quoc-730252.vov

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét