Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

"Các doanh nghiệp kinh doanh không còn hồ hởi phấn khởi"


TS. Bùi Tất Thắng: 'Các doanh nghiệp kinh doanh đã không còn hồ hởi phấn khởi như trước'
Thu Phương - 22/02/2018 TheLEADER - Theo Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bùi Tất Thắng, với tình hình kinh tế như hiện nay, một điều dễ nhận ra là các doanh nghiệp kinh doanh đã không còn sự hồ hởi phấn khởi như trong giai đoạn trước.
TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển.
Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2017, dự báo những yếu tố tác động đến nền kinh tế năm 2018, từ đó chỉ ra những cơ hội đầu tư, kinh doanh trong năm tới, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư).

Ông có nhận định như thế nào về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017?

TS. Bùi Tất Thắng: Nhìn một cách tổng quát, 2017 là một năm nền kinh tế đã đạt được những kết quả tốt hơn mong đợi, vượt nhiều dự kiến ban đầu. Trước hết là tình hình tăng trưởng kinh tế đã có những cải thiện rõ rệt. Lần đầu tiên trong nhiều năm, tất cả các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế đều đạt, nhiều chỉ tiêu vượt dự kiến đề ra.

Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích từng lĩnh vực tăng trưởng của nền kinh tế thì còn nhiều điểm phải bàn. GDP tăng trưởng 6,81% cao hơn dự kiến 6,7%, các ngành có sự tăng trưởng khá đồng đều, song đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế lại rất nổi trội.

Xuất khẩu vang dội nhưng tỷ phần của FDI trong đầu tư rất lớn. Nông nghiệp tăng trưởng cao nhưng một phần là do năm ngoái chịu nhiều thiên tai, thảm hoạ môi trường...

Cái được thứ hai của bức tranh kinh tế 2017 là bước tiến khá dài trong cải cách thể chế. Cách đây 30 năm, vấn đề này đã được đặt ra nhưng dường như chỉ sôi nổi trong 10 năm đầu còn 20 năm gần đây thì tốc độ cải cách mỗi năm nhích rất ít.

Riêng trong năm 2016, đặc biệt từ Đại hội 12 đến nay, cách đặt vấn đề của cái cách mới có bước tiến mới, thực tế hơn, sôi nổi và quyết liệt hơn với một loạt các quyết định về kinh tế tư nhân, cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách thể chế, chuyển sang kinh tế thị trường một cách rõ rệt hơn.

Chính những điều này đã tạo ra một cái niềm tin lớn đối với toàn xã hội, thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển của doanh nghiệp tốt hơn so với những năm trước.

Trên cơ sở đó, ông nhận định như thế nào về kinh tế Việt Nam trong năm 2018?

TS. Bùi Tất Thắng: Với nền tảng kế thừa hàng loạt thành tích kỷ lục của năm 2017, kinh tế năm 2018 chắc chắn sẽ chịu rất nhiều áp lực. Chính phủ cần sớm có phương án giữ “lửa” tinh thần cho tăng trưởng bằng cách tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm giấy phép con, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, kinh tế thế giới 2018 được đánh giá là tích cực hơn 2017, các quan hệ đối tác chiến lược lớn của Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ phát triển ổn định, có dấu hiệu tăng trưởng. Do đó, có có sở để tin rằng 2018 có nhiều nhân tố thuận lợi có thể khai thác được để phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Ông có cảm nhận gì về hoạt động của của các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân trong năm vừa qua?

TS. Bùi Tất Thắng: Với tình hình kinh tế như hiện nay, một điều dễ nhận ra là các doanh nghiệp kinh doanh đã không còn sự hồ hởi phấn khởi như trong giai đoạn trước.

Năm vừa rồi mặc dù các doanh nghiệp mới ra đời nhiều nhưng không khí chung là họ đã bình tĩnh hơn, nghiên cứu các chính sách kỹ càng, thấu đáo hơn khi bắt tay vào kinh doanh.

Có được tâm lý này là do môi trường kinh doanh hiện đã khác trước rất nhiều. Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với một thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, thị trường do người mua quyết định, không phải sản phẩm gì của họ ra đời cũng được khách hàng đón nhận.

Tôi cho rằng điều này là rất đáng mừng vì nó phản ánh một thực trạng thị trường đang phát triển đúng hướng, minh bạch. Chỉ cần Nhà nước có cơ chế quản lý công khai, minh bạch, cắt giảm các thủ tục hành chính và giấy phép con không cần thiết gây khó cho doanh nghiệp thì môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ tốt hơn trước rất nhiều.

Doanh nghiệp ra đời và phát triển hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào năng lực thích ứng và khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Doanh nghiệp thực sự có tài năng sẽ tồn tại. Đây là điều mà nền kinh tế thị trường của Việt Nam đang mong đợi.

Theo ông, những ngành, lĩnh vực kinh doanh nào sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong năm tới?

TS. Bùi Tất Thắng: Tôi cho rằng, trong thời gian tới, một số ngành gắn với khoa học công nghệ mới sẽ có đất phát triển rất tốt.

Năm 2018 là năm phát triển của những lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, ngành sản xuất năng lượng, thiết bị năng lượng giá rẻ, năng lượng mặt trời, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó là các công nghệ hỗ trợ học tập, chăm sóc sức khoẻ, các thiết bị tiết kiệm điện, bóng đèn, pin cho các loại động cơ. Lĩnh vực vận tải cũng hứa hẹn có nhiều thay đổi trong năm 2018. Đặc biệt là ô tô sẽ bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất và tiêu thụ ô tô chạy điện.

Nhìn chung, các ngành có cơ hội phát triển trong tương lai đều là những lĩnh vực gắn liền với công nghệ 4.0 và tăng trưởng xanh giúp cải thiện môi trường và phục vụ đời sống người dân.

Còn đối với các ngành đầu tư truyền thống như bất động sản, chứng khoán, thưa ông?

TS. Bùi Tất Thắng: Tôi không mấy lạc quan về những lĩnh vực này trong năm 2018.

Đối với bất động sản, đến thời điểm hiện tại chưa xảy ra bong bóng, tôi cho rằng đã là may, bởi chưa có thời điểm nào thị trường này lại rầm rộ như bây giờ. Do đó, để tiếp tục “thổi” lên nữa là rất khó.

Tất nhiên nhu cầu của xã hội đối với nhà ở vẫn còn nhiều nhưng không gay gắt như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, nguồn cung hiện nay đang rất lớn, trong khi lại đang rất thiếu các dự án nhà ở có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu mua nhà của đại đa số người dân.

Còn đối với chứng khoán, hiện thị trường này đang có dấu hiệu phục hồi, lên đỉnh điểm. Tuy nhiên, cũng giống như trước đây, tôi cho rằng không có căn cứ thực tiễn để phát triển bởi thị trường chứng khoán của Việt Nam đang ở giai đoạn manh nha, không phản ánh đúng thị trường thực.

Giá chứng khoán luân chuyển ở những người buôn bán với nhau chứ không mấy liên quan đến nhà máy sản xuất. Thị trường chứng khoán hiện nay chưa đi cùng với thị trường giá trị sở hữu thật. Do đó, nếu coi chứng khoán là một kênh đầu tư vốn dài hạn cho nền kinh tế thì Việt Nam vẫn chưa làm được, chưa được đánh giá cao.

Ông có nhận định như thế nào về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm tới? Theo ông, Chính phủ cần có những giải pháp gì để tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân?

TS. Bùi Tất Thắng: Trong năm 2018, Chính phủ cam kết cắt giảm tiếp 50% giấy phép con, các bộ luật như Luật Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt, Luật Quy hoạch nhiều khả năng sẽ được thông qua. Bên cạnh đó là việc sửa đổi một số luật như Luật Thuế sẽ giúp tạo dựng một môi trường kinh doanh tốt, bình đẳng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển hơn nữa, Chính phủ cần đặt mục tiêu tiếp tục giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giảm chi phí giao thông, logictic, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Cải thiện kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin với tư cách là công cụ phát triển kinh tế dựa trên khoa học hiện đại, theo kịp cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của thế giới.

Đồng thời, tiếp tục tái cơ cầu để đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách thể chế, thủ tục hành chính, đổi mới bộ máy chính chị, chống tiêu cực, tham nhũng nhằm tạo niềm tin về một môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Xin cảm ơn ông!
http://theleader.vn/ts-bui-tat-thang-cac-doanh-nghiep-kinh-doanh-da-khong-con-ho-hoi-phan-khoi-nhu-truoc-20180222103241641.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét