Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Vì sao đất Việt khốn khổ khốn nạn như bây giờ ?

Vì sao đất Việt khốn khổ khốn nạn như bây giờ ?

Top ten ấn tượng 2016
 Thủ tướng X về hưu, tập làm “người tử tế”
Trương Duy Nhất 30-12-2016 - Khắc hoạ toàn cảnh xã hội Việt và thời tiết chính trường, qua bộ top ten ấn tượng 2016.

1- Đại hội đảng 12
Với cú tiễn đưa Thủ tướng X về hưu, tập làm “người tử tế”. Nhân vật lớn tuổi nhất, “sức khỏe có hạn, trình độ có hạn” vẫn được tín nhiệm “gần như 100% tuyệt đối” ở lại – “trường hợp đặc biệt” Nguyễn Phú Trọng. Cùng màn tuyên thệ liên tiếp 2 lần chỉ trong vòng 3 tháng của bộ tứ. Cuộc trình diễn ấn tượng, khắc hoạ chân thật tình hình đảng sự và sức khoẻ quốc gia.


2- Thảm hoạ cá và “kẻ xâm lược” Formosa

Thảm hoạ môi trường chưa từng có. Giết sạch cá tôm, khiến nhiều vùng biển “không còn sự sống”. Ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu cư dân ven biển miền Trung. Một đại thảm hoạ môi trường ở Việt Nam, nhưng khiến quốc hội Đài Loan phải điều trần. Khiến lòng dân sục sôi cuộn sóng. Trong khi chính quyền lúng túng quẩn quanh với các màn chồm hổm ăn cá, cởi áo tụt quần lao ra biển tắm để “an dân”. Một đại thảm hoạ môi trường không còn dừng ở hậu hoạ môi trường, đẩy chính phủ vào thế phải “chọn dân hay chọn Formosa”? Một đại thảm hoạ môi trường biến nhà đầu tư, “gã khổng lồ” Formosa thành một “kẻ xâm lược” tàn khốc.


3- Chuyến thăm của Obama và khát vọng dân chủ Việt

Chuyến thăm của Obama và hiện tượng những biển người tràn ngập đường chào đón, là biểu hiện cho khát vọng dân chủ như sóng trào của người Việt. Một hiện tượng đẹp, cho Obama, và cho cả người Việt (ngược với nỗi sợ hãi của Tập Cận Bình khi sang Việt Nam không dám ra đường). Nhưng mặt trái của khía cạnh dân chủ Việt, nhìn từ cách hành xử của chính quyền, cũng kịp phơi lộ trong cuộc đón tiếp này. Đó là việc cản ngăn, chặn bắt đến ngang ngược, thô bạo đối với hàng loạt nhà hoạt động dân chủ nhân quyền khách mời của Tổng thống Mỹ.


4- Bầu cử quốc hội và làn sóng tranh cử tự do của các ứng viên độc lập

Lần đầu tiên trong lịch sử, một phong trào tự ứng cử rầm rộ, đồng loạt của giới hoạt động dân chủ nhân quyền khiến chính quyền lúng túng trong các phương cách ứng xử, thậm chí hoảng hốt. Dẫn tới hàng loạt cuộc đấu tố tựa thời cải cách ruộng đất, cùng nhiều cuộc trấn áp của các “đồng chí mắm tôm” nhắm vào những ứng viên tự do.

Không một ai trong các nhóm ứng viên tự do thuộc giới dân chủ nhân quyền lọt đến vòng bỏ phiếu. Tuy nhiên, đây là cuộc tập dượt thành công đánh động ý thức dân chủ và quyền lợi công dân, tạo đà cho các cuộc can dự bài bản, chất lượng hơn trên trận tuyến “dân cử dân bầu” này.


5- Vụ thảm sát Yên Bái và cơn hả hê của cộng đồng mạng

Vụ thảm sát Yên Bái, với nghi phạm là Chi cục trưởng kiểm lâm bắn chết Bí thư cùng Chủ tịch kiêm Trưởng ban tổ chức tỉnh chấn động dư luận. Vụ việc được cho là do mâu thuẫn, bức xúc trong dàn xếp nhân sự. Những phát súng Yên Bái báo hiệu các cuộc thanh trừng tàn khốc khác, có thể tiếp diễn khi mâu thuẫn, xung đột tranh giành quyền lực giữa các “đồng chí” trong nội bộ đảng Cộng sản đã đến hồi một mất một còn.

Ở khía cạnh khác. Sự hả hê của cộng đồng mạng trước cuộc thanh trừng cho thấy, hình ảnh nhiều quan chức Cộng sản đã không dừng ở chuyện mất lòng tin, mà trở thành như kẻ thù của dân chúng, đến mức dân tình chỉ mong… cho chết! Nhiều hiện tượng quan chức cấp cao ngày trước vào viện, hôm sau đã rộ tin chết… hồ hởi trên mạng vì vậy.


6- Quốc tang Fidel và cuộc phản đối ồn ào dư luận

Fidel chết. Việt Nam quốc tang. Một tang quốc, lần đầu tiên tạo quá nhiều ý kiến phản đối ồn ào dư luận. Thậm chí nhiều đánh giá còn viện dẫn Nghị định 105/2012/NĐ-CP cho rằng, quốc tang một cá nhân không phải công dân Việt là vi luật.

Thêm một trớ trêu: Ngay trong tang lễ, Cuba ban lệnh cấm tên đường, cấm tượng đài vinh danh Fidel, thì Việt Nam có nơi lại rục rịch đòi dựng tượng ông.

Nhìn riêng chuyện tang – tượng này, đủ cho thấy một thế hệ Cuba hậu Fidel sẽ cho các “đồng chí” Việt hậu Hồ Chí Minh ngửi khói trong tương lai gần, có khi chỉ là vài năm.


7- Cơn lũ mắm ngập làng báo. Cú gạt tay vào má. Và cuộc thanh trừng báo với nhân vật “sát thủ” Trương Minh Tuấn

Chiến dịch “truyền thông bất lương” của hơn 50 toà báo (với vai trò chủ xướng, đầu tàu là Thanh Niên) nhằm ủng hộ nước chấm Masan, tiêu diệt nước mắm truyền thống bị vạch trần. Lịch sử báo Việt, có lẽ đây là giai thời khốn nạn nhất. Có thể, đã từng ngấm nhiều vị mùi hôi tanh khác. Nhưng cái mùi khẳm inh từ cơn lũ mắm này sẽ mãi là sự ô nhục khó gột tẩy.

Thêm cú đấm hộc máu mồm một phóng viên Tuổi Trẻ. Cú đấm man rợ của những viên cảnh sát du côn được định danh thành “cái gạt tay vào má”. Trong những phản ứng chiếu lệ, yếu ớt, hoặc im lặng cam chịu của làng báo. Sự câm lặng, đến mức phải ví rằng không dám “ẳng” lên một tiếng.

Một chiến cuộc “chỉnh đốn” mang tính thanh trừng hàng loạt nhà báo và toà báo chưa từng có, dưới thời tân Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn. Chưa bao giờ, hàng loạt các nhà báo và toà báo phải ra đi như thế. Không ít cú triệt hạ chẳng hề dựa trên cơ sở luật pháp nào. Với “thành tích” này, Bộ trưởng Tuấn được phong thêm hàm kiêm Phó ban Tuyên giáo trung ương, chỉ sau một thời gian ngắn. Truyền thông quốc tế, gọi Bộ trưởng Tuấn là “sát thủ của báo chí”. Giới thạo tin trong nhóm chức quyền của làng báo thì loan đồn: Trương Minh Tuấn có một phương cách quản báo rất… Đỗ Mười!

8- Sự cố Trịnh Xuân Thanh. Những cuộc tháo chạy vô tiền khoáng hậu, và các màn kỷ luật không người bình thường nào có thể nghĩ đến

Sự cố Trịnh Xuân Thanh, ngay ở điểm khởi phát “ô tô biển xanh” đã báo hiệu những bất thường. Một quan chức xoàng hàng Vụ trưởng được “cả hệ thống chính trị” vào cuộc, với sự chỉ huy trực tiếp từ Tổng Bí thư. Hố chôn Thanh, và không chỉ Thanh dường như đã đào xong. Nhưng đột nhiên Thanh biến mất, như Tề Thiên hoá phép thăng tới một “nơi bình minh yên tĩnh” nào đó, ung dung thưởng trà mạn, trêu ngươi cụ Tổng.

Không dừng ở Thanh. Nối tiếp những Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng lần lượt biến mất ngay trước khi thấy nguy cơ bị khởi tố. Dư luận, không khỏi đặt câu hỏi: vì sao họ dễ dàng trốn nhanh đến vậy? Những cuộc tháo chạy vô tiền khoáng hậu!

Cũng từ sự cố Trịnh Xuân Thanh. Lần đầu tiên trong lịch sử, xuất hiện các phương thức kỷ luật không người bình thường nào có thể tưởng đến. Đó là cách chức người đã không còn chức, buộc thôi việc người đã tự ý bỏ việc, rồi “phê phán sâu sắc trước toàn dân” đối với một… cụ hưu!

9- Lũ lụt, thuỷ điện và 235 nhân mạng

Lũ. Nhưng không phải lũ trời. Lũ do hàng trăm những quả bom thuỷ điện chi chít chằng chịt trên khúc eo miền Trung đồng loạt xả nước. Lụt lũ tháng này sang tháng nọ. Chưa bao giờ thế. “Ông tha bà chẳng tha/ Trời hành cái lụt hai ba tháng mười”. Qua 23/10 Âm, miền Trung coi như thoát lũ. Vậy mà, những cơn lụt lũ hậu 23 lần đầu đổ ập xuống miền Trung.

“Quy hoạch thuỷ điện nóng vội. Làm quá nhiều các thuỷ điện bậc thang trên các sông nhỏ, khoảng cách chỉ vài chục cây số. Không nước nào cho phép làm như thế. Về mặt kỹ thuật là không được phép. Nhưng chính quyền lại vẫn cho phép làm điều này” – Ý kiến của giáo sư tiến sĩ Nguyễn Trọng Hồng, cựu Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi, Chủ tịch hội Thuỷ lợi Việt Nam.

“Thuỷ điện xả lũ” dần trở thành một cụm từ chết chóc… Giá điện rẻ nhờ thuỷ điện. Ấy là vì chưa bao gồm mạng sống (của hàng chục, hàng trăm) cư dân vùng lũ mỗi năm” – Nguyễn Anh Tuấn.

235 người chết. Chính phủ Việt, dường như chưa bao giờ quốc tang cho dân, cho dù đó là hàng chục, thậm chí hàng trăm nhân mạng.

10- Hiện tượng giáo viên hầu rượu tiếp khách, và ông Bộ trưởng nói ngọng

Một hiện tượng chấn động ngành giáo dục: Nhiều nữ giáo viên ngoại hình dễ coi bị (được?) điều đi hầu rượu tiếp khách. Mặc dư luận, mặc giáo viên trong ngành, mặc quốc hội la ó phản đối, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn cười ruồi, xem đấy chỉ là loại hoạt động “vui vẻ”.

Một quan điểm cực kỳ kém văn hoá, phản giáo dục từ chính ngài Bộ trưởng Giáo dục.

Cũng từ chính câu chuyện “vui vẻ” này, toàn ngành giáo dục và dân tình cả nước mới phát hiện ông Bộ trưởng Giáo dục nói ngọng. Một lối ngọng không chỉ là ngọng, mà bộc lộ sự hẫng hụt, có vấn đề ở cái nền học vấn. Một lối ngọng (xin lỗi), đến chữ “nồn” cũng không phân biệt được.

Chất lượng giáo dục là chất lượng con người. Chất lượng con người là chất lượng chế độ. Chưa nhiệm kỳ nào, giáo dục có được một ngài Bộ trưởng “vui vẻ” thế! Và có thể nói không ngoa rằng: Nhìn… cái mồm Bộ trưởng, để biết chất lượng giáo dục nó hình hài ra sao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét