Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

Ghi ở Paris

Ghi ở Paris
Hải Lý, Chủ Nhật, 22/1/2017
(TBKTSG) - Ahman là người gốc Algieria. Anh đến Paris đã mười năm nay và tìm được việc làm là người bảo vệ kiêm quản lý (le gardien) một khu nhà ở quận 16 có khoảng 100 căn hộ. Công việc của anh bao gồm nhận thư từ, giấy tờ gửi đến cho các chủ hộ, giao cho họ, giữ sạch sẽ sân bên dưới và hành lang các tầng, trồng tỉa hoa ở mảnh đất lối ra vào, kiểm tra hoạt động của thang máy, nhà để xe, hệ thống nước, điện, lò sưởi... Anh thu nhập khoảng 1.000 euro/tháng bằng tiền mà các chủ hộ góp lại. Họ cũng bố trí cho anh một căn hộ chật hẹp ở tầng trệt làm nơi ở. 
Một góc phố Paris. Ảnh: HẢI LÝ
Rồi anh lập gia đình, có hai đứa con. Vợ anh làm việc bán thời gian, thu nhập chẳng là bao. Anh phải đi làm thêm ở siêu thị Carrefour gần nhà từ 4 giờ đến 9 giờ sáng. “Tôi chuyển hàng từ kho lên bày ở các kệ hàng, sắp đặt lau chùi sạch sẽ. Mọi việc cần kết thúc trước khi siêu thị mở cửa” - Ahman kể. Nhờ đó, anh có thêm 1.200 euro/tháng sau khi trừ thuế thu nhập. Cuộc sống không dư dả, nhưng anh cũng tích cóp mua được xe hơi và dành dụm được chút tiền tiết kiệm để hàng năm về quê thăm bố mẹ, anh em, họ hàng đôi ba lần.

Từ đầu năm 2016, theo lời Ahman, tìm kiếm việc làm ở Paris đã dễ hơn trước. Dân Pháp làm việc 35 giờ/tuần và hầu hết có khoảng hai tháng nghỉ hưởng lương mỗi năm. Pháp nằm trong số ít nước ngày Chủ nhật tất cả các cửa hàng, trung tâm thương mại đóng cửa. Chỉ có những tạp tiệm hóa nhỏ mở cửa Chủ nhật, bán đồ thực phẩm, rau quả, thức uống và giá cả hàng hóa ở đây dĩ nhiên cao hơn siêu thị nhiều. Những tiệm bánh mì nếu mở cửa Chủ nhật thì thể nào cũng nghỉ bù vào thứ Hai hoặc thứ Ba. Học sinh từ tiểu học đến trung học, cứ học khoảng sáu tuần lại được nghỉ hai tuần. Việc nghỉ nhiều xét dưới góc độ kinh tế, giúp người dân du lịch, hoặc đơn giản là phục hồi sức khỏe, kích thích tiêu dùng. Thế nhưng khoảng năm năm trở lại đây, sức mua ở Pháp rất ì ạch bất chấp nỗ lực của chính phủ và chính sách kích cầu của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Dù trì trệ, chậm chạp, kết quả cuối cùng cũng đến. Số người thất nghiệp đã và đang giảm. Ahman và những người nhập cư chỉ mong tìm được công ăn việc làm ổn định và thu nhập ngày một khá hơn. Nếu hàng hóa tiêu thụ tốt hơn, doanh thu của Carrefour tăng, anh và người lao động có thể có thêm tiền thưởng. Anh nói nếu làm ba năm liền, dù là bán thời gian, cũng có thể được xem xét tăng lương.

Carrefour là một doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, nằm trong CAC40 của Pháp. Sau khi đạt đỉnh 6.500 điểm vào năm 2001, CAC đi xuống và năm 2008 có lúc rớt dưới 3.000 điểm. Thời điểm ấy giá nhà đất ở Paris giảm thê thảm. Ahman nhớ lại một căn hộ 100 mét vuông trên lầu bốn của khu nhà anh quản lý lúc đó được chuyển nhượng với giá 650.000 euro. Người chủ giữ lại chỗ gửi xe trong garage và bán riêng chắc được thêm vài chục ngàn euro nữa. Hiện tại cũng căn hộ nọ, Ahman nói người chủ mới rao bán 1,1 triệu euro và người ta đã trả 1,05 triệu euro nhưng hai bên chưa ngã ngũ.
Cho dù ai lên làm tổng thống Pháp tương lai, những người như Ahman và Yanick đều quan tâm nhất một điều: kinh tế tăng trưởng, thu nhập tốt hơn và kinh doanh nhiều lợi nhuận hơn.

Ahman quan tâm đến cổ phiếu Carrefour và mua vài chục đơn vị. Anh mua như gửi tiết kiệm và kể từ khi mua đến nay, cổ phiếu đã tăng giá chừng 50%. CAC sắp cán mốc 5.000 điểm và các cổ phiếu tài chính ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ.

Sự phục hồi của nền kinh tế đã tới quá chậm và tốc độ của nó hiện vẫn chưa được như người dân Pháp mong đợi và ít nhiều gây tiếc nuối cho Tổng thống François Hollande. Nếu sự cải thiện của các chỉ số kinh tế đến sớm hơn, hẳn tỷ lệ ủng hộ ông có thể không thấp như bây giờ. Trong bài diễn văn chúc mừng người dân nhân dịp năm mới vừa qua (lần cuối của ông trên cương vị tổng thống vì ông sẽ không ra tranh cử trong cuộc bầu cử tháng 4-2017 sắp tới), ông cam kết sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, ngay cả những người có xu hướng thân Đảng Xã hội cũng không mấy tin tưởng vào hứa hẹn của ông, một phần vì thời gian đã cạn, phần khác nội bộ cánh tả đang khá không ổn định.

Sau Tổng thống François Mitterrand, Đảng Xã hội với biểu tượng hoa hồng đã không có được một gương mặt lãnh đạo nào đủ sức tỏa sáng ngang bằng, chứ chưa nói đến vượt hơn François Mitterrand. Năm 2012 khi François Hollande đắc cử Tổng thống, vượt đối thủ Nicholas Sarkozy, tại quảng trường Bellecour ở trung tâm Lyon - thành phố lớn thứ ba của Pháp và đang cạnh tranh dữ dội với Paris về môi trường sống và làm việc - những người trẻ tuổi tụ tập háo hức, đa số cầm hoa hồng trong tay.

Người Pháp đã kỳ vọng một sự thay đổi lớn để rồi liên tiếp thất vọng các năm sau đó. Yanick, chủ một doanh nghiệp nhỏ có 5-6 nhân viên ở Lyon, đã tham gia vào Front National (Mặt trận Dân tộc) đi theo tiếng gọi của Marine Le Pen. Ông thậm chí ra ứng cử đại biểu cấp quận ở quận 5, Lyon nhưng không trúng cử. Vốn là một người điềm tĩnh, chỉ lo làm ăn, Yanick đã quan tâm đến chính trị, tham gia các cuộc diễn thuyết của Marine Le Pen ở nhiều địa phương. Ông nhớ lại kinh tế Pháp đã phát triển ra sao dưới thời Jacques Chirac và phàn nàn sự thâm hụt ngân sách của Chính phủ hiện thời là không thể chấp nhận được.

Jacques Chirac là vị lãnh đạo chính phủ ảnh hưởng lên chính trường Pháp ngay từ những năm 1970 và đặc biệt ấn tượng kể từ khi ông đảm đương chức vụ thị trưởng Paris cho đến hết nhiệm kỳ hai tổng thống. Yanick có lý do để hoài niệm về một thời mà tỷ lệ ủng hộ của người Pháp dành cho tổng thống của họ ở mức cao và rất cao.

Ahman không phải là người ngày ngày đọc báo và tối ngày coi ti vi để thấm tin tức chính trị, nhưng anh đã rất lưỡng lự khi đề cập đến mùa bầu cử tháng 4 đang đến gần. Anh dè dặt bình luận những nhà lãnh đạo populiste (theo trường phái dân túy) của Front National biết đâu có thể vào vòng hai như đã từng xảy ra trong quá khứ. “Sự đắc cử của Donald Trump ở Mỹ đang khích lệ tinh thần của Front National” - Ahman nói.

http://www.thesaigontimes.vn/156246/Ghi-o%CC%89-Paris.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét