Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

Toilet... ký sự

Toilet... ký sự
Phan Minh Châu (Ngọc), Thứ Hai, 23/1/2017, 
(TBKTSG) - Có dịp sống và đi lại qua hàng chục nước từ Á, Úc sang Phi và Âu (chưa đến Mỹ), thấy chuyện về cái nhà vệ sinh (toilet) đôi khi chẳng phải chỉ đơn giản là cái toilet mà còn cho thấy nhiều vấn đề khác.
Đương nhiên, với những nước chưa phát triển như Việt Nam hay ở châu Á và châu Phi, thì chuyện toilet công cộng ít, mất vệ sinh, và phải trả tiền không có gì đáng ngạc nhiên hay thất vọng cả. Bởi vậy, nếu có đi du lịch ở những nước này thì tốt nhất là luôn phải chuẩn bị tâm thế để đối phó với chuyện tìm đỏ mắt không thấy cái toilet nào trên đường thiên lý, hoặc phải bịt mũi nhắm mắt cho xong chuyện mà vẫn có thể cứ phải trả tiền dù đã mua hàng hóa hay dịch vụ của nơi đó, ví dụ như siêu thị hay nhà ga.

Vẫn cái chuyện toilet đó và ở ngay trong khu vực, nếu mà sang những nước giàu có, phát triển như Nhật Bản, Singapore thì thường là... “Xin chúc mừng bạn đã đến thiên đường của... toilet!”. Toilet có ở hầu hết mọi nơi, kể cả những nơi hẻo lánh, chẳng mấy khi phải xếp hàng vì “cầu” cao hơn “cung”, mà lại hầu như rất ít nơi phải trả tiền. Thậm chí, ở Nhật Bản, có lẽ do thời tiết mùa đông lạnh giá kết hợp với chuyện xã hội có nhiều người cao tuổi, hay chỉ đơn giản bởi tại văn hóa của người Nhật nên nước này đã trang bị các bệ xí bệt hiện đại với vòi xịt rửa nước nóng và sấy khô trong các toilet tại rất nhiều địa điểm công cộng, và cũng miễn phí. Cũng không rõ có phải do ý thức cao của người Nhật hay không mà các toilet đều khá sạch sẽ, khô ráo, dù ít khi nhìn thấy nhân viên vệ sinh quét dọn.

Ở Singapore, “thiên đường toilet” có hơi khác với Nhật Bản một chút ở chỗ là chất lượng không được đồng đều như vậy. Toilet công cộng ở nhiều nơi “xịn” và sạch như khách sạn 5 sao và vẫn miễn phí, trực tiếp hay gián tiếp. Trong khi đó, toilet ở một số nơi lại khá bầy hầy, dù cũng có người quét dọn thường xuyên. Có lẽ lý do tại ý thức của nhiều người Singapore, và nhiều người nước ngoài sống hoặc du lịch tại nơi đây chưa đạt đến đẳng cấp của người Nhật chăng?

Và cũng chẳng nơi nào giống như Singapore khi ở sân bay Changi, cứ cách một vài chục mét lại có một toilet lớn có thể phục vụ hàng chục người một lúc, với màn hình điện tử đặt ngay ngoài cửa ra vào để khách sử dụng toilet xong có thể chấm điểm ngay người lao công trực trong phiên đó. Từ những điều nhỏ nhặt như vậy nên chẳng phải ngẫu nhiên mà Changi được xếp hạng là một trong những sân bay lớn tốt nhất thế giới.

Đến đây, chắc nhiều người sẽ chép miệng tự nhủ, thì tại nước người ta giàu có, phúc lợi cao, thuộc diện “nhà có điều kiện” mới làm được như thế chứ, đâu có gì lạ?
Trừ một số rất ít nước “đặc thù” như Nhật Bản và Singapore, nếu là người tiết kiệm và không muốn bị rầu lòng, phiền toái với chuyện toilet thì tốt nhất là nên nhịn ăn, nhịn uống tối đa trước và trong khi ra đường!

Xin thưa luôn là không phải vậy!

Nếu đặt chân đến châu Âu, kể cả một số nước Tây Âu giàu có và nhiều phúc lợi hạng cao như Áo và Đức, nếu ai là người có vấn đề với hệ tiêu hóa và bài tiết thì hơi bị... phiền! Phiền từ chuyện không phải lúc nào cũng tìm thấy toilet công cộng, hoặc nếu may có tìm được thì phải xếp hàng dài (nhất là bên nữ), đến chuyện một số tiền không nhỏ sẽ chui khỏi túi mình cho các toilet sau mỗi ngày lang thang ngoài đường.
Nơi đây, có lẽ nhu cầu đi toilet bị xếp hạng thấp, không đáng quan tâm trong số những nhu cầu cơ bản của con người. Hoặc giả người dân nơi đây “nhịn” giỏi, ít có nhu cầu đi toilet. Hoặc nữa là chính phủ các nước này muốn dành phúc lợi cho những chuyện khác cấp bách hơn chuyện toilet, nên chuyện toilet ở đây mới có nhiều cái “lạ” trong mắt những người đến từ nơi khác.

Chưa kể đến những nơi hẻo lánh hơn, ngay trong các siêu thị, trung tâm mua sắm, nhiều cái khá rộng, vài ba tầng như trong tòa nhà ngay cạnh vị trí vừa bị khủng bố bằng xe tải ở Berlin hồi tháng 12 vừa qua, chỉ duy nhất có một cái toilet với hàng người dài với nét bồn chồn đợi đến lượt hiện rõ trên mặt.

Ở những nơi công cộng do chính phủ quản lý như nhà ga, bến tàu, một số địa điểm tham quan, người sử dụng phải trả tiền để vào toilet (mỗi lần nửa euro hoặc hơn, tức khoảng 12.000-13.000 đồng) dù đã mua vé tàu, xe, hay vé vào cửa. Nên biết thêm là nửa euro này ở Đức là gần mua được một chai nước, một phong kẹo chocolate, hay một chai sữa trong siêu thị rồi đó. Thôi đành tự lý giải (để cho đỡ tức) rằng mức vé đã được chính phủ tính “sát nút”, không bao gồm chi phí thuê lao công quét dọn vệ sinh, và/hoặc chính phủ không muốn người khác, nhất là không phải khách hàng, dùng “chùa” dịch vụ của mình.

Một số cửa hàng cửa hiệu hoặc không bố trí toilet cho khách mua, hoặc có nhưng vẫn thu tiền mà lại lờ đi chuyện hoàn lại cho khách khi khách mua hàng hóa và dịch vụ của họ, tuy ở một số cửa hàng khác, như McDonald’s, thì sòng phẳng và công bằng hơn khi khấu trừ lại tiền phí toilet nếu khách chìa hóa đơn sử dụng toilet ra khi mua đồ ăn của họ (hóa đơn này in ra bởi máy tự động đặt ở cửa toilet, phải nhét tiền xu thì mới vào được bên trong).

Tóm lại là hầu như không có một mô thức chung nào cho cái toilet từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam cả. Nhưng có một điểm chung có thể rút ra là, trừ một số rất ít nước “đặc thù” như Nhật Bản và Singapore, ở mọi nơi, mọi quốc ga, dù là giàu hay nghèo, đã hay đang phát triển, và phúc lợi công cộng cao hay thấp, nếu là người tiết kiệm và không muốn bị rầu lòng, phiền toái với chuyện toilet thì tốt nhất là nên nhịn ăn, nhịn uống tối đa trước và trong khi ra đường!

http://www.thesaigontimes.vn/156247/Toilet-ky-su.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét