Mười năm Thủ tướng và thông điệp ‘kinh tế thị trường’
06/04/2016 Có vẻ như phía hành pháp, với tư cách là bên trực tiếp thực thi các chính sách, đã phải chịu trách nhiệm quá lớn, trong khi Quốc hội chính là cơ quan đã bấm nút thông qua các chính sách lớn; và các quyết định quan trọng nhất trong nhiều năm qua thường vẫn phải được sự đồng ý của Bộ Chính trị. Nhiều ý kiến cho rằng với đặc thù chính trị của Việt Nam, việc dồn hết trách nhiệm lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là chưa thật công bằng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Giang Huy
(VNF) - Thử cùng VietnamFinance nhìn lại 10 năm Thủ tướng trên phương diện điều hành kinh tế. Hôm nay (6/4), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chính thức khép lại hai nhiệm kỳ thủ tướng của mình. Để đánh giá đúng và đầy đủ về hai nhiệm kỳ Thủ tướng, có lẽ còn cần thêm rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, trên phương diện kinh tế, có thể chia hành trình của Thủ tướng thành hai giai đoạn.Giai đoạn I là khoảng đầu nhiệm kỳ thứ nhất. Thủ tướng, với nhiệt huyết và tham vọng đưa đất nước đạt được những bước tăng trưởng nhanh chóng, vượt trội so với giai đoạn trước đó, đã đưa ra các chính sách khá táo bạo.
Tuy nhiên, kết quả đạt được là không như mong đợi, với những câu chuyện điển hình là tham vọng xây dựng các “tập đoàn kinh tế” không thành công, thậm chí vỡ nợ như trường hợp Vinashin, Vinalines, mà hậu quả cho đến nay là chưa thể khắc phục được.
Các câu chuyện khác cũng được nhắc tới là việc đưa ra gói kích cầu 8 tỷ USD, về sau được xem là chưa hiệu quả vì “không đến được các địa chỉ cần đến”, trong khi đưa đến các hệ lụy cho nền kinh tế, từ thị trường chứng khoán tới quản lý đầu tư công…
Tuy nhiên, theo ghi nhận của VietnamFinance trong các cuộc trao đổi với các chuyên gia kinh tế gần đây, nhiều ý kiến cho rằng với đặc thù chính trị của Việt Nam, việc dồn hết trách nhiệm lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là chưa thật công bằng.
Có vẻ như phía hành pháp, với tư cách là bên trực tiếp thực thi các chính sách, đã phải chịu trách nhiệm quá lớn, trong khi Quốc hội chính là cơ quan đã bấm nút thông qua các chính sách lớn; và các quyết định quan trọng nhất trong nhiều năm qua thường vẫn phải được sự đồng ý của Bộ Chính trị.
Giai đoạn II là khoảng cuối nhiệm kỳ thứ nhất đến hết nhiệm kỳ thứ hai. Trước tình hình kinh tế khó khăn, Thủ tướng và cộng sự đã phải thực hiện các chính sách thắt chặt về kinh tế, ổn định tình hình chung.
Ông thậm chí cũng đã phải nhận trách nhiệm về các thiếu sót trong điều hành kinh tế tại Quốc hội vào tháng 10/2012, và từ đó đến nay, phần lớn các chính sách kinh tế chủ yếu hướng vào việc ổn định tình hình, khắc phục các thiếu sót trước đó. Cho dù tăng trưởng chậm lại, nền kinh tế Việt Nam thực sự đã có sự ổn định trở lại, cho dù các khó khăn vĩ mô vẫn tiếp tục với các vấn đề như ngân sách cạn kiệt, áp lực nợ công ngày càng lớn, năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế cũng như của từng doanh nghiệp vẫn yếu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn mà thông điệp về “kinh tế thị trường” đã được Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh trong các bài viết của mình.
Thậm chí ông từng nêu quan điểm rất hiện đại về “ba trụ cột phát triển” cho Việt Nam trong thời gian tới là “nhà nước pháp quyền – kinh tế thị trường – xã hội dân sự”, cho dù cách diễn đạt là không trực diện, và Thủ tướng dùng khái niệm “xã hội” thay vì “xã hội dân sự”.
“Xã hội – thông qua người dân và các Tổ chức, các Hội nghề nghiệp đại diện cho mình và các chuyên gia, các nhà nghiên cứu độc lập để đóng góp xây dựng, phản biện và giám sát thực thi chính sách, nhằm hạn chế các khiếm khuyết của thị trường và Nhà nước”, ông viết.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng có lẽ là việc Việt Nam hoàn tất các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó quan trọng nhất là TPP và EVFTA, là những hiệp định mà theo ông, những cam kết trong đó “là những khung khổ, chuẩn mực để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”.
“Cần nhận thức sâu sắc rằng, cơ hội thuận lợi tự nó không chuyển thành sức mạnh kinh tế, lợi ích và khả năng cạnh tranh trên thị trường mà phải thông qua sự nỗ lực và hiệu quả hoạt động hướng đích của các chủ thể – Nhà nước, người dân và doanh nghiệp”, ông viết.
Tại Quốc hội kỳ này, thông điệp rất đáng chú ý được Thủ tướng nhắc đến là “nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đủ rõ và còn khác nhau nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực”.
Và đó chính là khiếm khuyết rất lớn mà Việt Nam cần khắc phục để thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách “hoàn toàn thị trường”, tiến nhanh tiến xa trong thời gian tới, với rất nhiều kỳ vọng đang được dồn cho… bộ máy lãnh đạo kế nhiệm, trong đó có Thủ tướng mới!
"Phải xác định đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, doanh nghiệp và xã hội"
“Thể chế tốt, bảo đảm nhà nước pháp quyền, quyền dân chủ của người dân và phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại sẽ khơi dậy được cao nhất sức mạnh tổng hợp và các nguồn lực cho sự phát triển. Để có một thể chế tốt, chất lượng cao, phải xác định đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, doanh nghiệp và xã hội.
Nhà nước phải thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô; xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch và tổ chức bộ máy quản lý để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng; sử dụng nguồn lực của Nhà nước, các chính sách và công cụ điều tiết để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống người dân; bảo vệ môi trường; bảo đảm các dịch vụ công thiết yếu, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thị trường quyết định việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực. Doanh nghiệp được tự quyết định kinh doanh trên các lĩnh vực mà luật pháp không cấm đồng thời phải đề cao trách nhiệm xã hội và văn hóa kinh doanh. Xã hội – thông qua người dân và các Tổ chức, các Hội nghề nghiệp đại diện cho mình và các chuyên gia, các nhà nghiên cứu độc lập để đóng góp xây dựng, phản biện và giám sát thực thi chính sách, nhằm hạn chế các khiếm khuyết của thị trường và Nhà nước.
Trên cơ sở nhận thức đúng đắn các mối quan hệ trên đây, chúng ta phải khẩn trương tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các FTA thế hệ mới với tinh thần đổi mới toàn diện, đồng bộ cả kinh tế và chính trị”.
(Trích bài viết: “Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội và thách thức - Hành động của chúng ta” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng).
NGHỆ NHÂN
http://vietnamfinance.vn/tieu-diem/goc-nhin-vnf-muoi-nam-thu-tuong-va-thong-diep-kinh-te-thi-truong-20160406100630679.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét