Văn hóa lễ chùa chẳng giống ai của người Việt
Có hòa vào dòng người đi chùa vào đầu năm, mới thấy nét “văn hóa đi chùa” có một không hai của người Việt. Quan điểm đi lễ chùa, mỗi nơi mỗi khác, mỗi người mỗi kiểu, nhưng những hình ảnh mà chúng ta thấy mấy ngày qua trên các phương tiện truyền thông đại chúng lại dường như chung một kịch bản. Đó là sự bát nháo, xô bồ, chợ búa của một bộ phận người đi lễ chùa; sự dễ dãi, buông lỏng trong khâu tổ chức, quản lý sự vụ tại chốn tâm linh khiến văn hóa đi chùa mất đi hình ảnh cao đẹp vốn có của nó.Đi lễ chùa vào những ngày đầu năm mới là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam. Người ta đến chùa để hướng về cõi Phật, cầu một năm mới bình an, như ý. Nhiều người còn xem đó là một đức tin giúp họ vượt qua những chông gai, trắc trở trong cuộc sống.
Khi đi lễ chùa trở thành một nét đẹp, mang lại giá trị văn hóa đậm chất Việt Nam thì những hình ảnh không hay, làm trái giáo lý nhà Phật, xóa nhòa bản chất văn hóa tâm linh, đã làm giảm giá trị văn hóa đích thực của người Việt khi đi chùa lễ Phật. Và vào dịp Tết Bính Thân 2016 này, hình ảnh không đẹp đó lại xuất hiện đây đó.
Có hòa vào dòng người đi chùa vào đầu năm, mới thấy nét “văn hóa đi chùa” có một không hai của người Việt. Quan điểm đi lễ chùa, mỗi nơi mỗi khác, mỗi người mỗi kiểu, nhưng những hình ảnh mà chúng ta thấy mấy ngày qua trên các phương tiện truyền thông đại chúng lại dường như chung một kịch bản. Đó là sự bát nháo, xô bồ, chợ búa của một bộ phận người đi lễ chùa; sự dễ dãi, buông lỏng trong khâu tổ chức, quản lý sự vụ tại chốn tâm linh khiến văn hóa đi chùa mất đi hình ảnh cao đẹp vốn có của nó.
Ngay từ sau phút giao thừa, bắt đầu năm mới, chùa chiền mọi nơi không khi nào vắng khách. Người người chen lấn, xô đẩy cùng mâm lễ trên tay, ai cũng muốn được Phật “biết mặt, biết tên” nên cứ thế chen lấn đội lễ lên trước. Rồi xích mích nhỏ dẫn đến gây gổ lớn, thậm chí đến cả lật đổ mâm lễ, hành hung bát nháo. Nhiều người vô tư hò hét, gọi nhau và rôm rả bàn chuyện, nói chuyện điện thoại ầm ĩ cũng không phải hiếm.
Hòa vào dòng người hành lễ, người ta thi nhau khấn vái, dâng tấu sớ, cố gắng tiếng khấn vái của mình phải to hơn tiếng người bên cạnh để Phật chứng giám! Tiền thật, vàng mã quăng bừa bãi ở các gốc cây, giắt lên tay Phật, đeo vào cương ngựa gỗ…
Người đi lễ chùa mặc sức hái, vặt trụi cây cối trong chùa đem về nhà làm lộc với niềm tin được may mắn, tài lộc cả năm. Có những cô gái đi lễ chùa trong trang phục hở hang, thiếu trước hụt sau, áo hai dây, quần lửng… vô tư thắp nhang lễ Phật bất kể đây là chốn tôn nghiêm.
Ở một góc độ khác, nhiều nhà chùa lại buông lỏng trong khâu tổ chức lễ hội, tiếp tay cho sự mai một của văn hóa đi chùa. Sân chùa thành địa điểm kinh doanh, bày bán đủ thứ nhang, hoa, chim phóng sinh, sách từ kinh Phật cho đến sách bói toán… Khách vào lễ chùa, người buôn bán ở đây mặc sức chèo kéo nhộn nhạo. Rồi hàng loạt các dịch vụ ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu khách như giữ xe, viết sớ tấu, xóc quẻ, bán mâm lễ, khấn hộ… Dịch vụ nào cũng nhân dịp tết, tha hồ “chặt chém” khách đi lễ. Theo đó, tình trạng móc túi, cướp giật, cờ bạc trước cổng chùa hay ngay trong sân chùa, bói toán mê tín dị đoan… xuất hiện tràn lan, không thể kiểm soát.
Đi chùa đầu năm đã trở thành lễ hội tâm linh được dân gian hóa. Tuy nhiên, chính con người với hành vi không chuẩn mực đã làm hoen ố và mất đi phần nào mục đích, ý nghĩa nhân văn của việc đi lễ chùa đầu năm. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Phải chăng một bộ phận người Việt do thiếu hiểu biết về tín ngưỡng nói chung, về đạo Phật nói riêng, đang làm méo mó, biến dạng các lễ hội gắn với chùa chiền? Có thể nói, chùa là một ngôi trường dạy về đạo Phật, là nơi truyền bá tư tưởng của đức Phật. Do vậy, đến cửa chùa là phải tâm lành, ý thiện. Không phải cứ chen lấn, xô đẩy, dâng cúng hoành tráng để “vua biết mặt, chúa biết tên” là thực hiện được ước nguyện. Và đến chùa không thể xin được sự bình an, hạnh phúc nếu chúng ta không biết rõ giá trị cuộc sống, hay hành xử không theo hiến pháp, pháp luật, đúng đạo lý làm người. Muốn làm giàu nhanh mà bất chính, muốn hưởng thụ mà không lao động - triết lý nhà Phật không phổ độ chúng sinh cho những người như vậy.
Hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa của việc đi chùa lễ Phật sẽ góp phần nâng cao văn hóa, giá trị của các lễ hội gắn với chùa chiền. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta bội thực với đủ các lễ hội, với những điều phản cảm, bát nháo đi kèm đã gây ấn tượng xấu trong xã hội suốt một thời gian dài. Cần gìn giữ và thanh lọc để đi lễ chùa trở thành một nét văn hóa đẹp trong đời sống tâm linh.
Ngọc Lê (SGGP)
http://motthegioi.vn/chuyen-hang-ngay/van-hoa-le-chua-chang-giong-ai-cua-nguoi-viet-288949.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét