Chủ tịch nước đã thực hiện tốt các nhiệm vụ và quyền hạn trong nhiệm kỳ
QĐND Online – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần phải làm rõ, nêu rõ được vai trò của Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng QP-AN, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân; vai trò và tác động của Chủ tịch nước liên quan đến các hoạt động của Quốc hội, hoạt động lập pháp như thế nào, có sự chỉ đạo, điều hành ra sao?. “Đây là báo cáo tổng kết của Chủ tịch nước trình ra Quốc hội để Quốc hội đánh giá, nên cũng cần có nhận định tổng quát về hoạt động của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ, những bài học kinh nghiệm rút ra là gì, có kế thừa kinh nghiệm của các Chủ tịch nước gì hay không?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước. Chiều 19-2, tại Phiên họp thứ 45 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Quốc hội Khóa XIII, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã nghe Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước...
Theo dự thảo Báo cáo, trong nhiệm kỳ 2011-2016, Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước đã thực hiện tốt các nhiệm vụ và quyền hạn trong hoạt động đối nội (lập pháp, hành pháp, tư pháp). Cụ thể, Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước đã trực tiếp tham gia góp ý kiến đối với nhiều dự thảo luật, pháp lệnh. Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố 100 luật, 10 pháp lệnh và 21 nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII thông qua. Theo sự phân công của Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước đã tham dự nhiều phiên họp của UBTVQH và có ý kiến đóng góp về nhiều nội dung, góp phần tích cực vào kết quả hoạt động của UBTVQH, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa Chủ tịch nước và UBTVQH. Theo đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch nước đã ký quyết định đối với 198 điều ước quốc tế; chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu để Quốc hội, CHủ tịch nước, các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân có thể kiểm tra, giám sát tình hình vay nợ nước ngoài, sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ, nhằm bảo đảm hiệu quả vốn vay và tình bền vững của nợ công, nợ quốc gia…
Về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực quốc phòng-an ninh (QP-AN), với vai trò Thống lĩnh lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, Chủ tịch nước luôn quan tâm, góp phần chỉ đạo mọi mặt công tác, xây dựng LLVT chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo đảm QP-AN trong tình hình mới. Chủ tịch nước đã tham dự và có ý kiến tại các phiên họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương; định kỳ làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về tình hình thực hiện nhiệm vụ QP-AN. Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước đã dành thời gian đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu, công tác xây dựng các LLVT nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc tại các khu vực phòng thủ, quân khu, quân chủng, quân đoàn… Ngoài ra, Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước còn có nhiều hoạt động trong công tác xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới nổi lên nhiều thách thức, các hoạt động đối ngoại tích cực và có hiệu quả của Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước trên bình diện song phương đã góp phần đẩy mạnh và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa nước ta với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, củng cố và tăng cường quan hệ với nước bạn bè truyền thống và mở ra quan hệ với các đối tác tiềm năng. Trên bình diện đa phương, đã góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta, qua đó góp phần quan trọng trong việc củng cố, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế và điều kiện thuận lợi, nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đánh giá về bản báo cáo này, đa số các ủy viên UBTVQH đều thống nhất đây là bản báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, cầu thị để báo cáo với UBTVQH; đã thể hiện được đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước do Hiến pháp quy định; sự gương mẫu của người đứng đầu nhà nước với tinh thần trách nhiệm vì dân, vì nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, báo cáo cần có nhận định tổng quát để thấy thêm được vai trò của Chủ tịch nước là người đứng đầu, thay mặt Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có vai trò trong đối nội, đối ngoại. Cần phải làm rõ, nêu rõ được vai trò của Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng QP-AN, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân; vai trò và tác động của Chủ tịch nước liên quan đến các hoạt động của Quốc hội, hoạt động lập pháp như thế nào, có sự chỉ đạo, điều hành ra sao?. “Đây là báo cáo tổng kết của Chủ tịch nước trình ra Quốc hội để Quốc hội đánh giá, nên cũng cần có nhận định tổng quát về hoạt động của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ, những bài học kinh nghiệm rút ra là gì, có kế thừa kinh nghiệm của các Chủ tịch nước gì hay không?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thì nhìn nhận, với trách nhiệm là người thống lĩnh LLVT, Chủ tịch nước đã chăm lo tăng cường tiềm lực quốc phòng, động viên LLVT thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu, đập tan mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù, chống diễn biến hòa bình, động viên lực lượng quân đội, công an và nhân dân. Bảo đảm giữ vững nguyên tắc hiến định trong việc góp phần giữ vững bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững sự ổn định chính trị của Việt Nam. Trong thực hiện nhiệm vụ đối ngoại có chọn lọc, cân nhắc, thận trọng, có nhiều ý kiến kịp thời đối với Quốc hội, với Chính phủ về chiến lược QP-AN, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại trong việc thực hiện pháp luật và xây dựng luật pháp.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Văn phòng Chủ tịch nước và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến đóng góp của UBTVQH, để chỉnh sửa, hoàn thiện; bảo đảm bản báo cáo ngắn gọn, súc tích mang tính tổng kết, đánh giá được những hoạt động của Chủ tịch nước mà đã được quy định trong Hiến pháp 2013 về vị trí,vai trò của Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nhà nước đối nội,đối ngoại, thống nhất LLVT, Chủ tịch Hội đồng QP và AN…
PHÚC THẮNG
http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/chu-tich-nuoc-da-thuc-hien-tot-cac-nhiem-vu-va-quyen-han-trong-nhiem-ky-467370
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét