Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Các ngân hàng VN lo sợ sẽ bị ngoại quốc thâu tóm

Các ngân hàng Việt Nam lo sợ sẽ bị ngoại quốc thâu tóm
Bên lề cuộc họp cuối tuần của các chủ ngân hàng thương mại cổ phần vào chiều ngày 12-2 tại Sài Gòn, nhiều ý kiến bày tỏ lo sợ phía ngoại quốc sẽ tung tiền để mua lại các ngân hàng Việt Nam.
Ảnh minh họa
Theo nội dung cam kết về ngành ngân hàng tài chính trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), có các điểm chính như sau: mở rộng cam kết về mở cửa thị trường, trong đó lưu ý các tổ chức tài chính trong 12 nước được cung cấp và nhận dịch vụ xuyên biên giới; tăng cường minh bạch hóa, bảo hộ đầu tư với cơ chế giải quyết tranh chấp minh bạch, rõ ràng và có hiệu quả; không phân biệt quốc tịch nhân sự cấp cao; cho phép áp dụng các ngoại lệ và các quy định quản lý thận trọng,…

Như vậy, bên cạnh cơ hội mở rộng đối tác, thị phần, thị trường, tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài, tuyển dụng nhân tài quốc tế, chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm và áp lực cải cách thể chế trong nước;… hệ thống ngân hàng nội địa Việt Nam sẽ đối mặt với một cuộc đua cạnh tranh hơn và thách thức “chảy máu chất xám” nếu không quan tâm quản lý nhân tài và có chế độ tốt.

Thêm nữa, cũng sẽ không loại trừ khả năng nếu các ngân hàng không kiểm soát tốt sẽ bị thâu tóm hoặc bị mua lại khi các ngân hàng Việt Nam cởi mở dần không gian cho nhà đầu tư nước ngoài, các đối tác chiến lược nước ngoài.

TPP cho phép 12 nước thành viên cung cấp các dịch vụ ngân hàng xuyên biên giới trong khối, tức là được phép khai thác chung khách hàng. Điều này có nghĩa, cá nhân, tổ chức tại Việt Nam có thể sử dụng dịch vụ của ngân hàng ở bất kỳ ngân hàng nào trong 12 nước thành viên TPP mà ngân hàng đó không cần mở chi nhánh tại Việt Nam như trước và ngược lại.

Về vấn đề nhân sự, TPP yêu cầu các nước thành viên không phân biệt quốc tịch khi tuyển dụng nhân sự cấp cao, tức là các tổ chức, doanh nghiệp trong TPP không được từ chối nhân sự quốc tịch nước khác trong TPP, bất kỳ lãnh đạo cấp cao mang quốc tịch nào cũng sẽ được tham gia điều hành.

Về bảo hộ đầu tư, tổ chức, doanh nghiệp, Chính phủ phải ứng xử công bằng với tất cả nhà đầu tư. Đồng thời, các nhà đầu tư có thể kiện trực tiếp tổ chức, Chính phủ đó lên Ủy ban TPP nếu họ không chứng minh được sự minh bạch và công bằng trong khi phân bổ các cơ hội cho đầu tư của mình. Ví dụ, ngân hàng Trung ương muốn cấm đoán loại hình dịch vụ của một ngân hàng thì phải đưa ra được lý do và chứng minh có tác động bất ổn đến tài chính, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ của nước đó thì mới được bãi bỏ.

Ở một nước cộng sản như Việt Nam, thì yêu cầu minh bạch các chính sách là chuyện gần như không tưởng. Tuy nhiên trước những món nợ công khổng lồ, vì túi tiền riêng của phe nhóm, người ta tin rằng giữa lựa chọn cho sống còn, nhà cầm quyền sẽ chọn con đường từ bỏ chủ nghĩa xã hội không tưởng đã đeo đuổi suốt 86 năm qua.

Vũ Minh Ngọc
(SBTN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét