Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Nuôi heo sắp ‘vỡ trận’ như nuôi gà?

Nuôi heo sắp ‘vỡ trận’ như nuôi gà?
TTTG.VN – Giá heo hơi đã đứng ở mức đảm bảo cho người nuôi có lời khá cao trong suốt cả năm 2015. Và không cứ gì người chăn nuôi mà các doanh nghiệp cả nội lẫn ngoại đều đổ xô vào xây trại nuôi heo. Liệu sắp tới người nuôi heo có rơi vào thảm cảnh như từng xảy ra với người nuôi gà?

Xe tải gom heo hơi xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Đăng Hoàng.
Chỉ trong vòng ba tháng trở lại đây, bà Thắm, một người nuôi heo ở huyện Định Quán, Đồng Nai xây liên tiếp ba trang trại cho công ty nước ngoài thuê nuôi heo…

Đổ xô lập trại heo


Trước đó, bằng nguồn vốn tự có 60 tỷ đồng, bà Thắm lên khu Madagui, Lâm Đồng mua 20ha đất để xây hai trang trại nuôi heo. Với hai trang trại này, trong suốt năm 2015, do heo hơi có giá nên bà Thắm thu về hơn 10 tỉ đồng lợi nhuận.

“Nuôi heo đang có ăn nên tui quyết định mua thêm ba mảnh đất ở khu vực Định Quán xây trại cho các công ty thuê”, bà Thắm nói.

Một trang trại có công suất khoảng 10.000 con heo thịt cần 10ha đất. Tất nhiên, để đảm bảo môi trường chăn nuôi, đất xây trại phải cách xa khu dân cư, nằm trong quy hoạch, có nguồn nước sạch, đường sá, điện đóm thuận lợi. Những khu đất như vậy, đang trở nên hút hàng và đắt đỏ ở khắp khu vực các tỉnh miền Đông, do ngày càng có nhiều người săn lùng mua làm trang trại.

Bà Trương Thị Thuỷ, có bốn trang trại heo ở Bình Phước, Bình Dương nhẩm tính ngoài tiền đất mất khoảng 3 tỉ đồng cho mỗi trại, người nuôi còn phải bỏ ra 30 – 40 tỷ xây trang trại, mua sắm thiết bị. Số tiền tuy lớn, nhưng nếu ai có vài ba trại thì chỉ cần trúng vài ba lứa heo là có thể đủ tiền làm.

Heo trúng giá là yếu tố quyết định đến việc tăng đàn, mở rộng trang trại. Trong suốt năm 2015, giá heo hơi đứng ở mức khá cao. Nhẩm tính cứ bán một con heo trọng lượng 100kg, người nuôi có lời 1 triệu đồng. Lợi nhuận cao là động lực để các trang trại tăng thêm đầu tư. Ai có trại rồi thì cứ tiếp tục nhân đàn.

Từ 1.000 con rồi lên 2.000 con, lên 10.000 con… Theo bà Thắm, người nuôi heo ở huyện Định Quán nói rằng riêng khu vực Định Quán, Đồng Nai và khu Madagui, Lâm Đồng có trên 100 trại xây mới trong năm 2015. Công suất mỗi trại trung bình 10.000 con heo thương phẩm trở lên.

Bà Tuyết, người chăn nuôi heo ở Định Quán, Đồng Nai vừa làm trại cho công ty nước ngoài thuê, cho biết các công ty đang đưa ra giá thuê trại hấp dẫn dành cho người nuôi. Chẳng hạn, công ty A đưa ra giá thuê là 2,1%/tháng, công ty B khoảng 2,2%/tháng. Tiền công ty thuê trại được tính trên tổng vốn đầu tư xây trại (không tính tiền đất) x giá thuê 2,1% hoặc 2,2%/tháng.

Như vậy, sau khi có đất, công ty đồng ý làm trại thì người dân chỉ việc cầm hợp đồng lên ngân hàng, được bảo lãnh vay tiền để xây trại. “Tiền thuê trại hàng tháng đủ để người nuôi trang trải chi phí và có lãi cao.
Cứ đến tháng, công ty rót thẳng tiền về ngân hàng để trả lãi và gốc…”, bà Tuyết bảo vậy.

Ẩn số từ Trung Quốc

Hơn hai tuần nay, người chăn nuôi heo cũng bắt đầu cảm nhận không khí u ám khi giá heo hơi đang từ 50.000 đồng/kg tụt xuống 40.000 – 42.000 đồng. Nguyên nhân là do cung vượt xa cầu.

Trong suốt cả năm 2015, sở dĩ giá heo đứng ở mức cao là do có sức cầu từ Trung Quốc. Mỗi ngày có tới hàng chục ngàn con heo sống từ khắp mọi miền chở ra biên giới xuất tiểu ngạch, nên giải quyết cơ bản lượng heo tăng thêm trong năm.

Tuy nhiên, vài tuần gần đây tình hình mua bán heo tại cửa khẩu ngưng trệ. Thương lái Trung Quốc từ chỗ trả giá cao lên đến 58.000 đồng/kg heo hơi và mua rất nhiều đã không còn mua heo nữa, khiến lượng heo trong nước dội chợ.

Nếu thị trường Trung Quốc tiếp tục mở cửa nhập heo từ sau tết Nguyên đán thì đàn heo sẽ được giải quyết, còn không thì nguồn cung sẽ dư thừa trầm trọng.

Bởi trong năm 2016, ngoài tổng đàn heo hiện có, còn có thêm nhiều doanh nghiệp khác như Hùng Vương, Greenfeed Việt Nam, Hoà Phát… cũng tuyên bố có sản phẩm thịt heo ra thị trường. Người chăn nuôi cần sáng suốt để tránh rơi vào “vỡ trận” như từng nuôi gà công nghiệp.

Đến hết năm 2015, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn thống kê Việt Nam có 28 triệu heo, đứng thứ hai châu Á và thứ bảy thế giới. Số liệu này xem ra đã quá cũ, bởi năm 2015 ghi nhận sự phát triển đột biến số trang trại xây mới và tăng đàn heo ở các trang trại. Không chỉ người chăn nuôi, số đầu heo tăng thêm còn diễn ra ở các công ty, trong đó có cả nội lẫn ngoại. Với doanh nghiệp FDI, ngoài công ty chăn nuôi C.P Việt Nam, thời gian qua những Emivest, Japfa, CJ Vina vốn được biết đến với chăn nuôi gà trắng công nghiệp thì nay, cũng đang chuyển dần sang nuôi thêm con heo. Tổng đàn heo của bốn đại gia nước ngoài này cộng lại đã lên hàng triệu con.

Minh Khoa

http://tiepthithegioi.vn/thoi-su-kinh-doanh/nuoi-heo-sap-vo-tran-nhu-nuoi-ga/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét