Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Phong giáo sư: Hãy để kinh tế thị trường quyết đinh

Ở VN đáng buồn là giáo dục không cần chất lượng, do đó ở các trường đại học, người làm ra tiền không phải là các nhà khoa học mà là đám biết cách "làm ăn", do đó người ta cần phong cho đám này học vị giáo sư để họ có danh đi giao dịch "làm ăn".
Ai nên được phong giáo sư đại học?
Ở các nước phương Tây rõ ràng việc phong GS là theo nghĩa “đôi bên cùng có lợi” cụ thể GS được tăng lương, có văn phòng tốt, có phòng thí nghiệm rộng rãi nhưng lại cũng mang tiền về cho trường, vấn đề là hai cái đấy có bù trừ được cho nhau không. Tóm lại thay bằng những thuật ngữ về mặt khoa học như học thuật, phải này phải kia, đơn giản nhất hãy để kinh tế thị trường quyết đinh việc này.

Hoàng tử William và các giáo sư Đại học Cambridge, Anh Quốc
Đọc qua rất nhiều báo trên mạng mình thấy cái quan niệm Giáo sư ở nhà mình vẫn còn cứng nhắc quá: Giáo sư là phải thế này, phải thế nọ, phải qua hội đồng thẩm định chất lượng, phải có bao nhiêu bài báo khoa học, phải học thuật, phải, phải… Cũng biết rằng cái gì ở Việt Nam thì phải phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, nhưng thật sự mà nói mình cũng cảm thấy thật là rắc rối.

Mình đã ở rất nhiều nước với các hệ thống khác nhau: chẳng hạn Hà Lan, một lab chỉ có một số ông bà giáo sư cố định, nếu đủ rồi, thì có giỏi mấy vẫn phải xếp hàng chờ một ông đi nơi khác hoặc về hưu mới lên GS được.

Ở Anh và Mỹ tương đối giống nhau, không có giới hạn, trường tự bổ nhiệm, tất nhiên cũng có công thức (dựa vào esteem factor, grant income, publications, invited talks….) nhưng thực ra mà nói rất nhiều trường hợp là flexible mục đích cuối cùng chỉ là trả lời câu hỏi "Bổ nhiệm một người X là giáo sư thì có lợi cho trường hay không?"

Nếu câu trả lời là “có” thì thực ra mà nói chả cần mấy cái công thức, họ vẫn bổ nhiệm.

Ví dụ bổ nhiệm cho ông hiệu trưởng là một nhà quản lý, doanh nhân, nếu ông ta thấy cần có cái danh giáo sư ấy và cái danh giáo sư ấy có lợi cho trường.

Có nhiều tranh luận về sự khác nhau về khái niệm hay nội hàm, theo mình đấy hoàn toàn là một sự tranh luận logic thuần tuý về mặt toán học.

Đưa đại học đi lên

Giáo dục đại học tại Việt Nam là chủ đề dư luận rất quan tâm

Khái niêm có thể khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng thì học hàm giáo sư hay chức danh giáo sư dù là bổ nhiệm, đề bạt hay gì gì đi nữa thì cuối cùng cũng chỉ là chung một mục đích: Giáo sư là đầu tàu trong khoa học để đưa đại học và viện nghiên cứu đi lên.

Đại học ở Liên hiệp Vương quốc Anh (United Kingdom) là một đơn vị hành chính độc lập tự quyết định thu chi và mọi việc liên quan đến mình, trong đó có bổ nhiệm giáo sư.

Không phải ngẫu nhiên mà UK là nước có GDP ngang với Pháp và kém xa Nhật, Đức, Mỹ, nhưng về mặt giáo dục trong 10 trường đại học đứng đầu thế giới (theo QS), UK chiếm tới bốn trường, USA có sáu trường.

Nguồn thu của Đại học UK bao gồm: funding body grants (30%) Tuition fees and education contracts (35%), Reasearch grants and contracts (16%), Endownment and investment income (1%), other income (18%) (số liệu năm 2011-2012).

Nguồn chi: trả lương, các chi phí office, research, thiết bị, điện, nước, hoá chất, máy tính…

Các đại học UK đều phải cân đối thu chi, hiển nhiên là không thể để bị thâm hụt (deficit) được.

Giáo sư ở UK có mức lương tối thiểu cỡ 60 nghìn bảng Anh một năm

Giáo sư ở UK có mức lương tối thiểu cỡ 60 nghìn bảng Anh một năm, còn tối đa thì không có, còn hiệu trưởng thì lương trên 200 nghìn bảng là bình thường.

Chỉ riêng mức lương tối thiểu này đã làm cho đại học UK không thể bổ nhiệm bừa bãi giáo sư được, vì ai cũng là giáo sư cả thì tiền đâu mà trả?

Còn về một mặt khác giáo sư cũng là người mang lại tiền cho khoa, trường theo ba cách chính sau:

1- Danh tiếng của giáo sư mang lại danh tiếng cho trường và thu hút sinh viên đến học, đấy chính là tiền.

2- Tiền xin được qua chính phủ cho các dự án nghiên cứu; Ở UK thì khoảng ít nhất 40% tiền đi vào cái gọi là economic costing, như vậy một giáo sư ở đây xin được một triệu USD thì trường bỏ túi ít nhất 400 nghìn USD;

3- Và đặc trưng riêng của UK là qua Reasearch Excellence Framework (REF). Hàng năm chính phủ UK giành khoảng 2 tỷ bảng Anh cho 154 trường đại học. Theo chu kỳ 6 năm chính phủ Anh làm cái gọi là REF để đánh giá từng giảng viên trong mỗi trường đại học qua nhiều tiêu chí esteem factor, grant funding, publications, invited talks…

Dự án 64 triệu bảng được công bố tại Royal Society, London

Chất lượng cán bộ được phân thành bốn loại: 4* (world leading) 3*(internationally excellent) 2*(recorgnised internationally) 1*(recorgnised nationally). 


80% số tiền của 2 tỷ sẽ giành cho cán bộ 4*, 20% giành cho 3*. Loại 2* và 1* không được đồng nào. Với kết quả của REF hiện nay có thể thấy là mỗi giảng viên đạt 4* trường sẽ được chính phủ cho cỡ £100,000/năm, 3* khoảng 20000 bảng/năm.

Chính vì yếu tố người giỏi mang lại nguồn lợi rất lớn cho trường (cụ thể là tiền), nên xảy ra cạnh tranh rất mạnh trong các trường đại học ở Anh Quốc để lôi người giỏi về, có những người thực ra luôn được sự mời gọi của các trường khác về làm giáo sư mà chả qua công thức gì cả.

Hiển nhiên một mặc định là một người kiếm được vài triệu tiền grant, thì cũng không phải tự nhiên mà được, cái này thì chả cần công thức, không bổ nhiệm họ làm giáo sư, họ đi nơi khác mang hết cả vài triệu đi theo.
Ở đây rõ ràng việc phong GS là theo nghĩa “đôi bên cùng có lợi” cụ thể GS được tăng lương, có văn phòng tốt, có phòng thí nghiệm rộng rãi nhưng lại cũng mang tiền về cho trường, vấn đề là hai cái đấy có bù trừ được cho nhau không.

Tóm lại thay bằng những thuật ngữ về mặt khoa học như học thuật, phải này phải kia, đơn giản nhất hãy để kinh tế thị trường quyết đinh việc này.



Bản thân nó đã là cách điều tiết tốt nhất và chỉ có người giỏi thực sự mới có thể leo lên mức thang giáo sư mà thôi.

Tiến sỹ Lê Đức Tùng London, Anh Quốc
(BBC)
http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/09/150923_giao_su_dai_hoc_uk_view

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét