Ăn trông nồi, ngồi trông hướng
Tác giả: Luật gia Trần Thúc Hoàng (Bộ TT & TT)
KD: Blog KD/ KD vừa nhận được bài viết này của Luật gia Trần Thúc Hoàng, về hiện tượng “cả họ làm quan”, nhân vụ việc Huyện ủy Mỹ Đức (HN), cả họ của ông Bí thư Huyện ủy Lê Văn Sang tham gia làm lãnh đạo các phòng, ban của huyện ủy. Xin đăng lên Blog như một cách nhìn về vấn đề nàyVài ngày nay trên các báo điện tử như: Vietnamnet, Người lao động, Dân trí đồng loạt đưa tin và bình luận về tình trạng cả họ làm quan – khiến dư luận râm ran bàn tán, bức xúc và phẫn nộ. Thực ra, tình trạng này không mới – chỉ có điều khi báo chí nói lên sự thật thì câu chuyện mới trở thành đề tài để nói, để quan tâm, để lo âu về vận mệnh của đất nước. Bởi lẽ một trong những nguyên nhân gây cản trở tiến trình phát triển của đất nước là tình trạng này (cả họ làm quan)!
Ăn xem nồi ngồi xem hướng và câu chuyện liêm sỉ
Trong kho tàng truyện cổ tích dân gian Việt Nam có câu truyện đại ý như sau: trong một đám giỗ, trên mâm cỗ chủ nhà đã bày biện thức ăn rất rõ ràng. Cụ thể là mâm cỗ cho 6 người thì món cá mỗi dĩa sẽ có 6 con. Món tôm cũng vậy – mỗi dĩa có 6 con. Cứ như vậy mỗi dĩa thức ăn đều bày biện đủ cho 6 người. Tuy nhiên có một thực khách nọ rất khoái khẩu món tôm, anh ta gắp con thứ nhất xơi xong, thấy 5 người còn lại vẫn chưa đụng đũa vào dĩa tôm, anh ta tiếp tục xơi món tôm cho tới con thứ …5!
Một vị khách ngồi cùng mâm thấy chướng tai gai mắt – bèn chủ động gắp con tôm cuối cùng vào bát của anh chàng xấu tính trên và buông theo một câu: “Mời bác xơi tiếp con này… cho nó đủ bầy!”. Ở câu chuyện này, chúng ta thấy rằng các cụ quả là thâm thúy và ý tứ! Câu chuyện lên án sự vô liêm sỉ của thói ăn tham và tham ăn… trong mọi hoàn cảnh. Không hiểu rằng những nhân vật chính của câu chuyện cả nhà ta cùng nhau lên quan có còn biết liêm sỉ là gì nữa không? Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ điều chỉnh như thế nào… Để kịp thời ‘điều trị’căn bệnh “ăn không biết xem nồi, ngồi không biết xem hướng này” ?
Luật hóa việc tuyển chọn lãnh đạo
Sử sách ghi chép rằng: triều đại nhà Nguyễn quy định rõ, phàm là một vị quan đầu tỉnh, đầu huyện được triều đình bổ nhiệm thì phải điều động đi nhận nhiệm vụ ở địa phương khác – không được cầm quyền tại quê hương bản quán của mình. Không được để cho vợ con, anh em họ hàng làm trong bộ máy do vị quan ấy lãnh đạo… Như vậy, tình trạng cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, lợi ích gia tộc đã lộ diện và là nguy cơ đe dọa đến sự phát triển, phồn vinh và ổn định của đất nước. Để ngăn chặn tình trạng này, Quốc hội cần sớm xây dựng đề án luật, trưng cầu dân ý và ban hành kịp thời luật về tuyển chọn, bổ nhiệm và sử dụng lãnh đạo trong bộ máy quản lý hành chính Nhà nước.
Xử lý khủng hoảng truyền thông
Chủ đề cả gia tộc làm quan ở huyện Mỹ Đức, Tp.Hà Nội biến thành một giai thoại – chế lời của một bài hát dành cho thiếu nhi cả nhà ta cùng nhau… lên quan… Thực chất đây là một cuộc khủng hoảng truyền thông về công tác cán bộ. Vì sao nói như vậy? Trước hết, phải hiểu thế nào là khủng hoảng. Theo triết học định nghĩa thì: khủng hoảng là sự mất cân bằng trong nội tại hoặc xung quanh dẫn tới sự không bình thường. (quả là một định nghĩa ngắn gọn, dễ hiểu nhưng cực kỳ chính xác trong trường hợp này) Như trên đã nói, báo chí và dư luận trong cả Nước cùng dậy sóng về sự kiện này… Cần phải gọi tên chính xác là: khủng hoảng truyền thông!
Xử lý khủng hoảng truyền thông trong trưởng hợp này đòi hỏi những người có trách nhiệm của Tp.Hà Nội cần đối diện với sự thật và đưa ra giải pháp kịp thời! (nếu sai nguyên tắc cần xử lý kỷ luật, nếu cán bộ đủ tiêu chuẩn cần phải được điều động kịp thời sang các địa phương khác, không thể để dây dưa kéo dài mất ổn định an ninh chính trị và niềm tin của nhân dân). Bên cạnh đó, sau khi xử lý xong – cần phải tổ chức họp báo và cung cấp thông tin công khai cho báo chí. Đồng thời đăng thông cáo báo chí công khai lên trang thông tin điện tử của ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội. Hi vọng chính quyền Thủ đô đi đầu và làm gương cho các địa phương trong cả nước với tinh thần: “…Hà Nội đó, niềm tin yêu hi vọng…”! … Tin lắm thay!
https://kimdunghn.wordpress.com/2015/09/17/an-trong-noi-ngoi-trong-huong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét