Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

(1) Kinh nghiệm câu cá của người Tây Nam Bộ xưa

Kinh nghiệm câu cá của người miền Tây Nam Bộ xưa
Câu cá, nghe có vẻ giản đơn nhưng thực ra là cực kỳ phức tạp. Không phải loài cá nào cũng giống nhau về cách câu, cách ăn mồi. Người miền Tây Nam Bộ xưa câu cá rất tinh tế, đặc biệt là người sống ở thôn quê. Từng thời điểm, từng loại cá họ đều có cách câu khác nhau tương ứng với điều kiện mùa vụ và hệ thống sông rạch chằng chịt.

Những nhánh trúc dài cỡ 8 tấc được buộc dây bố làm dây câu ( Ảnh ST )
Câu cá Chốt tháng TưVào tháng tư, mùa mưa đã đi được một chặng đường. Nước bùn từ những con đường quê chảy xuống sông rạch khiến nước sông mùa này ngầu đục. Thời gian này, cá chốt giấy bắt đầu sinh sản. Dân quê thường dùng dế cơm, dế nhũi để câu cá chốt giấy, chốt trâu, chốt chuột. Nhưng có một loại mồi rất độc đáo và rất nhạy đó là trứng kiến vàng. Mùa mưa, trên các thân cây xoài, gáo, bằng lăng, bần có nhiều kiến vàng trú ngụ và đẻ trứng. Dân quê dùng một cây sào dài, buộc loại vợt làm bằng vải mùng vào đầu cây sào rồi đưa sào vào phá ổ lấy trứng.

Có hai cách câu cá chốt là câu bằng cần trúc và câu quăng. Câu quăng phức tạp hơn, nhiều lưỡi câu được tóm vào một đầu của rường câu dài 30-40 “thước” (tức mét) mỗi lưỡi cách nhau 8 “tấc” (8cm). Đầu kia buộc một cây sắt hoặc đá để khi quăng, sức nặng của đá sẽ kéo rường câu thẳng ra và chìm xuống lòng rạch.

Sau khi móc mồi, người câu đứng trên cầu hay các bến sông, cầm cục đá quăng rường câu ra giữa sông. Xong, họ buộc đầu rường còn lại vào cái sào dài và cắm xuống nước cho chìm sát lòng rạch rồi ngồi chờ cá đến ăn mồi. Chỉ chừng tàn điếu thuốc là họ nhổ cây sào lên, đưa rường vào bờ để gỡ cá.

Người có xuồng thì bơi xuồng thả câu sau khi móc mồi vào rường. Kiểu câu xuồng này ít bị rối, có thể thả được nhiều rường câu rất nhanh.

Những năm 1940, 1950 của thế kỷ trước, ở vùng sông rạch Long Xuyên – Châu Đốc có rất nhiều cá chốt. Những con chốt giấy, chốt trâu, chốt chuột béo tốt, to bằng ngón chân cái đem kho tiêu, cho thêm tóp mỡ là ngon hết biết. Hàng ngày, người ta thả câu lúc nước đứng lớn hoặc nước đứng ròng, khi đó nước chảy yếu, cá rất chịu ăn và rường câu cũng ít đứt. Vào mùa, chỉ cần quăng vài ba lượt là đủ cá ăn cả ngày. Trẻ nhỏ nhà quê thời ấy đứa nào cũng mê câu cá chốt.

Cắm tép tháng 5: Vào tháng năm, tháng sáu nước sông càng đục, trẻ nhỏ thích câu cắm bắt tép. Những nhánh trúc dài cỡ 8 tấc được buộc dây bố làm dây câu, đầu kia buộc mồi trùn. Khi nước lớn, chúng men theo mé sông, mé rạch để cắm hàng chục cây cần câu không lưỡi này rồi cầm rổ đi theo. Thấy sợi dây nào lay động thì đưa rổ thật nhẹ xúc lên nhanh, thế nào cũng được vài con tép rong, tép đất, tép bạc đang ngậm mồi. Kiểu câu này chỉ có trẻ nhỏ là thích còn người lớn thì ít ai đoái hoài, họ còn bận với nhiều kiểu câu khác bắt nhiều cá hơn.

Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ: Tháng 7, nước lớn tràn bờ, vượt qua vườn tược, tràn qua đám nưa, ngập theo các giồng mía khiến cho đám trùn trú trong những giồng mía cao bắt đầu di chuyển lên gò. Theo lệ thường, nước tràn tới đâu thì cá tép theo tới đó. Chúng cũng biết các chỗ cao sẽ có trùn nên men theo các giồng mía, giồng khoai, giồng nưa để ăn mồi trùn. Vậy nên nếu thấy cá quẫy ở những giồng mía lấp ló nước là dân quê làm cần câu cắm. Họ cắm dọc theo những nơi thấy cá quẫy. Những loài ăn cạn như vậy thường là cá trê trắng, trê vàng, cá chạch, cá lóc, cá chốt nhỏ còn cá lớn thì không lên cạn kiếm mồi theo kiểu này. Nhiều người không cắm mà giăng thành luồng, mỗi luồng khoảng 5-10 lưỡi câu cách nhau khoảng một “thước” (1 mét) hoặc gần hơn. Họ không tóm hai lưỡi câu quá gần nếu không, khi lưỡi này dính cá thì cá khác sẽ không dám đến ăn mồi ở chỗ có hai lưỡi câu gần hai bên.

Mồi câu cắm hoặc câu giăng theo các vạt đất gò vào mùa nước mới bò vào vườn thường là mồi trùn vì đa phần cá lóc, cá trê kiếm mồi ở thời gian này là kiếm trùn. Mùa này, trùn dồn lên gò cao tránh nước nên cũng dễ đào. Hai loại trùn mà cá ưa nhất là trùn hổ và trùn huyết. Trùn cơm thì chúng không thích bằng, hơn nữa trùn cơm không dai như hai loại trùn kia, cá rỉa mau hết, hao mồi nên dân câu ít sử dụng.

Giăng câu tháng 8: Tháng 8, nước đã ngập đồng. Lúc này dân quê mới thực sự vào mùa câu giăng bắt cá lóc, cá trê trên những cánh đồng lúa mùa. Đồng lớn, nước sâu nên ít ai câu cắm bằng cần mà giăng những luồng câu rất dài, băng qua nhiều vạt đất, qua nhiều lung, vũng, đìa, bàu đầy cá là cá. Muốn câu loại cá gì thì dùng lưỡi đó: cá lóc thì lưỡi đúc, cá trê hợp với lưỡi câu dấu ó, còn cá thác lác, cá trèn người ta dùng lưỡi câu dấu ó có vọng nhỏ hơn loại câu cá trê. Dân câu chuyên nghiệp người ít thì cũng có năm, bảy trăm câu, nhiều thì đến cả vài “thiên” câu là thường. Gần thì chiều chiều chống xuồng ra đồng móc mồi, thả câu rồi cột xuồng ngủ chờ “thăm” câu lần thứ nhất; móc mồi lại… cứ vậy cho đến khi thấy đủ thì chống xuồng về nhà. Còn xa thì chuẩn bị cà rèm, gạo, thóc, nồi niêu, củi đuốc, mắm muối, cà ràng, đèn dầu, mồi câu cho chuyến giăng câu một tuần hoặc mười ngày. Mồi câu cũng được mang đủ theo số ngày ở lại trên đồng. Họ thường giăng ở những cánh đồng lớn ở Bình Di Bắc Nam, Luỳnh Quỳnh, Tám Ngàn, Đồng Tháp Mười… Ngày cắm xuồng ngủ, chiều bủa câu, tối thăm câu một lượt và thay mồi, đến sáng thì cuốn câu. Cá giăng được nếu còn sống thì rộng trong xuồng, nếu đã bị ngợp thì xẻ muối làm khô, làm mắm. Cũng có nhiều xuồng ghe đến mua cá, người câu giăng trúng lớn thì đem bán bớt cho nhẹ xuồng. Thời xưa, người câu giăng dài ngày ít ai bán cá còn sống, họ thường rộng cho cá sống rồi mang về nhà, chỉ bán nếu nhiều quá không còn chỗ chứa. Cá giăng được mùa này thường là cá lóc, cá trê trắng, cá trê vàng.

Câu giăng, một kiểu câu đặc trưng miền sông nước Tây Nam Bộ ( Ảnh ST )

Giăng câu ở những cánh đồng lớn vào mùa nước ngập “lút đầu, lút cổ” này thường thì hai ba xuồng giăng chung một cánh đồng. Họ tìm chỗ đậu xuồng cùng nhau để giúp được nhau khi cần. Nguy hiểm xảy ra trên đồng muôn hình vạn trạng nhưng nguy nhất là rắn. Rắn hổ đất bơi trong nước thường tấp vào xuồng và trốn trong những bó củi, bó lá dừa mà dân câu mang theo sau để ở sau xuồng hay đầu mũi xuồng. Người đi giăng câu xa mùa này rất cẩn thận khi lấy củi. Họ cũng mang theo cục mật hội phòng khi bị rắn táp sẽ rút nọc độc cứu nguy giữa đồng nước bao la mông quạnh này.

Tháng 9, tháng 10: Vào tháng 9, tháng 10, ai muốn câu cá thác lác, cá trèn thì chuẩn bị mồi tép cùng loại lưỡi câu dấu ó có vọng câu nhỏ. Loài cá này rất thích mồi tép và tép cũng dễ tìm vào mùa này. Cho đến khi có lúa thần nông, dân quê đặt lọp tép để lấy tép làm mồi câu giăng, tiện lợi hơn nhiều so với việc đi xúc tép.

Đến mùa nước giựt (tức nước rút), dân câu chuyển sang câu giăng bằng mồi cua. Lúc này lúa đang trổ bông nên rong đuôi chồn và mã đề mọc rất dày, muốn câu giăng bằng mồi cua người ta phải cắt cỏ, dọn luồng. Mỗi luồng câu chiếm một diện tích có chiều ngang ước chừng cỡ lọt lòng chiếc xuồng bơi tới, còn chiều dài thì tùy thuộc vào người câu chọn luồng ngắn hay luồng dài. Giăng câu cách này là giăng ngầm, luồng câu bủa sát mặt đất ruộng, mồi là cua còn sống, do vậy mục đích dọn luồng là để cua có chỗ bò tới bò lui cho cá dạn ăn mồi. Muốn con mồi sống lâu, người ta móc lưỡi câu vào càng áp út, tránh móc vào yếm hoặc hai mắt của con cua nếu không sẽ làm cua mau chết, cá lóc chê không chịu ăn. Cá dính câu mồi cua thường là cá lóc gần cả ki-lô-gam, hiếm khi thấy cá lóc nhỏ mắc câu mồi cua, điều này cho thấy cá lớn thường ăn ngầm (ăn đáy) còn cá nhỏ ăn mồi nổi, giống như lúc giăng câu vào đầu mùa nước.

Nước giựt cũng là lúc sắp có gió bấc, cá lạnh, ê răng nên thích ăn mồi cắt lát hơn. Người câu dùng cá linh cắt đôi làm mồi hoặc ốc bươu, ốc lác lớn cắt lát. Còn các mùa khác thì mồi chủ yếu là nhái hoặc mồi chạy (cá linh, cá ròng ròng, cá sặt, cá rằm). Các loại này cả cá trê và cá lóc cùng ưa thích.

Tháng 11, tháng Chạp:Những tháng này nước trên đồng đã cạn, lúa mùa cũng sắp chín, người dân không còn bơi xuồng lên đồng giăng câu được nữa mà chuyển sang thả câu đón cá ở kinh, rạch vì cá cũng đã bắt đầu kéo xuống. Thời gian này, cá lóc lớn vẫn còn rất nhiều ở trên đồng. Chúng bám theo các lung, vũng nên dân câu lại trở vể kiểu câu cắm với mồi cua và mồi ốc. Những con cá lớn sau khi mắc lưỡi thường quấn mình vào gốc rạ nên ít khi bị sẩy.

Những tháng nước giựt, cá bắt đầu xuống sông, kinh, rạch. Người câu giăng thì chọn giăng câu ở sông, rạch còn dân chuyên câu bằng cần thì chọn câu ở mấy gốc gáo, gốc bần, mấy đống chà. Họ câu cá rô đồng, cá rô biển, cá thác lác, cá chạch lấu. Mồi câu là tép đất vì đây là món ăn khoai khẩu của các loài cá này. Nhưng nói đến câu sông bằng cần không thể không nhắc đến mùa câu nước đục, câu cá mè vinh, cá dảnh, cá he tháng 5, tháng 6 âm lịch. Với cá dảnh, cá mè vinh thì câu bằng mồi rong đuôi chồn, loại rong mọc nhiều ở các ruộng lúa, rất dễ tìm. Còn câu cá he thì có loại mồi lá cứt quạ, hạt gòn rang. Nhiều lão nông kể rằng dân câu xưa thường cắt một nắm dây cứt quạ, buộc lại thành bó rồi đem treo ở góc có mấy đám chà để nhử cá. Cá mè vinh, cá he, cá dảnh cứ nghe mùi là bâu lại. Đến khi chúng bâu thật nhiều, rúc rỉa làm lay động đám lá cứt quạ, người câu mới móc mồi rong đuôi chồn, hột gòn rang, lá cứt quạ, thả xuống bên cạnh. Cá liền xông tới đớp, người câu chỉ cần giật cần là dính cá.

Sang tháng chạp, tháng giêng, cá gần như đã xuống sông hết. Nếu còn thì chỉ là cá lóc, cá trê, cá rô còn mắc kẹt trên các đìa bàu, lung, vũng. Khu vực này có nhiều cỏ lác, những loài cá này rất mê cái chất rong bùn ở đồng ruộng nên chưa vội xuống sông rạch. Con nào xuống sớm thường bị các cụ già mê câu nhắp, câu rê chờ sẵn đón đường ở nơi có nhiều chà, các gốc cây lớn như gáo, bần… Họ câu bằng những chiếc cần dài, dây ngắn khoảng 3 thước (mét). Mồi câu mùa này là cá rằm, cá rô đồng, cá rô biển chiều ngang bằng hai ngón tay. Chỉ cần ngồi ở mũi xuồng mà thả câu, mỗi ngày có thể kiếm được 5-10 ki-lo-gam cá. Nếu không có xuồng, họ đi trên bờ rạch, rê cần ở mấy lỗ trống hoặc các gốc cây cũng rất nhiều cá lóc.

Mùa câu cá rô bắt đầu từ tháng 8, tháng 9. Những tháng này, trên những cánh đồng lúa mùa nước rất trong. Một chiếc xuồng vừa lướt qua thôi là đã thấy một bầy cá lòng tong, cá rô đồng ùa theo ăn phấn lúa rơi rớt trên mặt nước. Dân câu cá rô thường bơi xuồng đi câu, câu từ sáng đến chiều về có khi đầy cả một khoang xuồng. Mồi câu là trứng kiến vàng, gạch cua, cua ướm lột, cào cào, châu chấu, váng nhện giăng trên lá lúa. Do câu cá rô dễ vậy nên mùa tháng tám, tháng chín ở các chợ làng, chợ quê bán nhiều cá rô câu và cá sặt đặt lờ. Thời trước cá tôm bắt dễ nên cũng rẻ mạt.

Người không có xuồng lên đồng thì đem rổ xuống kênh, rạch, tìm nơi nào có bóng mát và không vướng cây cỏ để câu cá lòng tong, cá mại, cá thiểu béo ngậy. Mồi nhử là cám rang thật thơm, mồi câu là một hạt cườm màu đỏ hoặc vàng, đem xỏ qua lưỡi câu rồi dùng chỉ buộc chận lai không để cườm vuột ra. Câu bằng loại lưỡi không ngạnh, vọng nhỏ, mũi ngắn được uốn từ cây kim may vá áo quần. Mồi cám rang thơm được xả trên mặt nước, cá nghe mùi thơm bâu lại. Không cần phải chờ cá rỉa mồi, dân câu chỉ nhấc, hạ cần lên xuống liền tay, đều nhịp. Cá thấy hạt cườm tưởng là miếng mồi, chúng nuốt vội và mắc vào lưỡi câu. Khi cá dính câu, họ cũng không ngừng lại gỡ cá mà chỉ cần hạ nhẹ đầu cần xuống cái rổ đặt vừa với tầm của ngọn cần là cá dính câu tự động rơi ra.

Người miền Tây còn có nhiều kiểu câu rất độc đáo, ví như vào mùa nước, vì nước rất trong nên ai ở nhà sàn sẽ thấy từng đàn cá trê trắng bơi, núp quanh mấy cái nống nhà. Trẻ con chỉ cần ngồi trên sàn, khoét một cái lỗ, câu cá trê trắng bằng mồi trùn. Cá trê dính nhiều vì chúng rất dạn ăn. Phụ nữ thì câu cá vồ (cá tra), cá sát bằng mồi gián cánh: Trời vừa chạng vạng, họ bơi xuồng xuống bến sông hoặc ở ngay trong góc sân, nơi có cái lẫm chứa lúa. Một tay họ cầm cần câu, tay kia cầm cái mủng dừa (tức gáo dừa cắt đôi đã nạo hết thịt dừa, thường được người quê làm gáo múc nước) chứa đầy nước, rồi rót nước chảy xuống để nhử cá bu lại. Khi nghe mùi hôi của con gián cánh, chúng xúm nhau giành mồi và người câu tha hồ giật.

Vào mùa nước nổi, chỉ cần ngồi trên sàn là có thể câu cá được ( Ảnh ST )

Dân câu xưa còn có phương thuốc làm mồi câu cá lăng rất độc đáo mà theo như những người đã từng câu loại mồi này thì “con cá dính câu bị kéo lên xuồng, đem chặt đuôi thả lại, một lúc sau sẽ lại bị bắt vì mê mồi”. Phương thuốc được truyền từ năm 1957 bao gồm: Cá linh làm thật sạch, thái lấy hai miếng thịt hai bên lưng, đem trộn với thịt ba rọi xắt bằng ngón tay. Tất cả phần thịt cá linh và thịt heo này được ủ trong một cái hũ cải tù xoại với món thuốc bắc gồm đại hồi, tiểu hồi, cam thảo. Mồi ủ khoảng 5-7 ngày là đem ra câu cá lăng được. Sau này, người ta cũng dùng ba loại thuốc bắc này trộn với xác mắm cá linh đã lượt lấy cốt làm nước mắm, làm mồi đặt lọp tép, cá chạch rất đắc ý.

Đến mùa câu, tùy theo địa hình lung, vũng mà dân quê sáng chế thêm kiểu thả câu bằng phao. Kiểu này đơn giản hơn, rường câu không cần dài, chỉ cần một cái phao làm bằng ống sậy dài 4-5 cm. Giữa ống sậy tóm một nhợ câu dài khoảng 8 tấc với lưỡi câu đúc hoặc dấu ó ở cuối nhợ. Mồi trùn hoặc mồi cắt được móc vào lưỡi, sau đó căng nhợ câu, gài vào hai đầu ống sậy thật gọn để các lưỡi câu không dính, rối vào nhau. Tất cả các ống sậy có lưỡi câu, có mồi này được chứa trong một cái túi. Người câu mang túi trên vai, hoặc bỏ trên khoang xuồng, đến các lung- vũng có cá. Họ dọn cỏ một chỗ thật trống, lấy ống sậy ra, gỡ lưỡi câu đặt vào chỗ mới dọn, rồi tiếp tục dọn chỗ khác dành cho ống câu tiếp theo…Cá mắc câu kiểu này ít khi bị sẩy, vì chúng nuốt xong mồi, biết dính lưỡi, theo bản năng sinh tồn sẽ quấn mình vào gốc cỏ tìm cách thoát thân. Nhưng càng quấn vào thì càng mắc kẹt. Kiểu câu này gần giống câu ngầm nên cá câu được thường là cá lóc, trê vàng, trê trắng.

Sự tìm tòi sáng tạo qua cuộc mưu sinh hàng trăm năm đã góp phần làm nên nét văn hóa câu cá chỉ có ở Tây Nam Bộ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét