Tượng đài là bóng che cho ...
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Trên tình trạng chủ thuyết Mác Lê đã bị phá sản, muốn duy trì độc đảng độc quyền thì phải đổi cách và cách đổi của họ là nói rằng đang đi theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng dân tộc chứ thực ra không phải tư tưởng cộng sản. Nghĩa là dựa vào cái uy tín do được tuyên truyền của Hồ Chí Minh để giữ được cái độc quyền độc đảng của họ, đấy mới là chuyện quan trọng". “Các tỉnh thì cũng nhân cái chủ trương chính trị ấy mà làm thật to, bởi vì làm càng to thì tỷ lệ ăn chia càng nhiều. Đây là việc gọi là ăn theo chủ trương chính trị, chứ chuyện tham nhũng không phải tự nó đẻ ra chuyện tượng đài, không phải mục đích tham nhũng đẻ ra tượng đài mà mục đích chính trị mới là số một.”
Một bức tượng ông Hồ Chí Minh tại trung tâm
TPHCM chụp hôm 06/9/2013. AFP photo
Trong mấy ngày qua thông tin về dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh trị giá 1.400 tỷ ở Sơn La tràn ngập báo chí do nhà nước quản lý. Sự tiêu xài lãng phí tiền thuế của dân, tiền ngân sách ở một tỉnh nghèo mà hàng năm phải cứu đói, đã bị phê phán nặng nề và báo chí đã rộng cửa đưa tin.
Hiện tượng xây tượng đài
Đáp câu hỏi của Nam Nguyên, lý giải thế nào về tình trạng tất cả các tỉnh đều muốn có quảng trường hoành tráng và nguy nga tượng đài lãnh tụ, trong bối cảnh đất nước còn nghèo và khó khăn, bội chi ngân sách triền miên và khả năng trả nợ công là một dấu hỏi lớn. Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nhận định:
“Hiện nay có hiện tượng tràn lan phổ biến là xây những tượng đài mà cuối cùng quá khả năng ngân sách. Trong bối cảnh hiện nay dân nghèo còn rất nhiều, bệnh viện còn thiếu thốn, trường học cần được xây dựng thêm vì rất thiếu, những việc này là hợp lý. Còn riêng cái quảng trường kia thì xây dựng toàn bộ hệ thống đồng bộ complex cả quảng trường và trụ sở tốn 1.400 tỷ, riêng tượng đài bác Hồ cùng các dân tộc thiểu số thì chỉ hết 200 tỷ.
Nhưng mà theo tôi những cái đó cũng không cần thiết, vì thực sự lãng phí trong bối cảnh ngân sách luôn luôn bội chi, ngân sách thiếu hụt rất là lớn mà bản thân năm nay ngân sách cũng thiếu hụt do dự toán ban đầu nguồn thu dầu 100 đô la một thùng mà đến nay chỉ 60 cho nên ngân sách thâm thủng rất lớn, mà trong phần chi thì bội chi rất là cao.
Đáng lý tiền đó phải đầu tư vào hạ tầng cơ sở, đầu tư vào nhà thương, trường học hay xóa đói giảm nghèo thì sẽ tốt hơn nhiều. Hiện tượng này cần phải chấn chỉnh, tôi nghĩ những điều này này hoàn toàn không hợp với lòng dân.”
Theo Thanh Niên Online bản tin trên mạng ngày 5/8/2015, dự án tượng đài 1.400 tỷ tại Sơn La là một chủ trương đã được thống nhất thông qua. Tờ báo trích lời ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, triễn lãm và nhiếp ảnh trả lời báo chí theo nguyên văn, công trình Bác hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc xây dựng ở TP Sơn La về mặt chủ trương đã được Bộ Văn Hóa-Thể thao-Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính ủng hộ, sau đó đã trình Ban Bí thư và nhận được sự đồng ý về mặt chủ trương.
Trò chuyện với chúng tôi, TS Hà Sĩ Phu nhà bất đồng chính kiến hiện sống ở Đà Lạt cho rằng, dư luận quay quanh chuyện xà xẻo ở các công trình lãng phí mà không để ý tới vấn đề chủ chốt. TS Hà Sĩ Phu nhấn mạnh:
Các tỉnh thì cũng nhân cái chủ trương chính trị ấy mà làm thật to, bởi vì làm càng to thì tỷ lệ ăn chia càng nhiều. Tiến sĩ Hà Sĩ Phu
"Việc xây dựng tượng đài đặc biệt là tượng đài Hồ Chí Minh ở khắp các tỉnh và còn đưa vào các chùa chiền. Thường lệ người ta chỉ quan tâm đến chuyện lãng phí, chuyện lợi dụng tham ô kiếm chác, mà quên ý nghĩa chính trị rất quan trọng của vấn đề.
Trên tình trạng chủ thuyết Mác Lê đã bị phá sản, muốn duy trì độc đảng độc quyền thì phải đổi cách và cách đổi của họ là nói rằng đang đi theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng dân tộc chứ thực ra không phải tư tưởng cộng sản. Nghĩa là dựa vào cái uy tín do được tuyên truyền của Hồ Chí Minh để giữ được cái độc quyền độc đảng của họ, đấy mới là chuyện quan trọng.
Cho nên trong cả một thời gian dài sắp đến, họ sẽ dựng tượng Hồ Chí Minh không những ở khắp các tỉnh, những nơi quan trọng mà còn ở tất cả các chùa chiền để đi vào đời sống người dân. Tức là dùng hình tượng ông Hồ để phủ lên đầu dân tộc Việt Nam, để che cho sự tồn tại rất bất lợi của đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền trước nhân dân, chuyện ấy mới là quan trọng.”
Đối với vấn đề lãng phí tham nhũng ở các công trình xây dựng quảng trường và tượng đài lãnh tụ trên khắp đất nước, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu phân tích:
“Các tỉnh thì cũng nhân cái chủ trương chính trị ấy mà làm thật to, bởi vì làm càng to thì tỷ lệ ăn chia càng nhiều. Đây là việc gọi là ăn theo chủ trương chính trị, chứ chuyện tham nhũng không phải tự nó đẻ ra chuyện tượng đài, không phải mục đích tham nhũng đẻ ra tượng đài mà mục đích chính trị mới là số một.”
Chi tiêu vô tội vạ
Được biết sau khi cả báo chí nhà nước lẫn các mạng xã hội đưa rất nhiều thông tin về vụ tượng đài 1.400 tỷ, các giới chức tỉnh Sơn La cố gắng biện hộ bằng cách tách rời tượng đài Hồ Chí Minh khỏi quảng trường nguy nga của TP.Sơn La. Tuy rằng ai cũng hiểu là nếu có tượng đài của ông Hồ Chí Minh thì mới có dự án Quảng Trường 1.400 tỷ. Xem kỹ nghị quyết trước đó của Hội đồng Nhân dân Tỉnh Sơn La sẽ rõ điều này, nghị quyết xác định Hội đồng Nhân dân tỉnh thống nhất xây dựng tượng đài “Bác hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” kinh phí dự trù 1.400 tỷ đồng.
Trang mạng Sohanews và Trí Thứ trẻ ngày 6/8/2015 trích lời ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ban Kiểm tra Trung ương, bày tỏ sự ngạc nhiên về đề án 1.400 tỷ xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh gắn với quảng trường tại Sơn La. Ông Hùng nhấn mạnh, dân đang khổ, bão bùng ở khắp nơi, trường học còn thiếu, bệnh viện quá tải, sao lại xây tượng đài đồ sộ. Ông Vũ Quốc Hùng, từng một thời nắm giữ cây roi kỷ luật của Đảng, nói với nhà báo là Quốc Hội nên vào cuộc cân nhắc về những dự án quảng trường và tượng đài nghìn tỷ.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, đáp câu hỏi là nên có giải pháp gì để giảm thiểu tình trạng chi tiêu ngân sách, sử dụng tiền thuế của dân một cách vô tội vạ, như trong các công trình xây dựng quảng trường và tượng đài lãnh tụ. Phó Giáo sư Ngô Trí Long nhận định:
Đáng lý tiền đó phải đầu tư vào hạ tầng cơ sở, đầu tư vào nhà thương, trường học hay xóa đói giảm nghèo thì sẽ tốt hơn nhiều. Hiện tượng này cần phải chấn chỉnh, tôi nghĩ những điều này này hoàn toàn không hợp với lòng dân. - PGS-TS Ngô Trí Long
“Hiện nay thực tế một trong những vấn đề đối với chi tiêu ngân sách thì Quốc hội cũng như các cơ quan chức năng đã thừa nhận kỷ cương kỷ luật ngân sách rất là yếu kém. Cho nên những việc đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngân sách luôn luôn thâm thủng.
Trong bối cảnh ngân sách luôn luôn thâm thủng mà hoạt động đầu tư không hiệu quả, nền kinh tế thực sự còn khó khăn, thì những cái đó dẫn tới rất nhiều hệ lụy nếu không có sự ngăn chặn tình trạng này. Cho nên cần phải có những biện pháp kiên quyết, cần phải có bàn tay sắt thì mới có thể thực thi vấn đề này. Chứ chỉ nói mà không làm, chỉ hô hào mà không chủ trương không có những chế tài thực sự nghiêm, thì cuối cùng theo tôi nghĩ hiện tượng này sẽ lập đi lập lại.”
Có nhà báo nói đùa, tượng đài 1.400 tỷ là đề tài câu độc giả câu view và quả như vậy, báo chí nhà nước khai thác đủ mọi góc cạnh liên quan kể cả thông tin và giải thích của Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La.
Trang mạng Soha news, khi đưa tin Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La ra Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại TP.Sơn La tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng, nhà báo đã kèm thông tin “Sơn La vẫn còn 36.000 người thiếu đói”. Theo tin này Sơn La là một trong những tỉnh nghèo của cả nước. Toàn tỉnh có 11 huyện và 1 thành phố thì có tới 5 huyện nghèo thuộc chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ.
Chính các báo cáo của tỉnh Sơn La cũng xác nhận, đến hết năm 2013, toàn tỉnh có gần 69.000 hộ nghèo chiếm 27% tổng số hộ và hơn 31.000 hộ cận nghèo chiếm 11,86% tổng số hộ. Riêng năm 2014 có khoảng hơn 31.000 hộ với 141.000 nhân khẩu thiếu đói.
Bức tranh màu xám này của Sơn La gây ra sự tương phản đầy mỉa mai với dự án quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh kinh phí 1.400 tỷ đồng.
Nam Nguyên
(RFA)
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/without-uncle-ho-symbol-the-party-wont-survive-nn-08072015081438.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét