Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Hà Nội - trên khúc sông đời

Hà Nội - trên khúc sông đời
Lê Hải Đăng (TBKTSG) - Ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ giữa cái nắng ngao ngán nhớ lại những ngày đầu mới lên Hà Nội. Hồi ấy, xe khách thường thả khách gần chân cầu Chương Dương, đi bộ men theo những con đường đầy nắng dẫn tới chợ Đồng Xuân, bước vào một quán ăn đông đúc khách vãng lai để nạp năng lượng trước khi di chuyển sâu vào thành phố. Và trong quá trình di chuyển vào lòng Hà Nội, tôi nhận thấy một thủ đô hiện ra với muôn vàn lớp người khác nhau.
Ở trọ một căn nhà nằm trong cái ngõ dài miên man có đường thông ra các ngả, khách trọ tập trung nhiều thành phần, đa số làm công việc “bán mặt cho đường”. Tương lai họ cũng sẽ trở thành những công dân Hà Nội góp phần làm nên sự đa dạng trong quần thể sinh thái nhân văn đô thị. Chị chủ nhà đối xử với khách trọ vô cùng tử tế, chẳng hề lấy tiền thuê nhà. Có lẽ, đó là những tháng năm người Hà Nội còn kế thừa đức tính thời chiến tranh. Những con người hào hiệp, trọng nghĩa, giàu lòng thương người. Thời bao cấp, tố chất người thủ đô thật đáng nể phục, ngưỡng mộ, tinh thần lạc quan phủ khắp một thành phố vắng lặng.

Hà Nội có rất nhiều khu phố tập trung những người cùng ngành nghề, như khu 36 phố phường hội tụ dân kẻ chợ, khu nhà binh, khu bộ ngoại giao, khu chuyên gia, khu văn công, khu bộ nông nghiệp, khu ngân hàng, khu công an... Trộn lẫn vào bức tranh đa diện đó là thành phần trí thức. Trí thức với bản chất độc lập từ bên trong tư tưởng ra đến bên ngoài phương thức sống tự thân đã không thiết lập một cố kết hình thức. Họ sống đan xen giữa từng lớp người, “thức” để lưu giữ ký ức, những giá trị ngủ vùi trong giấc mơ xê dịch. Các khu tập thể, cụm dân cư giống như những tiểu vùng văn hóa làm thành ranh giới khu biệt. Qua đó thấy rằng, thời kỳ bao cấp chính quyền trung ương đã triển khai ý chí tập trung cao độ và thể hiện một cách mạnh mẽ vào kết cấu không gian cư trú. Nó phù hợp với bối cảnh nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa. Việc phân chia dân cư thành cụm, khu tập thể, tiểu khu... đã giúp cho bộ mặt đô thị duy trì được trật tự trong những năm tháng khó khăn.

Sau này, sự nới lỏng trong quy hoạch địa bàn cư trú có giới hạn đã làm cho bộ mặt đô thị bị xáo trộn mà hệ quả của nó là căn bệnh trầm kha ùn tắc giao thông. Tình trạng mắc kẹt của giao thông đô thị hiện nay vốn khởi đi từ thực trạng cư trú không còn sắp xếp theo hệ thống. Nó làm vỡ vụn bộ mặt đô thị, thể hiện sự đan xen giữa đô thị hóa nông thôn và nông thôn hóa thành thị tạo nên độ chênh khó thể san phẳng bằng tư duy giải pháp tình thế...

Ngày trước, người Hà Nội đa số sống trong những căn nhà nhỏ. Bên trong những căn nhà ấy là tổ hợp khép kín có khả năng dung chứa nhiều thành viên, kể cả khách trọ, khách vãng lai. Nhiều ngôi nhà tập thể đóng vai trò phức hợp, phòng khách cũng là phòng ngủ, nhà bếp có khi cơi nới làm chuồng chăn nuôi gia súc. Bên ngoài khu tập thể, có người tận dụng từng khoảnh đất trống để trồng rau - loại rau sạch, an toàn tuyệt đối mà ngày nay hằng ao ước. Rồi Hà Nội chuyển mình, hoạt động kinh doanh đi từ “mặc cảm” đến “tự tôn”, từ đó dẫn tới nhiều lớp người tiếp tục đổ xô về Hà Nội và nhiều người cởi bỏ lớp vỏ ngụy trang để “gửi tình yêu vào đất”.

Nhà ở ngày càng tăng thêm tiện ích sinh hoạt, rộng rãi, bề thế. Đô thị ngày càng phình to, rộng rãi thênh thang.


Hà Nội những năm tháng bao cấp vẫn duy trì nếp nhà bình yên. Gia đình trở thành tổ ấm thiêng liêng cho tất cả mọi người sau ngày dài tất bật với công việc. Sau này, nhà cửa rộng rãi khang trang, nhưng lòng người chật chội hơn. Năm tháng thiếu thốn, khó khăn, người Hà Nội thể hiện sự sung túc về giá trị tinh thần. Thế nhưng, bước vào giai đoạn “văn minh vật chất”, nhiều người sẵn sàng quay lưng lại với giá trị nhân bản ngàn đời.

Xuất phát từ lòng tham, người ta đã chôn vùi những giá trị tích lũy từ nhiều đời qua bao thế hệ. Chẳng lẽ một thủ đô nhìn lịch sử bằng con mắt nghìn năm lại nhẹ dạ đánh đổi linh hồn, bán rẻ tài sản vô giá của mình? Thứ văn hóa phong bì, chạy chức, chạy quyền, tham lam, hợm hĩnh... lại có thể khởi đi từ một Hà Nội từng là niềm tin, hy vọng của cả nước? Thực tế ấy đã khiến cho nhiều người phải đi tìm một Hà Nội vẫn vẹn nguyên dấu mình trong thi ca, âm nhạc... để neo đậu ký ức trên bến bờ giả tưởng của hiện thực.

Trên khúc sông đời trôi nhìn cuộc sống ngổn ngang biết bao thân phận. Mỗi người như người lính gác ngồi gác cửa số phận, chứng kiến, gặp gỡ những con người làm nên số phận đời mình. Có người ở lại dài lâu, có người đi qua chóng vánh. Tất cả quyết định bởi nhân duyên mà cuộc đời ban tặng. Tôi gom những tài sản ấy thành món nợ mang theo suốt cuộc hành trình gắn bó với Hà Nội. Người Hà Nội ẩn hiện trong làn khói mong manh của dĩ vãng là những con người thanh lịch, những tiểu thư khuê các, kiêu sa... 

Trên thực tế, không hề có người Hà Nội chung chung như một kết tinh văn hóa kinh kỳ. Việc lý tưởng hóa văn hóa người Hà Nội đi vào tác phẩm thơ ca, âm nhạc hay hội họa có nguy cơ đẩy phần tử vô gia cư, những người lao động chân tay thuần túy, dân xích lô, ba gác, ve chai, lưu manh, côn đồ... ra khỏi hệ thống của nó. Những công dân ưu tú năm xưa có lẽ là đại diện tiêu biểu cho một tầng lớp thị dân mới theo chiều hướng tập trung thành tâm điểm xã hội thông qua hình mẫu lý tưởng hóa giống như người quân tử trong xã hội phong kiến. Hình ảnh những tiểu thư khuê các năm xưa vẫn còn vương lại chút hào quang phản chiếu từ quá khứ vào buổi bình minh của xã hội hiện đại. 

Con người vốn là một hiện hữu với bản chất biến đổi theo thời gian. Sự biến đổi đó tạo nên muôn vàn lớp vỏ bọc bám chặt lấy cơ thể mỗi người. Bóc tách từng lớp ngụy trang, ta bắt gặp một thực thể trung tính, chẳng thiện, ác, tốt xấu... và tất cả đều chờ sự giục giã trở về tấm thân trần trụi, vô tính và tận sâu thẳm là một trái tim đặt lệch vẫn đập thổn thức.

http://www.thesaigontimes.vn/133994/Ha-Noi---tren-khuc-song-doi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét