Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

​Sự khốn cùng của “tư duy triệu phú”

​Sự khốn cùng của “tư duy triệu phú”
Cuộc sống khó khăn và rối ren, bạn cần một lời khuyên, nhưng từ đâu? Với nhiều người, giải pháp gần nhất là đi mua một cuốn “self-help”. Khái niệm sách “self help” rất rộng, nhưng thường được hiểu là loại sách dạy tu thân, học làm người, chứa đầy lời khuyên thông tuệ và các “bí kíp” để nhanh giàu, nhanh khôn, nhanh thành công...
Đổ bộ vào Việt Nam sau thời kỳ mở cửa, sách self-help - hay được gọi là sách tu thân, tự lực, tự giúp - vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ, nhưng người đến với nó như nước chảy vào vùng xoáy. Dòng sách này đã trở thành nồi cơm, chỗ dựa của nhiều nhà xuất bản.

THỜI CỦA CÁC "BÍ KÍP" CHO KHÔNG
Bước vào một hiệu sách, bạn sẽ thấy chừng một phần ba diện tích kệ sách, thường là khu vực gần cửa nhất, được dành cho thể loại này. Hai mảng bán chạy nhất hiện nay là học làm giàu và phát triển bản thân thường đi kèm với nhau: thay đổi bản thân để thịnh vượng. Nhiều năm qua, những cuốn như Dạy con làm giàuCha giàu cha nghèo, Đọc vị bất kỳ ai, Chiến thắng con quỷ bên trong bản thân, Tôi tài giỏi, bạn cũng thế hay Sức mạnh của tư duy tích cựcluôn nằm trong nhóm sách bán chạy nhất ở Việt Nam.
Gần đây, thậm chí ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, còn cho phát không hàng chục triệu cuốn Nghĩ giàu, làm giàu của Napoleon Hill và Đắc nhân tâm của Dale Carnergie cho thanh niên cả nước. Hai cuốn kinh điển này nằm trong một danh sách được ông Vũ gọi bằng cái tên cũng rất self-help là “Tủ sách đổi đời”.
Lý do gì khiến nhiều người đón nhận thể loại sách này nhiệt tình tới như vậy?
Như đã thể hiện qua chữ “đổi đời” của ông Vũ, loại sách này đem lại hi vọng. Bỏ ra vài chục nghìn đồng, người mua sách self-help sở hữu những giấc mơ ngọt ngào. Tuần làm việc 4 giờ hứa có thể giúp bạn “làm việc ít đi 20 lần nhưng thu nhập tăng lên 10 lần”, và khuyên “thuê một trợ lý cách xa nửa vòng trái đất để cô này viết một lá thư ngọt ngào xoa dịu người vợ đang giận dữ của bạn”. Nghĩ giàu, làm giàu không yêu cầu bạn lao động vất vả hay có tài năng, chỉ cần bạn rất, rất mong muốn trở nên giàu có. Cái đó thì không khó.
Trên trang mạng Học làm giàu, một thanh niên đặt ra mục tiêu “Sau năm thứ nhất có 20 triệu đồng, sau năm thứ năm có 1 triệu USD, sau năm thứ mười có 1 tỉ USD”. Các thành viên khác ngưỡng mộ: “Việt Nam mình có nhiều người có hùng tâm như anh thì ước mơ dân giàu, nước mạnh không phải quá xa vời. Chúc anh thành công!”.
Đằng sau những ảo tưởng làm giàu kiểu mì ăn liền kia là những dịch chuyển xã hội và thay đổi cơ bản trong triết lý sống của người Việt. Trước hết, hai thập kỷ qua đã tạo ra huyền thoại Từ cậu bé nhà quê thành đại gia mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ là một ví dụ.
Nếu như trước kia nhiều người cho rằng giàu nghèo có số và vị trí của mình trong xã hội đã được xếp đặt sẵn thì ngày nay, chứng kiến của cải nảy nở xung quanh mình, họ chuyển sang thái cực kia và tin vào một triết lý lạc quan là bạn hoàn toàn có thể điều khiển được tiền tài và danh vọng của mình nếu nắm được một số “kỹ thuật” nhất định: 23 nguyên tắc của Carnegie, 13 bước của Hill, 8 bài học từ Cha giàu, cha nghèo của Robert Kiyosaki.
Cuộc đời, vốn được quan niệm là bất định, nay được cho là được quản trị bởi một số “bí mật” mà rất may đã được một số tác giả phát hiện và truyền đạt lại, dễ hiểu hơn bản cửu chương.
Thứ nữa, mô hình lao động cùng tập thể, cá nhân dựa vào cộng đồng trong cuộc sống nông nghiệp không còn thích hợp cho một môi trường kinh tế thị trường đầy cạnh tranh. Thay cho một hệ thống hài hòa, vạn vật đều có chỗ đứng của mình, cuộc đời nay được hiểu như một mê cung, một cuộc đua, một rừng rậm, những biểu tượng hay được dùng trong các sách self-help phương Tây.
Trong môi trường này, người ta luôn phải cập nhật các kỹ năng và tái tạo bản thân để mạnh hơn đối thủ, các sách dạy phát triển bản thân đánh vào nỗi lo âu thường trực này. “Cần phải sẵn sàng để ứng phó với những thay đổi, nếu không mỗi người sẽ tự hủy hoại cơ hội tồn tại của mình”, cuốn Ai lấy miếng phó mát của tôi cảnh báo và bán được 26 triệu bản trên toàn cầu.
SÁCH ĐẸP NÓI DỐI
 
 
Rất đáng tiếc, đưa sách dạy làm giàu và kỹ năng sống như những cuốn trên cho thanh niên, hay bất cứ ai cũng vậy, là gửi họ và cộng đồng vào con đường cụt bởi những tác động tiêu cực của chúng.
Vấn đề đầu tiên là triết lý của phong trào self-help hiện đại, được đặt nền móng bởi Dale Carnegie với Đắc nhân tâm, là “mỗi người vì chính mình”. “Phát triển bản thân” luôn là một dự án vì mục đích cá nhân, không có chỗ cho những vấn đề của cộng đồng và hoạt động xã hội.
Trong thế giới quan đó, con người là một động vật ích kỷ và nông cạn. Họ thích được nghe tới tên mình, muốn được tỏ ra quan trọng và thèm khát sự khen ngợi. Thay vì làm cho con người tốt đẹp lên, Carnegie đánh vào bản năng vị kỷ của họ và khuyên người ta lợi dụng nó. Con người chỉ là những loại cá khác nhau, và bí mật để đạt được thành công là “học được cách móc mồi vào lưỡi câu phù hợp với từng loại cá”.
Nhiều nguyên tắc của Đắc nhân tâm phục vụ cho những con người giả tạo, cơ hội và thao túng. Trong cuốn sách, một đại tư bản tự hào vì ông có thể gọi nhiều công nhân của mình bằng tên riêng nên “chưa hề có một cuộc đình công nào xảy ra tại các nhà máy thép của ông”. Ở đây có một ẩn ý xã hội sâu xa hơn: thay vì phải xây nhiều nhà vệ sinh hơn cho các nữ công nhân dệt may, các ông chủ hãy cố học thuộc tên riêng của họ và thế là mọi chuyện đều ổn thỏa cả.
Nếu như trước kia giá trị sống của người Việt là trở thành người quân tử, ưu việt về đạo đức và vững vàng về luân lý thì ngày nay với nhiều người, mục tiêu đơn thuần chỉ là tạo ra một bộ mặt khả ái, bởi như Carnegie giải thích, thành công “được định nghĩa phần lớn qua việc người khác nhìn bạn như thế nào”.
“Với Carnegie - Steven Watts, tác giả cuốn tiểu sử về ông, viết - trọng tâm dịch chuyển từ việc xây dựng những giá trị đạo đức bên trong mỗi người sang xây dựng những ấn tượng mà người ta gây cho người khác”. Carnegie nói về “thương hiệu bản thân” trước khi chữ này tồn tại. Nhà văn Sinclair Lewis phê phán Carnegie đã thay thế những chữ niềm tin, danh dự, cao thượng trong những cuốn sách học làm người trước kia bằng chữ giàu có. Ông đánh đồng sự đẹp đẽ của tính cách con người với khả năng kiếm tiền.
Và như vậy, thách thức của cuộc đời không còn là việc đi tìm một ý nghĩa sống trong cộng đồng của mình nữa mà là giám sát và quản lý bản thân để trở nên giàu có. Cho rằng không khi nào là quá sớm, một số nhà trẻ nhanh nhạy ở Việt Nam tổ chức những khóa học “Dạy trẻ kỹ năng lãnh đạo bản thân từ những năm đầu đời”. Viễn cảnh ở đây là những đứa trẻ sớm điều khiển được người khác và theo dõi hiệu quả của bản thân như của một cỗ máy.
LẢNG TRÁNH HIỆN THỰC
 
 
Bên cạnh tham vọng “đọc vị” người khác, “tư duy tích cực” là một trụ cột cơ bản khác của văn hóa self-help, và như tác giả Barbara Ehrenreich lập luận trong cuốn Sự quảng bá triền miên tư duy tích cực đã làm xói mòn nước Mỹ như thế nào, nó đang gặm nhấm nền tảng xã hội.
Ở đây “tư duy tích cực” không liên quan gì tới một thái độ sống lạc quan. Nó là một kiểu niềm tin, có thể gọi là mù quáng, là người ta có thể dùng ý nghĩ để điều khiển những gì xảy ra với bản thân. Bạn muốn giàu? Bạn phải thật sự, luôn luôn và sắt đá tin mình sẽ giàu. Vì thế mà các nhà trẻ nói trên cho lũ trẻ mẫu giáo hằng ngày lặp lại các câu như: “Tôi là một thần đồng trong lớp học” và “Tôi đang trên con đường tạo ra sự giàu có tuyệt vời”.
Cuốn Nghĩ giàulàm giàu yêu cầu bạn viết số tài sản mình muốn có lên một tờ giấy và đọc to nó lên ngày hai lần vào buổi sáng và buổi tối. Cần làm như vậy vì tiền bạc “tuy không nói năng được nhưng có thể nghe thấy khi ai đó khao khát gọi tên nó” - tác giả đoan chắc. T. Harv Eker, tác giả Những bí mật của tư duy triệu phú, hướng dẫn bạn đọc “cài đặt” tư duy của người giàu bằng cách đặt tay lên tim và nói: “Tôi là một người đón nhận tuyệt vời. Tôi sẵn sàng và rộng mở đón nhận những lượng tiền khổng lồ đến với cuộc đời tôi”. Sau đó cần chạm lên đầu mình và nói: “Tôi có tư duy triệu phú”.
Đằng sau “tư duy tích cực” này kia là quan điểm nguy hiểm rằng bản thân mỗi người, giàu có hay bần hàn, hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình, và đó là lý do hoàn hảo nhất để người giàu tự tán dương mình và phủi tay chối bỏ trách nhiệm xã hội. Gần đây người ta tâm đắc với câu “35 tuổi mà còn nghèo, đấy là tại bạn”. Thông điệp ở đây là gì? Nghèo đói không thuộc về trách nhiệm của quyền lực - họ vô can. Người nghèo nghèo vì họ không có “tư duy triệu phú”.
Quan điểm này bỏ ra ngoài những bất bình đẳng trong xuất thân, trong tiếp cận giáo dục và y tế. Nó không đặt câu hỏi về những bất công trong xã hội, không bàn tới công lý lẫn thể chế, nó không có khái niệm những nhóm người dễ tổn thương. Nó bỏ qua đúc kết dân gian “con sãi ở chùa lại quét lá đa”.
Tệ hơn, tư duy này làm những người nghèo bên lề xã hội cuối cùng quay ra tự trách cứ bản thân, thay vì phê phán các tương quan và chính sách xã hội đẩy họ vào trạng thái này. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “tư duy tích cực” được dùng như một công cụ kiểm soát xã hội. Barbara Ehrenreich dẫn ra rằng khi các tập đoàn Mỹ sa thải hàng loạt nhân viên vào thập niên 1980 cũng là lúc họ thuê nhiều nhất các diễn giả về “tư duy tích cực” tới để xoa dịu những người bị đuổi việc và để những nhân viên chưa bị đuổi tiếp tục lao vào cày cuốc.
Và cuối cùng, “tư duy triệu phú” kiểu “tự kỷ ám thị” đó cổ xúy sự dịch chuyển của các giá trị đạo đức. Nếu như trước kia người ta tôn vinh các cá nhân theo đuổi một cái nghiệp, cống hiến, say mê, thì bây giờ sự say mê duy nhất được ngưỡng mộ là say mê làm giàu. Và sự giàu có mới nổi cần một biện minh về đạo đức để được chấp nhận và tôn trọng.
Trên nền tảng đạo đức mới này, giàu có nghĩa là thành công, với Napoleon Hill thì nó còn “không cần lời xin lỗi”. Làm giàu không những đã trở thành đích sống, mà còn là một đức hạnh, “làm giàu là vinh quang”. Hệ quả là gì? Trong khi tôn vinh người giàu, người ta rất dễ đi đến kết luận thứ hai rằng người nghèo làm xấu hổ đất nước, là gánh nặng của cộng đồng. Napoleon Hill viết: “Chúa đứng bên những người quyết tâm làm giàu”.
Đáng ngạc nhiên là chưa một ai thắc mắc nếu hàng triệu cuốn sách dạy “tư duy tích cực” và làm giàu có hiệu quả thì GDP quốc gia hằng năm đã phải tăng như thế nào rồi. Nhưng các ý tưởng self-help không khuyến khích các câu hỏi, chúng chỉ yêu cầu người đọc tin vào chúng. Nếu bạn chưa giàu thì có nghĩa là bạn chưa tin đủ, bạn cần mua thêm sách, nghe thêm băng, tới dự thêm các buổi thuyết trình.
Theo Salerno - tác giả cuốn Phong trào tự lực đã làm nước Mỹ trở nên bất lực như thế nào, cứ chừng 18 tháng người đọc self-help lại mua một cuốn sách mới. Sự khốn cùng của kiểu “tư duy triệu phú” này là ở chỗ nó làm tê liệt khả năng tư duy độc lập, phản biện và ý thức xã hội, những điều đang thiếu ở Việt Nam. Nó không dẫn tới khai sáng và minh triết. Đám đông đi theo nó vừa phỉnh nịnh vừa giẫm đạp lên nhau để đạt được mục đích của mình, tin tưởng rằng chính nghĩa và đạo đức thuộc về kẻ giàu có.   
ĐẶNG HOÀNG GIANG
http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-hoa-nghe-thuat/20150601/su-khon-cung-cua-tu-duy-trieu-phu/755328.html
  • Nguyễn Tuấn Linh 15:53 02/06/2015
    Sách self-help là loại sách đọc để ứng dụng, mà để ứng dụng cần phải được chuẩn bị đủ điều kiện thích hợp. Vấn đề ở đây cần phải xem lại người đọc chứ không phải sách. Như nhà văn đại tài Oscar Wilde từng nói: "Không có sách bổ ích hay độc hại, chỉ có sách hấp dẫn hoặc tẻ nhạt."Self-help tập trung vào kỹ năng mềm, người đọc nên hiểu để thành công phải cần kỹ năng cứng (kiến thức chuyên môn) trước. Kỹ năng mềm tạo động lực và hệ thống hóa chúng cho ta tự tin phát triển trên cái nền cũa kỹ năng cứng đang có. Hãy ví như đi đánh trận, ai cũng hiểu bên cạnh thực túc binh cường thì củng cố tinh thần quân lính là quan trọng không kém.Những hành động 'quái dị' như lặp lại các câu nói, đặt tay lên ngực v.v... đó chính là phương pháp dùng ám thị. Phương pháp này nói ra rất dài, nhưng nó không phải là vô tác dụng. Tác giả bài viết nên tìm hiểu nó.Self-help chỉ là một quyển sách, tất nhiên không phải ai đọc nó cũng thành công. Đó là điều bình thường. Còn trong sách tác giả "nổ" thế nào ư? Kệ họ đi, ai quảng cáo mà không nổ, đặc biệt khi quảng cáo bản thân.Đọc self-help ta cảm tưởng như cuộc đời những con người ấy chỉ biết có kiếm tiền phải không? Đúng, tôi cũng thấy vậy. Nhưng sách là kinh nghiệm của một cá nhân viết ra hẳn nhiên nó sẽ bị ám bởi lý tưởng sống của tác giả. Một ông doanh nhân viết sách sặc mùi tiền, một nhà khoa học viết sách sặc mùi logic khô khan, một cô gái mới lớn viết sách sặc mùi tình cảm ngốc xít.Đó là việc hoàn toàn bình thường. Điều không bình thường là người đọc đọc mà tin và theo sách 100%. Điều đó cho thấy văn hóa đọc sách của dân ta yếu kém lắm.
    • Huy Q. Nguye 21:38 03/06/2015
      Điều này không chỉ xảy ra ở tại Việt Nam mà nó còn xảy ra ở tại các nước tư bản Phương Tây nước Mỹ. Sức mạnh của ngòi bút là rất lớn, mà điển hình là báo viết ngày xưa trong thời làm cách mạng cũng như báo mạng ngày nay, nên dĩ nhiên không thể đổ tại khả năng đọc của người đọc. Khả năng viết của các tác giả những quyển sách này có sức thuyết phục rất cao nên một người bình thường không dễ gì có nhận định chính xác được và nhân loại không phải ai cũng có chỉ số IQ ngang nhau. Và tác giả không phải là không có cái lý vì rõ ràng nếu dùng vào mục đích tốt thì thể loại sách này đem lại tác động tinh thần tốt nhưng nếu xuất bản quá nhiều và tràn lan, thì nó sẽ trở thành một công cụ "tự kỷ ám thị" của một bộ phận tầng lớp nào đó trong xã hội dùng để thao túng tư duy của người khác.Thêm nữa trong số những người đọc sách này không phải không có những người có kỹ năng cứng. Rất nhiều người làm việc trong các công ty lớn ở nhiều lứa tuổi và chức vụ đều đọc qua những quyển sách này. Tôi cũng từng đọc qua những quyển này, nhưng tôi sớm nhận ra nó là những bí quyết cá nhân trong 1 hoàn cảnh phù hợp cụ thể và khó có thể ứng dụng rộng rãi, nó cũng như 1 kiểu tự kỷ ám thị như kiểu làm của các công ty đa cấp nên tôi đã mau chóng rời xa nó. Vì thế tôi rất hiểu thực sự thì người đọc sẽ bị tác động bởi gì khi đọc nhiều những quyển sách như thế này.
    • người nghèo 17:17 10/06/2015
      Hay quá bác ạ, chính xác là văn hóa đọc sách của dân ta còn yếu kém lắm.
  • Hanh 14:42 02/06/2015
    Bài này là bải dở nhất của Đặng Hoàng Giang mà tôi đã từng đọc. Những bài khác của ông đều có sức thuyết phục nhất định.Có vẻ như ở bài này ông đang đánh tráo khái niệm. Khái niệm dựa vào bản thân và self-help hướng đến tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nó không có nghĩa là vô tình với xã hội và cộng đồng. Khi người ta tự chịu trách nhiệm được với bản thân mình trước thì mới có sức để giúp cộng đồng chứ! Dù tôi đồng ý là đọc sách self-help không đủ để trưởng thành và giàu có như chính những cuốn sách quảng cáo, nhưng tôi không cho rằng nó có hại như tác giả nói. Các suy diễn của tác giả không thuyết phục.
    • abc@gmail.com 10:17 07/06/2015
      Đồng ý. Tác giả chưa "cảm" hết sách.
    • Phạm Thành Quý 18:57 13/06/2015
      Có vẻ như tác giả bài này chỉ muốn nói lên các mặt tiêu cực, và cố tránh các mặt tích cực của nó. Đồng ý là cái gì cũng có hai mặt của nó, nhưng trong trường hợp này tôi thấy lợi nhiều hơn hại.
    • Minh Hải 22:12 13/06/2015
      Ông Nguyễn Sự nói để dành cho lớp trẻ lãnh đạo? Trẻ hơn 2 tuổi thì trong sổ sách, còn nhìn trong ảnh còn già hơn ông Sự thì trẻ gì?! Khó hiểu quá.
  • LA 11:22 02/06/2015
    Không hiểu bạn đọc Đắc Nhân Tâm chưa nhưng trong sách Dale luôn đề cao sự chân thành đối với mọi người, luôn lắng nghe chân thành và chân thật.Mình cũng nghĩ là không yêu mình trước thì chẳng yêu ai được cả.
    • Đè 20:31 02/06/2015
      Sự chân thành của Đắc nhân tâm chỉ đúng với những cái tinh túy, chứ không phải chân thành giả tạo.
    • HN 20:13 02/06/2015
      Mình đồng ý với bạn. Bản thân mình sống tốt thì mới có thể cống hiến, giúp đỡ người khác. :D
  • Kenny Tran 16:47 02/06/2015
    Khi đọc bài viết này thấy có một vài điểm tốt và đúng nhưng nhìn chung là khá phiến diện. Hơi buồn là được viết bởi một người có học vị tiến sĩ (đáng lẽ phải hiểu rõ về việc nhìn nhận vấn đề khách quan, nhiều mặt) vì cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu theo cách lý luận của tác giả thì có thể chỉ cần tìm vài dẫn chứng sinh viên Harvard ra trường mà thất bại hoặc làm mấy việc điên điên khùng khùng vì học nhiều quá là có thể chứng minh Harvard là cái trường vứt đi, dành cho cái bọn đầu óc có vấn đề. Chưa kể trong bài này có thể chỉ ra hàng loạt các dẫn chứng mang tính một chiều khác. Nói chung, sách self-help cũng như trường đại học, người biết áp dụng và tận dụng thì sẽ nhờ đó mà thành công, người không biết thì dùng để tự huyễn hoặc mình (mình đọc nhiều sách, mình có bằng đại học). Chỉ tiếc là tác giả vì cố chứng tỏ quan điểm của mình nên vô tình rơi vào bẫy tư duy phiến diện. Đây là cái bẫy tư duy mà khi con người muốn cố bác bỏ một cái gì đó hoàn toàn rất dễ rơi vào. Nếu là người học nhiều hiểu rộng, thì nên hiểu đủ nhiều để có cái nhìn càng khách quan, càng đa chiều càng tốt. Dĩ nhiên, con người không ai tránh được có ít nhiều sự chủ quan, nhưng quan trọng nhất là mình phải ý thức được rằng mình khó thoát được sự chủ quan thì mới tiến gần đến được với cái khách quan.
    • nguyenthuthao 13:24 05/06/2015
      mình thấy bác ấy nói đúng
    • Kim Thoa 23:01 05/06/2015
      Mình thì thấy con người đang ngu muội trước đống sách, mình hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bạn.
  • Tuấn 14:56 02/06/2015
    Bài viết trên như muốn phủ định sạch trơn tác dụng của những cuốn sách Self-help vì chỉ tập trung vào phân tích những điểm có thể gọi là chưa được của sách Self-help.Bài viết không nói về những tác động tích cực do sách self-help mang lại. Chính vì vậy tôi coi những lý lẽ trong bài viết này là tính định kiến. Tôi nghĩ, bạn không nên đồng ý hoàn toàn với bài viết khi chưa thực sự nhìn vấn đề một cách bao quát hơn.
    • tuấn 15:50 02/06/2015
      Bác đang bán sách self-help à?
  • Nguyễn Bá Tùng 12:13 02/06/2015
    Một góc nhìn khác, một tư duy phản biện đáng ghi nhận.
  • Đặng Thái 06:51 03/06/2015
    Giàu cũng có năm bảy đường. Viết sách self-help để bán chẳng hạn. Cảm ơn tác giả nhưng tiếng nói của anh quá yếu ớt, sẽ không có tác dụng gì mấy với xã hội hiện nay. Đó là quy luật của kinh tế thị trường. Người khôn hơn lừa người kém khôn hơn để giàu hơn nhưng mà còn ác ở chỗ là nói với họ :"Rồi anh cũng sẽ khôn lên thôi"
  • Trần Nguyên 13:22 02/06/2015
    tôi vô cùng tâm đắc với bài viết này. tôi không nuốt nổi những cuốn self-help xếp đầy nhà sách và luôn cố gắng khuyên người thân đừng đọc chúng.
    • Pham Ngoc Vinh 21:03 02/06/2015
      Thời trẻ trâu tôi cũng mơ mộng về viễn cảnh giàu có, cũng "tha" 1 đống sách self-help về gối đầu giường, kết cục cũng bán ve chai với giá cực rẻ vì ko tiêu thụ nổi mớ lý thuyêt đó - thời điểm đó tôi có cảm giác mình là kẻ lạc loài trong cuộc đời này. Đồng cảm với tác giả và bạn Trần Nguyên...
    • Trần Anh Tuấn 07:36 03/06/2015
      Zậy bán hoặc cho không mình những cuốn sách mà bạn khuyên người thân đừng đọc nhé :)
    • VizinReal.net 13:26 03/06/2015
      Đấy là do bạn chỉ mới hội tụ điều kiện cần. Còn để được giàu bạn cần hành động và may mắn.
  • Tuấn Anh 13:36 02/06/2015
    Xin phép không dám khẳng định là sách self-help là tốt hay ko tốt, nhưng có vấn đề cách giáo dục của chúng ta hiện nay không giúp cho giới trẻ đang khát khao làm giàu có được những kĩ năng cần thiết để lựa chọn được cuốn sách cần đọc. Nhiều người cứ đồng nhất các thể loại sách self-help là sách dạy làm giàu và cho rằng chỉ đọc nó là đủ, mà quên đi là kĩ năng, kinh nghiệm là những độc lực quan trọng để thực sự tạo ra giá trị mới trong công việc chứ ko phải là hô hào tinh thần. Thiếu kĩ năng kinh nghiệm phù hợp với công việc, cộng với việc đắm đuối say mê các đầu sách dễ đọc này càng làm người ta thụt lùi hơn.
  • Chin 13:59 02/06/2015
    Không thể phủ định hết những gì mà loạt sách này đem lại cho người đọc, bên cạnh đó là các tác dụng phụ mà bài viết trên đã đề cập. Đối với bản thân tôi từ ngày đọc loại sách này tôi thấy tôi suy nghĩ sâu sắc hơn, tầm nhìn tốt hơn, bản lĩnh hơn và cũng như tác giả, tôi cũng cảm nhận được mặt trái của nó. Cái gì cũng có 2 mặt, cố gắng ý thức được cả 2 mặt này để hạn chế mặt xấu, chứ không thể vì 1 mặt nào đó mà phủ định tất cả được

1 nhận xét:

  1. Mình nghĩ tác giả không thấy hết chiều sâu của Dale Carnegie với Đắc nhân tâm. Nó giúp người Việt thoát khỏi cái vỏ tư duy Khổng Mạnh, nhiều người ở Miền Nam đã đọc sách này khi LNV chưa mở mắt.

    Trả lờiXóa