Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Ngỡ ngàng với đóng góp của kinh tế hộ gia đình

Ngỡ ngàng với đóng góp của kinh tế hộ gia đình
(HQ Online)- Khu vực kinh tế cá thể bao gồm tiểu thương, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ... đang nổi trội cả về số lượng và đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam. Đóng góp của khu vực này thậm chí còn lớn hơn cả khối DNNN và DN FDI. Tuy nhiên, điều này đang là một trở ngại trong quá trình cạnh tranh quốc tế.
Sản xuất nhỏ lẻ, đóng góp lớn
Theo phân loại của Tổng cục Thống kê, các DN ở Việt Nam được phân chia theo 5 loại hình sở hữu để thu thập thông tin bao gồm: Kinh tế Nhà nước; Kinh tế tập thể; Kinh tế cá thể; Kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Kinh tế ngoài Nhà nước bao gồm: Kinh tế tập thể, kinh tế cá thể và kinh tế tư nhân. Hiện nay, hầu như mọi số liệu thống kê đều phân chia kinh tế ngoài Nhà nước theo 3 loại hình sở hữu này.

Chuyên gia thống kê Bùi Trinh cho biết: Từ trước đến nay, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước là khu vực có tỉ trọng đóng góp cao nhất trong GDP. Nếu như kinh tế Nhà nước đóng góp 32,2% vào GDP, thì kinh tế ngoài Nhà nước góp tới 48,3%; (Kinh tế tập thể 5%, Kinh tế tư nhân 10,9%, Kinh tế cá thể 32,3%); Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 19,5%.

Như vậy, trong khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, khu vực kinh tế cá thể lại có đóng góp tỷ trọng cao nhất trong GDP (xấp xỉ 33%), cao hơn khu vực kinh tế Nhà nước và cao hơn hẳn khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Chuyên gia thống kê Bùi Trinh cho rằng: Từ trước đến nay, khi nói đến khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, hầu hết chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách thường xem đó là khu vực kinh tế tư nhân mà hoàn toàn bỏ qua khu vực kinh tế cá thể, hầu như chưa có cuộc điều tra hoặc nghiên cứu nghiêm túc nào về khu vực kinh tế cá thể.

Chuyên gia Bùi Trinh nhấn mạnh: Quy mô của khu vực kinh tế cá thể một lần nữa khẳng định nền kinh tế Việt Nam không chỉ là nền kinh tế gia công mà còn rất manh mún; không một nước nào có thể phát triển nếu nền kinh tế dựa vào sản xuất gia công và cá thể nhỏ lẻ. Thật đáng tiếc là từ năm 2005 đến nay, tỷ trọng này không những không giảm mà còn có xu hướng tăng lên, từ 32,1% năm 2005 tỷ lên 33,2% năm 2012. Một nền kinh tế có tỷ trọng trên 30% là kinh tế cá thể và chỉ 10% là các DN tư nhân là một nền kinh tế làm ăn manh mún, sự manh mún này không hề thay đổi trong suốt gần 10 năm qua.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đánh giá: Khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam vẫn còn nhỏ; sản xuất nhỏ hộ gia đình đang là hình thức nổi trội cả về số lượng đơn vị và đóng góp vào nền kinh tế. Khu vực kinh tế phi chính thức với hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ vẫn chiếm phần chủ yếu (khoảng gần 80%) kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay. Như vậy, hình thức tổ chức sản xuất kinh tế hộ, phi chính thức, quy mô nhỏ và phân tán đang chiếm vị trí chi phối.

Bất lợi nhiều hơn lợi
Theo TS Nguyễn Đình Cung, tính phi chính thức của tổ chức sản xuất có hàng loạt các điểm yếu nội tại. Một là lợi nhuận để lại (nếu có) và tín dụng phi chính thức từ bạn bè, người thân là nguồn duy nhất để đầu tư. Hai là kinh doanh phi chính thức thường bỏ qua các quy định, luật lệ chính thức, nhất là các quy định về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tiêu chuẩn an toàn lao động và bảo vệ môi trường, về kế toán, kiểm toán… và nộp thuế (nếu có) theo hình thức khoán. Ba là bị hạn chế về không gian lẫn khách hàng, và không có dư địa lớn để tiếp cận thị trường, không có cơ hội để tham gia một cách chính thức và ổn định vào các chuỗi sản xuất.

“Tất cả các điểm yếu nói trên làm cho các hộ kinh doanh cá thể không thể phát triển được. Các hộ kinh doanh cá thể không tận dụng được các cơ hội rộng lớn của thị trường để phát triển. Và ngược lại, các hộ kinh doanh cá thể phi chính thức không tạo điều kiện cho các loại thị trường phát triển có hệ thống, thành một thể thống nhất trên phạm vi khu vực, quốc gia và toàn cầu. Như vậy, chính cách tổ chức sản xuất dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể, quy mô nhỏ, phân tán và phi chính thức đang là một lực cản đối với xây dựng và phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay” – TS Nguyễn Đình Cung bày tỏ lo ngại.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM đánh giá: Việc kinh tế hộ gia đình đóng góp tới gần 33% vào GDP là điều không thể vui vẻ. Bởi vì kinh tế hộ gia đình không thể áp dụng được khoa học công nghệ, quản trị hiện đại, không cạnh tranh quốc tế được. Đó là điều báo động khủng khiếp khi năm 2016 Việt Nam mở cửa vào thị trường ASEAN cùng nhiều hiệp định thương mại khác.

Trong bối cảnh này, việc kích thích khu vực DN tư nhân chính thức là điều đặc biệt quan trọng. Song TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: Các DN tư nhân chính thức ở Việt Nam vừa mới được phát triển cách đây không lâu nên tuyệt đại bộ phận các DN đều có quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ, không khác nhiều so với hộ kinh doanh cá thể. Khác biệt chủ yếu nhất là các DN này có đăng ký thành lập, có mã số thuế, có đăng ký bảo hiểm xã hội và đóng góp bảo hiểm xã hội cho người lao động; chưa có sự khác biệt lớn về tổ chức sản xuất, quản lý và tính chuyên nghiệp của chủ sở hữu và người quản lý. Vì vậy, chưa tận dụng một cách rõ nét các lợi thế của kinh doanh chính quy và khắc phục được những hạn chế của lối kinh doanh phi chính thức. Khu vực kinh tế tư nhân chính thức nhỏ bé cũng là một trong các cản trở đối với phát triển kinh tế thị trường...

Các nhà nghiên cứu kinh tế đều nhìn nhận động lực chính cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới là khu vực kinh tế ngoài Nhà nước.
Theo chuyên gia Bùi Trinh, cần tư duy lại về phương thức tạo lập môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng cho tất cả các loại hình DN, tạo cơ hội cho các DN ngoài Nhà nước tiếp cận đầu tư vào tất cả các lĩnh vực mà khu vực kinh tế Nhà nước không nắm giữ nữa.

http://www.baohaiquan.vn/pages/ngo-ngang-voi-dong-gop-cua-kinh-te-ho-gia-dinh.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét