Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Doanh nghiệp sợ báo chí

Doanh nghiệp sợ báo chí
Nhiều doanh nghiệp sợ và ngại báo chí. Nên chăng nhà báo và doanh nghiệp cùng đồng hành tạo ra những thương hiệu để người tiêu dùng tin dùng, có lợi cho quốc gia, dân tộc. Đó là ý kiến chung của nhiều tổng biên tập và lãnh đạo doanh nghiệp tham dự Diễn đàn Đối thoại doanh nhân với nhà báo với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia – Hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 10/6 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển doanh nghiệp của VCCI cho 10 lãnh đạo cơ quan thông tấn báo chí tại buổi Đối thoại chiều 10/6. Ảnh: B.M

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Báo Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam nhấn mạnh hiện trạng "vẫn có phóng viên cố tình tìm điểm sai trái rồi tùy tiện khái quát vấn đề làm tổn hại cho doanh nghiệp. Có nhà báo ép doanh nghiệp phải đặt quảng cáo. Hoặc phóng viên viết bài rồi vòi tiền doanh nghiệp để không đăng bài lên báo. Có doanh nghiệp cho biết từng có ngày phải tiếp đến 15 đoàn báo chí đến xin quảng cáo. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp sợ báo chí. Cứ báo chí tìm đến là nghĩ ngay rằng phóng viên định đến để vạch vòi cái sai. Bên cạnh rất nhiều nhà báo có đạo đức, vẫn có "con sâu làm rầu nồi canh", làm xấu hình ảnh các nhà báo của Việt Nam".

Ở góc nhìn của doanh nghiệp địa phương, ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương phân tích cụ thể một số nguyên nhân khiến doanh nghiệp sợ báo chí. Trong đó, có quá nhiều cơ quan báo chí muốn đến làm việc nhưng mục đích cuối cùng đều đề xuất làm quảng cáo. Cách làm việc của phóng viên chưa thuyết phục được giới chủ doanh nghiệp, nhiều phóng viên ngồi từ Hà Nội gọi điện phỏng vấn liên hệ, sau đó viết không đúng tâm ý của người trả lời phỏng vấn, trước lúc đăng không cho xem lại để bổ sung chỉnh sửa thêm, kết quả là gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ của doanh nghiệp.

Ông Hồng Thanh Quang, Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết chia sẻ: "Một trong những thủ pháp làm báo hiện nay mà tôi không thích là một số phương tiện thông tin đại chúng cắt cúp, biên tập nội dung làm khác hẳn bản chất vấn đề. Có doanh nghiệp rơi vào thế cực chẳng đã và phạm sai lầm, khi đó, cần có cách phản ánh về doanh nghiệp một cách phù hợp. Khi doanh nghiệp có khuyết điểm nhưng đã nỗ lực khắc phục, thì cần cân nhắc cách diễn giải vấn đề theo hướng tích cực hơn là tiêu cực. Điều này cũng tương tự như cùng nhìn thấy 1 nửa cốc nước, có người nói “chỉ còn có 1 nửa cốc nước”, và người khác có thể nói “vẫn còn tới 1 nửa cốc nước”.

Ông Nguyễn Cảnh Phong, Tổng Biên tập Báo Lao động xã hội cũng bày tỏ: "Câu chuyện thực tế hiện nay là doanh nghiệp rất ngại báo chí moi móc. Vẫn có sự thoái hóa của một số nhà báo, gây ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp. Nhiều câu chuyện mà lãnh đạo các doanh nghiệp kể làm chúng tôi buồn về giới báo chí của mình. Các tốt nhất hiện nay là doanh nghiệp và báo chí đồng hành với nhau, chủ động làm bạn với nhau để hạn chế tác động không mong muốn".

Ông Nguyễn Hữu Quý, Tổng Biên tập Báo Công Thương khuyến nghị: "Báo chí cần định hình con đường đi của mình. Cả báo chí và doanh nghiệp nên cùng ngồi trên 1 con thuyền, cùng nhau tạo ra những thương hiệu để người tiêu dùng tin dùng, có lợi cho quốc gia, dân tộc".

Bình Minh
http://infonet.vn/doanh-nghiep-so-bao-chi-post166390.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét