Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Tranh cử và ngôn ngữ: Đều nói được tiếng Spanish

Bao giờ cả hai ứng cử viên đều nói được Vietnamese ? Lãnh đạo nước người quả là tài.
Tranh cử và ngôn ngữ: cả hai ông Jeb Bush và Rubio đều nói tiếng Spanish
Nguyễn Văn Khanh – Năm tới nếu cử tri Hoa Kỳ chọn bà Hillary Clinton làm tổng thống, nước Mỹ sẽ có người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo quốc gia. Nếu cử tri Hoa Kỳ chọn ông Jeb Bush hay ông Marco Rubio, nước Mỹ sẽ có vị tổng thống đầu tiên thông thạo tiếng Spanish.
Vẫn còn quá sớm để đoán biết ai sẽ là người đại diện cho đảng Dân Chủ và Cộng Hòa tranh ghế tổng thống, nhưng sự kiện cả ông Bush lẫn ông Rubio đều nói thông thạo tiếng Spanish là sự kiện đáng được chú ý. Lý do: xưa nay chưa từng có ứng cử viên “nặng ký” nào của cả 2 đảng nói được tiếng Spanish trong khi tập thể cử tri nói tiếng này ngày một trở nên quan trọng hơn trong chính trường quốc gia.

Vì thế, chuyện cánh Cộng Hòa có tới 2 ông có thể thu hút cử tri bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Spanish đương nhiên được coi là một thuận lợi lớn trên đường tranh cử, cho dù chưa rõ thuận lợi này sẽ giúp ông Bush và ông Rubio tới mức nào, liệu có phải là yếu tố quan trọng để giúp một trong 2 chính trị gia xuất thân từ tiểu bang Florida đặt chân vào Tòa Bạch Ốc hay không.

Chuyện ông Bush và ông Rubio nói sành sõi tiếng Spanish được thể hiện rõ trong những tuần lễ vừa qua. Trong bài diễn văn báo tin tranh cử tổng thống, Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio dùng tiếng Spanish để nói một đoạn ngắn về ông nội, thân phụ và gốc Cuba của ông; tuần rồi khi đến Puerto Rico trong chương trình “thăm dân cho biết sự tình”, ông Cựu Thống Đốc Jeb Bush dùng tiếng Spanish để cho người dân biết ông đang nghĩ gì về hiện tình đất nước và những điểm ông thấy cần phải làm để Hoa Kỳ có thể trở lại vị trí cường quốc hàng đầu thế giới mà tất cả những nước khác đều phải nể phục. 

Không chỉ đọc bài diễn văn được viết sẵn, ông Bush còn dùng tiếng Spanish để trả lời các câu hỏi cử tọa đặt ra. Đương nhiên những người có mặt trong cuộc gặp gỡ đó vỗ tay, reo hò tán thưởng, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử tranh cử tổng thống của nước Mỹ, “tập thể cử tri Puerto Rico trông thấy và được nghe một ứng cử viên nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ của họ”, như đảng bộ Cộng Hòa địa phương trình bày trong bản thông cáo nới về cuộc trao đổi giữa ông Jeb Bush với dân chúng.

Trong quá khứ, Tổng Thống George W. Bush thỉnh thoảng cũng sử dụng tiếng Spanish trong những buổi nói chuyện với cử tri nhưng chỉ là một vài câu hỏi han thông thường chứ ông không thể đọc nguyên một bài diễn văn. Cựu Tổng Thống Bill Clinton và Đệ Nhất Phu Nhân Hillary cũng vậy, ngay cả đương kim Tổng Thống Barack Obama cũng biết vài câu để mở đầu câu chuyện với cộng đồng Hispanic để tạo thân tình chứ không thể trình bày những điều ông muốn nói. Một điểm khác nữa; cả 2 ông Jeb Bush và Marco Rubio từng sử dụng tiếng Spanish trong các cuộc vận động tranh cử ở cấp tiểu bang, lần này hai ông dùng “lợi điểm ngôn ngữ” của mình vào cuộc đua ở cấp liên bang, hy vọng lợi điểm đó sẽ giúp 2 ông cơ hội thành công.

Lợi điểm này quan trọng như thế nào?

“Rất quan trọng”, theo nhận xét của ông Mark Hugo Lopez, người đang điều hành phần vụ thăm dò cử tri Hispanic cho Trung Tâm Nghiên Cứu Pew Center, một trong những trung tâm chuyên thăm dò cử tri rất có uy tín. “Một trong những lý do Tổng Thống Obama thành công là nhờ 72% cử tri Hispanic dồn phiếu cho ông, vào năm 2016 lực lượng cử tri Hispanic chiếm ít nhất 10% tổng số cử tri toàn quốc”, vì thế, “tất cả các ứng cử viên Dân Chủ cũng như Cộng Hòa đều dồn nỗ lực để thu hút lượng phiếu quan trọng này ở những vòng bầu cử sơ bộ cũng như ở cuộc tổng tuyển cử sau đó”. Ông Bob Quasius, một trong những người thúc đầy đảng Cộng Hòa phải đi sát hơn với các cộng đồng Hispanic, nói rằng “ai cũng hiểu chẳng mấy ứng cử viên thông thạo tiếng Spanish” nhưng lời khuyên của ông là “học nói các thứ tiếng được nhiều càng tốt, vì cách thu hút lá phiếu hay nhất là lấy cảm tình của cử tri bằng cách nói tiếng mẹ đẻ của họ”.

Nhưng theo bà Martha de la Cruz, một chiến lược gia của Viện Nghiên Cứu Heritage của cánh bảo thủ Cộng Hòa,“biết thêm một ngôn ngữ là điều rất hay” nhưng các ứng cử viên “phải biết cân bằng, đừng quên đa số cử tri là người nói tiếng Anh”. Bà nói rõ “cá nhân tôi luôn luôn hãnh diện khi nghe một người ngoại quốc nói chuyện với mình bằng tiếng Spanish” nhưng “phải thật thận trọng, đừng để cho cử tri Hoa Kỳ vội có cảm tưởng tiếng Spanish sẽ là ngôn ngữ chính thức của nước Mỹ, song song với tiếng Anh”. Nếu điều này xảy ra, bà De la Cruz nói tiếp, “lúc đó biết đâu điều tưởng là lợi lại trở thành điều không hay”.

CÁC ỨNG CỬ VIÊN CỘNG HÒA VÀ TIẾNG SPANISH

MARCO RUBIO: sinh trưởng trong một gia đình gốc Cuba và sinh hoạt chặt chẽ với cộng đồng Hispanic ở Miami, Florida, Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio thông thạo cả 2 thứ tiếng, thừa sức để vừa trình bày bằng tiếng Anh pha lẫn với tiếng Spanish. Ông thường xuyên làm điều này khi mới bắt đầu tranh cử cấp tiểu bang, và tiếp tục trong vài trò thượng nghị sĩ liên bang.

Hồi 2013, Thượng Nghĩ Rubio được chọn thay mặt đảng Cộng Hòa để đọc bài diễn văn phản bác những điều Tổng Thống Barack Obama đưa ra trong bản thông điệp liên bang đọc trước Lưỡng Viện Quốc Hội. Trong bài diễn văn đó, ông Rubio đọc bằng 2 thứ tiếng – tiếng Anh và tiếng Spanish -, trở thành vị dân cử liên bang đầu tiên làm điều này.

JEB BUSH: với ông Cựu Thống Đốc Jeb Bush, tiếng Anh và tiếng Spanish là hai ngôn ngữ được ông sử dụng hàng ngày trong gia đình vì bà Columba, vợ ông, là người Mexico. Ông và các con đều nói thông thạo hai thứ tiếng, không gặp trở ngại khi phải chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Spanish.

Hầu hết các nhà quan sát bầu cử đều tin trong bài diễn văn mà ông sẽ đọc để loan báo tin ra tranh cử tổng thống, ông sẽ dùng cả 2 ngôn ngữ, tương tự như điều ông Rubio đã làm hồi tháng trước.

TED CRUZ: là thượng nghị sĩ gốc Hispanic đầu tiên của tiểu bang Texas, ông Cruz nhiều lần lên tiếng cho biết “hãnh diện là con của một người gốc Cuba” nhưng ông không nói trôi chảy tiếng Spanish. Khi ra tranh cử hồi 2012, ông từ chối dự cuộc tranh luận do một đài truyền hình địa phương chỉ vì cuộc tranh luận này được thực hiện bằng tiếng Spanish.

Phát ngôn viên Catherine Frazier của ông xác nhận “cũng như những người thuộc thế hệ thứ hai khác, ông Cruz có thể chào hỏi bằng tiếng Spanish, nhưng không thông thạo ngôn ngữ này”. Điều đó, bà Frazier nói tiếp, “không ảnh hưởng tới nỗ lực làm việc chung với cộng đồng thu hút phiếu của cử tri Hispanic mà ông Cruz sẽ thực hiện” trên dường vận động tranh cử.

Nguyễn văn Khanh
http://www.thegioimoionline.com/?p=4022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét