Nước Nga trong vòng tay của quá khứ huy hoàng
TamHmong (từ Moscow). Ngày 09/05/2015, tôi có xem qua TV cuộc duyệt binh lịch sử hoành tráng kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng phát xít Đức tổ chức tại Hồng Trường. Tôi cũng chứng kiến cảnh dân chúng trên dường phố Moscow vui chơi phấn khích và thanh thản đón ngày lễ, ngày mà đối với người Nga là thiêng liêng nhất và được đón nhận thành tâm nhất trong số các ngày lễ của nước Nga. Tôi thấy có nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn và muốn chia xẻ đôi điều suy nghĩ về nước Nga trước đây và hiện nay.
Duyệt binh trển quảng trường Đỏ Moscow. Ảnh: AFP
Vui buồn về nước NgaVui vì thấy người Nga vẫn giữ được lòng tự hào, tự trọng, lạc quan và hồn cốt vững vàng của mình cho dù họ đã trải qua vô vàn bi kịch trong thế kỷ 20-21: Thất bại trong Thế chiến I (1914-1918), Cách mạng – biến cố 1917, Nội chiến ý thức hệ đẫm máu (1917-1922), chế độ độc tài toàn trị Stalin với cuộc lưu đầy trí thức tinh hoa, tập thể hóa tiêu diệt trại chủ nông trại (kulak), nạn đói (1932-1933) với hàng 7-8 triệu người chết và các cuộc thanh trừng khốc liệt (1937-1939) rồi đến Thế Chiến II (1941-1945) với tổn thất nhân mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Cuối cùng là giai đoạn hỗn loạn sau khi Liên Xô sụp đổ (1992-2002) và cuộc đối đầu hiện nay với Phương Tây vì vấn đề Ucraina.
Buồn vì thấy dân tộc Nga vẫn tiếp tục đứng ngoài dòng chủ lưu của các dân tộc phát triển trên thế giới. Mức sống và dân trí vẫn chưa cao. Các giá trị phổ quát về tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền đã được Hiến định và Pháp định nhưng vẫn ít được thực thi. Đất nước vẫn bị cô lập. Nước Nga bỏ phí nhiều cơ hội và không sử dụng được tiềm năng tài nguyên, trí tuệ vĩ đại của mình để phát triển.
Thế Chiến thứ II và chiến thắng của Liên Xô
Trong Thế Chiến II, nhân dân Liên Xô đã có những đóng góp to lớn cho chiến thắng của phe Đồng Minh đối với nước Đức Hiller. Chiến thắng Stalingrad của Hồng Quân cùng với chiến thắng của Quân Đồng Minh trong trận El Alamein lần thứ hai ở Bắc Phi đều được giới sử học toàn thế giới coi là những chiến thắng bước ngoặt đảo ngược tình thế với nước Đức Hitller trong Thế Chiến II.
Có điều là nhân dân Lên Xô đã phải trả một giá khủng khiếp (gần 27 triệu sinh mạng, trong đó gần 20 triệu dân thường. Tỷ lệ người chết trên số dân chỉ sau Ba Lan) để chiến thắng nước Đức Hiller và góp phần giải phóng Châu Âu.
Chế độ độc tài của Stalin là nguyên nhân chính của cái giá phải trả quá cao này. Hàng loạt tướng lĩnh Hồng Quân đã bị thanh trừng vào đầu chiến tranh do bản tính đa nghi của Stalin. Có thể nói là Đội ngũ chỉ huy cao cấp Hồng Quân đã bị vô hiệu hóa gần như toàn bộ.
Do quá tin vào Hiệp ước Bất tương xâm Xô-Đức Molotov-Ribbentrop cuối 1940 Stalin đã ra lệnh rút quân ra khỏi vùng biên giới Liên Xô-Ba Lan (do Đức chiếm đóng), không kịp thời đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa vũ khí cho Hồng Quân. Stalin cũng đã không tin các nguồn tình báo cảnh báo 22/06/1941 là thời điểm Đức tấn công Liên Xô nên không cho đăt Hồng Quân vào tình trạng báo động dẫn đến những tổn thất kinh hoàng của Hồng Quân trong những tháng đầu chiến tranh. Đó là bi kịch của nhân dân Nga mà Stalin phải chịu trách nhiệm chính.
Sau khi Thế Chiến thứ II kết thúc việc Stalin áp đặt mô hình Xô Viết lên các nước Đông Âu và tách biệt các quốc gia này khỏi sự phát triển chung Châu Âu là một bi kịch lịch sử của thế giới thế kỷ 20 và cho chính người Nga. Họ đã đánh mất hào quang người giải phóng trong con mắt các dân tộc Đông Âu.
Sau chiến tranh Liên Xô cũng đã xây dựng rất nhiều tượng đài kỷ niệm chiến thắng hùng vĩ để lại cho hậu thế. Chiến thắng Đức Hitller luôn là một trong những niềm tự hào to lớn nhất của các thế hệ người Nga.
Máy bay biểu diễn cờ Nga trên bầu trời Moscow. Ảnh: AFP
Theo dõi sách báo Nga và phát biểu trên các trang mạng của Nga trong nhiều năm tôi thấy cách đánh giá của người Nga về tầm vóc và vai trò của chiến thắng này trong lịch sử nước Nga là khá nhất quán. Sự khác nhau chỉ ở chỗ đánh giá mức độ và nguyên nhân của tổn thất to lớn mà nước Nga đã phải gánh chịu.
So sánh với Malaysia
Cách đây ít lâu nhân viết comment cho một bài mà anh Hiệu Minh đã viết sau khi đi thăm Điện Biên Phủ trong hieuminh.org tôi đã làm một so sánh nhỏ giữa Nga và Malaysia:
Năm 1957 khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik vệ tinh đầu tiên của nhân loại thì Malaysia được Anh Quốc trao trả độc lập và Liên bang Malaysia ra đời.
Malaysia lúc đó là một nước bé nhỏ hoàn toàn vô danh ở Đông Nam Á xa xôi có thu nhập TB khoảng $150/người.năm trong khi thu nhập TB của Liên Xô đã vào khoảng $3600/người.năm (40% Hoa Kỳ lúc đó).
Năm 1990 thu nhập TB Nga khoảng $9000; Malaysia là $2500.
Năm 2014 thu nhập TB Nga $17.000; Malaysia là $18.500.
Tốc độ tăng trường kinh tế TB của Malaysia từ 1957-2005 là 6,5%.
“Năm 1991, Thủ tướng Malaysia đương thời là Mahathir bin Mohamad phác thảo ý tưởng của ông trong “Tầm nhìn 2020″, theo đó Malaysia sẽ trở thành một quốc gia công nghiệp hóa vào năm 2020. Thủ tướng thứ sáu là Najib Razak nói rằng Malaysia sẽ đạt đến tình trạng nước phát triển vào năm 2018, sớm hơn so với mục tiêu vào năm 2020” (Wiki). Như chúng ta biết Malaysia có một nền kinh tế khá cân đối và đa dạng.
Tốc độ tăng trường kinh tế của Nga cao nhất khoảng 6,5% là giai đoạn 1999-2004. Năm 2015 dự kiến tăng trưởng âm (từ 3-4,5%). Như chúng ta biết Nga hiện nay vẫn thuộc hàng các nước đang phát triển và xét về cơ cấu kinh tế thì xếp hàng cuối trong BRICS – nhóm các nước đang phát triển hàng đầu thế giới với một nền kinh tế gần như “độc canh dầu khí” rất dễ bị tổn thương.
Năm 2014 GDP Nga $2200 tỷ (nền kinh tế 11 thế giới); Malaysia $550 tỷ (29).
Theo dự báo của ngân hàng HBSC vào năm 2050 các nền kinh tế của Nga và Malaysia sẽ có thứ hạng tương ứng là 16 và 21. Nghĩa là gần như đồng hạng về kích thước nền kinh tế nhưng nếu tính TB trên đầu người thì tỷ lệ Malaysia so với Nga sẽ khỏang 2.5/1.
Năm 2014 số công bố khoa học quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín đạt chuẩn ISI/đầu người của Malaysia đã vượt chỉ tiêu này của Nga.
Malaysia không có và chắc là sẽ không bao giờ có những tượng đài kỷ niệm chiến thắng hùng vĩ như ở Nga. Nhưng họ có những đài kỷ niệm khác cho hậu thế như Tòa tháp đôi Petronas nổi tiếng chẳng hạn.
Vũ khí tối tân nhất đã được phô trương. Ảnh: Reuters
Khi tôi đưa so sánh này lên một forum vào loại “trí tuệ’’ trên mạng ở Moscow thì bạn đọc shock ghê gớm và tôi đã bị ném đá khá nhiều mặc dù không có những phản bác thuyết phục. Phần lớn cho rằng sự bứt phá của Malaysia là nhờ vị trí địa lý, khí hậu và khả năng “nhanh nhậy” nắm bắt thời cơ tích cực phục vụ các đại gia dầu lửa Ả Rập. Tóm lại là một mô hình thành công ít có giá trị tham vấn đối với người Nga.
Chỉ một số nhỏ thừa nhận nguyên nhân thành công của Malaysia là ở thể chế chính trị và kinh tế hiện đại cho phép chống tham nhũng hiệu quả, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng thu hút tốt đầu tư nền tảng của phát triển bền vững.
Thái độ này đối với tôi là dễ hiểu vì người Nga xưa nay vốn chỉ hay được (bị) hoặc quen (thích) so sánh mình với người Mỹ, người Đức, Anh và Pháp. Lòng kiêu hãnh dân tộc thái quá của người Nga thường làm họ mất khả năng tự nhìn mình khách quan bằng con mắt của các dân tộc khác nhiều khi kể cả đối với trí thức Nga học vấn rất cao và được đi khắp đó đây.
Nước Nga đi về đâu?
Có thể nói là hơn 20 năm sau khi Liên Xô sụp đổ mà người Nga vẫn tiếp tục bị cầm tù bởi hoài niệm về quá khứ huy hoàng và cách tư duy gắn liền với quá khứ đó. Tóm lại là vẫn lạc hậu trầm trọng về tư duy. Xin phép nêu một trường hợp.
Từ 07/05 đến 28/12/2008 ở Nga đã tổ chức cuộc Trưng cầu dư luận “Những cái tên của nước Nga” trong số các khán giả truyền hình, thính giả truyền thanh và cư dân mạng internet do Cty truyền thông VID và kênh TV “Russia” tiến hành để chon lựa 100 tên tuổi nhân vật tiêu biểu nhất cho nước Nga. Cách làm tương tự như cuộc lựa chon 100 nhân vật tiêu biểu Anh Quốc do TV Anh tiến hành trước đó. Kết quả như sau:
Ngày 28/12/2008 trên kênh TV “Russia” trong chương trình “Tuần tin tức” trực tuyến cuộc người ta đã công bố kết quả Trưng cầu dư luận “Những cái tên của nước Nga”. Tên tuổi và số phiếu dành cho bốn nhân vật hàng đầu là như sau: Alexandr Nevsky (524.575 người bầu) anh hùng dân tộc Nga có công chặn các hiệp sĩ Teuton Đức Đông tiến. Petr Stolypin (523.766 NB) nhà cải cách kinh tế vĩ đại thời Xa Hoàng Nikolai II trước Thế Chiến I theo đường lối kinh tế thị trường kiểu Phương Tây. Josip Stalin (519 071 NB) nhà lãnh đạo Xô Viết thành công trong việc xây dựng nền kinh tế chỉ huy hùng mạnh và chiến thắng Đức Hitller Đông Tiến và Alexandr Pushkin (516.608 NB) nhà thơ số một của nước Nga. Ông chịu ảnh hưởng mạnh của văn hóa Phương Tây và có công đặt nền móng cho thơ ca hiện đại Nga theo phong cách Phương Tây.
Kết quả này thể hiện rất rõ hai khuynh hướng đối lập thường trực đã có từ mấy trăm năm nay trong xã hội Nga:
Nga là hạt nhân của khối các nước Đông Slavo và có con đường đi riêng khác với Châu Âu (chủ nghĩa Đại Nga).
Nga là một bộ phận của Châu Âu và văn hóa Nga là bộ phận của văn hóa Châu Âu.
Sau khi Liên Xô sụp đổ rất nhiều tài liệu về tội ác của Stalin và các cộng sự của ông đã được bạch hóa. Tại nước Cộng hòa Georgia (Gruzia) quê hương ông dưới thời các TT Chevanadze và Saakashvili ông đã bị giải thiêng và lên án.
Việc Stalin cho đến tận bây giờ vẫn được người Nga tôn vinh là một “bất ngờ” không chỉ đối với cả thế giới mà chính cả đối với người Nga. Nó thể hiện bản chất đa diện của nếp tư duy Nga vẫn bị kìm hãm bởi quá khứ.
Quân đội trên quảng trường Đỏ. Ảnh: AFP
Rất nhiều người Nga một mặt thì lên án ông như một nhà cai trị tàn bạo sắt máu nhưng mặt khác lại ngưỡng mộ ông như một nhà quản trị tài ba, hiệu quả, một bàn tay sắt cứng rắn giúp họ xây dựng “một cõi sơn hà riêng biệt” đi theo con đường riêng, khác Châu Âu và có thể thách thức được Phương Tây “cao ngạo và thối rữa”.
Điều này cũng giúp chúng ta hiểu tại sao bất cứ nhà lãnh đạo Nga nào muốn được người Nga ủng hộ mặc định phải “cương” với Phương Tây. Và hiểu được tại sao Gorbachev lại bị người Nga “ghét” đến thế.
Nguồn gốc tư tưởng Đại Nga, chủ nghĩa sứ mệnh Nga, chủ nghĩa CS Nga và việc người Nga tự coi họ là Đế quốc La Mã III được trình bầy rất mạch lạc trong tác phẩm “Russian Idea” (Русская идея) hay là “Tư tưởng Nga” của triết gia-nhà văn Nga Nikolai Berdyaev. Một trong những nhà triết học được các nhà chính trị hàng đầu Nga trong đó có TT Putin ưa thích.
Sau khi Liên Xô sụp đổ có thể nói trí thức Nga hiện nay xa cách trí thức Phương Tây về tư tưởng hơn thời Liên Xô khá nhiều. Nghịch lý? Vâng.
Trí thức Nga ngày nay nhất là những người theo chủ nghĩa dân tộc có cảm nhận họ thuộc về nền văn hóa, văn minh khác với những giá trị khác hệ giá trị Phương Tây. Xin hãy nhớ lại tác phẩm“The Clash of Civilizations” hay là “Sự va chạm của các nền văn minh” của Samuel Huntington. Đó có thể là lý do tại sao TT Putin lại được người Nga ủng hộ nhiều “bất thường” như vậy.
Điều này cũng giải thích tại sao vừa qua người Nga lại sẵn lòng chịu “thắt lưng buộc bụng”. Tại sao công chức Nga tuy tham nhũng nhưng khi đất nước khủng hoảng như hiện nay lại “tự nguyện” giảm lương.
Thực tế các biện pháp này cùng với việc giá dầu hỏa nhích lên đồng rúp Nga đã ổn định được ở mức 1$=50 rúp. Dự trữ ngoại tệ đã tăng lên và nguy cơ phá sản các đại Cty do vay nợ Phương Tây đã được giảm thiểu. Thời kỳ khó khăn nhất có thể đã qua.
Mặt khác lại phải nói là vai trò lịch sử của TT Putin và các cộng sự thế hệ ông đã kết thúc.
TT Putin và các cộng sự thế hệ ông có công lớn trong việc ổn định và vực dậy nước Nga từ tình trạng hỗn loạn thời TT Eltsin. Họ đã sử dụng khá hợp lý thu nhập cao từ việc giá dầu hỏa thế giới tăng mạnh để nâng cao đời sống người Nga và khôi phục lại vị thế và tiếng nói của nước Nga trên thế giới. Tạo cho nước Nga một Quí dự trữ ngoại tệ dắt lưng khá lớn.
Nhưng đồng thời trong 15 năm từ khi TT Putin nắm quyền họ cũng thất bại trong chương trình hiện đại hóa kinh tế Nga. Họ đã đẩy nước Nga vào mô hình kinh tế khai thác tài nguyên như hiện có. Mô hình kinh tế thậm chí lạc hậu hơn nền kinh tế sản xuất hàng hóa thời Xô Viết. Bản chất kinh tế Nga hiện nay là một nền kinh tế độc canh dầu khí rất dễ tổn thương và không phải là nền tảng tốt để phát triển bền vững.
Ngoài ra, tham nhũng trở thành quốc nạn có xu hướng ngày càng tăng. Các chỉ tiêu về phát triển con người, môi trường kinh doanh và an sinh xã hội kể cả tuổi thọ TB đều rất thấp. Minh bạch, tính hiệu quả của công quyền, tự do báo chí và nhân quyền đều còn tụt hậu xa so với mặt bằng chung thế giới.
Quá khứ huy hoàng có giúp cho hôm nay. Ảnh: Reuters
Để thay đổi nhận thức người Nga cần những cú huých kiểu như thất bại trong chiến tranh Nga với Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ (1853-1856) dẫn đến hủy bỏ chế độ nông nô năm 1861. Hay là thất bại trong chiến tranh Nga-Nhật 1905 dẫn đến chế độ Quân chủ lập hiến ở Nga. Để hiện đại hóa nước Nga cần một thế hệ lãnh đạo mới.
Thay cho lời kết
Việc so sánh một cách hình thức Nga và Malaysia dù khập khễnh đến mấy cũng cho chúng ta thấy một vài điều:
Quá khứ huy hoàng, lịch sử phong phú không đương nhiên bảo đảm cho tương lai tốt đep. Nếu đặt chúng xuống chân làm bệ đỡ thì người ta có thể nhìn xa và dễ thuận lợi đi nhanh, đi xa (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan). Nếu đặt chúng lên đầu để rồi luôn ngước nhìn thì chỉ vướng tầm mắt ngăn không nhìn được về phía trước, về tương lai. Đeo vác nặng nề hành trang lịch sử khó có thể đi nhanh. Thậm chí bị kìm giữ vì các chuẩn mực lỗi thời.
Một nước nhỏ như Malaysia tự biết vị trí nhỏ của mình trong bàn cờ các nước lớn. Không vướng bận với hành trang lịch sử quá khứ, biết bơi theo dòng chủ lưu do cả thế giới tạo dựng và học được cách lướt sóng của các huấn luyện viên giỏi, kiên trì không bơi tắt đón đầu thì rồi sẽ hóa rồng.
Nước lớn như Nga nếu vẫn thích bơi dòng riêng do mình tự đào, tự khơi lại với hành trang quá khứ nặng nề thì sẽ bị ngửi khói của Malaysia còn lâu.
Một nước nhỏ đeo nhiều hành trang quá khứ, bơi theo kiểu riêng tự sáng tác không cần huấn luyện viên, lại thích bơi tắt đón đầu thì dù có cố bơi theo dòng chủ lưu cũng dễ vừa bơi vừa“sặc nước’’.
TamHmong. Moscow 9-5-2015
(Blog Hiệu Minh)
http://hieuminh.org/2015/05/10/tamhmong-nuoc-nga-trong-vong-tay-cua-qua-khu-huy-hoang/
Nước nga có cái hay là những tên chống đối Putin bị bắn bỏ công khai, bất chấp dư luận.
Trả lờiXóaNăm 1988 TQ chiếm Gạc Ma ,Nga đóng ở Cam Ranh chẳng dám ho he gì .Đừng mê muội nghỉ chuyện dựa hơi Nga.
Trả lờiXóa