Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Pháp đã xử các tướng thua Điện Biên Phủ thế nào?

Pháp đã xử các tướng lĩnh để thua Điện Biên Phủ thế nào? 
Tác giả: Tiến Nhất (Theo báo Tin tức – TTXVN/ANTG)
Khi Điện Biên Phủ im tiếng súng và cảm giác bàng hoàng ban đầu trôi qua, nước Pháp bắt đầu băn khoăn với câu hỏi, ai phải chịu trách nhiệm về thất bại. Một ủy ban điều tra đã được thành lập vào tháng 3-1955 theo yêu cầu của những người trong cuộc.
Ngày 7-5-1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nấp hầm tướng Đờ Cát – chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ, kết thúc vẻ vang 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Lật lại một số thư từ và báo cáo của tướng lĩnh, chính trị gia Pháp thời kì đó, có thể thấy một nước Pháp chia rẽ nhưng muốn nhanh chóng chôn vùi cuộc chiến tranh Đông Dương.

Tuy không phải là chiến dịch dài nhất trong lịch sử quân sự của nước Pháp, nhưng Điện Biên Phủ đáng được so sánh với những thất bại đánh dấu lịch sử nước Pháp, như trận chiến Azincourt khi quân Pháp đã bị quân Anh đánh bại năm 1415 trong cuộc chiến 100 năm, hay trận Sedan, trong đó liên quân Phổ cầm tù Hoàng đế Napoleon III năm 1870, theo đánh giá của nhà nghiên cứu lịch sử Pierre Journoud, Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Quốc phòng Pháp.

Sau khi chiến tranh Đông Dương chấm dứt, nước Pháp vẫn chưa hiểu được tại sao một đạo quân viễn chinh trang bị tốt và cố thủ trong tập đoàn cứ điểm vững chắc như Điện Biên Phủ, lại có thể bị khuất phục trước cuộc tấn công của đội quân với vũ khí nghèo nàn và gần như mới chỉ được tổ chức lại trước đó không lâu. Những hệ lụy địa chính trị đối với nước Pháp sau sự kiện này đã rõ, nhưng với dư luận, câu hỏi đặt ra lúc bấy giờ là, ai phải chịu trách nhiệm?

Ủy ban điều tra bất đắc dĩ

Báo chí Pháp xoáy sâu vào một vấn đề không còn là một bí mật nữa: mâu thuẫn sâu sắc giữa hai chỉ huy quân sự cao cấp tại chiến trường Đông Dương: tướng Henri Navarre và tướng René Cogny. Người thứ nhất là tổng chỉ huy, tác giả của kế hoạch Navarre xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chấp nhận đối đầu trực diện với Việt Minh, còn người thứ hai chỉ huy trưởng các lực lượng Lục quân Pháp tại miền Bắc Việt Nam, cũng là người chịu trách nhiệm chỉ huy trực tiếp Điện Biên Phủ. Hai tướng Pháp lao vào cuộc tranh cãi không ngớt đổ trách nhiệm cho nhau. Báo chí vào cuộc và đổ thêm dầu vào cuộc cãi vã nảy lửa.

Tướng Navarre 

Đã trải qua nhiều chiến trận trong hai cuộc chiến tranh thế giới, tướng Navarre được bổ nhiệm nắm quyền chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Viễn Đông từ tháng 5-1953 thay cho tướng Salan, với nhiệm vụ quan trọng là tìm lối thoát danh dự cho nước Pháp trong cuộc chiến. Navarre gần như ngay lập tức phải đối mặt với tình hình chiến trường bi đát do sự lớn mạnh không ngừng của Việt Minh, trong khi ông gần như không hiểu biết gì về thực địa do phần lớn cuộc đời binh nghiệp trải qua tại Đức và Algeria.

Một tháng sau thất bại Điện Biên Phủ, ngày 4-6-1954, Pháp quyết định rút Navarre khỏi Bộ Chỉ huy quân sự tại Đông Dương để hợp nhất chính quyền quân sự và chính trị thành một bộ máy thống nhất, đặt dưới sự chỉ huy chung của tướng Ely, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp và được bổ nhiệm làm Cao ủy, trong khi tướng Cogny vẫn giữ nguyên chức vụ cũ.

Trở về Paris, tưởng rằng sẽ được bố trí đứng đầu một bộ chỉ huy mới, Navarre đã thất vọng mặc dù trước đó, Thủ tướng Joseph Laniel đã đảm bảo với ông về điều này. Trong một bức điện thư đề ngày 3-6-1954, người đứng đầu Chính phủ Pháp hứa hẹn: “Tôi sẽ yêu cầu bộ trưởng Quốc phòng bố trí cho ông một chức vụ mới, theo đó chắc chắn ông sẽ được tham khảo trước”. Không rõ trao đổi giữa Thủ tướng Laniel và Bộ trưởng chiến tranh thời kỳ đó là Jacques Chevalier đi đến đâu, nhưng Bộ Quốc phòng Pháp kiên quyết phản đối bổ nhiệm Navarre đứng đầu một bộ tư lệnh mới.

Thái độ bị từ chối đó đi cùng với tâm lý – dù có hay không – mà tướng Navarre cho rằng, ông đã trở thành một “vật tế thần lý tưởng”, người bị đổ mọi trách nhiệm cho thất bại tại Điện Biên Phủ nói riêng và Đông Dương nói chung cho dù mới chỉ nắm quyền vẻn vẹn gần một năm, thay cho một bộ phận tầng lớp chính trị Pháp và các tướng lĩnh quân sự liên quan.

Theo nhận xét của tiến sĩ Ivan Cadeau, Trung tâm Lịch sử quân đội Pháp, trong cuộc hội thảo về Đông Dương do Viện Hàn lâm khoa học hải ngoại Pháp tổ chức cuối tháng 3-2014, chính trong hoàn cảnh đó cộng với suy nghĩ rằng cuộc đời binh nghiệp của mình coi như đã chấm dứt, ngày 12-8-1954, tướng Navarre, cho rằng mình không phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sai lầm chính trị và quân sự, đã yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra về các trách nhiệm của tất cả các cấp trong các sự kiện đã dẫn đến thất bại tại Điện Biên Phủ.

Không được chính phủ trả lời, ngày 22-10 cùng năm, Navarre tiếp tục gửi yêu cầu một lần nữa. Tuy nhiên, chính quyền Pháp cho rằng không nên tổ chức một cơ quan điều tra mà hậu quả của nó chắc chắn sẽ xới lại quá khứ, theo họ, có thể ảnh hưởng đến một số chính trị gia khác, mặt khác có thể gây đau lòng khi cuộc chiến Đông Dương đã kết thúc và một cuộc chiến tranh khác đang bắt đầu thành hình tại Bắc Phi.

Ngay cả Thống chế Alphonse Juin, người có thời gian dài là cấp trên của Navarre và nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, cũng viết thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Emmanuel Temple gợi ý “Hãy để những nỗi đau dịu bớt và để cho thời gian trôi đi”.

Tuy nhiên, dư luận không thể dễ dàng lãng quên một chiến dịch lớn đến như vậy. Báo chí Pháp lao vào mổ xẻ nguyên nhân thất bại và tất nhiên, cái tên Navarre bao giờ cũng được nhắc đến đầu tiên, kể cả mâu thuẫn giữa ông với Cogny. Đầu tháng 1- 1955, ký giả Lucien Bodard, được cho là thân cận với tướng Cogny, đã đăng trên tờ France Soir (Nước Pháp buổi chiều) một loạt bài gán trách nhiệm thất bại cho tướng Navarre.

Bài báo đã đăng nguyên văn tuyên bố của viên Tổng chỉ huy lực lượng Pháp tại Đông Dương với các tướng lĩnh và sĩ quan đề nghị rút quân khỏi Điện Biên Phủ: “Tôi sẽ không rút, vì đó là chiến lược của tôi”. Một bức biếm họa trên tờ L’Express tháng 5-1954, đã vẽ chân dung Navarre mâu thuẫn giữa hai chỉ huy hàng đầu quân đội Pháp tại Việt Nam, kèm theo dòng chữ mô tả về mâu thuẫn: “Một bên, tướng Navarre tổng chỉ huy, khắc khổ và lạnh lùng, còn bên kia là tướng Cogny, năng động, cao 1,94m”.

Không chấp nhận thái độ từ chối từ chính phủ và đứng trước nguy cơ thanh danh bị hoen ố do búa rìu dư luận, tướng Navarre bước ra khỏi vòng tròn im lặng và trả lời phỏng vấn trên tuần báo Jours de France số ra ngày 20-1-1955, để giải thích cho các quyết định của mình. Đến lúc này, đối với Chính phủ Pháp mối đe dọa toàn bộ những sự kiện liên quan, những tranh cãi giữa hai tướng Navarre và Cogny cũng như mâu thuẫn trong quân đội Pháp sẽ bị tướng Navarre phơi bày trước dư luận, thông qua một bài viết trên báo Pháp Le Figaro, đã khiến Thủ tướng Mendès France cuối cùng buộc phải chấp nhận thành lập một ủy ban điều tra.

Tướng René Cogny (trái), Đại tá Christian de Castries (đầu trần) và 
Tướng Henri Navarre (ngồi giữa) thảo luận kế hoạch tại chiến trường 

Kết luận nửa vời?

Ủy ban điều tra quân sự về chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức ra mắt ngày 31-3- 1955, do Đại tướng Georges Catroux đứng đầu, với 4 ủy viên là Đại tướng không quân Martial Valin, Đại tướng Joseph Magnan, Đô đốc André Lemonnier, Thống đốc Algeria Georges Le Beau. Suốt trong thời gian từ ngày 21-4 đến 1-12-1955, ủy ban đã họp tổng cộng 23 phiên, xem xét hàng loạt tài liệu, biên bản của ủy ban Quốc phòng Pháp, chất vấn hầu hết các sĩ quan và quan chức cao cấp liên quan, từ các tướng lĩnh như Navarre, Cogny, De Castrie cho đến hàng loạt sĩ quan cấp đại tá và chỉ huy cấp đại đội.

Tuy nhiên, trách nhiệm của ủy ban này không thực sự đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và trông đợi của tướng Navarre. Thay vì xem xét trách nhiệm của toàn bộ hàng ngũ lãnh đạo chiến tranh của Pháp kể từ khi ông ta bắt đầu tiếp quản vị trí Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương, trách nhiệm của ủy ban này chỉ giới hạn trong đội ngũ chỉ huy quân sự. Cách thức mà cơ quan này được thành lập đã cho thấy giới chính trị Pháp muốn “chôn vùi hoàn toàn cuộc chiến tranh Đông Dương”.

Cũng cần phải nhắc lại rằng sau thất bại tại Đông Dương, nước Pháp tiếp tục phải tham chiến tại hàng loạt thuộc địa cũ ở Bắc Phi, đặc biệt, từ tháng 11-1954, Pháp bắt đầu cuộc chiến tranh Algeria, kéo dài tới năm 1962. Những biến động về chính trị cũng khiến cho Bộ Quốc phòng Pháp thay đổi liên tục bộ trưởng. Vì lý do đó, giới chính trị và quân sự Pháp thực sự không muốn tìm khoét sâu vào nỗi đau của giới quân sự.

Cho tới nay có rất ít tài liệu liên quan đến các kết luận của ủy ban điều tra được công bố. Theo Patrick Jeudy, đạo diễn bộ phim tài liệu “Điện Biên Phủ, bản báo cáo bí mật” ra mắt vào năm 2011, báo cáo của ủy ban không tìm thấy điều gì quan trọng để chỉ trích quyết định tập trung lực lượng tại Điện Biên Phủ của tướng Navarre. Ông Jeudy cho rằng, ủy ban đã chỉ trích tướng Cogny, người chịu trách nhiệm chỉ huy trực tiếp quân Pháp tại Điện Biên Phủ đã không chấp hành đầy đủ mệnh lệnh của cấp trên, tức tướng Navarre, ông Jeudi cho rằng, Cogny đã không thông tin đầy đủ về tình hình cho Navarre.

Trong khi đó, tướng Navarre bị cho rằng đã đánh giá quá lạc quan về tình hình chiến sự và có cách tiếp cận không phù hợp với chủ trương tìm cách rút khỏi cuộc chiến tranh Đông Dương trong danh dự của Chính phủ Pháp. Những báo cáo của Đại sứ Pháp Jean Chauvel, nhà đàm phán của Pháp tại hội nphị Geneve về chấm dứt chiến tranh Đông Dương, gửi về Paris trong tháng 7-1954 đã cho thấy điều này. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phỏng đoán dựa trên đánh giá của giới nghiên cứu và một số nhân chứng lịch sử còn lại. Trong khi đó, có không ít sĩ quan cao cấp Pháp khuyên nên “bỏ qua” Điện Biên Phủ.

Theo một báo cáo của bộ chỉ huy Quân khu 7 của Pháp đề ngày 1-6-1955: “Các sĩ quan cho rằng không nên buộc bộ chỉ huy quân sự phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những sự kiện có nguyên nhân sâu xa từ các mệnh lệnh của chính phủ”. Một bức thư gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng ngày 3-12-1955, người đứng đầu ủy ban điều tra, tướng Catroux, đề nghị “Bộ chỉ huy quân sự (của Pháp tại Đông Dương) không nên bị coi là vật tế thần, vì nếu làm như vậy các sĩ quan sẽ rất tức giận do bị đối xử không công bằng, từ đó có thể bị mất tinh thần, đồng thời, tinh thần kỷ luật trong quân đội cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng”:

Ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đương nhiệm, chính trị gia trẻ tuổi Maurice Bourges Maunoury (lên thay Emmanuel Temple), ngày 23- 2-1956 đã đích thân viết thư đề nghị Thủ tướng Guy Mollet: “Thật không phải lúc quay trở lại quá khứ đau thương của nhiều sĩ quan của chúng ta, khi họ đang phải chiến đấu ở chiến trường Bắc Phi với nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phải hoàn thành công việc mà họ đặt trọn trái tim”.

Quá trình thành lập cũng như hoạt động của ủy ban điều tra về Điện Biên Phủ, những kết quả gây thất vọng đối với nhiều người của nó, cho thấy các chính phủ dưới thời Cộng hòa thứ tư của Pháp đã không thể đánh giá lịch sử một cách công bằng và thẳng thắn. Theo nhà sử học Ivan Cadeau, dường như giới lãnh đạo Pháp nói chung lo ngại rằng “nếu mở rộng thẩm quyền (điều tra), ủy ban sẽ bị biến thành một tòa án xét xử cả chế độ nói chung và quá trình lãnh đạo – hoặc không lãnh đạo gì, theo đánh giá của một số người – cuộc chiến tranh Đông Dương nói riêng”. Cuối cùng, ủy ban đã giải tán ngày 20-2-1956, chính thức khép lại thất bại của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ.

Dĩ nhiên tướng Navarre không thể hài lòng với các quyết định của giới lãnh đạo chính trị và quân sự cấp cao, nhất là ông nhanh chóng bị gạt sang bên lề trong khi nước Pháp đang mải mê với nhiều chiến dịch quân sự lớn, nhất là ở Bắc Phi. Năm 1956, Navarre đã lặng lẽ về hưu và cùng năm đó cho xuất bản cuốn sách “Đông Dương hấp hối”, biện minh cho những quyết định của mình.

Nước Pháp không thích những kẻ bại trận. Tướng Navarre chìm vào quên lãng, cho dù giới lãnh đạo Pháp không bao giờ có một bản án chính thức với ông ta.

http://motthegioi.vn/ho-so-phan-tich/phap-da-xu-cac-tuong-linh-de-thua-dien-bien-phu-the-nao-185078.html

1 nhận xét:

  1. Nếu người Mỹ ngày đó có lòng tốt giúp Pháp trong trận ĐBP, thì ngày nay nhân dân hai miền Nam Bắc sống trong hoà bình thực sự.

    Trả lờiXóa