Người Nga nói thật về Chiến tranh Việt Nam
Cũng như không ai giấu diếm sự tham gia của các quân nhân chúng ta (Liên Xô) trong các hoạt động tác chiến tại Việt Nam. Nhưng không phải của các phi công mà là của các chiến sỹ tên lửa. Khác với pháo cao xạ và MiG, người Việt Nam nắm bắt việc sử dụng tên lửa khó khăn hơn. Chính vì vậy mà ở giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh (phá hoại bằng không quân của Mỹ -ND), chính các chiến sỹ tên lửa Liên Xô đã sử dụng S-75.Không quân Mỹ có vinh dự là Lực lượng không quân đầu tiên trên thế giới đối đầu với các đợt tấn công bằng tên lửa phòng không ồ ạt. Cho đến tận ngày cuối cùng của chiến tranh (Việt Nam) - phải nói rằng trên thực tế đã diễn ra một cuộc chiến thực sự giữa các bộ não của các Trung tâm nghiên cứu khoa học và các phòng thiết kế Xô Viết và Mỹ.
Chính họ (các nhà khoa học và thiết kế) là người góp phần quyết định ai mạnh hơn – không quân hay bộ đội tên lửa phòng không. Hiệu quả tác chiến rất cao thời kỳ đầu (tức là số lượng tên lửa phải sử dụng để tiêu diệt một máy bay) của S-75 đã giảm xuống nhiều lần do Mỹ sử dụng phương tiện tác chiến điện tử, tên lửa chống radar và các chiến thuật mới.
Mặc dù vậy, người Mỹ vẫn không thể nào giải quyết được vấn đề các tổ hợp tên lửa phòng không (của Bắc Việt Nam-ND). Đến nay, phía Mỹ đã chính thức thừa nhận tổn thất của Mỹ từ S-75 (sau đây lần lượt xếp theo các kiểu máy bay) như sau:
15 máy bay ném bom chiến lược B-52, 02 hoặc 03 máy bay ném bom chiến thuật F-111, 32 máy bay tiêm kích F-4, 08 F-105, 01 F-104, 11 F-8, 04 máy bay trinh sát RB-66, 05 RF-101, 01 O-2, 26 máy bay cường kích A-4, 09 A-6, 18 A-7, 03 A-3, 03 A-1, 01 AC-130, 01 máy bay vận tải C-123, 01 máy bay lên thẳng CH-53.
Thiệt hại trên thực tế chắc chắn phải cao gấp nhiều lần (số lượng tối đa máy bay Mỹ bị các tổ hợp tên lửa phòng không (Bắc Việt Nam-ND) bắn rơi -1.770 chiếc), nhưng bây giờ thì đã rất khó xác định (và cũng không nhất thiết phải làm thế).
Tổng cộng từ năm 1965 đến năm 1972 Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam 95 tiểu đoàn (cơ số đạn và tổ hợp phóng –ND) S-75 và 7.658 quả tên lửa phòng không.
Đến cuối chiến tranh đã có 6.806 quả đạn đã sử dụng và bị mất (trên lãnh thổ Trung Quốc), lực lượng còn sẵn sàng chiến đấu đến thời điểm kết thúc chiến tranh – 43 tiểu đoàn.
Ngoài ra, vào giai đoạn cuối chiến tranh chống Không quân Mỹ, tổ hợp tên lửa phòng không vác vai “ Strela-2” cũng được bắt đầu sử dụng. Từ đầu năm 1972 đến tháng 01/1973, các chiến sĩ cộng sản Việt Nam đã dùng “Strela-2” bắn hạ 29 máy bay Mỹ (01 F-4, 07 O-1, 03 O-2, 04 OV-10, 09 A-1, 04 A-37) và 14 máy bay lên thẳng ( 01 CH-47, 04 AH-1, 09 UH-1).
Ngoài các chiến sỹ tên lửa phòng không Liên Xô, đặc nhiệm GRU (Tổng cục Tình báo quân sự Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Liên Xô-ND) cũng tham gia chiến đấu tại Việt Nam, tuy không được công bố công khai nhưng cũng không ai giấu diếm thái quá.
Ví dụ, tháng 5/1968 một nhóm đặc nhiệm GRU gồm 9 người đã tấn công một căn cứ bí mật của Mỹ trên lãnh thổ Campuchia có biệt danh “Flying John” được sử dụng để tung các nhóm gián điệp- biệt kích vào Bắc Việt Nam và cứu các phi công của các máy bay Mỹ bị bắn hạ.
Trong căn cứ này có gần 20 máy bay lên thẳng, trong đó có 04 chiếc máy bay lên thẳng tấn công mới nhất thời kỳ đó là “ SuperCobra”. Tuy bị hy sinh 03 người, nhưng đặc nhiệm GRU đã đưa được 01 chiếc “Super Cobra” về Bắc Việt Nam, phá hủy hoặc phá hỏng những chiếc còn lại, giết và làm bị thương 15 quân nhân Mỹ. Còn bao nhiêu chiến dịch như vậy, rất khó xác định.
Con số tổn thất trong tác chiến của Các lực lượng vũ trang Liên Xô trên lãnh thổ Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 7/1965 đến cuối năm 1974 được công nhận chính thức là 13 người.
Nhưng tất nhiên, chính người Việt Nam mới là người giành chiến thắng trong chiến tranh. Giai đoạn bước ngoặt của cuộc chiến có lẽ là năm 1968. Lần đầu tiên trong lịch sử người ta mới “ngộ” ra rằng, những hình ảnh trên truyền hình về chiến tranh có khi còn quan trọng hơn cả chính chiến tranh.
Ngày 30/01/1968, 84.000 du kích Nam Việt Nam và các chiến sỹ Bắc Việt đã bắt đầu cuộc Tổng tấn công “Tết Mậu thân”, công kích mãnh liệt 36 trong 43 tỉnh lỵ Nam Việt Nam. Các chiến sĩ cộng sản đã chiếm cố đô Huế, những trận chiến ác liệt diễn ra ngay trên các đường phố Sài gòn.
Toàn nước Mỹ được tận mắt chứng kiến những hình ảnh này trên màn hình TV ngay trong nhà của mình. Và đến lúc này thì không ai và không cái gì có thể thuyết phục được người dân Mỹ nữa – mọi công dân Mỹ đã hiểu rằng người Mỹ đã thua và cần phải nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến.
Đến đầu năm 1968 thì lực lượng của Quân đội Mỹ, Quân đội Việt Nam Cộng hòa, Quân đội Úc, Quân đội Nam Hàn đang có tại Nam Việt Nam là 17 sư đoàn bộ binh, 02 sư đoàn lính thủy đánh bộ, 02 sư đoàn kỵ binh (đường không) – tổng cộng 1,4 triệu tay súng (trong đó có hơn nửa triệu quân Mỹ- chính xác hơn là 550.000 ), 500 xe tăng, 4.500 khẩu pháo, 4.100 máy bay và máy bay lên thẳng.
Chiến dịch Mậu Thân này đã làm suy yếu rất mạnh tiềm lực tác chiến của những người cộng sản. Nhưng bản thân một cuộc tấn công quy mô lớn như vậy (vào các đô thị lớn –ND) cũng làm cho tâm lý –tinh thần của người Mỹ suy sụp không kém.
Không những thế, một nhóm (đại đội-ND) binh sỹ Mỹ của sư đoàn bộ binh số 23 dưới sự chỉ huy của trung úy Calley đã thảm sát dân thường tại làng Mỹ Lai (Sơn Mỹ- nổi tiếng toàn thế giới với cái tên này). Quân nhân Mỹ đã sát hạt toàn những người dân thường vô tội.
Các quân nhân của quân đội chính quy (Mỹ-ND) không có kinh nghiệm tác chiến chống du kích, hơn nữa là chống lại một đối phương cực kỳ thông minh và cũng cực kỳ cứng rắn như những người du kích cộng sản Việt Nam, - họ (những người du kích -ND) chiến đấu trong những điều kiện tự nhiên, khí hậu địa hình quen thuộc (của họ) nhưng lại hoàn toàn xa lạ đối với quân Mỹ.
Vụ thảm sát Sơn Mỹ đã tạo ra những sự thay đổi lớn trong Các lực lượng vũ trang Mỹ . Lầu Năm góc buộc phải ra một sắc lệnh yêu cầu các quân nhân Mỹ phải tuyệt đối tuân thủ các chuẩn mực của luật chiến tranh. Nhưng điều đó đã quá muộn. Uy tín của Quân đội Mỹ đã sụp đổ trong con mắt của toàn thế giới và ngay chính cả trong nhân dân Mỹ.
Nhưng vấn đề chính của người Mỹ lúc này không chỉ còn là sự xâm nhập của lính Bắc Việt vào Miền Nam mà còn là sự tha hóa ngay từ bên trong. Cũng chỉ trong năm 1969, 37 sỹ quan và hạ sỹ quan Mỹ đã bị chính các binh sỹ dưới quyền bắn (giết) chết.
Trước đây trong Quân đội Mỹ chưa từng có trường hợp nào như vậy. Còn ngay trong lòng nước Mỹ thì hiện tượng lính quân dịch (nghĩa vụ- ND) đào ngũ và các hoạt động phản chiến của nhân dân Mỹ đã trở thành một phong trào không thế nào ngăn chặn được.
Cuộc chiến tranh thông tin đã thất bại hoàn toàn (đối với Chính quyền Mỹ) và chính vì thế mà những thắng lợi quân sự (trong năm 1969) đã không còn một chút ý nghĩa nào.
Chính quyền Mỹ nhận thức được rằng trong một đất nước “dân chủ” thì không thể sử dụng một đội quân “nghĩa vụ” để tiến hành một cuộc chiến tranh mà dư luận xã hội (của đất nước đó-ND) không thể chấp nhận (cuộc chiến tranh đó-ND).
Đây là lý do vì sao mà ngay sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, Chính quyền Mỹ đã bãi bỏ chế độ quân dịch và xây dựng Quân đội chuyên nghiệp.
Súng máy Gutling lắp trên F-4 để tấn công MiG,17/5/1967. Ảnh:AP
Những thử nghiệm trong hơn 50 năm qua cho thấy (ví dụ gần đây nhất là Iraq và Pakistan) là một quân đội đánh thuê (chuyên nghiệp-ND) không thể tiến hành chiến tranh, nếu như không được dư luận xã hội của nước mình chấp nhận (cuộc chiến tranh đó- ND).
Có nghĩa là nếu như một đất nước nào đó có dân chủ thì đất nước đó chỉ có thể tiến hành một kiểu chiến tranh duy nhất – đó là một cuộc chiến tranh phòng thủ chính nghĩa (hoặc là không có một cuộc chiến tranh nào).
Nếu như chính phủ muốn tiến hành một cuộc chiến tranh kiểu khác thì họ buộc phải lựa chọn giữa chiến tranh hoặc dân chủ hoặc là phải học được cách đánh nhau mà không có tổn thất (đây là tư duy của tác giả - ông là người rất phản đối thành lập một đội quân chuyên nghiệp-ND).
Trong các năm 1970 -1971, người Mỹ đã tiến hành các đợt đột kích sang lãnh thổ Lào và Campuchia nhằm cắt đứt tuyến chi viện từ Bắc vào Nam. Cuộc tấn công vào Campuchia mang lại một số kết quả hạn chế, nhưng vụ can thiệp vào Lào đã thất bại thảm hại. Sau các sự kiện đó, Hà nội quyết định là phải giải quyết dứt điểm vấn đề.
Ngày 31/3/1972, một đội quân Bắc Việt Nam quân số không ít hơn 40.000 người và 400 xe tăng – thiết giáp đã tấn công Nam Việt Nam.
Đây thực sự là một cuộc chiến tranh cổ điển điển hình giữa các quân đội chính quy. Sau nhiều trận giao tranh ác liệt, Lực lượng cộng sản đã chiếm được một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía Bắc Nam Việt Nam nhưng cũng chịu tổn thất nặng. Đến nỗi mà thời điểm mà Hà nội lên kế hoạch “Tổng tiến công” được xác định là vào tận năm 1976 (tức 4 năm sau đó).
Nhưng trên thực tế, những người cộng sản Việt Nam đã đạt những điều mình muốn (qua đợt tấn công này-ND), Mỹ buộc phải quyết định rút hoàn toàn lính Mỹ ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên trước khi (ra khỏi nhà) rút người Mỹ cũng đã đóng sập cửa rất mạnh bằng cách tiến hành một đợt không kích ồ ạt chống lại Bắc Việt Nam (chiến dịch “Linebacker-2”) và tự tuyên bố là đã chiến thắng để giữ thể diện.
Trong chiến dịch này Mỹ đã ném xuống Bắc Việt Nam gần 50.000 tấn bom, phá hủy 1.600 công trình. Nhưng cũng trong chiến dịch này Không quân Việt Nam, tuy mất 03 chiếc MiG-2 1 những đã hạ 02 B-52, 04 F-4, 01 RA-5C.
Các tổ hợp tên lửa phòng không S-75 đã bắn hạ, theo các số liệu khác nhau là từ 15 đến 32 B-52, 02 F-111, 02 F-4 trong khi chịu tổn thất là 01 tiểu đoàn (tên lửa phòng không S-75). Có lẽ vì thế mà cái gọi “ chiến thắng” mà Mỹ tự nhận trong chiến dịch này hoàn toàn không thuyết phục một chút nào.
Đầu năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ đã phải trả giá bằng 58.169 binh sỹ và sỹ quan thiệt mạng hoặc mất tích, hơn 200 xe tăng, 3.700 máy bay, 4.800 máy bay lên thẳng, hàng trăm tỷ đô la “cuốn theo chiều gió” và một cú sốc tâm lý cực mạnh.
Người Mỹ rút đi nhưng để lại cho Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa một khối lượng vũ khí khổng lồ.
Quân đội Nam Việt Nam về mặt hình thức đã là một trong những quân đội mạnh nhất trên thế giới (nếu tính về số lượng máy bay chiến đấu thì Quân đội này đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Quân đội Mỹ và Quân đội Liên Xô) và hơn Quân đội Bắc Việt Nam nhiều lần nếu tính về quân số và vũ khí- trang bị kỹ thuật. Nhưng điều đó đã không còn ý nghĩa gì nữa.
Số phận Chính quyền Nam Việt Nam đã được định đoạt, và có lẽ những người (cầm quyền) ở Sài gòn có khi còn hiểu rõ hơn là ở Hà Nội. (Những người cầm quyền) ở Sài Gòn hiểu rằng người Mỹ sẽ không bao giờ quay trở lại và chỉ còn chờ ngày kết thúc. Yếu tố tâm lý tỏ ra quan trọng hơn nhiều so với số lượng và chất lượng vũ khí.
Nhờ có các căn cứ ở Lào và Campuchia mà quân Bắc Việt có thể tấn công lãnh thổ Nam Việt Nam đồng thời trên toàn bộ tuyến biên giới (với hai nước này).
Tháng 3/1975, khi Khi quân Bắc Việt tấn công Tây Nguyên, Sài Gòn cho rằng đây là một cuộc tổng tấn công nhằm chia cắt Nam Việt Nam thành hai phần. Vì thế họ đã tập trung lực lượng quanh thủ đô (Sài Gòn), gần như tự nguyện nhường toàn bộ phía Bắc (Nam Việt Nam-ND) cho lực lượng cộng sản.
Nhưng bất hạnh (đối với Chính quyền Sài Gòn –ND ) là ở chỗ chính khu vực phía Bắc (Nam Việt Nam-ND) lại là nơi tập trung những lực lượng tinh nhuệ nhất của Quân đôi Sài Gòn. Cuộc “di tản” các lực lượng này đã nhanh chóng biến thành một cuộc tháo chạy hỗn loạn.
Nắm được thời cơ, Hà Nội không còn một chút do dự gì nữa, tất cả các mặt trận đồng loạt tấn công và lúc này thì không ai và không cái gì có thể ngăn cản nổi. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tan rã. Đúng 11 giờ trưa ngày 30/4/1975, lá cờ có ngôi sao vàng được kéo lên trên đỉnh nóc Dinh tổng thống ở Sài Gòn.
Xét tổng thể, nếu tính từ góc độ những hệ quả địa chiến lược và tầm ảnh hưởng đối với nghệ thuật quân sự (thế giới-ND) thì cuộc chiến tranh Việt Nam chỉ đứng sau hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX (Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và Chiến tranh thế giới lần thứ hai-ND).
Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc thì hình thái chiến tranh cổ điển này càng lùi sâu vào quá khứ. Thay thế hình thái chiến tranh này (chiến tranh cổ điển-ND) là cuộc chiến tranh công nghệ cao và phương án đáp trả phi đối xứng đối với nó (công nghệ cao-ND) là các cuộc chiến tranh nổi dậy ( du kích-khủng bố).
Ngoài ra, chiến tranh thông tin ngày càng có ý nghĩa quan trọng, đôi khi còn thay thế hoàn toàn các hình thái chiến tranh khác.
Lê Hùng (Lược dịch)
http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/nguoi-nga-noi-that-ve-chien-tranh-viet-nam-3265999/
http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/nguoi-nga-noi-that-ve-chien-tranh-viet-nam-3265999/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét