Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Chúng ta đã gọi đúng tên một cuộc chiến khác...

1 năm sau "giàn khoan 981", chúng ta đã gọi đúng tên một cuộc chiến khác...
Lê Dũng - Hôm nay (1/5/2015) là tròn 1 năm sau sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan Hải dương 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam. Trong thời điểm đó, Báo Năng lượng Mới – PetroTimes là tờ báo đầu tiên đưa tin về sự kiện này và sau đó hơn 2 tháng, chúng tôi cũng dự đoán đúng thời điểm Trung Quốc rút giàn khoan trong “lặng lẽ”.
Một năm qua đi, nhắc lại để chúng ta không bao giờ quên, không bao giờ mất cảnh giác với người hàng xóm đầy tham vọng bá quyền. Trong 1 năm qua đi, sự kiện giàn khoan 981 như một giọt nước tràn ly, để chúng ta hiểu và gọi đúng tên hơn bản chất của một cuộc chiến khác.

Bài viết được đăng tải trên chuyên trang Hoàng Sa – Trường Sa và PetroTimes trong thời điểm “biển nóng”: 2/8/2014.

Nhiều tháng 7 đã đến và đi trên đất nước ta. Nhưng tháng 7 này có lẽ đặc biệt hơn tất cả, ít nhất là trong 30 năm qua. Đặc biệt là vì lần đầu tiên sau 30 lần tháng 7, các trang báo ra hàng ngày và kênh truyền hình quốc gia công khai nhắc tới cuộc chiến khốc liệt chống quân Trung Quốc xâm lược ở vùng núi biên giới huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (từ 1984 – 1988) với đúng bản chất của nó.

Từ trước đến giờ rất nhiều người tưởng rằng cuộc chiến chống trả quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía bắc nước ta chỉ diễn ra từ ngày 17/2/1979 – 18/3/1979, như sự mô tả vắn tắt trong sách giáo khoa lịch sử lớp 12. Sự thật hóa ra hào hùng mà cũng bi thương hơn rất nhiều.

Hồ sơ quân sự được mở ra trên các trang thông tin chính thức tại Việt Nam tháng 7/2014 cho thấy, suốt từ đầu năm 1984 – 1988, Trung Quốc lần lượt huy động 17 sư đoàn bộ binh và 5 sư đoàn, lữ đoàn pháo binh tràn sang đánh chiếm và bắn phá các vùng đất biên giới phía bắc của Việt Nam, ác liệt nhất là những trận đánh ở huyện Vị Xuyên, dọc theo cả hai phía đông và tây sông Lô, ở phía bắc suối Thanh Thuỷ.

Số đạn pháo mà Trung Quốc đã bắn vào lãnh thổ phía bắc Việt Nam trong hơn năm năm liền là hơn 1,8 triệu quả pháo cối, ngày cao điểm nhất là hơn 60.000 quả! Trong điều kiện địa hình Hà Giang hiểm trở, tiếp tế hậu cần vô cùng khó khăn và tương quan lực lượng chênh lệch, gần 1.200 cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn 356 đã hy sinh để góp phần đánh đuổi quân Trung Quốc xâm lược.

Nói đến sự ác liệt và những mất mát đau thương trong suốt 5 năm ấy, người Việt Nam, kể cả những người trẻ đều có thể chia sẻ với mức độ khác nhau. Nhưng điều mà nhiều người không thể hiểu được là vì sao sự thật về những năm tháng hào hùng và bi thương ấy của đất nước lại có thể được “cất kỹ” trong một thời gian dài đến thế?.

Trong khi, đã thành lệ, cứ dịp 27/7 hàng năm, những người lãnh đạo và những người lính năm xưa lại quy tụ về Quảng Trị để thắp nén nhang tri ân đến những liệt sĩ đã nằm lại với đất mẹ. Rồi truyền thông cả nước lại nhắc đến trận thành cổ Quảng Trị năm 1972 một cách vô tình như khoét sâu vào nỗi đau chia cắt dân tộc.

Còn cuộc chiến Vị Xuyên thì lại đưa tin rất ít.

Mãi cho đến tháng 7/2014, chúng ta mới thấy các phương tiện truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin về việc tri ân và tôn vinh những người con quả cảm đã hy sinh vì bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc trong trận chiến Vị Xuyên (Hà Giang) 30 năm về trước. Vì sao có sự thay đổi này?

Thực tế cho thấy, kể từ khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, chúng ta đã luôn cố gắng để giữ hòa khí với Trung Quốc. Đặt trong bối cảnh sau các vụ xung đột dẫn đến chiến tranh đẫm máu ở biên giới, quan hệ ngoại giao bị cắt đứt trong nhiều năm, hai bên cần trở lại giao hảo bình thường để xây dựng và phát triển. Đó là sách lược phù hợp trước một Trung Quốc luôn lấn tới.

Nhưng… đến tháng 5 năm nay Trung Quốc bất ngờ kéo giàn khoan phi pháp vào vùng biển Việt Nam đã làm người Việt bừng tỉnh. Đến nay dù Trung Quốc đã kéo giàn khoan về nước, nhưng hành động của họ đã tạo ra một vết nứt sâu đậm, làm mất lòng tin chiến lược giữa hai nước.

Rõ ràng, phía Trung Quốc đã không cảm nhận được thông điệp về “lòng tin chiến lược” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La năm ngoái. Do đó, Thủ tướng Việt Nam đã có tuyên bố thể hiện thái độ dứt khoát: “Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Tuyên bố cho thấy thái độ của người Việt Nam trước những việc làm của Trung Quốc, tình hữu nghị lâu năm có thể sụp đổ chóng vánh khi lòng tin không còn.

Và giàn khoan phi pháp của Trung Quốc đã khiến Việt Nam thức tỉnh, truyền thông Việt Nam thẳng thắn nói ra những tội ác mà quân Trung Quốc xâm lược đã gây ra cho nhân dân Việt Nam, với đúng bản chất của nó, không phải là khơi hận thù mà là để con cháu ta sau này nhớ rằng quan hệ Việt-Trung, dù có tốt đẹp đến mấy thì cũng đã từng xảy ra chiến tranh, xung đột. Nói ra để không bao giờ mất cảnh giác, không bao giờ ngủ quên.

Nói về sự thay đổi này, Giáo sư Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam nhận xét: “Đã có những thay đổi to lớn trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc hiện nay, đặc biệt sau vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền như vùng đặc quyền kinh tế, cũng như lãnh hải của mình trên Biển Đông.

Do quan hệ đã thay đổi trước việc Trung Quốc thể hiện rõ “bản chất và dã tâm độc chiếm, thôn tính Biển Đông” mà truyền thông Việt Nam đưa tin về các sự kiện chiến tranh, xung đột trong mấy chục năm qua giữa Trung Quốc với Việt Nam, mà ông gọi là các cuộc chiến chống “quân xâm lược Trung Quốc” đã khác trước ở chỗ “khách quan” và đúng với ‘sự thực lịch sử khách quan’ hơn”.

Thật nguy hiểm khi vì thiếu thông tin (hoặc thông tin hạn chế) mà nhận thức về bạn-thù, thiện-ác, tốt-xấu bị lẫn lộn, thậm chí đảo lộn. Kẻ xâm lược thì phải được gọi đúng tên và phải bị đánh đuổi như quân và dân ta đã làm với quân Trung Quốc 30 năm trước ở biên giới phía bắc. Bành trướng, bá quyền bất chấp quyền và lợi ích của người khác là phi nghĩa, như nhân dân ta và bè bạn trên thế giới đã khẳng định đối với hành động của Trung Quốc trên biển Đông hôm nay.

Không ai muốn có kẻ thù. Nhưng cũng không ai muốn bị sự giả trá đánh lận thù thành bạn. Vấn đề quan trọng nhất là chính sách đối nội cũng như đối ngoại của mỗi quốc gia phải như thế nào để tạo dựng được lòng tin trước hết đối với các công dân và sau đó với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.

Trong các chính sách ấy, rất cần có việc nói sự thật về lịch sử đất nước với người trẻ. Nói sự thật lịch sử của đất nước là để người trẻ được trang bị đầy đủ nhận thức về cách ứng xử với các mối quan hệ lớn vượt ra ngoài khuôn khổ gia đình, bè bạn.

Cảm nhận được niềm xúc động của nhiều bạn trẻ khi đón đọc từng dòng thông tin về sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ trên mặt trận biên giới phía bắc cách đây 30 năm mà bây giờ họ mới biết, càng thêm tin rằng nói sự thật là cách để lớp trẻ ghi nhớ: Không ai, không điều gì có thể được lãng quên trong hành trình Việt Nam đấu tranh dựng xây và gìn giữ giang sơn bờ cõi.

http://petrotimes.vn/news/vn/bien-dong/1-nam-sau-gian-khoan-981-chung-ta-da-goi-dung-ten-mot-cuoc-chien-khac.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét