Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Hai gọng kìm tỷ giá – lãi suất

Hai gọng kìm tỷ giá – lãi suất
Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh tăng giá USD thêm 1%. Tuy nhiên, so với thực tế đang diễn ra thì nhiều doanh nghiệp cho rằng chừng đó chưa giúp cải thiện tình hình, nhất là lĩnh vực xuất khẩu.
Theo tổng cục Thống kê, tính chung bốn tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu ước đạt 50,1 tỉ USD, chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15 tỉ USD, giảm 1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 35,1 tỉ USD, tăng 12,6%. Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước đạt 53,1 tỉ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 20,7 tỉ USD, tăng 9,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 32,4 tỉ USD, tăng 27,8%.

Các số liệu trên cho thấy, tổng mức nhập siêu trong bốn tháng đầu năm khoảng 3 tỉ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 5,7 tỉ USD, cao hơn mức 3,8 tỉ USD của cùng kỳ năm 2014; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,7 tỉ USD, thấp hơn mức 5,8 tỉ USD của cùng kỳ năm trước. Năng lực xuất khẩu của cả khu vực kinh tế trong nước và nước ngoài đều yếu đi, trong đó, khu vực kinh tế trong nước lộ rõ yếu kém hơn. Nguyên nhân tình trạng này, nhiều doanh nghiệp cho rằng do chính sách tỷ giá.

Theo số liệu của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thuỷ sản tháng 4 cải thiện đáng kể khi đạt 514 triệu USD, đưa kim ngạch bốn tháng đầu năm lên con số 1,87 tỉ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, mức giảm đã được cải thiện so với con số giảm 20,6% trong quý 1.

Tuy nhiên, dẫn trường hợp của chính doanh nghiệp mình, ông Trần Văn Lĩnh, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), cho rằng con số trên chưa phản ánh hết thực tế khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt. Trong tháng 4, sở dĩ xuất khẩu thuỷ sản giảm thấp hơn các tháng trước là do các doanh nghiệp phải chọn giải pháp bán hàng ra bằng mọi giá để cắt lỗ. 

Chẳng hạn đối với con tôm thẻ chân trắng. Nếu như cuối năm 2014, doanh nghiệp mua tôm nguyên liệu tại thị trường nội địa ở mức 100.000 đồng/kg loại 100 con/kg, đến cuối tháng 3.2015 giá tôm rớt xuống còn 70.000 đồng. Tôm nguyên liệu và xuất khẩu rớt liên tục, mất giá khoảng 25 – 30% so với cùng kỳ do chịu tác động điều chỉnh tỷ giá của các đồng nội tệ trên thế giới suốt nhiều tháng qua. “Có công ty ôm mười mấy ngàn tấn tôm, thua lỗ quá nên họ buộc phải bán ra chứ thực tế thị trường chưa tốt lên như đánh giá!”, ông Lĩnh nói.

Trong vòng một năm trở lại đây, đồng USD tăng giá khoảng 20% so với các đồng yen Nhật, euro, won Hàn Quốc… khiến mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này đắt hơn. Ở chiều ngược lại, việc chủ động phá giá đồng nội tệ trung bình 18 – 20%, nhằm hỗ trợ xuất khẩu cũng giúp cho giá thuỷ sản của các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… chiếm ưu thế hơn hẳn. 

Hồi tháng 3 năm nay, chênh lệch giá 1kg tôm thẻ chân trắng của Việt Nam so với Ấn Độ tại thị trường Mỹ chỉ là 2 USD (TGTT đã đề cập – PV), nhưng đến tháng 4 biên độ giãn ra 3 USD. Tương tự, giá cá tra xuất vào châu Âu sau khi giảm 5% hồi quý 1 thì sang tháng 4, doanh nghiệp lại buộc phải giảm thêm 10 – 15% để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nước khác. “Thị trường xuất khẩu khó khăn nhưng giá hàng của Việt Nam có sự chênh lệch khá xa so với các nước nên chúng ta mất lợi thế cạnh tranh”, ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc công ty Agifish, nói.

Câu hỏi đặt ra là tại sao doanh nghiệp Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc có thể bán tôm, cá rô phi đơn tính, thậm chí là cá da trơn cùng loài của Việt Nam thấp hơn 20 – 30% mà họ vẫn có lời. Còn doanh nghiệp Việt Nam, với giá bán đó, cộng đồng doanh nghiệp kêu ca chỉ có thua lỗ đến thua lỗ? Một điều dễ thấy, đó là biên độ phá giá của đồng tiền Việt Nam với đồng nội tệ của các quốc gia xuất khẩu khác vẫn còn chênh lệch khá lớn, do đó, khả năng cạnh tranh của hàng hoá của Việt Nam dĩ nhiên phải thấp hơn.

Ông Lê Văn Quang, tổng giám đốc tập đoàn thuỷ sản Minh Phú, cho rằng việc phá giá VND 2% từ đầu năm đến nay “chưa đủ giúp doanh nghiệp cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của các đối thủ. Vậy nên các doanh nghiệp tôm đang gặp khó khăn, hàng bán không được, tồn kho rất nhiều!”

Còn ông Trần Văn Lĩnh thì so sánh trong khi các nước chủ động phá giá đồng tiền trung bình 20 – 22%, thì Việt Nam mới điều chỉnh 2% chưa có nghĩa lý gì.

Minh Khoa
http://thegioitiepthi.net/thoi-su-thi-truong/nong-dan-nong-san/hai-gong-kim-ty-gia-lai-suat/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét