Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Cấm xuất khẩu “osin” và lòng tự tôn quốc gia

Cấm xuất khẩu “osin” và lòng tự tôn quốc gia
(Người Việt) - Indonesia mới đây đã cấm phụ nữ nước này ra nước ngoài làm nghề giúp việc để bảo vệ “phẩm hạnh và lòng tự tôn quốc gia”. Báo chí hôm qua đăng một tin tức rất đáng chú ý, đó là việc chính quyền đất nước Indonesia sẽ ngưng chương trình đưa người giúp việc nhà sang 21 nước Trung Đông do quan ngại điều kiện làm việc kém và nạn ngược đãi người giúp việc ở các quốc gia này.
Phụ nữ đi lao động giúp việc ở nước ngoài
Ngoài mục đích bảo vệ tính mạng phụ nữ, Jakarta cũng có ý định sẽ không cho phụ nữ nước này ra nước ngoài giúp việc nhà để bảo vệ “phẩm hạnh và lòng tự tôn quốc gia”.

Theo báo Jakarta Post, Bộ trưởng nguồn nhân lực Indonesia Hanif Dhakiri nói: “Chính phủ có quyền cấm lao động đến làm việc ở những quốc gia khác, nếu như những công việc đó được xem là làm giảm giá trị con người và lòng tự tôn của quốc gia”.

Song song với lệnh cấm này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ chỉ thị cho Bộ Nguồn nhân lực thảo ra chiến lược để chấm dứt chương trình này bằng cách tạo thêm nhiều việc làm nhằm thu hút nhân lực trở về nước.

Đọc xong bản tin, bỗng nhiên tôi cảm thấy bùi ngùi và có chút chạnh lòng. Việt Nam cũng là một trong những nước xuất khẩu nhân lực rất nhiều trong khu vực Đông Nam Á, nhưng dường như chưa bao giờ chúng ta tính đến vấn đề tương tự.

“Phẩm giá con người và lòng tự tôn quốc gia”, đó là một khái niệm rất thiêng liêng nhưng cũng vô cùng gần gụi với mỗi người. Một khi phẩm giá của từng cá nhân được tôn trọng, tự khắc quốc gia sẽ giữ được sự tự tôn.

Chính quyền Indonesia không cam tâm khi nhìn thấy công dân của mình bị đối xử bất công ở nước ngoài. Những phụ nữ nước này đi làm giúp việc gia đình bị đánh đập, hành hạ, bị quỵt lương và đối xử bất công. Chính quyền không thể ngồi yên.

Chưa nói đến thể diện quốc gia, trước tiên phải nhắc đến cái nghĩa đồng bào. Nếu người Indonesia không biết yêu thương và xót xa cho những đồng bào của họ, thì chẳng có người nước nào làm thay điều đó.

Thể diện quốc gia phải được xây dựng dựa trên thể diện của từng cá nhân, nếu một đất nước không thể bảo vệ được danh dự và nhân phẩm của công dân nước mình, đồng nghĩa với việc đất nước ấy không còn thể diện.

Trông người lại ngẫm đến ta. Chợt thấy xót xa cho những phụ nữ Việt đang lưu lạc nơi xứ người, bỏ lại sau lưng chồng con và những món nợ, đi làm “osin” trên đất khách để kiếm tiền.

Xót xa cho hàng trăm ngàn cô gái chấp nhận lấy chồng Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan trong những cuộc hôn nhân bán mua, nơi các “cô dâu” bị lột áo quần để khách mua lựa chọn.

Xót xa cho hàng trăm ngàn thanh niên sức dài vai rộng, đang đi bán sức lao động ở nước ngoài, người bị lừa gạt, người bị đối xử như nô lệ trong những công xưởng “chui”.

Đó là những “núm ruột” của dân tộc này, đất nước này.

Lòng tự tôn dân tộc, niềm kiêu hãnh và sự quyết tâm bảo vệ phẩm giá con người, dân tộc nào cũng cần, đất nước nào cũng muốn có. Nhưng tất nhiên, nó không tự dưng mà đến, nó phải được cả chính phủ và người dân đồng lòng dựng xây và đồng lòng gìn giữ.

Phải tạo ra nhiều việc làm trong nước, để công dân không phải bôn ba kiếm ăn nơi xứ người đến mức bị xem rẻ, coi thường.

Rồi sẽ đến một lúc nào đó, chúng ta phải nhận ra một điều, con người sống trên mặt đất này không phải chỉ để lầm lũi kiếm miếng ăn bằng mọi giá và kết thúc cái vòng “sinh lão bệnh tử” của mỗi đời người.

Chúng ta còn có ánh mặt trời, còn thể diện, còn phẩm giá và nhân cách làm người mà ai cũng có quyền được tôn trọng.

Chính phủ Indonesia đã không bỏ mặc để công dân họ loay hoay tự bảo vệ phẩm giá của mình. Họ đã quyết tâm để cùng người dân làm điều đó.

Chưa bao giờ, hai cụm từ “phẩm giá con người” và “lòng tự tôn quốc gia” lại vang lên kiêu hãnh và xót xa đến thế.

http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/cam-xuat-khau-osin-va-long-tu-ton-quoc-gia-3267020/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét