Hễ thấy ‘cấm’ là phản đối, xứng đáng sống mãi ở xã hội thiếu văn minh
(VTC News) – ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng việc người dân cứ thấy 'cấm' là nhao lên phản đối bất chấp đúng sai bởi họ đã quá quen được buông lỏng, tùy tiện. Tình trạng người dân ngày càng nhờn luật, thấy quy định cấm là nhao lên phản đối bất chấp đúng hay sai đang trở thành "chuyện thường ở huyện" khiến các cơ quan quản lý đau đầu. Đã không ít lần ‘sức ép dư luận’ khiến cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan ban hành luật, thực thi pháp luật phải chùn bước, âm thầm rút bỏ quy định dù không hề sai.Trả lời phỏng vấn phóng viên VTC News xung quanh vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, sở dĩ người dân ngày càng "được đà lấn tới" là bởi lâu nay quá nhiều lĩnh vực chúng ta đã buông lỏng quản lý, để phát triển quá tự do, quá bừa bãi nên giờ đột nhiên siết lại, người dân phản ứng dữ dội.
“Các cơ quan bây giờ đưa ra quá nhiều quy định cấm nhưng có ai thực hiện đâu. Cơ quan chức năng cứ thích đưa quy định rất nhiều, rồi cũng làm cho rất ghê gớm, to chuyện, nhưng chính bản thân các cơ quan cũng có làm gì đâu. Bởi vậy người dân ngày càng tỏ ra nhờn với các quy định cấm”, ông Nguyễn Sỹ Cương bày tỏ quan điểm.
Quản lý kém, dân mới 'nhờn'
- Hiện nay có rất nhiều quy định như: phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, thực hiện lộ trình cấm xe máy hay bây giờ là cấm bán rượu bia ở vỉa hè … rất cần thiết, đúng đắn nhưng cứ nêu ra là dư luận lại phản đối rất gay gắt. Theo ông đâu là nguyên nhân của việc phản đối kiểu ‘phong trào’ này?
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương |
Trước tiên khẳng định việc ban hành các quy định này là hoàn toàn đúng, nó giúp lập lại trật tự xã hội. Muốn đưa xã hội vào nề nếp thì phải quản lý xã hội bằng pháp luật. Nhưng xét cho cùng thì quy định nào cũng cần có lộ trình thực hiện phù hợp thì mới khả thi, hiệu quả.
Bấy lâu nay, việc quản lý nhà nước của mình luôn luôn đi sau thực tiễn, đi sau hiện tượng của xã hội. Lẽ ra với chức năng quản lý nhà nước, anh phải dự đoán trước được sự phát triển của xã hội đến mức độ nào, để rồi đưa ra cách quản lý nó ngay từ đầu cho phù hợp, đến khi áp vào thực tiễn nó sẽ dễ dàng đi vào nề nếp.
Nhưng bấy lâu nay thì cái gì chúng ta cũng cứ buông lỏng, khi vào quản lý thì nó đã ở trong tình trạng quá lộn xộn, quá bừa bãi, quá tùy tiện rồi cho nên lúc ‘thít’ vào, đưa quy định ‘cấm’ là người ta kêu ầm lên, nhao nhao phản đối.
Lấy ví như về lộ trình cấm xe máy chẳng hạn, nếu như hai, ba chục năm trước mình đã tính đến chuyện lượng xe phát triển như thế thì phải có ngay những giải pháp để quản lý, bây giờ sẽ tốt hơn rất nhiều. Nhưng mà khổ nỗi, không ai nhìn ra được vấn đề đó nên tình trạng bây giờ mới bi đát thế này. Muốn cấm nhưng làm sao để cấm được là cực kỳ khó khăn.
Hay như là chuyện mới đây về xe đạp điện cũng vậy. Lẽ ra khi thấy một vài cái xe đạp điện xuất hiện trên thị trường thì đã phải nghĩ rằng cần có biện pháp quản lý như thế nào. Nhưng rồi cũng lại để đến khi nó tràn ngập ngoài đường mới tính đến chuyện quản lý. Đề xuất biện pháp quản lý lúc này cũng gặp phải rất nhiều khó khăn nên quản lý không nổi. Nó lại giống như xe máy cho coi.
Tóm lại là quản lý nhà nước của mình chả ra làm sao, chỉ chạy theo hiện tượng xã hội, không dự báo được hiện tượng xã hội để có biện pháp quản lý kịp thời, phù hợp ngay từ đầu.
- Lộ trình cấm xe máy đã được Chính phủ quy định rất cụ thể. Nhưng nếu nhìn nhận theo cách của ông thì có vẻ quy định này rất khó thực hiện, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được, đặc biệt khi số lượng xe máy ngày càng bùng nổ như hiện nay?
Lộ trình cấm xe máy của Chính phủ cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên để thành công thì nó phải đi kèm với rất nhiều vấn đề khác nữa, trong đó có việc phát triển phương tiện giao thông công cộng. Thực ra vấn đề này người ta nói rất lâu rồi. Nhưng nói xong thì để đó, thành ra không có hiệu quả gì.
Tại sao các phương tiện giao thông cá nhân bùng phát? Thật ra chuyện này có lỗi lớn của nhà nước. Cũng là vì anh không tạo điều kiện thuận lợi cho người ta thì người ta phải tự lo cho phương tiện cho mình. Cái đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý chứ đừng đổ lỗi cho người dân. Người dân có nhu cầu đi lại nên người ta buộc phải làm thế.
Bây giờ muốn thực hiện được lộ trình cấm xe máy thì bắt buộc phải quan tâm đến việc phát triển hạ tầng giao thông phù hợp, phát triển các loại hình giao thông công cộng, đặc biệt cần tính đến việc phát triển tàu điện ngầm, đường sắt trên cao…
Lộ trình cấm xe máy được Chính phủ đề ra cũng gặp phải phản ứng dữ dội của nhiều người dân |
- Mới đây, Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo Nghị định về kinh doanh bia, trong đó có quy định cấm bán bia trên vỉa hè, đã gặp phải ứng khá dữ dội của người dân. Theo ông quy định đó đưa ra ở thời điểm này có khả thi không?
Thực ra, bây giờ đưa ra quy định như thế và áp dụng ngay sẽ có những khó khăn. Bởi vì bấy lâu nay nó đã ở trong tình trạng phát triển quá tùy tiện rồi, ai có được một, hai mét vỉa hè là thi nhau lấn chiếm để bày bán đủ thứ mặt hàng, không chỉ là bia. Do đó, nếu bây giờ tự nhiên mình ‘thít’ vào, cấm bán thì chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, gặp phải phản ứng dữ dội của người dân.
Cấm bán bia ở vỉa hè, nếu mà thực hiện được sẽ rất tốt và đương nhiên sẽ phải thực hiện. Mặt hàng bia không thể được bày bán một cách bừa bãi như thế. Hơn nữa nó còn liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị. Thế nên cần phải cấm và có biện pháp phù hợp để cấm.
Thực ra tôi thấy, không chỉ riêng bia mà tất cả các loại thực phẩm hiện nay đều có thể bán được ở vỉa hè, lòng đường. Thế nên giờ phố phường ở trong tình trạng quá lộn xộn, đòi hỏi phải quản lý nó một cách căn cơ. Chứ nếu chỉ dẹp mỗi chuyện bán bia thì cũng không giải quyết được vấn đề. Nói chung việc quản lý nhà nước của mình còn rất kém nên mới có chuyện lộn xộn, khó quản như hiện nay.
Khó mấy cũng phải làm, không sẽ loạn
- Ông đã nói, việc cấm xe máy, rồi cấm bán bia vỉa hè đưa ra thời điểm này là quá muộn, khi tình trạng đã ở mức quá lộn xộn nên khó khả thi. Tuy nhiên dù muộn, chúng ta vẫn cần thực hiện quản lý quy củ hơn, bởi nếu không bắt đầu thì không bao giờ có thể lập lại được trật tự, thưa ông?
Tất cả các việc cấm đó tôi khẳng định là hoàn toàn nên làm, chứ không thể nói là không làm. Khó mấy chúng ta cũng thực hiện cho đến nơi đến chốn, mặc dù có thể nhiều quy định đưa ra lúc này đã là quá trễ.
Nhưng đã làm thì phải làm cho đến nơi đến chốn, đừng có kiểu đầu voi đuôi chuột, đưa ra quy định, nhưng rồi không có ai thực hiện cả. Dần dần như thế sẽ rất khó bắt người dân có ý thức chấp hành pháp luật.
|
Đặc biệt, các quy định đưa ra phải đạt được một sự đồng thuận của tất cả các cấp, ngành.
Chứ như hiện nay, các Bộ, ngành thì cứ đưa ra quy định này khác, nhưng mấy ông cấp phường, cấp xã có ông nào chú ý việc thực hiện quy định đó đâu. Xong rồi cứ đến lúc quy trách nhiệm không thực hiện thì bắt đầu lấy đủ lý do để thoái thác trách nhiệm.
- Theo ông để xảy ra tình trạng các quy định thực hiện ‘đầu voi đuôi chuột’ như hiện nay có nguyên nhân do đâu?
Nó cũng không phải do một khâu nào cụ thể. Nó là do ý thức về việc chấp hành pháp luật, ý thức về trách nhiệm của các cấp thực hiện còn quá kém.
Lấy ví dụ về việc quy định đội mũ mũ bảo hiểm, các ông cứ đưa ra quy định trên trời rằng nếu đội mũ bảo hiểm rởm thì phạt. Nói thật, bây giờ chỉ cần thực hiện một cách nghiêm túc việc phạt đội mũ không đúng, không đội mũ thì phạt… cũng là tốt lắm rồi chứ đừng vẽ ra những quy định kia nữa.
Bây giờ đi ra ngoài đường, ai thích đội mũ thì đội, có gay gắt lắm đâu. Nhiều người bảo giờ bị công an bắt vì không đội mũ bảo hiểm cũng chỉ như bỏ bom thôi, chứ còn không đội mũ giờ cũng phổ biến lắm.
Tất nhiên mình không phủ nhận sự thắng lợi của mình trong việc tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm, thế nhưng nói cho cùng việc thực hiện, sự kiên quyết của người thực thi pháp luật rất yếu nên vẫn rất lộn xộn.
Đúng là có tình trạng như vậy. Hiện có nhiều quy định cơ quan chức năng đưa ra để thăm dò dư luận. Thực ra những cái 'cấm' đó phần nhiều là vấn đề nhạy cảm, nên khi báo chí đăng lên mới tạo ra phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Còn thực tế, có nhiều quy định, dự thảo chỉ đưa trên website của Bộ, ngành thì có ai động đến đâu.
- Trên thực tế, mỗi khi có dự thảo quy định nào đó của cơ quan quản lý động chạm đến quyền lợi người dân là người ta lại nhao nhao phản đối. Mà 'người ta', theo chúng tôi, chính là báo chí truyền thông. Dường như họ phản đối chỉ để chứng minh rằng họ giỏi hơn cơ quan quản lý. Và họ chỉ tìm lý do để chứng minh mặt trái trong khi lờ tịt đi mặt phải và sự đúng đắn của vấn đề. Chúng tôi đã nghe nhiều lời phàn nàn ngán ngẩm rằng, hễ cứ có dự thảo quy định nọ quy định kia - đành rằng không ít còn phi thực tế - báo chí lại nhao nhao phản đối thì người dân sẽ thiệt thòi, bởi chúng ta sẽ phải sống mãi trong điều kiện rị mọ, thiếu văn minh như hiện nay...
Đúng là có tình trạng như vậy. Hiện có nhiều quy định cơ quan chức năng đưa ra để thăm dò dư luận. Thực ra những cái 'cấm' đó phần nhiều là vấn đề nhạy cảm, nên khi báo chí đăng lên mới tạo ra phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Còn thực tế, có nhiều quy định, dự thảo chỉ đưa trên website của Bộ, ngành thì có ai động đến đâu.
Lan Uyên (thực hiện)
http://vtc.vn/he-thay-cam-la-phan-doi-xung-dang-song-mai-o-xa-hoi-thieu-van-minh.308.505564.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét