Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Tương lai của từ thiện doanh nghiệp

Tương lai của từ thiện doanh nghiệp
Dương Trọng Huế (*) (TBKTSG) - Đọc loạt bài về doanh nghiệp làm từ thiện trên TBKTSG số 34 ra ngày 21-8-2014, người viết, vốn đã từng làm việc nhiều năm trong lĩnh vực này, muốn góp thêm một số ý kiến.
Dự án hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi 
bom mìn ở Quảng Trị làm kinh tế. Ảnh: Xuân Hiền
Chưa kết nối với tổ chức phi chính phủ
Sau khi Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình, các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã chuyển dần sang các quốc gia nghèo khổ hơn. Khi nhìn vào số lượng các tổ chức và lĩnh vực mà họ đã làm ở Việt Nam, sự thay đổi này có ảnh hưởng không nhỏ đến những nỗ lực cộng đồng đang dang dở ở nhiều địa phương.

Dù nhiều tổ chức có cam kết hỗ trợ địa phương xây dựng năng lực lâu dài, không phải dự án nào cũng thành công với mục tiêu đó. Kết quả là khi đơn vị tài trợ chuyển đi nơi khác, năng lực của đối tác địa phương cũng thui chột dần trong khi nhu cầu cần giúp đỡ của cộng đồng thì vẫn còn đó.

Một số các tổ chức cộng đồng vẫn tiếp tục sứ mệnh từ thiện ở Việt Nam với đội ngũ nhân viên địa phương và nguồn lực tài chính hạn chế. Họ bươn chải vận động tài trợ quốc tế, chủ yếu là từ Bắc Âu và Bắc Mỹ. Dẫu vậy, báo cáo về phát triển của Việt Nam cùng với tình hình suy thoái kinh tế thế giới dẫn đến tài trợ mỗi lúc một khan hiếm hơn. Thế nhưng, các phát kiến cộng đồng này hầu như vắng bóng các nhà tài trợ là doanh nghiệp trong nước.

Thiếu niềm tin với tổ chức địa phương

Tương lai của từ thiện doanh nghiệp phụ thuộc vào việc chuyên nghiệp hóa hoạt động này. Doanh nghiệp thành công là doanh nghiệp biết tri ân cộng đồng và trả ơn xã hội theo cách chuyên nghiệp nhất.

Không chỉ thiếu kết nối với các tổ chức phi chính phủ quốc tế hay các dự án mà các tổ chức này để lại, chuyện doanh nghiệp và tổ chức thiện nguyện địa phương không kết hợp được với nhau cũng không mới. Lý do chắc không phải vì doanh nghiệp không có trái tim và tinh thần thiện nguyện. Theo dõi báo chí, sẽ thấy nhiều tin về doanh nghiệp trao quà người nghèo, trao học bổng. Dịp lễ Tết, các doanh nghiệp chuyển cả xe quà cho người dân. Tuy nhiên, tin tức về hợp tác tài trợ giữa các tổ chức nhân đạo địa phương và doanh nghiệp nhằm mục đích hỗ trợ cộng đồng bền vững thì rất ít.

Niềm tin của doanh nghiệp với tổ chức thiện nguyện là rất thấp. Báo cáo hoạt động thiện nguyện ở Việt Nam năm 2013 cho thấy chỉ khoảng 30% doanh nghiệp tin vào các tổ chức đó. Sau các vụ lùm xùm về phân phát cứu trợ và sự thiếu vắng thông tin về các phát kiến hỗ trợ cộng đồng hiệu quả, niềm tin này có lẽ còn đi xuống nữa. Một chủ doanh nghiệp chia sẻ rằng có lần anh lấy danh sách người nghèo từ địa phương, lúc phát quà mới ngã ngửa vì những “người nghèo” đeo nhẫn vàng, ăn mặc rất mốt. Từ đó, anh chỉ nhờ người quen thân lấy danh sách và đến tận nơi trao quà.

Lại chuyện tư duy từ thiện

Nhiều người cho rằng vấn đề là cách suy nghĩ của doanh nghiệp về từ thiện. Một số doanh nghiệp muốn công tác từ thiện có kết quả ngay để phục vụ tiếp thị công ty. Ngoài ra, kết quả này còn được sử dụng cho hồ sơ xét trao giải thưởng doanh nhân, doanh nghiệp hàng năm. Từ đó, việc chờ đợi cây từ thiện đâm hoa kết trái lâu dài không được ưa chuộng.

Ngoài ra, vấn đề còn là cách làm từ thiện trên có tác động mang tính cộng đồng và lan tỏa bền vững hay không. Những năm gần đây, việc truyền thông khai thác quá nhiều hình ảnh khổ cực cùng tận của các cá nhân để kêu gọi lòng hảo tâm của cộng đồng đang gây tranh cãi rằng điều này chỉ làm đối tượng được giúp đỡ cảm thấy bất lực hơn. Họ phó mặc cuộc đời cho số phận và lòng thương hại của kẻ khác chứ không tự tin vươn lên. Do có nhiều tổ chức và cá nhân sử dụng chiến lược này nhằm cạnh tranh tài trợ, khiến nó trở nên bão hòa và nhàm chán. Dù hỗ trợ cá nhân đôi lúc là rất cần thiết, chiến lược này cá nhân hóa hoạt động từ thiện hơn là cộng đồng hóa.

Vẫn có doanh nghiệp giúp đỡ theo cách này. Họ đọc bài báo về một người nghèo và gửi tiền giúp. Một số coi đó là cách thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp hiệu quả. Dù câu chuyện về cần câu và con cá đã được kể nhiều, đôi khi nó vẫn diễn ra theo chiều hướng không mong đợi. Nhưng không phải lúc nào vấn đề cũng là từ phía doanh nghiệp.

Làm từ thiện chuyên nghiệp

Làm từ thiện chuyên nghiệp đòi hỏi cả doanh nghiệp và tổ chức thiện nguyện có cái nhìn và kế hoạch thực hiện có chiến lược. Về phía tổ chức thiện nguyện địa phương, các phát kiến cộng đồng cần chiến lược bền vững và có tính thuyết phục thông qua đề án tài trợ. Nhiều tổ chức vẫn chưa xây dựng được năng lực viết đề án. UNICEF và nhiều tổ chức quốc tế đã triển khai nhiều khóa tập huấn địa phương kỹ năng viết và thuyết trình dự án tài trợ. Một đề án tốt có tác dụng không chỉ giúp kêu gọi tài trợ mà còn giúp người viết hiểu bài bản hơn những gì mình định làm.

Một số tổ chức cộng đồng có những sáng kiến kêu gọi tài trợ rất đáng hoan nghênh. Điển hình như dự án RENEW ở Quảng Trị, một phát kiến cộng đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bom mìn sau chiến tranh. Nhân viên dự án đã kết hợp với các hoạt động du lịch vùng để đưa khách quốc tế đến tham quan và tài trợ. Với một khoản đóng góp nhỏ, khách có thể tham gia bấm nút hủy bom mìn và tận hưởng ý nghĩa nhân đạo từ hành động của mình. Họ cũng đưa tin lên trang Lonely Planet để quảng bá dự án.

Về phía doanh nghiệp, cũng nên xây dựng kế hoạch tài trợ xã hội thông qua cơ chế xét duyệt đề án tài trợ khách quan và khoa học. Các công ty đa quốc gia thường tổ chức kêu gọi tiếp nhận đề án nhân đạo để xét duyệt hỗ trợ. Một số công ty lập ra các quỹ riêng chuyên hỗ trợ hoạt động từ thiện.

Tất nhiên không thể quên được vai trò của cơ chế vĩ mô đối với hoạt động từ thiện. Nhiều quốc gia từ lâu đã miễn các khoản thuế đánh vào tài trợ thiện nguyện của cá nhân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng không bị ép phải tài trợ từ thiện theo mệnh lệnh.

Có thể nói tương lai của từ thiện doanh nghiệp phụ thuộc vào việc chuyên nghiệp hóa hoạt động này. Doanh nghiệp thành công là doanh nghiệp biết tri ân cộng đồng và trả ơn xã hội theo cách chuyên nghiệp nhất. Có lẽ nên bắt đầu từ việc xây dựng lòng tin. Một nhân viên dự án RENEW, sau nhiều lần gửi đề án tới các doanh nghiệp Việt Nam mà không có hồi âm, đã nói “tại sao người nước ngoài có thể tin tưởng tài trợ người Việt Nam thực hiện phát kiến từ thiện cộng đồng mà người Việt với nhau thì lại khó thế?”.

(*) Đại học RMIT Việt Nam
http://www.thesaigontimes.vn/119609/Tuong-lai-cua-tu-thien-doanh-nghiep.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét