Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Ngăn chặn ngay Tham vấn làm đập Don Sahong

Kiến nghị ngăn chặn ngay Tham vấn trước với đập Don Sahong
Liên minh bảo vệ dòng sông Mekong (Save the Mekong Coalition – bao gồm 45 tổ chức trong lĩnh vực của nhiều nước Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ - PV) vừa gửi thư kiến nghị các Thủ tướng Chính phủ các nước hạ lưu Mekong, gồm Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan. Dân Campuchia biểu tình phản đối Lào xây dựng thủy điện
Trong thư, Liên minh kêu gọi các nhà lãnh đạo Mekong ngăn chặn ngay lập tức quá trình tham vấn trước (PNPCA) cho Đập Don Sahong. Các nước này cần giải quyết lỗ hổng nghiêm trọng trong PNPCA - hiện đang là rào cản đối với việc tham gia, công bố thông tin tham vấn và sự đồng thuận của cộng đồng bị ảnh hưởng. Đồng thời, cần dành thêm thời gian để hoàn thành nghiên cứu về các tác động của các con đập trên dòng chính.


“Tiếng nói của cộng đồng phải được ưu tiên trong bất kỳ quá trình ra quyết định liên quan đến việc xây dựng các đập trên sông Mekong. Quyền từ chối dự án của cộng đồng phải được công nhận.” – lá thư viết.


Nguyên nhân, Liên minh bảo vệ dòng sông Mekong cho rằng: thủ tục PNPCA hiện đang áp dụng không thể cho phép một quá trình tham vấn chính xác. Vì vậy, dự án Don Sahong có khả năng sẽ đi theo quá trình ra quyết định thất bại như của đập Xayaburi. Điều này sẽ đưa ra một mối đe dọa nghiêm trọng đến tương lai của sông Mekong.

Thực tế, quá trình tham vấn trước PNPCA khi xây dựng đập Xayaburi được thừa nhận là một thất bại. Quá trình này hạn chế sự tham gia của các bên liên quan, cả về số lượng người lẫn các lĩnh vực liên quan trong trình tự tham vấn, đã loại trừ nhiều tiếng nói quan trọng, bao gồm những cộng đồng địa phương ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng ở Thái Lan từng nhấn mạnh, họ đã không được "tham vấn” ​​trong các cuộc họp tổ chức tại Thái Lan, mà chỉ nhận được một số thông tin ban đầu. Những người tham dự các cuộc tham vấn đã cho rằng, thông tin về các chi tiết và các tác động của dự án được cung cấp khá ít, hoặc không có thông tin. Bản Đánh giá tác động môi trường (EIA) cuối cùng không được công bố; đánh giá tác động xuyên biên giới không được thực hiện; và các bản thiết kế đập không hoàn thiện.

Tuy nhiên, bất chấp việc tham vấn trước không đưa ra được giải pháp, không trả lời những mối quan ngại của Campuchia và Việt Nam, và không có thỏa thuận giữa bốn chính phủ về việc tiến hành dự án, thì Chính phủ Lào và Thái Lan vẫn quyết định tiến hành xây dựng đập Xayaburi. Điều này khiến tính hợp pháp của toàn bộ quá trình Tham vấn trước bị phá hủy.

Hiện nay, Lào vẫn đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Don Sahong. Dù Chính phủ Lào tuyên bố đã dừng xây dựng, thì Mega First Corporation Berhad, công ty đầu tư phát triển dự án lại khẳng định: đang tiếp tục xây dựng.

Vì vậy, Liên minh bảo vệ sông Mekong cho rằng, Lào không nên dùng hành động đệ trình Tham vấn trước cho Đập Don Sahong chỉ nhằm mục đích hợp pháp hóa hành động của họ theo Hiệp định Mekong năm 1995, mà Lào phải có hành động đảm bảo cam kết đúng với quyết định trong khu vực, và theo tinh thần của Hiệp định Mekong!

Trước đó, tháng 6.2014 vừa qua, tòa án hành chính tối cao Thái Lan đã chấp nhận đơn kiện của những người dân sẽ bị ảnh hưởng bởi đập Xayaburi ở miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan. Phán quyết này đã ghi nhận tác động xuyên biên giới tiềm tàng của đập Xayaburi ,và kêu gọi đánh giá thêm về tác động môi trường, sức khỏe và xã hội ở Thái Lan.

Campuchia và Việt Nam cũng kêu gọi trì hoãn xây dựng 10 năm tất cả con đập trên dòng chính sông Mê Kông, cho đến khi hoàn thành nghiên cứu của Ủy hội MRC và nghiên cứu tác động tới đồng bằng sông Cửu Long do Việt Nam chủ trì. Tương lai của các con đập trên dòng chính sông Mekong phải được dựa trên nghiên cứu toàn diện và hiểu biết về các tác động đến tất cả các quốc gia Mekong.

Lê Quỳnh
http://motthegioi.vn/thanh-nien/kien-nghi-ngan-chan-ngay-tham-van-truoc-voi-dap-don-sahong-102467.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét