Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Luận về ĐĨ thơi nay ở quê ta

Đĩ
Để ít nhất mọi người cũng nên thấy rằng chống mại dâm trước hết là chống lại bọn bảo kê, bọn ma cô, bọn buôn người, và để cho đầy đủ thì phải chống cả những con đĩ cao cấp trong giới nhiều tiền, nhiều quyền. Và quê ta hiện giờ còn rất nhiều thứ khác đáng chống, đáng quan tâm, đáng làm hơn là việc nhăm nhe đi quây bắt những con người yếu đuối ở đáy xã hội, rồi ngồi cãi nhau việc công bố danh tính đối tượng này đối tượng kia.
Đĩ, hay nói đúng hơn, nghề làm đĩ là một nghề rất phổ biến và lâu đời, đến nỗi gần như ai cũng có thể tưởng rằng mình có đầy đủ hiểu biết về nó để có thể khinh bỉ nghề đĩ và cả những người hành nghề, tức là làm đĩ, mà không cần phải mất công suy xét đến một giây. Đó là một điều nên nghĩ lại.

Trước hết, phải thống nhất thế nào là đĩ. Thật ra, đĩ không phải chỉ gồm có những người ngày ngày cầm tiền sau khi dùng thân xác mình thỏa mãn nhu cầu sinh lý của người khác.

Nhìn một cách tổng thể và công bằng, thì phải nói rằng mọi hoạt động quan hệ sinh lý không bắt nguồn từ tình cảm hay để cùng nhau thỏa mãn nhu cầu của cả hai, mà chỉ để nhằm đạt được những lợi ích khác, nằm ngoài tình cảm và tình dục, thì đều phải coi như làm đĩ. Những lợi ích đó phổ biến nhất tất nhiên là tiền, đôi khi là hiện vật từ ít đến rất giá trị, và không loại trừ nhiều khi nó là quyền thế để đẻ ra tiền, hoặc là những bước thang danh vọng. Theo cách nhìn vào bản chất này thì phạm vi và đối tượng làm đĩ sẽ đúng và đủ hơn nhiều.

Dựa theo cách nói của Mác – Ăngghen bất hủ rằng lịch sử nhân loại là lịch sử đấu tranh giai cấp, ta cũng có thể nói rằng lịch sử nhân loại gắn liền với lịch sử của nghề làm đĩ.

Không thiếu các nghiên cứu về xã hội nguyên thủy của loài người đã cho thấy người cổ đại đã biết lợi dụng quan hệ tình dục để đổi lấy chỗ dựa vào những cá thể khỏe mạnh hơn hoặc để có thức ăn, kể cả trong thời kỳ mẫu hệ. Đó hầu như là một sự tái cân bằng quyền lực mà tạo hóa đã sinh ra. Kẻ mạnh dùng sức để khống chế người khác thì kẻ yếu phải có vũ khí khác để có những ràng buộc trở lại, hay nói theo kiểu hiện đại thì đó chính là sức mạnh mềm.

Sang thời kỳ phong kiến, dù có bị nơi này nơi khác cấm đoán thì nghề làm đĩ vẫn phát triển, bị cấm thì bí mật, không cấm thì công khai, về mọi mặt. Đối tượng làm đĩ cũng trở nên đa dạng, không chỉ có những cô gái bán phấn buôn hương nơi lầu xanh, mà còn nhiều những mỹ nhân khác tham gia vào những cuộc đổi chác hay mưu đồ chính trị trong cung đình. Có thể nói mà không sợ sai rằng nếu không có những phụ nữ dùng sắc đẹp và thân xác của mình (dù là chủ động hay làm theo sắp đặt của người khác) như một phương tiện để trở thành người có quyền thế hoặc điều khiển những người có quyền thế – những hành động về bản chất không thể khác gì làm đĩ – thì lịch sử nhân loại đã khác bây giờ nhiều.

Còn đến thời hiện đại, khi thế giới bao gồm ba dòng thác cách mạng, nhiều thế lực đối đầu, thì ai cũng thấy nghề đĩ cũng đã đạt đến một tầm cao mới, phát triển đa dạng, ở khắp mọi nơi, không phân biệt đâu là bọn tư bản giãy chết ngày càng giãy mạnh hơn, hay đâu là một số nước cách mạng ưu tú tiên phong đã bỏ qua giai đoạn giãy chết để tiến thẳng lên đâu đó. Tác động của đĩ lên xã hội, so với thời kỳ phong kiến, cũng rộng khắp và đa dạng hơn trước rất nhiều.

Nói như vậy để thấy rằng cuộc chiến chống lại nghề đĩ, hay nói cho đúng ngôn ngữ tuyên truyền là chống mại dâm ở quê ta là một cuộc chiến rất khó khăn ác liệt nếu không nói là bất khả thi.

Bởi trước hết, muốn chống nạn mại dâm thì phải xác định được kẻ bán dâm. Dễ thấy nhất, đó là những cô gái trẻ ở những chốn lầu xanh trá hình, hay những cô gái già hết đát tối tối đứng bắt khách ở ven đường hoặc trong các công viên. Đó là những người chịu nhiều rủi ro nhất và chịu nhiều khinh rẻ nhất, tuy nhiên trên thực tế đĩ – hay gái mại dâm – không phải chỉ gồm có họ. Về bản chất, những chân dài đi với các đại gia trong những hợp đồng ngắn hạn hay dài hạn, những trai bao, gái bao xác định cặp bồ để lấy tiền v.v… đều không thể gọi khác hơn là làm đĩ. Cũng không khác hơn, những người dùng thân xác như là một món đồ hối lộ để thăng tiến, để đổi chác quyền lực v.v… – những hiện tượng không phải là khó tìm ở trong các công ty hay chính trường quê ta, cũng cần phải gọi đúng tên là những con đĩ. Nếu không muốn gọi họ là con đĩ thì chỉ có thể gọi họ là những con đĩ cao cấp.

Việc xác định đối tượng đã khó, làm gì với họ còn khó hơn.

Với những người thân cô thế cô, bị đẩy xuống đáy xã hội để rồi bị coi là con đĩ mạt hạng thì việc dồn đuổi, bắt bớ họ cùng với những khách hàng bình dân của họ không có gì là khó, kể cả khi có sự cản trở của những kẻ bảo kê sống bám vào váy họ. Nhưng xóa bỏ được cái nguyên nhân đẩy họ đi làm đĩ, cũng như mở lối thoát cho họ ra khỏi nghề làm đĩ thì lại khó vô cùng.

Với những con đĩ cao cấp thì mọi việc khó hơn nhiều. Khó từ việc nhìn nhận họ là đĩ, cho đến việc không cho họ làm đĩ. Bởi không có người bảo trợ có tiền, có quyền nào lại dễ dàng công nhận mình chơi với đĩ, dễ dàng chấp nhận từ bỏ nguồn lạc thú do đĩ mang lại cho mình, chưa kể nhiều khi chính bản thân những người có tiền, có quyền cũng lại là những con đĩ. Động đến những người có tiền hay có quyền luôn luôn là điều khó khăn, nhất là ở quê ta, một xứ không giống như nơi của bọn tư bản giãy chết.

Thứ hai, cũng nên tìm hiểu lý do tại sao mại dâm đã xuất hiện từ thuở bình minh của nhân loại và tồn tại cho đến tận bây giờ, mặc dù bị biết bao ngăn cấm, kỳ thị trong suốt chặng đường tồn tại và phát triển của mình.

Nguyên nhân có lẽ là cho dù bị nhìn nhận bằng con mắt kỳ thị của xã hội, nhất là nữ giới, và ngày nay còn có thêm các tổ chức đấu tranh cho nữ quyền, thì thật ra mại dâm không hoàn toàn xấu xa như mọi người vẫn có định kiến như vậy. Nếu nhìn một cách nhân văn hơn – mà cái nhìn nhân văn thì luôn cần thiết, ít nhất là cần hơn cái nhìn có tính giai cấp – thì nó sinh ra từ một trong những nhu cầu căn bản của con người, và những tác động của nó không phải chỉ gồm có tiêu cực. Và khi so sánh giữa những mặt trái của nó cùng với những nỗ lực cấm đoán hay dẹp bỏ nó, với tác hại của những tệ nạn khác, như tham nhũng, lừa đảo và những nỗ lực chống tham nhũng, lừa đảo chẳng hạn, rõ ràng là nghề mại dâm đã bị đối xử không công bằng. Và cái khe hẹp do bất công tạo ra đó cũng đủ cho nghề mại dâm có đất sống.

Sâu xa hơn, có lẽ mại dâm chịu kỳ thị và bất công là do áp lực từ sự ghen ghét của những người phụ nữ khác khi họ cho rằng đấy là nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng đến vị thế làm vợ của họ, trong khi thực tế, ảnh hưởng của mại dâm đến cuộc sống gia đình hầu như không đáng kể, nhất là khi đem so với những thú vui khác không hề bị lên án gay gắt bằng, như cờ bạc, nghiện ngập v.v… Khi mọi người chấp nhận sống chung với những thú vui nguy hiểm ấy như một phần tất yếu của cuộc sống thì dường như những tác hại của mại dâm càng không được để tâm tới, và vì thế việc cấm đoán mại dâm chỉ là việc riêng của chính quyền.Việc có rất nhiều thứ lai căng khác, độc hại hơn nó nhiều mới thâm nhập vào tàn phá văn hóa truyền thống quê ta thì lại được tung hô, đã khiến lý lẽ cho rằng nó không hợp với thuần phong mỹ tục trở nên kém thuyết phục đi nhiều.

Việc coi rẻ những người làm đĩ, đúng hơn là số đông người làm đĩ và ở tầm thấp nhất trong thang bậc làm đĩ, trong khi không hề có thái độ tương tự với những con đĩ cao cấp hơn, đã không những thêm một lần chà đạp lên nhân phẩm của họ, đẩy họ xuống sâu hơn khỏi mong muốn làm người, mà nhiều khi còn làm bản năng chống đối trỗi dậy, khiến họ làm những việc xấu xa mà lẽ ra họ sẽ không làm nếu được đối xử công bằng hơn. Câu nói “gieo gì gặt nấy” đặc biệt đúng trong trường hợp này, khi nhìn vào những gì mà xã hội đã dành cho những người làm đĩ dưới đáy.

Đồng thời, việc né tránh quản lý hoạt động mại dâm như một thực tế, cho dù có hợp pháp hóa nó hay không, đã tạo ra một đội ngũ rất đông những kẻ bảo kê, buôn người sống bám vào váy người làm đĩ, là những kẻ lẽ ra phải nhận sự khinh bỉ nhiều nhất, hơn cả đĩ nhiều lần và cần phải dẹp bỏ trước hết. Chỉ nhằm vào những người làm đĩ khốn cùng trong cuộc chiến chống mại dâm, không mạnh tay với những bọn ma cô, không dám động tới, hay thậm chí không dám gọi tên những con đĩ cao cấp khác, đã khiến cho việc chống mại dâm chỉ còn là nửa vời, nếu không nói là hình thức, để đối phó với dư luận.

Có lẽ cũng có lúc nên xem lại việc nhìn nhận về những người làm đĩ một cách nhân văn và bớt khắt khe hơn, như là một hoạt động trong lĩnh vực giải trí hơn là một phạm trù đạo đức. Việc mở ra những con đường cong mềm mại cho những cách nhìn mới, tương tự như cách gọi kinh tế TB là KT thị trường chẳng hạn, để coi những người làm đĩ (nạn nhân của đói nghèo, lạc hậu, thiếu nền giáo dục căn bản v.v… ) như là những nhân viên hỗ trợ tình dục, huấn luyện viên tình dục hay gì gì đó, không xấu hơn nhiều lắm những người mẫu khoe thân, những diễn viên điện ảnh đóng cảnh nóng hay đóng phim cấp 3 v.v… để kiếm tiền, và còn tốt hơn những kẻ đạo đức giả đầy rẫy khắp nơi hàng vạn lần.

Để ít nhất mọi người cũng nên thấy rằng chống mại dâm trước hết là chống lại bọn bảo kê, bọn ma cô, bọn buôn người, và để cho đầy đủ thì phải chống cả những con đĩ cao cấp trong giới nhiều tiền, nhiều quyền. Và quê ta hiện giờ còn rất nhiều thứ khác đáng chống, đáng quan tâm, đáng làm hơn là việc nhăm nhe đi quây bắt những con người yếu đuối ở đáy xã hội, rồi ngồi cãi nhau việc công bố danh tính đối tượng này đối tượng kia.

Cò con, thiển cận, nhỏ nhen lắm.
Tháng 8/2014
(Blog Cua Đồng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét