Doanh nghiệp “chết lâm sàng” bỗng dưng có giá?
Hơn hai năm qua, kinh tế khó khăn, hàng chục ngàn doanh nghiệp nhỏ lâm vào cảnh sống dở chết dở, thậm chí, nhiều doanh nghiệp thua lỗ đến mức “sống đời thực vật”. Trong khi, nhiều doanh nghiệp đang thi nhau làm thủ tục phá sản thì không ít “công ty xác chết” lại đắt khách đến lạ thường.
Việc mua bán doanh nghiệp ngày càng nhộn nhịp.
Sau khi tìm hiểu, PV báo Đời sống và Pháp luật biết được, nhiều người đang “săn” lại những “công ty sống thực vật” để lách luật. Bởi theo Thông tư 219 của bộ Tài chính, các doanh nghiệp thành lập mới phải mua tài sản cố định trên 1 tỷ đồng.Đổ xô “săn” doanh nghiệp ngắc ngoải...
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Minh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Uvip Việt cho biết, thời gian gần đây, cứ thỉnh thoảng ông lại nhận được điện thoại từ số máy lạ gọi đến để hỏi mua lại công ty.
Tuy nhiên, họ chỉ mua tư cách pháp nhân, còn các tài sản cố định không mua, hay một số hợp đồng đang còn dở dang không muốn dính dáng trách nhiệm. Sau này, qua tìm hiểu ông Tuân mới biết, có nhiều sàn mua bán công ty cung cấp thông tin công ty và số điện thoại của ông lên mạng.
“Đúng là hơn một năm qua, kinh tế khó khăn, những người mua dòng quà tặng cao cấp không còn nhiều như trước. Cạn vốn, tôi tạm thời dừng kinh doanh để tập trung phát triển doanh nghiệp xây dựng do vợ tôi đứng tên. Ngay ngày hôm qua, có một người ở Sài Gòn gọi điện ra ngỏ ý mua lại công ty tôi với giá 150 triệu đồng. Nếu tôi đồng ý, ông ta sẽ cho người đến làm hợp đồng. Tuy nhiên, tôi muốn hợp tác để tiếp tục phát triển doanh nghiệp chứ không muốn bán đứt. Bởi chỉ mấy năm nữa kinh tế phục hồi, muốn mở công ty để lấy tư cách pháp nhân cũng rắc rối, mất thời gian lắm”, ông Tuân hé lộ.
Cũng theo vị Giám đốc này, hiện nay, việc mua bán doanh nghiệp “giãy chết” không phải là hiện tượng mới. Tuy nhiên, chưa bao giờ lại nhộn nhịp như lúc này. ông Tuân lý giải: “Chỉ riêng năm ngoái đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp, đa phần là công ty nhỏ tuyên bố phá sản, hàng chục ngàn công ty khác thì sống “vật vờ”.
Tuy nhiên, năm nay kinh tế khởi sắc hơn chút ít và theo nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán, năm sau là cơ hội để các doanh nghiệp Việt phục hồi. Chính vì thế, nhiều người đi tắt đón đầu, mua lại những công ty đang “hấp hối” vừa rẻ tiền lại có tư cách pháp nhân, có hóa đơn giá trị gia tăng rồi”.
Theo ông Tuân, tháng trước, bạn thân của ông là Giám đốc Công ty TNHH M.V (Hà Đông, Hà Nội, chuyên kinh doanh, phân phối sản phẩm gốm sứ vệ sinh) vừa chuyển nhượng cho một người khác với giá gần 200 triệu đồng.
Như lời kể của vị Giám đốc công ty M.V thì khi anh ta đang đi đến Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội nộp đơn xin mở thủ tục phá sản thì được một người phụ nữ gọi ra để “nói chuyện”.
Người đàn bà này nói rằng có quen một người đang muốn mở công ty kinh doanh vật liệu xây dựng, gốm sứ nhưng không đủ 1 tỷ đồng để “vượt qua” được Thông tư 219 của Bộ Tài chính. Vì thế, để lách luật, người này thường đến Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tìm những vị Giám đốc kinh doanh thất bát đến độ phá sản để mua lại công ty.
Khi chuyển nhượng, người bán không phải làm thủ tục phá sản rườm rà, mất thì giờ lại có khoản tiền đút túi. Trong khi đó, người mua thì có sẵn công ty và hóa đơn giá trị gia tăng, tư cách pháp nhân để kinh doanh. “Chiêu lách luật này nhìn vào thì có vẻ là nhanh gọn và hoàn hảo nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro bởi đã có những trường hợp doanh nghiệp ôm cục nợ vì mua bán công ty theo kiểu này”, ông Tuân chia sẻ.
Ung dung hưởng lợi, hay còng lưng gánh nợ?
Trao đổi với PV về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, trong Thông tư 219/2013/TT-BTC của bộ Tài chính ban hành ngày 31/12/2013, có hiệu lực ngày 1/1/2014, quy định các doanh nghiệp thành lập mới phải mua tài sản cố định trên 1 tỉ đồng. Theo đó, Thông tư này được ban hành nhằm hạn chế các doanh nghiệp “ma” thành lập để mua bán hóa đơn.
Tuy nhiên, quy định này gây khó khăn rất lớn với những cá nhân muốn thành lập doanh nghiệp bởi trong thời buổi kinh tế khó khăn, rất ít người dám bỏ ra số vốn lớn như vậy. Để “lách” Thông tư này, nhiều người mới nảy sinh ra chiêu mua những doanh nghiệp đang “sống dở chết dở” lấy tư cách pháp nhân kinh doanh. Nếu lỡ làm ăn thất bát thì cũng chỉ mất khoản tiền nhỏ bỏ ra để mua doanh nghiệp ban đầu.
Theo GS. TS Nguyễn Mại, việc mấy năm nay kinh tế khó khăn khiến các doanh nghiệp “đẻ” ra đủ trò để kiếm tiền. Trước đây, việc mua bán doanh nghiệp không phải là chuyện hiếm nhưng nó không rầm rộ và nhộn nhịp như hiện nay. Trên các trang mạng, chỉ cần gõ từ mua bán doanh nghiệp sẽ hiện lên cả ngàn công ty.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc giao dịch mua bán doanh nghiệp này ban đầu nhìn người ta sẽ tưởng rằng đôi bên cùng có lợi. ít ai biết được nó đang tiềm ẩn những mối rủi ro cho bên mua. Bởi, ở thời điểm trước kia và cả hiện tại, ngân hàng siết cho vay dẫn đến nhiều người lấy tư cách pháp nhân của công ty để đi vay lãi bên ngoài. Khi không thể cầm cự được, họ bán lại công ty cho một người khác để trốn nợ.
Không ít trang web được lập lên để chuyên rao bán công ty.
“Khi giao dịch, chắc chắn bên bán sẽ chẳng bao giờ công bố khoản tiền còn nợ cho bên mua cả. Họ chỉ làm cách nào có thể bán được công ty càng sớm càng tốt để không phải làm thủ tục phá sản mà lại có một khoản tiền. Tôi từng chứng kiến một công ty “còng lưng” gánh khoản nợ lên đến cả tỉ đồng sau khi mua lại một công ty khác. Sau khi đẩy được công ty và cả món nợ đó cho người khác, vị giám đốc cũ bỏ trốn. ông giám đốc mới vì đã trót ký vào bản hợp đồng nên bắt buộc phải trả món nợ của người “tiền nhiệm”. Những trường hợp tiền mất tật mang như vậy không hiếm”, chuyên gia kể lại.
Theo ông Nguyễn Minh Tuân, hiện nay có không ít công ty chuyên đi mua, môi giới các doanh nghiệp làm ăn thất bát để bán lại kiếm lời. “Chiêu trò” của những công ty này hết sức đơn giản, họ móc nối với nhân viên ở tòa án nhân dân các tỉnh để kiếm mối. Cứ mỗi khi doanh nghiệp làm thủ tục phá sản, lập tức nhân viên tòa án lại liên hệ với công ty này. Đám môi giới sẽ đến mua lại với giá “bèo” rồi thực hiện một số thủ thuật như lập trang web, quảng cáo hình ảnh... Sau đó, cũng chính doanh nghiệp này, chỉ sau một vài tháng sẽ được bán lại với giá cao hơn.
Nhộn nhịp “chợ” mua bán doanh nghiệp “xác chết” trên mạng
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay không ít các trang mạng rao bán lại những công ty trước đây từng kinh doanh thua lỗ. Tại trang web muabancongxxx, PV nhận được lời quảng cáo của một người bán một công ty TNHH, thành lập tháng 9/2013.
Khi PV liên lạc tới số 094614xxxx thì một người đàn ông tên T. (tự xưng là giám đốc công ty này-PV) trả lời: “Công ty em có giấy phép kinh doanh thương mại, vật liệu xây dựng, nhà hàng khách sạn, vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Hiện nay hồ sơ rất sạch, đã nộp đầy đủ các loại thuế, không nợ đối tác, chưa vay vốn ngân hàng lần nào, tư cách pháp nhân đầy đủ. Nếu anh muốn thì em để lại cho giá 25 triệu đồng. Có nhiều người hỏi mua lắm nhưng chưa được giá nên em từ chối”.
Cũng theo T., mặc dù công ty ngừng kinh doanh hơn một năm nay nhưng chưa muốn làm thủ tục phá sản nên đăng lên mạng tìm người mua.
VƯƠNG CHÂN
(Đời Sống Pháp Luật)
http://m.doisongphapluat.com/kinh-doanh/doanh-nghiep/doanh-nghiep-chet-lam-sang-bong-dung-co-gia-a48892.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét