Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Ta uông rượu và rượu uống ta

Bút ký viết từ quán nhậu
Bây giờ bia đã trở thành nước uống phổ thông. Nhiều con đường của thành phố luôn có mùi khai đặc trưng vì nhiều quán bia hơn nhà vệ sinh. Đêm khuya lắm rồi, bóng tối đã há hốc miệng như cái vực thẳm nuốt chửng mọi thứ, chỉ trừ quán nhậu tồi tàn vùng ngoại ô này. Ở một góc nhà, có người đàn ông đang dạy con chó của quán uống rượu. Gã say không còn biết gì, nhưng mắt vẫn lóe lên sự tinh quái khi nghe trong gió có ai nhắc đến tên một loại rượu! 
Chị vợ ngồi cạnh, mềm yếu như miếng bọt biển thấm hút mọi nỗi đớn đau từ một ông chồng say sưa, rụt rè kéo tay áo chồng giục về. Gã ngước nhìn chị như thể chị là bức hình gớm ghiếc được người tiền sử khắc trên vách đá. Chị nghiến chặt răng: ”Rượu ơi là rượu!”. Lập tức, một tửu khách mắt trắng dã lên tiếng: ”Rượu chẳng có tội tình gì. Ai bảo đi nốc lắm vào! Ngay thói bạo dâm với liều lượng thấp cũng chẳng có hại gì cho các bà!”.


Khi ta uống rượu
Trong các bữa tiệc, dù chủ nhà có dọn ra bào ngư 2 đầu. tôm hùm 26 chân hay tổ yến hấp đường phèn mà không có tý rượu bia thì ăn gì cũng nhạt mồm! Chân lý này được một nửa nhân loại thừa nhận. Còn một nửa kia nghi ngờ, song cũng không dám phủ nhận. Bởi nó đã được các nhà khoa học đáng kính khẳng định: “Rượu bia kích thích tiêu hóa!”.

Họ lấy minh chứng: Đàn ông vùng Bordeaux (Pháp) thọ dai vì quanh năm uống rượu vang, còn nước lã chỉ để... tắm? Thế nên, từ rất xưa rồi. trong gánh hàng xén của người vợ đảm Việt Nam đi chợ bao giờ cũng thấy cất cút rượu ngon cho chồng. Thậm chí, có đấng mày râu lúc sống không dính đến tửu, nhưng đến khi chết vẫn có chai rượu cúng thờ! Có lẽ để cho ông còn sửa chữa sai lầm khi ở dương gian.

Chưa bao giờ người Việt Nam đến quán nhậu nhiều như bây giờ.


Rượu không chỉ làm da dẻ thắm đỏ như một quả mận đã rửa sạch vỏ, nó còn là thứ thuốc bổ tinh thần, là chất gây men sáng tạo cho người nghệ sĩ. Lý Bạch là ông tiên thơ cũng là tiên tửu, nên nhiều nhà thơ Việt Nam cũng bắt chước ông uống rượu. Còn với người chưa nghệ sĩ thì nó (rượu bia) đem lại niềm vui cuộc sống. P làm kỹ sư cho một hãng tàu, người bé một mẩu. Vô tình, anh lấy được cô vợ đẹp, có nước da màu ánh trăng.

Anh quấn lấy cô như dây thường xuân quấn ngôi nhà cổ. Song cô lại chỉ tôn thờ chính hình bóng mình trong gương. Từ đó anh đã phải lòng rượu bia, khi tìm thấy trong thứ nước cay này niềm vui êm đềm, an ủi . Lạ thay, chỉ cần 4 cốc bia hơi Hải Phòng là nỗi buồn “thắm hơn máu đỏ” được hòa loãng. Thêm 4 cốc nữa, anh lại thấy đời ối đàn bà đẹp hơn cả vợ mình! Họ vây quanh anh như đám quả chín rụng quanh gốc cây.

Khi đồng tử mắt dãn ra báo hiệu cơn say nhẹ nhàng đang đến, anh không còn cần đến các loại thuốc an thần - cái thứ cocktail chết tiệt của thế kỷ thứ 21 - mà vẫn ngủ ngon như chưa bao giờ được ngủ. Trong những giấc mơ anh thấy mình đang cúi xuống nhặt các trái cây chín ngọt lên để thưởng thức!

Sau này, dân nhậu đồn rằng anh chàng kỹ sư bé nhỏ đã bị đổ trước vẻ đẹp nở nang của cô bán bia. Không rõ, nhưng chắc chắn rằng anh đã thoát được cái tội lỗi đáng chết nhất - nỗi buồn! Niềm vui cuộc sống trở lại với anh. Ngày nào mặt trời cũng mọc ở trong tim anh và trên gương mặt tươi tỉnh của anh sau cốc bia hơi thứ 4.

Thực ra không phải chỉ những người đã nếm mùi đau khổ như anh P mới được hưởng các niềm vui từ rượu bia. Cụ H, nguyên thuyền trưởng đã nghỉ hưu một con tàu biển trọng tải 14.000 tấn, chiều nào cũng uống 2 cốc bia hơi Hải Phòng nếu ngày đó nắng, 4 cốc - nếu ngày đó mưa. Mỗi khi cụ rời quán bia về nhà bước chân linh hoạt, dường như trong các khớp xương già nua có cả tiếng nhạc!

Do cũng nhiều lần, bị bia xúi giục, cụ đem những câu chuyện tình lãng mạn trên các cảng biển ngày xưa , tưởng đã khô héo và bị xếp xó, ra kể lại trên bàn nhậu, làm đám hậu sinh tròn mắt ngưỡng mộ. Bia đã khiến cho cụ thuyền trưởng H oai phong trở thành dễ tính. Có hôm, giữa trưa mát mẻ, cụ nằm ngủ ngay trên bàn cạnh con mèo già béo ú của quán và ngáy ầm ầm giống tiếng còi tàu báo hiệu sương mù.

Ngắm cảnh tượng thanh bình đó, có thi sĩ phường cảm hứng viết thành bài thơ nhan đề: “Rượu và Hòa bình” rồi đem dán lên vách quán. Bài thơ chỉ sống được có 2 tiếng, vì khi thi sĩ khật khưỡng rời quán nó bị chủ quán lập tức lột xuống. Tội nghiệp bài thơ! Ngoại trừ giá trị nghệ thuật, còn thì bài thơ có lý!

T và KH từng là bạn thân của nhau, bây giờ thì họ ghét nhau. Đúng như các cụ xưa nói: “Oan gia ngõ hẹp”, số phận bắt họ cứ phải song hành với nhau: Cùng học phổ thông, cùng vào đại học, vào cùng cơ quan, cùng tranh giành nhau cái ghế quyền lực trong suốt cuộc đời, có lẽ họ chỉ nhường nhau đường xuống nghĩa trang Văn Điển. Thế rồi vào một bữa tiệc cơ quan cuối năm, họ ngồi cùng nhau.

Trong bầu không khí vô tư, hồ hởi như tiếng của rượu sâm banh sủi bọt trào ra từ cái chai vừa mở nút và nhất là khi rượu thơm ấm áp đã ngấm vào người, họ thấy trái tim vui vẻ. Mà một trái tim vui vẻ giết chết được đủ các thứ vi trùng hơn tất cả loại kháng sinh trên đời, kể cả là thói ghen ghét, đố kị. Đến khi cặp mắt lờ đờ, hoang vắng của họ nhìn thấy nền nhà không còn bằng phẳng, thì cả hai ôm nhau hát!

Họ hát nhiệt tình khiến tôi nghe thấy âm hồn Phạm Duy đang gào thét ở dưới mộ, vì bọn họ đã giết chết âm nhạc của ông bằng cái giọng hát như hét xả hơi, chứ không phải để biểu đạt niềm vui cuộc sống. Dẫu sao thì cả cơ quan đã vui mừng (hụt) khi chứng kiến họ làm lành với nhau. Bởi sáng hôm sau, lúc đã tỉnh rượu, họ lại ghét nhau! Nuối tiếc một cuộc hòa giải bất ngờ, dở dang, chủ tịch công đoàn công ty được các đoàn viên ưu tú tham mưu: Hàng tuần thu xếp để họ cùng nhau uống rượu! Rượu làm con người xích lại gần nhau.

Ông C thuộc dạng công chức mẫu mực tại một cơ quan hành pháp. Ở chốn công đường, lúc nào ông cũng tỉnh táo tựa quan chánh án. Đám nhà báo muốn moi được tin tức từ ông thì luôn gặp phải bộ mặt như bị nhổ răng. Vợ ông than thở, ở nhà ông cũng không khác người bị treo lưỡi.

Thế nên bất ngờ gặp nhau trong một quán bia, tôi chẳng thể nhận ra ông: Một người dễ dãi, nói năng bỗ bã, lúc nào cũng nhe răng cười với những bạn nhậu hình như còn chưa thuộc tên. Có vẻ như bia giỏi hơn vợ ông trong việc biến ông thành một con người hòa đồng, sống thực với mình.

Và lúc rượu bia “uống” ta

Hồi còn bao cấp, bia là thứ hàng phân phối. Quý lắm! Uống cốc bia hơi, cô mậu dịch viên bắt phải mua kèm một đĩa lòng lợn. Còn bia chai thì may ra được uống vào ngày... giỗ bố! Khi ông tổng giám đốc bia Hà Nội đương thời công du Hải Phòng, ông được các giám công ty ăn uống, du lịch địa phương đón từ Quán Toan cách Hải Phòng 10km và xin được yết kiến ông cả sáng đến đêm, vì ông là vua bia của thời ấy.

Bây giờ bia đã trở thành nước uống phổ thông. Nhiều con đường của thành phố luôn có mùi khai đặc trưng vì nhiều quán bia hơn nhà vệ sinh. Mặc dù trên bàn ăn giới trung lưu hiện tại bia ít xuất hiện, thay nó là rượu. Người mạnh mẽ thích Whisky. Dân sành sỏi ưa rượu vang. Kẻ “quý tộc” uống sâm banh Dom Perignon hoặc Moet & Chandon. Song người ta vẫn thích đến quán bia bởi sự bình dân của nó.

Ngay từ ngày xưa, Hải Phòng đã nổi tiếng về uống bia. Họ có thể uống từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc mấy giờ còn tùy thuộc vào khả năng tài chính. Người thủ đô xuống đất cảng phục xanh mắt nhái thấy 2 thanh niên xách đầy một xô đựng... bia, cầm gáo bằng vỏ sắt tây, ngồi xổm ngay xuống vỉa hè khà khướt. “No” thì trút ra gốc cây, xong rồi trở lại uống tiếp!

Ngày mới lấy chồng, trên đường về nhà, chị B bắt gặp chàng đang bước nhanh như một người tình vội vã đến nơi hò hẹn. Chị vội lần theo tới một nhà hàng và bắt gặp... lũ bạn nhậu đang ngồi trong quán chờ anh. Bây giờ thì chị mặc kệ, vì biết chắc rằng chừng nào những ngôi sao chổi còn chưa bắt đầu lang thang ở trên bầu trời thì chồng chị còn ngồi đấy! Chị chỉ ngạc nhiên quán nhậu có gì quyến rũ chồng mình đến vậy?

Một lần chị đã đến đó để biết. Chị kể với tôi chị thấy một đống đàn ông ồn ào như cơn bão biển, uống thì ồng ộc chẳng khác lạc đà chết khát, ăn thì mấy con mực khô dai như là bít tất luộc, nào có phải sơn hào hải vị gì? Vậy mà, chị buồn cười khi phát hiện, ở quán đàn ông chém gió như bị bỏ bùa. Có lẽ đây là nơi để ngôn ngữ xả hơi. Ai cũng nhiễm chút khoa trương của thứ diễn đàn ngoài trời. Họ luận bàn, phê phán đủ mọi thứ: Lớn từ phát biểu của một nghị sĩ quốc hội, bé đến những lời than vãn dài như một cuốn từ điển của vợ ở nhà.

Phần lớn chuyện trên bàn nhậu đều là vô bổ, bởi vì bản năng bầy đàn đánh giá cao sự tầm thường. Thế mà ai cũng mặt đỏ tía tai như miếng thịt cá ngừ nướng, ai cũng nói to đánh thức được cả người chết! Chẳng bù khi đi họp tổ dân phố, mồm không khác bị dính kẹo caosu. Hay đi họp lớp cho con cũng vậy, cấm có hé răng trước những cò mồi tiền bạc vô lý của ban đại diện cha mẹ học sinh để chiều lòng cô hiệu trưởng.

Có vẻ bao nhiêu hùng khí nam nhi của họ chỉ phát tiết trong tửu quán! Chị B chua xót nhận ra: Phần lớn hiểu biết của chồng thì ra được nhặt nhạnh trên bàn nhậu, từ những kẻ có nền tảng văn hóa du canh, du cư, bởi vì quán nhậu không phải là nơi người ta kích thích tình yêu sách vở, thi ca, âm nhạc. Với rất nhiều người nó là chỗ đốt thời gian thừa thãi. Suy cho cùng thiếu thời gian chỉ là biểu tượng của người đàn ông thành đạt. Mà người đàn ông thành đạt, không hẳn đồng nghĩa với người giàu có, thích dùng thời gian cho sự cống hiến, học tập, nghiên cứu hơn là ngồi luận anh hùng ở trên bàn nhậu

Đã đến cái giờ chị B chờ đợi: Những ngôi sao chổi bắt đầu lang thang ở trên bầu trời. Những kẻ còn chút tỉnh táo ôm cái bụng tròn ngất ngư, chẳng khác gì đàn ngỗng no căng nước, bắt đầu ra về. Họ phóng như điên trên đường, bởi chảy ở trong người họ bây giờ là rượu, chứ không phải máu! Đã có nhiều người không về đến nhà. Họ phải nằm lại trên đường và từ người họ chảy ra không phải là rượu, đích thực là máu! Còn lại trong quán một gã du đãng về già uống rượu giải sầu, khóc như trẻ nhỏ, có lẽ vì rượu đã cạn.

Vài người khác ngồi gục đầu, hít thở không khí đờ đẫn, vô cảm như mảnh giấy dầu trong mưa. Chẳng ai biết họ nghĩ gì? Song chắc họ không mơ tưởng cổ phiếu cuộc đời của mình vào ngày nào đó tăng giá! Một chàng thanh niên tóc dài, râu rậm, khiến người ta nghĩ ông thợ cắt tóc của anh chắc chết từ đầu năm ngoái, cơ thể đã nhão như miếng bọt biển, thẫn thờ ngắm con bọ cạp ngâm dưới đáy chai.

Anh đang hy vọng tìm lại sức mạnh đàn ông của mình nhờ vào nó chăng? Thế rồi đột nhiên anh nằm gục xuống thành một đống đầy góc cạnh, xanh xao. Thấy vướng, 2 gã lưu manh, mang những bộ mặt mà người dân lành không dám gặp vào ban đêm, đẩy anh ta rơi xuống đất như hất một đám mạt cưa. Chẳng ai động đậy. Thậm chí lão chủ, chứng kiến các cảnh bạo lực như chuyện thường ngày ở quán, còn nở nụ cười đồng lõa! Cơ quan công an nói rằng rất nhiều tội ác đã được ấp ủ từ những quán nhậu.

Chưa có bao giờ người Việt Nam đến quán nhậu nhiều như bây giờ. Không biết từ đâu và từ khi nào họ bị tiêm nhiễm lối uống rượu kiểu giang hồ Thủy Hử, lấy số lần “dzô” để đo tình cảm. Thậm chí có những nhà văn, nhà thơ... nổi tiếng ở tầm mini, nâng rượu thành thứ tiêu chí thanh cao tưởng tượng, suốt ngày trình diễn trên mạng xã hội các cuộc “không say không về” của mình, theo kiểu “ngưu ẩm” của những nhân vật võ lâm quần chúng trong chưởng Kim Dung.

Dẫu sao, rượu chẳng phải là thảm họa xã hội như có một nữ nhà văn lên tiếng. Bảo rằng rượu là nguyên nhân làm cho tâm hồn héo úa, tội ác hay là bệnh ung thư gan, thì có khác gì đổ cho “cái ấy” là thủ phạm nạn mại dâm! Vấn đề là rượu chỉ làm con người say sưa, còn chính chúng ta làm mình say sưa tan nát! Đáng buồn, không phải ai cũng biết cách uống rượu khôn ngoan. Bởi văn hóa rượu là một hàm số của trình độ giáo dục và nguồn gốc xuất thân.

Trận mưa mềm đang nhẹ rơi, thổi vào tửu quán nồng nặc mùi rượu một làn gió ẩm như là tiếng thở hắt ra từ những gã say. Tôi phỏng vấn câu cuối cùng với kẻ cuối cùng rời quán: “Liệu Bộ Y tế có cấm được việc bán rượu sau 22 giờ?” - “Cấm thế đ. được! Cấm đoán chỉ để cho bọn tham nhũng có thêm cơ hội làm tiền!”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét