Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Trung Quốc đã thành nhà nước độc tài, quân phiệt ?

Ở Trung Quốc (và Việt Nam ?), người có thực quyền phải là người nắm được Quân ủy Trung ương (quân đội). Tiêu diệt được Từ Tài Hậu, phó chủ tịch Quân ủy trung ương, chứng tỏ Tập Cận Bình đã kiểm soát hoàn toàn Đảng và quân đội. Khi tất cả quyền lực một quốc gia được tập trung vào một Đảng và một cá nhân, thì cũng là lúc nhà nước đó trở thành nhà nước độc tài, quân phiệt. Điều này càng đặc biệt nguy hiểm khi Quân đội Trung Quốc hiện đã lớn nhất thế giới tính về quân số và đứng thứ hai thế giới về ngân sách quân sự. Vị thế của Trung Quốc hiện nay không khác gì nước Đức năm 1931-1939 với Đảng quốc xã và Hít Le, dẫn đến chiến tranh thế giới thứ hai 1939-1945. Giờ đây, không chỉ coi Việt Nam là muỗi, Trung Quốc còn một mình ưỡn ngực thách đấu cả thế giới.
“Trảm tướng tham”, ông Tập Cận Bình nắm chắc quyền kiểm soát quân đội
BizLIVE - Khi khai trừ khỏi đảng một cựu phó tham mưu trưởng quân đội, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn khẳng định quyền kiểm soát lên giới quân sự Trung Quốc, thường quá chú tâm đến làm ăn kinh doanh hơn là nhiệm vụ quốc phòng, theo RFI.
Tướng Từ Tài Hậu lúc còn đầy uy quyền. Ảnh Reuters
Bị cáo buộc là đã lợi dụng chức vụ để mua bán chức quyền và nhận hối lộ, tướng Từ Tài Hậu ( Xu Caihou ) vừa bị khai trừ khỏi Đảng, một hình thức kỷ luật rất nặng ở Trung Quốc. Hồ sơ vụ án đã được chuyển sang cơ quan kiểm sát quân sự, theo như thông tin của báo chí Nhà nước ngày 30/06 vừa qua.

Cho tới năm ngoái, ông Từ Tài Hậu còn là phó chủ tịch Quân ủy trung ương, cơ quan lãnh đạo quân đội và cho đến năm 2012, ông vẫn là một trong những nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc, với tư cách ủy viên Bộ Chính trị.

Như vậy, Từ Tài Hậu sẽ là viên tướng cao cấp nhất bị đưa ra tòa từ nhiều thập niên qua tại Trung Quốc. Ông cũng đã là quan chức cao cấp nhất bị thất sủng như vậy trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng được chính quyền Bắc Kinh khởi động từ năm 2012.

Theo các nhà phân tích, quyết định truy tố tướng Từ Tài Hậu, mặc dù ông này đang bị ung thư bàng quang ( theo tin báo chí Hồng Kông ), là nhằm gởi một thông điệp cứng rắn đến các lãnh đạo Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc.

Theo nhận xét của ông Christopher Johnson, nhà nghiên cứu thuộc trung tâm nghiên cứu CSIS ở Washington, những cáo buộc về nhận hối lộ để mua quan bán chức cho thấy quân đội không thật sự trung thành với Đảng và không làm tròn nhiệm vụ bảo vệ chế độ.

Ông Johnson nói thêm rằng việc khai trừ tướng Từ Tài Hậu cho thấy ông Tập Cận Bình vẫn kiểm soát hoàn toàn Đảng và quân đội. Hơn nữa, theo Tân Hoa Xã, đích thân chủ tịch Trung Quốc đã chủ trì cuộc họp mà trong đó quyết định khai trừ tướng Từ Tài Hậu đã được đưa ra.

Quân đội Trung Quốc hiện là quân đội lớn nhất thế giới tính về quân số và ngân sách quân sự của Trung Quốc cũng hiện đứng hàng thứ hai thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Ngân sách quân sự này mỗi năm vẫn tăng mạnh, cùng với đà hiện đại hóa nhanh chóng quân đội Trung Quốc.

Theo số liệu chính thức, ngân sách quốc phòng năm 2013 của Trung Quốc là 119,5 tỷ đôla, tăng 11% so với năm 2012, nhưng theo Lầu năm góc, ngân sách này trên thực tế là hơn 145 tỷ đôla.

Theo các chuyên gia, chính việc quân đội được hưởng quá nhiều phương tiện tài chính nên tham nhũng càng dễ nẩy sinh. Rất nhiều tướng tá Trung Quốc trong những năm qua đã lao vào kinh doanh, lợi dụng việc chuyển đổi các xí nghiệp quân sự sang các hoạt động dân sự.

Vào năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã từng yêu cầu các sĩ quan-doanh nhân, một là ngưng làm ăn, hai là rời khỏi quân đội.

Nhưng theo chuyên gia về an ninh châu Á Brad Glosserman, những mối quan hệ giữa quân sự và kinh doanh quá chằng chịt, không dễ gì gở ra hết được.

Tham nhũng trong quân đội đã mang tính hệ thống, và những lợi ích chồng chéo nhau đã làm suy yếu khả năng của quân đội Trung Quốc.

Là con trai của một nhà cách mạng lão thành của Trung Quốc, Tập Cận Bình có nhiều uy tín với quân đội so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.

Việc khai trừ tướng Từ Tài Hậu cho thấy ông Tập Cận Bình muốn tăng cường sự kiểm soát lên quân đội, đồng thời cũng nhằm cảnh cáo những ai muốn thách đố quyền lực của ông.

Nhưng theo giáo sư chính trị học Joseph Cheng thuộc đại học City University of Hong Kong, chiến dịch chống tham nhũng kiểu như vậy cũng chứa đựng nhiều nguy cơ.

Lý do là vì nó có thể đụng chạm đến các cựu lãnh đạo, khiến những kẻ cảm thấy bị đe dọa sẽ hợp lực với nhau để gây sức ép lên ông Tập Cận Bình.

Nhưng nếu chiến dịch này thành công, được dân chúng ủng hộ, đây sẽ là một vũ khí răn đe của ông Tập Cận Bình đối với những ai muốn cản đường ông.


1 nhận xét:

  1. So với Đức Quốc Xã 1939 thì TRQ 2014 có nhiều yếu tố nguy hiểm hơn đó là sự nhân mãn quá mức ( các chuyên gia đánh giá đất nước TRQ chỉ đủ cho 800 triệu người sống mà nay đang có 1300 triệu người đang chen chúc ở đó ) và trong tay họ có cả vũ khí hạt nhân lẫn tàu vũ trụ ( điều mà Hitle mơ ước không có được ). Vấn đề sẽ là TRQ đối đầu với phần còn lại của TG và Biển Đông chỉ là bước đi đầu tiên của con quái vật khổng lồ Đại Hán thôi .

    Trả lờiXóa