Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Sốc với những lời ngụy biện của TS Võ Trí Thành

Tôi quá chán với những loại bài phân tích kinh tế kiểu này. Chuyên gia thì nhắc đi nhắc lại toàn những điều "nói rồi, khổ lắm, ai cũng biết, có giải quyết được gì đâu"; Chính phủ nghe và tiếp thu thì như nước đổ đầu vịt hay đổ lá khoai. Tuy nhiên lưu thêm bài này vì sốc với những lời ngụy biện, bao che cho chính sách phụ thuộc Trung Quốc của TS Võ Trí Thành. Trong khi cựu Viện trưởng CIEM chỉ rõ đằng sau sự phụ thuộc này là quan chức cấp cao tham nhũng ăn của đút của Trung Quốc thì TS đương kim Phó viện trưởng CIEM cho rằng “Chắc gì không chơi với Trung Quốc, mà chơi với tập đoàn Mỹ đã hơn. Cốt lõi không phải chơi với ai, mà chúng ta học và lấy về cho mình được giá trị gì, có nâng cao được năng lực cạnh tranh hay không, có chuyển giao được công nghệ học được tự học hay không…”. Các cụ đã nói "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng", "chọn bạn mà chơi", "đi với bụt (phải) mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy"...; nếu cứ chơi thân thiết với bạn Trung Quốc đểu giả và vô văn hóa, thậm chí chấp nhận làm em ngoan ngoãn gọi dạ bảo thưa nhất nhất vâng lời Trung Quốc thế này, thì chắc chắn tương lai Việt Nam sẽ còn đen tối nữa. Trung Quốc là nước quá lớn, quá mạnh, quá liều lĩnh nên chẳng điều gì họ không dám làm với VN. Làm gì có chuyện "không dễ gì Trung Quốc có thể “gây hấn” với Việt Nam" như ngài TS hùng hồn tuyên bố. Nhìn lại lịch sự hiện đại, nhất là chiến tranh biên giới 1979 và cấm vận của TQ với VN trong suốt giai đoạn 1975-1991 thấy quá rõ. Hãy cố gắng thoát Trung, hãy quan hệ với Trung bình đẳng như với các nước lớn khác, VN không còn con đường nào khác nếu vẫn muốn phát triển.

Né "đòn chơi xấu" khi làm ăn với "bậc thầy đút lót Trung Quốc"
Trung Quốc là nền kinh tế “không thể không chơi” nhưng cần làm gì để "tránh bị chơi xấu", "nắm đằng chuôi" trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc? Phát biểu của TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” diễn ra sáng 3/7 thực sự khiến nhiều người suy ngẫm.
Chuyên gia lo ngại kinh tế Việt Nam 
đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc
“Trung Quốc là bậc thầy đút lót”
Không riêng TS. Lê Đăng Doanh, mà các chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo đều chung một mối lo ngại, kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.


Dẫn số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc, TS. Doanh cho biết, ngay số liệu thống kê giữa Việt Nam và Trung Quốc đã vênh đáng kể. Nếu năm 2012, báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam thì Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là 28,8 tỷ USD. Nhưng báo cáo của Trung Quốc thì cũng năm này Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam 34 tỷ USD.

“Vì sao có sự chênh lệch tới 5,2 tỷ USD như vậy. Lý do đơn giản vì Trung Quốc họ thống kê cả con số hàng hóa nhập lậu từ Việt Nam sang, nhưng Việt Nam chỉ lấy con số “chính thức” – ông nói. Đưa ra con số này, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, “kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc”.

Chưa hết, ông cũng nêu thực tế, phần nhiều các dự án xi măng, nhiệt điện, giao thông… của Việt Nam đã và đang triển khai đều do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm gói thầu EPC. Như có tới 23/24 nhà máy xi măng, 15/20 dự án nhiệt điện đốt than, giao thông…đều “dính mác” nhà thầu “made in China”.

“Phải chăng đằng sau đó là lợi ích của một nhóm nào đó mà chúng ta lại tin tưởng trao nhiều dự án lớn vào tay quốc gia vốn nổi tiếng là “bậc thầy mua chuộc, đút lót” như Trung Quốc?” – TS. Doanh đặt câu hỏi.

Thừa nhận sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam với Trung Quốc là “khá sâu”, nhưng TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng CIEM lại cho rằng, không dễ gì Trung Quốc có thể “gây hấn” với Việt Nam. Ông Thành đưa ra 4 nguyên nhân để giải thích cho nhận định này.

Trước tiên, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc không chỉ đơn thuần là quan hệ giữa hai nước mà còn là “cuộc chơi” của nhiều tập đoàn, nhiều quốc gia trên thế giới tham gia đầu tư tại Việt Nam. Và trong “cuộc chơi” này, Trung Quốc thu được lợi ích không phải nhỏ. Chính vì thế, Trung Quốc không dễ phá bỏ các ràng buộc với Việt Nam vì hiện nay Việt Nam đang “chơi” với Trung Quốc bằng các cam kết quốc tế. Còn nếu Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, hình ảnh của Trung Quốc sẽ xấu đi.

“Trung Quốc sẽ bị thiệt hại rất nhiều nếu sự lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc biến thành phản ứng thực tế”- ông phân tích.

Với lập luận này, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, “Chắc gì không chơi với Trung Quốc, mà chơi với tập đoàn Mỹ đã hơn. Cốt lõi không phải chơi với ai, mà chúng ta học và lấy về cho mình được giá trị gì, có nâng cao được năng lực cạnh tranh hay không, có chuyển giao được công nghệ học được tự học hay không…”

Nắm đằng chuôi kinh tế với Trung Quốc

Từ đó, TS Võ Trí Thành đánh giá, căng thẳng với Trung Quốc gần đây tất nhiên Việt Nam có khó khăn, nhưng Trung Quốc không dễ “gây hấn” ồ ạt. Khó khăn này cũng sẽ là thời cơ để Việt Nam đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế.

Trung Quốc là nền kinh tế “không thể không chơi” bởi đây là nền kinh tế đang trỗi dậy và là công xưởng lớn nhất thế giới Đồng thời, Trung Quốc cũng là một trong những thị trường lớn nhất thế giới mà cả thế giới đều không muốn bỏ qua.

Ngoài đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh tới việc “cải cách thể chế” và xây dựng 3 trụ cột kinh tế để "tránh bị chơi xấu", để "nắm đằng chuôi" trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

“Phụ thuộc lẫn nhau không có nghĩa kẻ yếu hơn sẽ bị trói tay. Nếu chúng ta biết cách sẽ giảm được sự phụ thuộc ấy” – ông Doanh tin tưởng.

Ông cũng nhấn mạnh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhưng chúng ta phải trở thành mắt xích quan trọng của chuỗi này. Nhưng nếu mở cửa thị trường rộng hơn mà cơ quan quản lý không nghĩ ra các rào cản kỹ thuật, không kiểm soát việc hàng độc hại tràn vào thì quá trình mở cửa này là mở cửa cho hàng độc hại dân.

Do vậy, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Chính phủ Việt Nam nên có sự điều chỉnh nhất định trong chính sách, quan hệ kinh tế với Trung Quốc để giảm bớt rủi ro. Cùng với đó là nâng sự tự chủ trong các ngành của nền kinh tế, mà trước tiên là tự chủ về lương thực, giảm bớt tình trạng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Trung Quốc trong khi đây chính là thế mạnh của Việt Nam.

Trường Giang
(Infonet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét