Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Quan liêu, thiếu thực tế hay rảnh việc đi vẽ...Voi?

Tôi đăng bài này chỉ để nói 1 điều: Thực ra quan chức không phải đều quan liêu, thiếu thực tế đâu, mà chính lãnh đạo cấp cao đang ngồi trên thiên đình quan liêu, thiếu thực tế; nhưng đám đấy mới có quyền áp đặt ý chí và nắm toàn quyền quyết định. Quan chức cấp dưới buộc phải nghe theo dù họ biết là sẽ bị dân phê phán quan liêu, thiếu thực tế nhưng đành chịu mang tiếng để có cơm ăn áo mặc. Thời nay quan chức tốt là quan chức cố gắng làm việc tốt cho dân cho nước, hạn chế phải làm gì không đúng với lương tâm, thậm chí từ chối làm mặc dù bị cấp trên ép buộc. Những cán bộ giỏi chuyên môn mà cả đời không thăng quan tiến chức phần nhiều thuộc loại này; hãy kính trọng họ. Hiện nay, nhìn xem, ngoài Bộ giáo dục, có bộ nào không quan liêu, thiếu thực tế ? Đảng, Quốc Hội và Chính phủ có quan liêu, thiếu thực tế ? Thử đọc báo cáo của các cấp này mà xem, sẽ thấy ngay thôi. Nhà dột từ nóc là vậy.
Quan liêu, thiếu thực tế hay rảnh việc đi vẽ... Voi?
(GDVN) - Có người bảo, nhiều quan chức ở Bộ Giáo dục giờ chỉ quen đút chân trong phòng lạnh, lâu lâu lại nghĩ ra một chính sách... trên trờiNhững người hoạt động cách mạng trước thàng 1/1945 hay tới cách mạng tháng Tám năm 1945 nay đều ở độ tuổi 85, liệu họ còn có con thi tốt nghiệp THPT? Ảnh minh họa.
Kém cả cộng trừ nhân chia
Bộ Giáo dục lại vừa khiến dư luận lên cơn sốc khi ban hành thông tư số 18, ưu tiên cộng điểm thi tốt nghiệp THPT cho con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Thông tư này đăng tải trên website của Bộ Giáo dục, có chữ ký tươi của ông Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.

Đọc xong tin này, nhiều người sẽ giật mình vì chỉ cần làm một phép tính đơn giản là những ai đi hoạt động cách mạng từ năm 15 tuổi thì nay tất cả đều đã 85 tuổi cả rồi. Liệu cụ nào còn có con thi tốt nghiệp THPT?

Và rồi người ta lại phải đặt ra một câu hỏi: Đến bao giờ Bộ Giáo dục mới đổi mới được khi vẫn giữ cái lệ quan liêu, máy móc như vậy?

Đến một người vốn điềm tĩnh như PGS Văn Như Cương cũng phải thốt lên rằng: “Họ đang làm những việc vô nghĩa, phí thời gian, hình như họ chẳng có việc gì để làm hay sao ấy”.

PGS Văn Như Cương nói rằng, thực tế nếu các cụ còn có con đẻ hay con nuôi đi học thì cũng chỉ là trường hợp rất hiếm, vậy thì nên xử lý theo từng trường hợp cá biệt chứ không thể đưa ra thành luật, máy móc và khác xa thực tế. Thí dụ, vừa rồi trên đường đi thi tốt nghiệp THPT có hai em học sinh gặp người tai nạn giao thông và đưa người ta vào bệnh viện cấp cứu. Trường hợp ấy hai em học sinh kia được đặc cách xét ưu tiên tốt nghiệp, xã hội cũng rất hoan nghênh. Nhưng đó cũng chỉ là trường hợp cá biệt, không thể đưa hết vào luật được.
Thông tư 18 bổ sung đối tượng ưu tiên khi thi tốt nghiệp THPT mà Bộ Giáo dục vừa ban hành khiến dư luận thêm một lần sốc nặng.

Quan chức phòng lạnh và chính sách trên trời

Xuất hiện trước báo giới vào ngày hôm qua, ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục PTTH đã lý giải: Cục Người có công thuộc Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội đã yêu cầu bổ sung các đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh theo Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 của UBTVQH. Khoản 5 Điều 4 của Pháp lệnh số 04 quy định người có công với cách mạng và thân nhân được Nhà nước, xã hội quan tâm chăm sóc, giúp đỡ và tùy từng đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi, trong đó có “ưu tiên trong tuyển sinh”.

Khoản 4 Điều 9 Pháp lệnh số 04 quy định: “Con của người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945 được hưởng chế độ ưu tiên, hỗ trợ quy định tại khoản 5 Điều 4 của Pháp lệnh này” .

Khoản 4 Điều 10 Pháp lệnh số 04 quy định: “Con của người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945 được hưởng chế độ ưu tiên, hỗ trợ quy định tại khoản 5 Điều 4 của Pháp lệnh này”.

Cứ theo giải thích này của ông Chuẩn thì hình như Bộ Giáo dục không có lỗi, mà nguyên nhân sâu xa lại xuất phát từ Pháp lệnh số 04. Cứ cho là lời ông Chuẩn nói đúng, về mặt thủ tục hành chính, các cơ quan nhà nước phải chấp hành pháp lệnh. Nhưng nhìn ở một góc độ khác thì cũng phải thấy rằng đấy là một lối suy nghĩ máy móc, có phần thiển cận.
Đấy là còn chưa kể, Pháp lệnh số 04 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng ký nói rất rõ tại khoản 5 Điều 4 “Được ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; được hỗ trợ để theo học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học”.

Cần phải hiểu, “ưu tiên trong tuyển sinh” không phải là cộng điểm khi thi tốt nghiệp THPT mà là ưu tiên khi học tập tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Nhưng ngay cả những cụ còn có con đẻ (hay con nuôi) theo học đại học, cao đẳng… thì cũng chỉ là chuyện cá biệt, không nhất thiết phải đưa thành Thông tư như Bộ Giáo dục.

Còn nhớ cách đây gần 1 năm, Bộ Giáo dục từng ra thông tư số 24, bổ sung đối tượng ưu tiên trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Theo đó, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945... được bổ sung vào nhóm ưu tiên và được cộng 2 điểm.

Lần ấy có người đã bình luận: Không hiểu Bộ Giáo dục ưu tiên cho các mẹ làm gì? Các mẹ bây giờ cần các chính sách tốt để gìn giữ sức khỏe chứ đâu cần đi thi lấy tấm bằng đại học… xuống âm phủ khoe với ai?

12 ngày sau khi công bố thông tư, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã phải ban hành thông tư bãi bỏ ưu tiên này. Lần đó, Bộ trưởng Luận được nhiều người đánh giá cao, vì đã thẳng thắn nhìn nhận và sửa chữa sai lầm ấy. Nhưng rồi cũng chẳng thấy ai ở Bộ Giáo dục bị xử lý kiểm điểm, tất cả đều bình yên vô sự.

Ngày ấy, mặc dù thông tư 24 bị bãi bỏ, nhưng khi trả lời báo chí, ông Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ Giáo dục vẫn cứ khăng khăng rằng, thông tư 24 phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng không giới hạn tuổi của thí sinh nên mọi người dân nếu đủ điều kiện và có nguyện vọng đều có thể dự thi đại học.

Nghe những giải thích của ông Ga, ông Chuẩn và nhiều vị quan khác ở Bộ Giáo dục, người ta vẫn thấy thật ngượng nghịu như những đứa trẻ tập nói, vì hai lẽ: Một là các ông không nói thật; hai là các ông không hiểu được cái thật - bản chất của vấn đề.

Và từ những phát ngôn của các quan chức ở Bộ Giáo dục, người ta mới nhận ra một điều, đấy là mọi đứa trẻ từ khi tập nói đều được gia đình dạy "nói thật", nhưng khi đã trở thành người có địa vị trong xã hội thì họ không chắc còn nói thật được nữa.

Thế nên có người bảo, nhiều quan chức ở Bộ Giáo dục giờ chỉ quen đút chân trong phòng lạnh, lâu lâu lại nghĩ ra một chính sách trên trời. Họ có bao giờ nghĩ, được hưởng lương từ tiền thuế của dân thì phải làm những việc thực sự có ích cho dân?

Với một đội ngũ giúp việc có thừa sự quan liêu và ấu trĩ như vậy, không hiểu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ còn khổ sở thế nào trong cuộc cách tân nền giáo dục vốn đã có quá nhiều thương tích? Rốt cuộc, ông Bộ trưởng sẽ phải dành thêm rất nhiều thời gian để "gỡ rối" cho cấp dưới và xin lỗi dư luận.


1 nhận xét:

  1. Mấy ông ở trên Bộ Giáo dục và đào tạo không ngu đâu . Họ cố ý ban hành thộng tư này là để chửi móc các thông tư, nghị định của cấp trên và các Bộ khác thôi

    Trả lờiXóa