Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Giàn khoan TQ: Sức ép và cơ hội cho Việt Nam

Toàn văn bản gốc Trần Kiên: Giàn khoan Hải Dương 981, sức ép và cơ hội cho Việt Nam (viet-studies 5-6-14) của bài trên Thời Báo Kinh Tế Sài GònMình thích đoạn này trong bài: "Có một loại cây rất gần gũi với đời sống người Việt thường được lấy để làm biểu trưng cho những nét tính cách này của người Việt. Đó là cây tre. Tre rất mạnh mẽ, cứng rắn nhưng lại cũng rất dẻo dai trong cơn bão". Trước đây tre bạt ngàn ở miền Bắc nhưng tiếc rằng từ sau khi thống nhất đất nước năm 1975 đến nay, dân ta đua nhau chặt tre, đến nay tre đã thành của hiếm. Phải chăng hết tre thì tính cách mạnh mẽ, cứng rắn nhưng lại rất dẻo dai của người Việt cũng mất theo ? Tôi rất tán thành quan điểm của tác giả bài báo dưới đây. Những thứ ông đề xuất trong bài, lãnh đạo biết cả, chỉ có điều họ có dám từ bỏ lợi ích của mình, của phe cánh và gia tộc mình để chăm lo lợi ích chung của toàn dân và đất nước hay không.
Giàn khoan TQ: Sức ép và cơ hội cho Việt Nam
Trần Kiên: Tôi đặc biệt ấn tượng với ví von của ông Nguyễn Thành Nam, nguyên TGĐ FPT khi cho rằng giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc cũng như con tàu của đô đốc Perry tới Nhật Bản năm 1853 ép chính quyền Mạc Phủ từ bỏ chính sách bế quan tỏa cảng và mở cửa giao thương với thế giới[1]. Sự kiện tưởng chừng làm nhục nhã nước Nhật đó cuối cùng lại trở thành cột mốc và cú hích lịch sử cho sự canh tân của Nhật Bản.
Muốn độc lập thực sự, có chủ quyền về mặt địa lý chỉ mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải có một đất nước cường thịnh về mặt kinh tế. Ảnh: Phương Thảo

Hiện giờ, có lẽ rất nhiều người Việt Nam cũng hi vọng rằng sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, dù không hề được mong muốn này, cũng sẽ trở thành một cú hích, giúp Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo bấy lâu nay và đi vào con đường mới nhiều cam go thử thách nhưng cũng hứa hẹn một tương lai sáng lạn hơn cho dân tộc.

Cuộc sống đôi khi cần một cú hích đau đớn như vậy và lịch sử nhiều dân tộc cho thấy, nếu biết tận dụng cơ hội do những cú hích như vậy mang lại thì dân tộc đó sẽ vươn lên còn không sẽ mãi chịu cảnh yếu hèn.

Dư luận trong nước nói chung rất vui mừng vì tuyên bố rõ ràng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Manila rằng: “Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó…”. Đây là một sự khẳng định đanh thép rằng đối với Việt Nam, độc lập và chủ quyền là mục tiêu thiêng liêng và tối thượng.

Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại ngày nay, muốn độc lập thực sự thì có chủ quyền về mặt địa lý mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải có một đất nước cường thịnh về mặt kinh tế, đồng thời giữ được sự độc lập tư tưởng vì nếu kinh tế yếu kém và tư tưởng bị lệ thuộc thì chủ quyền về địa lý cũng sẽ rất mong manh và nhiều khi cũng chỉ còn là độc lập trên danh nghĩa.

Có thể nói Việt Nam đang ở một bước ngoặt quyết định cho vận mệnh của dân tộc. Trước đây, việc lựa chọn con đường phát triển của đất nước chủ yếu phụ thuộc vào sự tương quan của các quan điểm chính trị nội bộ trong nước. Tuy nhiên, qua sự kiện giàn khoan Hải Dương-981 thì hầu hết nước người Việt Nam hiện nay đều đột nhiên cảm thấy sức nóng bởi sự “đe dọa” từ một người khổng lồ đầy tham vọng đang trỗi dậy, nhất là khi người khổng lồ này đã từng có nhiều ân oán với Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. 

Qua các sự kiện liên tiếp diễn ra sau khi giàn khoan được đưa vào lãnh thổ Việt Nam: thị trường chứng khoán sụt giá mạnh nhất từng được ghi nhận, giá vàng và USD biến động mạnh, biểu tình đốt phá gây thiệt hại lớn ở các KCN quan trọng nhất của đất nước, các đòn chiến tranh tâm lý… thì có thể thấy áp lực mà Trung Quốc đặt lên Việt Nam trong thời gian tới sẽ không chỉ đơn thuần là các tham vọng về lãnh thổ mà còn là trên mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Chính vì vậy, theo tác giả, đối phó với mối đe dọa hiện hữu trực tiếp này phải được coi như mục tiêu hàng đầu của đất nước trong giai đoạn tới, vượt qua những mục tiêu còn mang tính xa xôi khác.

Để có thể đối phó có hiệu quả với mối đe dọa này thì không có cách nào khác, điều kiện tiên quyết là bằng mọi cách phải xây dựng một đất nước thực sự cường thịnh về kinh tế. Bởi nếu không có sức mạnh kinh tế thì không thể bảo đảm được sức mạnh về quân sự, ngoại giao, là những công cụ trực tiếp quan trọng nhất để bảo vệ đất nước (Hiện GDP bình quân đầu người của Trung Quốc (2012) đã gấp hơn 3 lần của Việt Nam (6091USD so với 1755 USD)[2] và với tốc độ tăng trưởng GDP vẫn cao hơn Việt Nam nhiều thì rất có thể khoảng cách này ngày càng doãng rộng hơn trong thời gian tới[3]. Quy mô nền kinh tế Trung Quốc hiện đang đứng thứ 2 và cũng sắp đứng hàng đầu thế giới). Nếu không có sức mạnh về kinh tế thì chỉ cần một vài hành động khiêu khích, thao túng cũng có thể gây chao đảo cả nền kinh tế, làm đất nước không thể tập trung cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng.

Dân tộc Việt Nam vốn không có truyền thống triết học suy tư về những vấn đề lý luận trừu tượng một cách có hệ thống như Trung Quốc hay Ấn Độ. Nhưng bù lại, để có thể tồn tại trong một môi trường không lấy gì làm thuận lợi về thời tiết và sức ép lớn từ bên ngoài thì người Việt Nam lại có một thế mạnh là biết cách ứng biến linh hoạt. Người Việt thường rất cứng rắn, đặc biệt khi đối mặt với kẻ thù nhưng cũng biết tùy vào điều kiện và hoàn cảnh mà biết quyền biến tùy thời.

Có một loại cây rất gần gũi với đời sống người Việt thường được lấy để làm biểu trưng cho những nét tính cách này của người Việt. Đó là cây tre. Tre rất mạnh mẽ, cứng rắn nhưng lại cũng rất dẻo dai trong cơn bão. Truyền thống này được biểu hiện đầy đủ trong lời dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi sang Paris hòa đàm của Hồ Chủ tịch: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Theo tác giả, thời điểm then chốt này chính là lúc mà Việt Nam phải tận dụng bằng được sở trường này của dân tộc mình.

Như trên đã nói, mệnh lệnh tối thượng của đất nước hiện nay là phải cường thịnh, cường thịnh và cường thịnh bằng mọi giá. Nếu Việt Nam đã đặt mục tiêu hàng đầu là tìm mọi cách để đất nước cường thịnh trong thời gian ngắn nhất có thể thì cần quyết tâm và cương quyết ưu tiên thực hiện mọi biện pháp chắc chắn sẽ làm quốc gia cường thịnh và giúp đất nước trở nên đoàn kết. Những điều gì còn xa xôi, chưa được thực tiễn chứng minh có thể giúp đất nước cường thịnh thì nên tạm xếp lại chưa thực hiện hoặc chỉ nên được bàn luận trong giới nghiên cứu.

Theo tác giả, chúng ta không còn nhiều thời gian, không nên “sáng tạo” ra những “đặc sản” đặc thù của Việt Nam – mà có tác giả gọi là “chủ nghĩa ngoại lệ[4] - nữa, thời gian và vận mệnh của đất nước không cho phép chúng ta làm vậy. Kinh nghiệm phát triển thế giới đã có rất nhiều, chúng ta chỉ cần lựa cái hay, bỏ cái dở đi thì đã tốt lắm rồi. Những cái “đặc thù” của Việt Nam xin hãy để dành cho tương lai. Giờ không phải là lúc ngồi tranh cãi với nhau những thứ còn mơ hồ, xa xôi, không chắc chắn liệu có thể làm đất nước cường thịnh được hay không và nhiều khi còn làm lòng dân ly tán, xã hội bất ổn (như nhiều chính sách trong lĩnh vực đất đai). Cái gì chưa chắc chắn thì không nên đưa vào thực tiễn. Đó chính là tư duy trọng thực tiễn, biết tùy cơ ứng biến trong những thời điểm khó khăn, là điểm mạnh của dân tộc Việt Nam.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, những yếu tố chắc chắn có thể làm Việt Nam cường thịnh trong thời gian nhanh nhất có thể không gì ngoài những điều đã giúp nhiều nước trở nên phát triển, đó là: Kinh tế thị trường, dân chủ, xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền.
Một điều rõ ràng rằng, dù với nhiều khuyết tật thì cơ chế thị trường hiện vẫn là cách tốt nhất để tạo ra của cải cho xã hội và làm quốc gia giàu mạnh. Như vậy cần phải quyết tâm làm nền kinh tế Việt Nam trở nên “thị trường” hơn nữa. Những chính sách nào nào làm giảm tính thị trường, giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế thì dứt khoát nên xem xét lại. Chẳng hạn, trên thế giới chưa thấy có nước nào phát triển được nhờ các tập đoàn khổng lồ của nhà nước, do đó không nên tiếp tục hoặc phải rất hạn chế thử nghiệm chính sách này. Cơ chế thị trường và tự do cạnh tranh sẽ giúp giải phóng mọi nguồn lực tiềm ẩn trong con người Việt Nam, là cách tốt nhất để thúc đẩy sự sáng tạo, giúp người dân, đặc biệt là giới trẻ thực hiện được ước mơ cống hiến cho đất nước. Nó giúp hướng nỗ lực và tình cảm yêu nước của người dân vào con đường đúng đắn nhất là hăng say làm việc tạo ra của cải cho đất nước thay vì những hành vi tiêu cực khác.

Dân chủ ở đây không có nghĩa là “đa nguyên đa đảng” mà chỉ cần đơn giản như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là “Dân chủ thật ra có nghĩa là: để cho dân được mở miệng. Dân chủ là đừng bịt miệng dân". Điều này có nghĩa mở rộng và tôn trọng quyền đóng góp ý kiến, dù là trái chiều của mọi tầng lớp nhân dân vì khi có sự đóng góp ý kiến và giám sát của người dân thì sẽ giảm được khả năng của những quyết định sai lầm. Như đã nói, thời gian đối với Việt Nam hiện nay rất quý. Càng giảm bớt được thời gian để chỉnh sửa sai lầm thì càng tốt cho đất nước và do đó, bất cứ điều gì làm giảm khả năng sai lầm đều phải được tận dụng triệt để.

Việc xây dựng một xã hội dân sự cũng rất quan trọng. Trái với suy nghĩ của nhiều người, một xã hội dân sự lành mạnh không hề ảnh hưởng tới sự lãnh đạo của Đảng mà sẽ còn có thể làm Đảng mạnh hơn vì nó giúp huy động sức mạnh nguồn lực và khí thế của người dân tham gia vào quản lý xã hội. Đảng có thể có thể tập trung nguồn lực để giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược khác. Xã hội dân sự cũng sẽ tạo điều kiện cho “ngoại giao nhân dân” phát triển hơn thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ, giúp Việt Nam có thêm được tình cảm và sự đồng cảm từ bạn bè quốc tế.

Nhà nước pháp quyền sẽ giúp người dân yên tâm làm ăn, tránh được những rủi ro pháp lý như nhiều trường hợp xảy ra gần đây. Đây sẽ là bệ đỡ thúc đẩy nền kinh tế phát triển và phát huy sự sáng tạo và dám nghĩ dám làm của doanh nhân.

Thực hiện tốt những nguyên tắc này chắc chắn sẽ làm Việt Nam cường thịnh hơn và xích lại gần với những giá trị hiện đại của thế giới văn minh và do đó Việt Nam sẽ có thêm cảm tình của những nước tiến bộ trên thế giới.

Chắc chắn sẽ có nhiều người đặt câu hỏi rằng khi thực hiện những điều trên thì liệu có đe dọa tới sự lãnh đạo của Đảng trong xã hội hiện nay hay không? Theo tác giả bài này thì không cần lo lắng điều này. Bởi vì trong những giai đoạn khó khăn, một quốc gia càng cần những người lãnh đạo mạnh mẽ, sáng suốt, biết tập trung tất cả năng lực cho một mục tiêu duy nhất (hiện nay đó là mục tiêu làm quốc gia cường thịnh). Đây lại chính là những điểm mạnh của Đảng qua thời kỳ giành độc lập khi Đảng tập trung cho mục tiêu lớn nhất là giành độc lập cho đất nước. Nếu trong thời gian tới, Đảng lãnh đạo được đất nước trở nên cường thịnh, giữ vững được độc lập chủ quyền cả về kinh tế và tư tưởng, quyết tâm chống tham nhũng thì vị trí của Đảng trong lòng người dân Việt Nam và đất nước sẽ càng vững bền và sẽ không có thế lực nào thách thức sự chính danh của Đảng được. Đây chính là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng cũng rất vinh quang nếu Đảng nếu thực hiện được. Như trường hợp của Singapore đã chứng minh, cơ chế một đảng cầm quyền kết hợp với những yếu tố thể chế và kỹ trị hiện đại của một nền kinh tế thị trường như đã nói ở trên hoàn toàn có thể giúp một quốc gia tăng trưởng nhanh nhất tới mức có thể.

Tất nhiên, muốn làm được như vậy thì Đảng phải quy tụ được lòng dân, phải làm cho người dân thấy những người lãnh đạo thực tâm muốn đất nước phát triển và giữ độc lập cả về kinh tế và tư tưởng. Quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại là phải bằng mọi cách kiềm chế được tham nhũng vì chắc chắn người dân không thể tin những cán bộ tham nhũng lại thực tâm yêu nước và những người mất uy tín vì tham nhũng như vậy cũng rất khó có thể quy tụ được lòng dân trong những lúc khó khăn.

Và cuối cùng, phải luôn nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: "Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì".

Trần Kiên
http://www.thesaigontimes.vn/115818/Gian-khoan-Hai-Duong-981-Suc-ep-va-co-hoi-cho-Viet-Nam.html

[1] “Chỉ cần chúng ta không hèn và hiểu biết” (http://bizlive.vn/nghi/chi-can-chung-ta-khong-hen-va-hieu-biet-180050.html)

[2] http://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.PCAP.CD

[3] Nếu giả định tốc độ tăng trưởng bình quân GDP đầu người của Trung Quốc là 7%/năm và của Việt Nam là 6%/năm thì sau 20 năm nữa GDP bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ khoảng 25 ngàn USD/năm và của Việt Nam là 6000 USD/năm.

[4] “Chủ nghĩa ngoại lệ” trong thể chế kinh tế Việt Nam (http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/114540)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét