Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Ukraina: một bài toán tính sai?

Có bạn gửi email cho blog bài này:
Ukraina: một bài toán tính sai?
Lữ Giang
Các diễn biến trong các tuần vừa qua cho thấy Hoa Kỳ đã tính sai ván bài Ukraina. Giờ đây, Hoa Kỳ, các nước NATO và Ukraina chỉ mong rằng Nga dừng lại ở Crimea chứ không tiến xa hơn nữa.
Hôm 11.3.2014, Quyền Tổng Thống Ukraina là ông Olexandre Tourtchinov đã nói với phóng viên AFP rằng Ukraina sẽ không làm theo «kịch bản của điện Kremlin» về việc sát nhập Crimée vào nước Nga, nhưng sẽ không can thiệp quân sự vào vùng Criméa, mà sẽ tập trung bảo vệ đường biên giới phía Đông. Ông giải thích thêm với thông tín viên Sébastien Gobert của RFI rằng Ukraina loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào Criméa để không bị hở sườn phía đông, khu vực cũng đang bị áp lực rất nặng. Ông cho biết Ukraina hiện chỉ có khoảng 6 ngàn binh sĩ là đủ khả năng sẵn sàng ứng chiến, trong khi đó có ít nhất 200.000 quân Nga đang tập trung ở biên giới phía Tây nước này.

Những lời tuyên bố này cho thấy Tổng Thống Ukraina đã có những nhận định rất sáng suốt. Ông không muốn nước ông đi vào vết xe của Gruzia năm 2008 và mang thảm họa. Những nhận định này cũng cho thấy Ukraina không tin tưởng gì vào sự can thiệp bằng quân sự của Hoa Kỳ và NATO
NHỮNG LÁ BÀI CỦA HAI BÊN
Ký giả Steve Rosenberg của BBC ở Nga cho biết theo cách nhìn của ông Putin, ông đang sống trong một thế giới mà các nước phương Tây ngày đêm lập mưu để gây bất ổn cho Nga và cá nhân ông.
1.- Vấn đề vòng đai bao vây nước Nga
Năm 1991 Liên Sô  sụp đổ vì hai lý do chính: Cuộc chạy đua về chương trình không gian với Hoa Kỳ và phải “nuôi báo cô” 15 nước vòng đai Liên Sô khiến nền kinh tế Nga kiệt quệ. Nga phải buông 15 nước chư hầu này ra. Nhưng sau khi phục hồi lại địa vị của một đại cường, Nga tìm cách ngăn chận Hoa Kỳ và các nước NATO biến một số nước chư hầu cũ của Liên Sô thành vòng đai bao vây Nga.
Năm 2010, trong cuộc phỏng vấn của báo Kommersant, ông Vladimir Putin nhắc lại chuyệnNATO đã từng hứa với Liên Xô sẽ không mở rộng quá ranh giới hiện nay. Nhưng họ không giữ lời. Nhận xét này không có gì sai.
Năm 2003, Hoa Kỳ và các nước NATO đã giúp Gruzia (tiếng Anh gọi là Georgia) thực hiện cuộc“Cách Mạng Hồng”, thành lập một chính phủ thân Tây phương và xin gia nhập khối NATO. Nga liền yểm trợ hai vùng Abkhazia và Nam Ossetia ly khai khỏi Gruzia, thành lập khu tự trị. Ngày 7.8.2008, quân đội Gruzia mở cuộc tấn công vào Nam Ossetia, Nga đem quân can thiệp, quân Gruzia bỏ chạy.
Cũng trong năm 2003, Hoa Kỳ và các nước NATO đã yểm trợ khối Kitô giáo thân Tây Phương ở Ukriana thực hiện cuộc “Cách Mạng Cam”, sau đó một cuộc tranh chấp gay cấn đã xảy ra giữa hai nhóm Kitô giáo thân Nga và thân Tây Phương. Trong cuộc suy thoái kinh tế năm 2013, Tổng Thống Viktor Yanukovych thân Nga từ chối tham gia khối Liên Hiệp Âu Châu và đi theo Nga để được vay 15 tỷ USD. Khối thân Tây Phương biểu tình phản đối đưa đến đổ máu. Ông Yanukovych bị lật đổ.
Ông Putin nói rằng việc ông Viktor Yanukovych từ chối ký thỏa thuận hợp tác với EU cuối năm ngoái "đơn giản đã được dùng làm cớ để ủng hộ các lực lượng đối lập trong cuộc tranh giành quyền lực... Đây không phải là lần đầu tiên các đối tác phương Tây của chúng tôi làm điều này ở Ukraine". Ông đặt câu hỏi rằng liệu việc chính phủ thân Phương Tây ở Kiev gia nhập EU có nghĩa là trong tương lai sẽ gia nhập NATO?
Ông Putin đi đến kết luận: "Họ lừa chúng ta theo cách thô thiển nhất."
Nói tóm lại, với tư cách là một cường quốc, Nga cương quyết không để Hoa Kỳ và các nước NATO biến các nước thuộc Liên Sô cũ thành những mũi nhọn thọc vào hông Liên Bang Nga.
2.- Tranh giàng ảnh hưởng ở Trung Đông
Kết quả vụ tấn công Libya đã làm ông Putin nổi điên vì cảm giác ông bị lừa dối. Ông nói rằng Moscow không phủ quyết nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về vùng cấm bay là để bảo vệ thường dân. Nhưng NATO đã dẫn tới thay đổi chế độ và cái chết của Đại tá Muammar Gaddafi, đi xa hơn nhiều so với dự tính của Nga. Do đó, trong vụ Syria, Nga  đã phủ quyết.
Trong hai biến cố này, chúng tôi hơi ngạc nhiên về việc Nga không nhận ra chiến thuật của Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Phương ở Trung Đông là khống chế khối Hồi Giáo bằng hai giai đoạn: Giai đoạn một là tiêu diệt tất cả các lãnh tụ Hồi Giáo có chủ trương tiến tới lãnh đạo khối Hồi Giáo như Saddam Hussein, Muammar Gaddafi, Hosni Mubarak hay Bashar Hafez al-Assad. Giai đoạn hai là để khối Hồi Giáo tranh giành quyền lực và thanh toán nhau. Dĩ nhiên, trong một tình trạng bấn loạn như vậy, cả Hoa Kỳ lẫn Nga đều phải củng cố thế đứng của mình. Hoa kỳ đã có thế đứng vững chắc ở Israel và Kuwait, còn Nga đang xây dựng ở Iran và Syria.
3.- Vấn đề sáp nhập Crimea vào Nga
Trong khi Tổng Thống Obama và Thủ tướng Đức tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Crimea vào Nga là bất hợp pháp, Nga đưa án lệ Kosovo ra để đối kháng.
Ngày 22.9.1991 Kosovo tuyên bố độc lập và tách ra khỏi Serbia. Cuộc chiến đã xảy ra, Liên Hiệp Quốc phải can thiệp. Ngày 17.2.2008 Kosovo lại tuyên bố độc lập. Dựa theo đề nghị Serbia, Liên Hiệp Quốc đưa nội vụ ra trước Tòa Án Quốc Tế La Haye xin cho ý kiến. Ngày 22.7.2010, Tòa Án Quốc Tế phán quyết rằng việc tuyên bố độc lập của Kosovo không vi phạm các nguyên tắc chung hoặc luật pháp quốc tế, vốn không cấm đơn phương tuyên bố độc lập, cũng không vi phạm các điều luật quốc tế cụ thể - đặc biệt là UNSCR 1244 - vốn không xác định tình trạng cuối cùng của Kosovo.
(The adoption of the declaration of independence of the 17 February 2008 did not violate general international law because international law contains no prohibition on declarations of independence, nor did the adoption of the declaration of independence violate UN Security Council Resolution 1244.)
MỸ VÀ TÂY PHƯƠNG ĐANG LÚNG TÚNG
Cho đến nay, không một cường quốc nào tỏ ra sẵn sàng đối đầu trực diện với Nga để bảo vệ Crimée. Các biện pháp “cấm vận” và phong tỏa mà Hoa Kỳ và các nước Tây Âu dọa đưa ra, xem ra không gây ảnh hưởng gì đến quyết định Nga. Trái lại, một số nước và tổ chức kinh doanh Tây Phương lại lo ngại các biện pháp đó sẽ làm cho nền kinh tế xấu đi.
Viện nghiên cứu Oxford Economics cho rằng nếu Nga đưa thêm quân vào Ukraina sẽ dẫn đến việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Châu Âu qua hệ thống ống dẫn đặt trên lãnh thổ Ukraina, còn phương Tây thì áp dụng một vài biện pháp trả đũa về tài chính nhắm vào Nga, lúc đó giá khí đốt trên thị trường Châu Âu sẽ tăng khoảng 15%, dầu lửa tăng 10% từ nay đến 2015, tổng sản phẩm quốc nội – PIB - của các nước trong khu vực đồng Euro giảm 1,5% so với kịch bản không có leo thang xung đột quân sự. Tăng trưởng của một số nước Đông Âu sẽ giảm tới 3%. Hoa Kỳ và Châu Á ít bị tác động hơn. Tuy nhiên, «bên bị thua thiệt nhiều sẽ là Nga» vì đồng Rouble bị mất giá mạnh, lạm phát tăng cao và PIB giảm 2% trong năm 2014 và có thể tới 4,5% trong năm 2015. Còn Ukraina thì sẽ bị phá sản.
Ông Arnaud Dubien, Chủ tịch Đài Quan sát Pháp-Nga, cho rằng «sẽ chỉ có các bên thua» nếu Nga và phương Tây đưa ra các biện pháp trả đũa nhau về mặt kinh tế và ông không tin điều này sẽ xẩy ra. Ông lưu ý rằng trong cuộc chiến tranh kinh tế với Nga, các nước Châu Âu, đặc biệt là Pháp cũng sẽ bị thiệt hại không nhỏ. Nga là thị trường xuất khẩu đứng hàng thứ ba của Pháp, ngoài Châu Âu. Trong quan hệ thương mại song phương, Pháp phải nhập siêu. Mặt khác, Nga vẫn còn tiềm lực to lớn để bảo vệ đồng Rouble. Tính đến cuối tháng hai vừa qua, dự trữ ngoại tệ của Nga lên tới 493,4 tỷ USD.
Ngày 1.3.2014 ông Andrew Kuchins, Giám đốc Chương trình Nga tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế có trụ sở tại Washington nói với tờ The New York Times: “Những nổ lực của Mỹ để trừng phạt Nga trở nên phức tạp vì nhu cầu của Tòa Bạch Ốc cần sự hợp tác của Nga trong những vụ như: chấm dứt chiến tranh ở Syria, đàm phán hiệp ước về vũ khí hạt nhân của Iran và việc di chuyển quân đội và trang thiết bị của Mỹ khi rút ra khỏi Afghanistan thông qua con đường do Nga thiết lập trước kia khi họ rút ra khỏi Afghaniatan…”
MỸ BỊ TRÚNG KẾ CỦA KGB?
Một số chuyên gia tin rằng Hoa Kỳ đã trúng kế của Putin khi công khai đứng ra yểm trợ cuộc nổi dậy ở Ukraina vào cuối năm vừa qua, tạo cơ hội cho Nga phục hồi lại vị thế của Nga trước khi Liên Sô sụp đổ.
Ngày 4.3.2014, dân biểu Mike Rogers, Chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, cho biết ủy ban của ông đã bắt đầu một cuộc điều tra để tìm xem lý do nào mà tình báo Mỹ không hay biết gì trước sự việc lớn như thế. Dân biểu Peter King, một thành viên của ủy ban, cho biết ban đầu Tổng thống Obama và các nghị sĩ cho rằng việc Nga can thiệp quân sự vào Crimea rất khó xảy ra.
Ngày 5.3.2014, tại Thượng Viện Hoa Kỳ, thượng nghị sĩ John McCain đặt câu hỏi với Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel tại sao chuyện Ukraina to lớn như thế mà tình báo quốc phòng không đoán trước được việc Putin đưa quân sang chiếm Crimea. Bà Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Dianne Feinstein, Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, tuyên bố: “Chúng ta phải sử dụng nguồn năng lực cho đúng chỗ. Không thể để cho quân Nga chiếm đóng Crimea xong rồi thì Washington mới hay biết. Quốc Hội sẽ thảo luận với hành pháp và những viên chức điều khiển ngành an ninh tình báo để tình trạng tương tự không xảy ra nữa”.
Trước những việc đã rồi, trong khi Tổng Thống Obama tuyên bố những biện pháp trừng phạt Nga thì ngày 3.3.2014, ông John Brennan, Giám đốc CIA, kêu gọi Mỹ có cách tiếp cận thận trọng. Ông nói với một nghị sĩ rằng năm 1997 một thỏa thuận được ký kết giữa Ukraina và Nga, theo đó Nga được phép triển khai tới 25.000 quân trong khu vực Crimea. Con số binh sĩ Nga trong những ngày gần đây lên tới 6.000, trong khi giới chức Ukraina đưa ra con số 16.000. Tuy nhiên, cả hai con số đó cũng nằm dưới con số thỏa thuận là 25.000.
Giờ đây, Hoa Kỳ, các nước NATO và Ukraina chỉ mong rằng Nga dừng lại ở Crimea chứ không tiến xa hơn nữa.
Ngày 13.3.2014
Lữ Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét