Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Những tư duy cản lực phát triển

Mấy tiêu đề bài này rất hay: 1) Quan chức chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng, không chịu trách nhiệm trước dân; 2) Chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng nên không có tư duy từ chức; 3) Khó nói chữ “tôi” trách nhiệm trước dân...
Những tư duy cản lực phát triển 
CHÂU PHONG: Thế giới đổi thay từng ngày. Cuộc sống thay đổi từng giờ. Đổi mới ngày càng sâu rộng. Nhận thức của người dân thay đổi nhiều. Tư duy bị cầm tù, đất nước không thể phát triển.
Hồ Chí Minh - công bộc trung thành của nhân dân
I.Đổi mới tư duy là đặc tính của cách mạng, xu thế tất yếu của thời đại
Đổi mới và đổi mới tư duy không có gì mới. Điều này đã được các bậc thầy về cách mạng đề cập từ sớm. V.I Lênin nói: “Người cộng sản phải có dũng khí nhìn vào sự thật, phải có gan vứt bỏ những nhận thức của ngày hôm qua không phù hợp với tình hình diễn biến của ngày hôm nay, phải biết “thay đổi sách lược, chọn một con đường khác để đi tới đích của chúng ta, nếu con đường cũ, trong một thời gian nhất định nào đó, xem ra không thích hợp nữa, không đi theo được nữa” (Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn Giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, H, 2003, tr.474-475). Và sau đây là những lời nói, lời dạy vàng ngọc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình hình, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước... Không chịu tự phê bình, không chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.4, tr.26).

“Xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.35).

“Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến... Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản... Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.280-281).

“Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội’ (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.227).

“Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải ngày càng tiến... Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđ d, t.7, tr.259).

Đảng ta, cách đây gần 30 năm, với Đại hội VI, đã đánh dấu sự đổi mới của Đảng về tư duy. Đảng ta nhấn mạnh rằng “đó là đòi hỏi bức thiết của đất nước. Đó cũng là đặc tính của cách mạng, nhất là cách mạng xã hội chủ nghĩa, là bản chất sâu xa của chủ nghĩa Mác-Lênin, là xu thế tất yếu của thời đại”. Nhận rõ đổi mới tư duy là quy luật nhất định, tất yếu của cách mạng, của công cuộc đổi mới, Đảng ta khẳng định rằng chỉ có đổi mới tư duy thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy hết những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa. Muốn thế, “phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, H, 1987, tr.8).

II. Những tư duy trở lực phát triển

1.Chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng, không chịu trách nhiệm trước dân

Gần đây, trên một số diễn đàn lớn, chúng ta thường nghe một số quan chức nói rằng họ giữ chức vụ là do Đảng giới thiệu, Quốc hội bầu.Vì vậy, họ chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng và không thể từ chức. Điều này nghe qua thì đúng vì đảng viên thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng và muốn từ chức thì phải được Đảng đồng ý và Quốc hội phê chuẩn. Nhưng xét kỹ thì đó làm trái tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trước hết phải nhận thức đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo với vai trò của nhân dân. Cách mạng trước hết phải có Đảng. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng. Bác Hồ dạy: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác-Lênin”.

Khi bàn về những điều kinh nghiệm trong lãnh đạo - vì ai mà làm? Đối ai phụ trách?, Hồ Chí Minh nói rõ: “Có người nói rằng mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng, trước Chính phủ. Thế là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ phụ trách trước Đảng và Chính phủ, đồng thời họ phải phụ trách trước nhân dân. Mà phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc, và cũng phụ trách trước nhân dân. Vì vậy nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.294).

Tư duy chỉ phụ trách trước Đảng mà không phụ trách trước nhân dân tức là chỉ thấy Đảng mà không thấy nhân dân, những người làm nên thắng lợi của cách mạng. Chỉ thị 03 nói phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, trong đó có nội dung phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Tư duy nói trên đi ngược lại tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại phiên bế mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4: “... Thế mà cứ hô khẩu hiệu là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Tạp chí Cộng sản số 834, tháng 4-2012). Phê phán tư duy chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng, không phụ trách trước nhân dân cũng có nghĩa là phải bảo đảm quyền tham gia và dự phần của mọi người dân, thực hiện chế độ trưng cầu dân ý theo Hiến pháp và lời dạy của Bác Hồ là “xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ”.

2. Chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng nên không có tư duy từ chức

Liên quan đến tư duy chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng nên một số quan chức cho rằng “không nên nghĩ rằng cứ mỗi một vụ việc cụ thể thì một Bộ trưởng phải nghĩ ngay đến việc từ chức hay không từ chức”.

Đúng rằng việc từ chức không phải anh muốn là được. Phải được Quốc hội bãi nhiệm. Nhưng tư duy về việc từ chức thì Đảng và Quốc hội không cấm. Nhân dân càng không cấm. Mà không nghĩ đến việc từ chức là làm trái lời Bác. Bác nói việc Người phải gánh chức Chủ tịch là do đồng bào ủy thác. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui. Đồng bào cho lui tức là đồng bào không tín nhiệm anh nữa. Anh phải biết điều đó. Phải biết xấu hổ. Phải biết tự trọng. Phải có trách nhiệm với dân. Không nên ỷ vào Đảng để không nói được trước đồng bào mấy chữ “tôi xin từ chức”.

Mặt khác, nếu nói rằng “không nên nghĩ cứ có một việc cụ thể thì một bộ trưởng phải nghĩ ngay đến việc từ chức hay không từ chức” thì sẽ không bao giờ có việc từ chức xảy ra. Và như vậy sẽ “hòa cả làng”. Vì cái gì mà chẳng là việc cụ thể. Nhưng xin thưa, vấn đề là ở chỗ không phải là một việc cụ thể mà là cả một chuỗi vụ việc liên hoàn, ngay cả khi vụ việc trước đang nóng thì vụ việc sau lại đến, liên tục, liên tục, không dứt, không ngớt. Những vụ tham nhũng đâu có phải một việc? Những sai phạm trong ngành y đâu có phải một việc? Những thủy điện, phá rừng đâu có phải một việc? Những tai nạn giao thông đâu có phải một việc? V.v.. Với cách tư duy này thì chẳng ai chịu trách nhiệm cả, ngoại trừ kẻ gây ra tội. Và nếu nói rằng người phải chịu trách nhiệm lớn nhất, duy nhất là kẻ phạm tội thì mọi việc coi như đã an bài, chẳng còn gì để nói nữa.

Tư duy này cũng trái với với tư tưởng Hồ Chí Minh. Thời Bác Hồ cũng có những vụ việc cụ thể như vụ án Trần Dụ Châu, sai lầm trong cải cách ruộng đất. Sau khi y án tử hình kẻ tham nhũng và kiểm điểm những sai lầm trong cải cách ruộng đất, Bác Hồ cũng nhận trách nhiệm về mình. Tại Hôi nghị Trung ương 10 mở rộng, ngày 25-8-1956 bàn về cải cách ruộng đất và chấn chỉnh tổ chức, Hồ Chí Minh nói: “Vì ta thiếu dân chủ nên nghe ít, thấy ít, nên bây giờ ta phải dân chủ. Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này. Tất cả Trung ương phải nghe, thấy, nghĩ, làm như thế. Bài học đau xót này sẽ thúc đẩy chúng ta” (Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H, 1995, t.6, tr.333). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tỏ thái độ nghiêm khắc đối với những đồng chí phạm sai lầm trong cải cách ruộng đất. 

Sau việc thi hành kỷ luật một số cán bộ cao cấp của Đảng[1] liên quan đến trách nhiệm trong sai lầm cải cách ruộng đất, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 (mở rộng) khóa II, ngày 15-9-1956, Người nói: “Vấn đề kỷ luật của Đảng là chung cho Đảng từ trên xuống dưới. Việc thi hành kỷ luật đối với các đồng chí Trung ương nói trên chứng tỏ với nhân dân là kỷ luật của Đảng nghiêm minh, điều đó giáo dục cho cán bộ, đảng viên ta biết tôn trọng kỷ luật” (Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H, 1995, t.6, tr.341).

Tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh cho thấy Đảng, Chính phủ và cá nhân những vị đại diện phải bảo đảm pháp quyền, bảo đảm trách nhiệm giải trình, bảo đảm minh bạch thể hiện ở chỗ không những không giấu giếm khuyết điểm, mà có khuyết điểm thì phải xử lý nghiêm minh, bất kể người mắc khuyết điểm giữ chức vụ gì. Công cuộc đổi mới hiện nay không thể chấp nhân tư duy mà Hồ Chí Minh đã phê phán: “Nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.73).

3. Khó nói chữ “tôi” trách nhiệm trước dân

Thời bao cấp, phê phán tư duy không dám chịu trách nhiệm cá nhân, đổ lỗi cho khách quan, có ca dao:

“Mất mùa là do thiên tai
Được mùa là do thiên tài Đảng ta”.


Phê phán tư duy dựa dẫm, ỷ lại, rập khuôn, bảo thủ, có thơ rằng: “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ. Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ”.

Các kỳ họp Quốc hội truyền hình trực tiếp những năm qua đem lại cho người dân nhiều cảm nhận, cảm xúc, trong đó có một cảm nhận rõ nét là các vị đại diện của dân, do dân cử ra mới nói được nhiều đến hai chữ “chúng tôi” mà không thấy nói đến chữ “tôi” trách nhiệm trước dân. Hầu hết trả lời chất vấn của các chính khách về các sai lầm, khuyết điểm đều dẫn nguyên nhân khách quan, liên quan bộ này bộ kia, ngành này ngành nọ mà không nói đến trách nhiệm quản lý của bộ mình, ngành mình, cá nhân mình. Trong lý thuyết và thực tiễn quản trị quốc gia, đây là vấn đề thuộc trách nhiệm giải trình. Anh giải trình quanh co, lạc đề, đổ lỗi khách quan, cơ chế, thể chế (cơ chế, thể chế do con người xây dựng), hết thời gian chưa giải trình hết để Chủ tịch phiên họp nhắc nhở nhiều lần... (có người gọi là “cháy giáo án”) mà không thấy nguyên nhân chủ quan là tư duy cũ kỹ của 30 năm trước. Tư duy hư hỏng, lạc hậu đó hiện vẫn đang ngự trị trong đời sống chính trị-xã hội của đất nước, là một cản lực trên con đường phát triển của đất nước. Mà đổi mới là phải “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi” (Di chúc của Bác)

4.Lầm lẫn sự ủy quyền của nhân dân với quyền lực cá nhân

Một trong những khía cạnh chủ yếu của nhà nước pháp quyền là nhà nước của dân mà điều căn cốt là quyền lực thuộc về nhân dân. Điều này đã được Hiến pháp quy định và nhiều lần Hồ Chí Minh nói đến. Khi giữ chức Chủ tịch, Bác Hồ nói đó là do đồng bào ủy thác mà tôi phải gắng sức làm cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Quyền lực của dân thể hiện ở hình thức dân chủ trực tiếp mà rõ nhất là trưng cầu ý dân và dân chủ gián tiếp. Bảo đảm pháp quyền có nghĩa dân là chủ và dân làm chủ. “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.591). “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.60). Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.323). 

Vì sự nhầm lẫn nhân dân ủy quyền với quyền lực cá nhân nên: “Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.293). Sự nhầm lẫn nêu trên mà căn nguyên sâu xa là cơn khát quyền lực đã đẻ ra biết bao nhiêu chuyện đau đớn mà Bác Hồ từng phê phán, nay vẫn đang diễn ra: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.57). 

Trong chế độ dân chủ “dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.375). Tất nhiên, “khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.60).

5.Tư duy về lợi ích nhóm

Phải ghi công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vì ông nói nhiều đến một quốc nạn là lợi ích nhóm. Điều này không có gì mới. Cái mới là dám nói ra để nhân dân phanh phui, nhận diện. Có vị đại diện còn nói rằng không nên nói lợi ích nhóm mà chỉ nên nói lợi ích cục bộ. Ông ta không hiểu gì hay cố tình không hiểu. Hai loại lợi ích này có mối quan hệ nhưng lợi ích nhóm nguy hiểm hơn nhiều. 

Ở đây có sự móc ngoặc giữa chính trị với kinh tế, thậm chí cả xã hội đen và các nhóm lợi ích. Đằng sau và ẩn chưa bên trong các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng vừa qua người dân có thể nhận diện bóng dáng của lợi ích nhóm. Bởi vì, một cơ sở kinh doanh trái phép, không phép ngang nhiên tồn tại mà không bị xử lý mà báo chí gọi là “con voi chui lọt lỗ kim” thì phải khẳng định có sự bảo kê, nghĩa là lợi ích nhóm. Một vụ tham nhũng, thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng không thể là câu chuyện của một cá nhân, thậm chí một nhóm người (theo nghĩa lợi ích cục bộ) mà đây là có sự móc ngoặc, liên minh ma quỷ. Tư duy và hành động về lợi ích nhóm đang đục khoét nền kinh tế nước nhà, làm băng hoại đạo đức xã hội, trở lực của phát triển.

[1]Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 (mở rộng) khóa II, ngày 15-9-1956, đồng chí Trường Chinh không giữ nhiệm vụ Tổng Bí thư nữa vì trách nhiệm trong sai lầm cải cách ruộng đất, các đồng chí Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt ra khỏi Bộ Chính trị, đồng chí Hồ Việt Thắng ra khỏi Trung ương Đảng.

http://www.vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/nhung-tu-duy-can-luc-phat-trien

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét