Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Chủ tịch ADB: Ổn định kinh tế vĩ mô thôi chưa đủ

Chủ tịch ADB: Ổn định kinh tế vĩ mô thôi chưa đủ
Tư Hoàng 
(TBKTSG Online) - Việt Nam phải tiếp tục cải cách cơ cấu kinh tế, chú trọng sự đổi mới trong nhiều lĩnh vực, đầu tư mạnh cho nguồn nhân lực, để phát triển bền vững trong các năm tiếp theo, theo Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao.
Chỉ tịch ADB thúc giục Việt Nam cải cách thông qua 
bài nói chuyện với sinh viên ngoại thương. Ảnh Việt Tuấn.
Trong buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội ngày 15-1, ông Takehiko Nakao cho rằng Việt Nam đã duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giảm đáng kể lạm phát, ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối, nhưng những điều đó chưa đủ vì nhiều điểm yếu cơ cấu kinh tế vẫn chưa được giải quyết.

"Những cú sốc bên ngoài gần đây tất yếu làm chậm tiến trình cải cách ở Việt Nam; tuy nhiên, qua đó cũng cho thấy rõ hơn các điểm yếu về thể chế đã tồn tại trước khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vì thế, Việt Nam nên tiếp tục thực hiện các cải cách theo định hướng thị trường và tăng cường hội nhập kinh tế toàn cầu", ông nói.

Chủ tịch ADB cho rằng, những thách thức Việt Nam đang gặp phải bao gồm tính cạnh tranh thấp, bất bình đẳng đang gia tăng, năng lực xây dựng thể chế hạn chế, và quản trị yếu kém.

"Tăng trưởng nhanh và bền vững chỉ có thể đạt được khi áp dụng nguyên tắc thị trường đối với các doanh nghiệp Nhà nước, và có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa khu vực tài chính", ông khuyến cáo.

Việt Nam cần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi và khuyến khích giới doanh nhân đổi mới. Điều này đòi hỏi cần cải thiện quản trị điều hành, tăng tính minh bạch và công bố thông tin về hoạch định chính sách và quy định. Các doanh nghiệp cũng cần có khả năng cạnh tranh một cách bình đẳng về đất đai, tín dụng và thông tin kinh doanh, bất kể thuộc loại hình sở hữu nào.

Do đó, cải cách doanh nghiệp Nhà nước là vấn đề thiết yếu đối với sự phát triển của khu vực tư nhân. Các cải cách thích hợp sẽ tạo cơ hội cho đầu tư tư nhân, giảm chi phí kinh doanh và cải thiện các dịch vụ cơ bản bằng cách áp dụng các quy tắc của khu vực tư nhân và áp lực cạnh tranh thị trường.

Tuy bị hạn chế, khu vực tư nhân trong nước vẫn đang đóng vai trò chủ chốt, đóng góp gần 50% GDP và thu hút khoảng 1,5 triệu lao động hàng năm trong những năm gần đây.

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam không nên coi việc trở thành một nước công nghiệp hóa hiện đại là một điều đương nhiên. Để đạt được kết quả đó cần có một đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn, cần các cán bộ có năng lực và những doanh nghiệp có tính đổi mới". Ông Takehiko Nakao - Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - nói.

Thúc đẩy đầu tư nhân lực và cơ sở hạ tầng

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh”, ông Takehiko Nakao trích dẫn lời cổ nhân để khuyên Việt Nam cải cách giáo dục và nhiều vấn đề phát triển khác khi ông nói chuyện với với hàng trăm sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Ông khẳng định niềm tin lạc quan của bản thân vào tiềm năng phát triển của Việt Nam do có thị trường rộng lớn với 90 triệu dân, có vị trí địa lý mang tính chiến lược và có lực lượng lao động trẻ và chăm chỉ.

"Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam không nên coi việc trở thành một nước công nghiệp hóa hiện đại là một điều đương nhiên. Để đạt được kết quả đó cần có một đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn, cần các cán bộ có năng lực và những doanh nghiệp có tính đổi mới", ông Nakao nói.

Thông qua cuộc trao đổi với sinh viên, Chủ tịch ADB đã đưa ra nhiều thông điệp cải cách quan trọng, thay vì đi thăm các dự án ADB tài trợ như thông lệ.

Chủ tịch ADB cho rằng, từ nay đến năm 2025, Việt Nam sẽ phải chuyển đổi do dân số đô thị tăng gấp đôi, lên đến 50 triệu người. Các thành phố của Việt Nam sẽ là trung tâm của giáo dục tiên tiến, phát triển kỹ thuật công nghệ và sáng chế. Chất lượng cơ sở hạ tầng đô thị sẽ ngày càng quyết định tính cạnh tranh dài hạn và ổn định xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều đô thị vẫn chưa có đủ nước sạch, cơ sở hạ tầng vệ sinh và còn thiếu điện.

Nguồn vốn đầu tư cần cho Việt Nam để đổi mới hơn, tăng trưởng đồng đều và hội nhập rất lớn; chỉ riêng tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng Việt Nam cần khoảng 167 tỉ đô la Mỹ trong vòng 10 năm tới để đạt được mức tăng trưởng như mong muốn. Chỉ một nửa số vốn này sẽ có được từ ngân sách nhà nước, bao gồm cả hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và phát hành trái phiếu chính phủ; đầu tư của tư nhân vào cơ sở hạ tầng vì vậy đóng vai trò rất quan trọng.

Về giáo dục, ông cho rằng vẫn còn có những khác biệt lớn trong việc tiếp cận giáo dục ở cấp tiểu học và phổ thông cơ sở giữa các hộ gia đình có mức thu nhập khác nhau, giữa các nhóm dân tộc, giữa nam và nữ, và giữa những khu vực địa lý. Đặc biệt ở những vùng khó khăn, trẻ em ở độ tuổi đi học không được giáo dục ở mức tối thiểu do thiếu giáo viên có trình độ và thiếu trang thiết bị giáo dục.

Ngoài bài phát biểu ở Đại học Ngoại thương, trong chuyến thăm Việt Nam 3 ngày, ông Takehiko Nakao đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét