Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Đánh hay vun trồng?

Đánh hay vun trồng?
Đầu năm, tôi viết bài này về giáo dục, với đầy rẫy sự băn khoăn về một cuộc cải cách giáo dục lớn, được kỳ vọng là toàn diện, triệt để đang được triển khai, với quan niệm như ‘một trận đánh lớn’. Vậy nội hàm của ‘trận đánh’ này là gì?
Câu lạc bộ sư phạm – phụ huynh tự học cách 
dùng sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm
Tư duy chiến dịch
Việt Nam có một thời gian dài ở trong chiến tranh, nên ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội vẫn còn đậm nét. Có lẽ vì thế mà ‘tư duy chiến dịch’ đã trở thành một mô-típ tư duy điển hình. Điều này có thể nhìn thấy trong phát biểu của các nhà quản lý xã hội, và sâu xa hơn là trong việc lập kế hoạch, triển khai các chương trình phát triển, v.v.

Chẳng hạn, khi được thành lập, các Tập đoàn kinh tế quốc doanh đã được gắn cho danh hiệu, và do đó là kỳ vọng trở thành, ‘quả đấm thép’ của nền kinh tế. Rõ ràng là một tư duy chiến tranh, chứ không phải là tư duy kiến tạo. Đối tượng của nó cũng không rõ ràng. Kết quả ra sao thì đến nay đã rõ, các ‘quả đấm thép’ ngập trong nợ nần, trở thành gánh nặng của nền kinh tế. Đối tượng của các quả đấm thép này từ vô hình, bỗng trở nên rất rõ ràng, là chính nhân dân, người nuôi dưỡng nó.

Đến việc nhiều vị Bộ trưởng tự gọi mình, hoặc gọi nhau là tư lệnh ngành, cũng là biểu hiện của lối tư duy chiến dịch này. Chức danh tư lệnh gắn liền với quân đội. Khi chuyển sang dân sự, người ta không dùng chức danh này, trừ khi tư duy chiến tranh đã trở thành một vô thức ám ảnh.

Những cuộc phát động các chiến dịch đủ thể loại, rầm rộ mà không mang lại kết quả bao nhiêu, mà vô cùng tốn kém, cũng là biểu hiện của lối tư duy này.

Và gần đây nhất, trong kế hoạch cải cách giáo dục toàn diện, triệt để mà Bộ Giáo dục vừa khởi động, thì Bộ trưởng cũng cho rằng đây là một ‘trận đánh lớn’. Phải chăng, tư duy chiến tranh đã trở thành một phần tất yếu của mọi vận động trong xã hội?

Nếu vậy thì rất nguy hiểm.Vì thời chiến đã qua đi. Tư duy thời chiến và thời bình khác nhau một trời một vực. Biểu hiện rõ nhất là một bên trọng sự phá, một bên trọng việc xây; một bên ngắn hạn, một bên dài hạn; một bên diễn ra trong những hoàn cảnh đặc biệt, cô lập, còn một bên trong bối cảnh bình thường, có hội nhập quốc tế.

Vậy mang tư duy này vào giáo dục, liệu có hợp lý?

Ai đánh?

Khi coi giáo dục là một trận đánh lớn, thì câu hỏi đặt ra là “Ai đánh?”

Câu trả lời hiển nhiên là các nhà quản lý và các giáo viên. Điều này hợp lý trên logic quản trị, nhưng không đảm bảo hợp lý trong logic giáo dục. Bằng cách cải cách giáo dục như một trận đánh lớn này đã một lần nữa đặt các nhà quản lý, nhà giáo và cả hệ thống hành chính của giáo dục vào trung tâm, mà bỏ qua chủ thể chính của giáo dục: các em học sinh.

Vì sao vậy? Vì học sinh thì không thể ra trận. Nếu có ra thì cũng lại chỉ theo đuôi, được trưng ra cho đủ đội hình, chứ không thể ở tuyến đầu được. Nên coi giáo dục là một trận đánh, thì hiển nhiên rằng, câu chuyện giáo dục này là của những người lớn, học trò không có chỗ tham dự.

Nhưng các nhà quản lý có thể sẽ lập luận rằng: Chúng tôi đánh trận này là vì học sinh. Tuy học sinh không là quân chủ lực của trận đánh, nhưng chúng tôi đánh là vì các em.
Lập luận này rất chính đáng. Nhưng liệu có hợp lý?

Câu trả lời của cá nhân tôi là không. Lý do: Trong trường hợp này, các nhà giáo dục đã mắc vào một lỗi điển hình: Giáo dục các em theo cách mình nghĩ, theo khuôn mình đúc, chứ không phải theo thực tế phát triển của các em.

Đó mới là vấn đề nghiêm trọng.

Hậu cần và triết lý

Việc tranh luận xem ‘ai đánh’ có thể sẽ chỉ là chuyện bẻ chữ, vạch lá tìm sâu, vì ‘ý tại ngôn ngoại’. Gọi cuộc cải cách giáo dục này là ‘trận đánh lớn’ chỉ là cách ví von hình ảnh, để hình dung được tầm vóc của một sự chuẩn bị đòi hỏi nhiều nguồn lực. Nói cách khác là về ‘công tác hậu cần’.

Trong cuộc cải cách giáo dục này, công tác hậu cần nào là quan trọng nhất?

Hiển nhiên đó là tư duy mới và hiện đại về giáo dục, cụ thể là tư duy mới về con người, sản phẩm của nền giáo dục.

Nói cách khác, đó là việc đi tìm một triết lý giáo dục đúng, thông qua việc trả lời câu hỏi: Hệ thống giáo dục này muốn tạo ra con người như thế nào, con người tự do hay con người công cụ?

Vì sao vậy? Vì những bất cập hiện thời của hệ thống giáo dục được xây dựng trên một tư duy cũ về giáo dục và về con người được gia công theo các tiêu chí cứng nhắc định trước, và nhồi nhét những tri thức mà nhà quản lý cho là hữu ích đối với xã hội, mà không xét đến bản thân đặc điểm bẩm sinh, năng khiếu cá nhân và tiến trình phát triển tự nhiên của người học.

Muôn người một khuôn, từ nội dung, chương trình, đến cách học, cách thi, cách nghĩ, cách sống, các cảm thức thẩm mỹ, đến các thang giá trị xã hội… đều đồng nhất và lạc hậu. Vì sao? Vì những chiếc khuôn này được xây dựng trong thời chiến, trong nền kinh tế quan liêu bao cấp, nên không còn phù hợp với thời bình và hội nhập quốc tế hiện thời.

Bên cạnh những bất hợp lý trong hành chính, điển hình là chế độ lương giáo viên, thì đây chính là gốc gác của những yếu kém trong nền giáo dục hiện thời. Vậy nên, nếu không xác định và phát biểu được tường minh về một triết lý giáo dục mới, và xây dựng một kế hoạch hậu cần cho cuộc cải cách hiệu quả, thì cuộc cải cách này sẽ có rất ít cơ hội để thành công.

Trong quan niệm đó, thì vun trồng và giáo dưỡng những con người tự do mới là cách đúng để cải cách giáo dục.

Điều này không phải bây giờ mới đặt ra, mà đã được thảo luận từ 250 năm trước bởi Rousseau. Trong tác phẩm “Emile hay là về giáo dục”, Rousseau đã đặt lại quan niệm về giáo dục cổ truyền, theo đó thay vì nhào nặn trẻ em theo khuôn mẫu của người lớn, trẻ em được đặt ở vị trí trung tâm của giáo dục. Các nhà giáo thông qua việc tìm hiểu bản tính tự nhiên của trẻ em, tức nghiên cứu trẻ em trong từng giai đoạn phát triển, sẽ tiến hành công việc dạy học của mình.

Theo quan niệm này, người thầy sẽ đóng vai trò như người quan sát và nghiên cứu các em, rồi từ đó đưa ra những chỉ dẫn phù hợp, để các em tự tìm tòi khám phá, tự tìm lấy tri thức cho mình và định hình tính cách bản thân mình. Mục tiêu là để các em phát triển được toàn bộ khả năng thiên bẩm của mình và làm chủ cuộc đời mình, với đầy ắp các giá trị nhân văn, một cách tự nhiên nhất.

* * *

Sản phẩm của giáo dục là học bây giờ chẳng hạn, thì phải mười năm nữa, hoặc hơn, các em mới vào đời. Liệu điều các nhà giáo dục nghĩ, các khuôn nhà quản lý giáo dục đúc ra bây giờ, thì mười năm nữa có còn phù hợp, khi mà theo thống kê, thời gian để gấp đôi lượng tri thức hiện thời đã dưới một năm. Trong một năm nữa, lượng tri thức đã tăng lên cỡ 1.000 lần. Liệu cái khuôn các nhà giáo dục đúc ra hiện nay, có thể chứa được một khối lượng phình ra như vậy cho 10 năm sau? Vậy nên thay vì gia công các em theo các chương trình hay trận đánh lớn của các nhà quản lý, sẽ tốt hơn nếu phát triển một chương trình giáo dục khai phóng, nhân bản, dựa trên thực tế về sự phát triển của các em và vì các em, thay vì các mục tiêu của nhà quản lý.

Giáp Văn Dương
(Tia sáng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét