Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Giá gạo Việt Nam vượt Thái Lan, ai hưởng lợi?

Giá gạo Việt Nam vượt Thái Lan, ai hưởng lợi?
Giá gạo xuất khẩu và tiêu dùng nội địa ở đồng bằng sông Cửu Long đang tăng cao. Tuy nhiên nông dân hầu như đã bán hết lúa với giá thấp còn doanh nghiệp lại nói gạo tồn kho không đủ cho xuất khẩu.

Nông dân Thái Lan đang thu họach lúa hôm 19/4/2013, AFP photo
Thị trường lên giá thì hết lúa
Gạo xuất khẩu của Việt Nam từ trước đến nay đều chào giá thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan từ vài chục tới một hai trăm đô la mỗi tấn. Tuy vậy trong những ngày đầu tháng 12 này, Việt Nam chào giá cao hơn cả Thái Lan lẫn Ấn Độ khoảng 10 USD/tấn. Theo trang mạng lúa gạo quốc tế Oryza, Việt Nam chào gạo 5% tấm với giá 420-430 USD/tấn so với mức giá 410-420 USD từ Thái Lan và Ấn Độ.

Từ vụ hè thu qua thu đông mà hiện đã vào cuối vụ, đa số nông dân đồng bằng sông Cửu Long phải bán lúa với giá huề vốn hoặc có lời chút đỉnh. Nguyên nhân được cho là vì Hiệp hội Luơng thực Việt Nam bế tắc đầu ra xuất khẩu và 2 lần hạ chỉ tiêu xuất khẩu. Sau đó lúa bắt đầu nhích dần lên do có thông tin Trung Quốc mua của Việt Nam tới 3 triệu tấn gạo, trong đó 1,8 triệu là chính ngạch và 1,2 triệu mua tiểu ngạch ngang qua biên giới.

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long xót xa vì tình trạng mỗi khi thị trường lên giá thì họ đã hết lúa. Một người làm lúa ở Cần Thơ, nơi thu hoạch lúa thu đông đã qua hơn một tháng, phát biểu:

“Nông dân làm cuối mùa bán hết rồi, giấc này lúa lên ai hưởng lợi chứ nông dân đâu có được gì. Lúc bán giống 4218 được 4.600 đ một kg lúa tươi bây giờ lên tới 5.800-5.900đ, nông dân mất biết bao nhiêu tiền, mỗi tấn mất 1,3 triệu làm nhiều lúa thì nhân lên còn nhiều nữa mà nông dân đâu phải dễ kiếm được đồng tiền.”

Hiệp hội Lương thực Việt Nam giải thích giá gạo tăng cao hơn Thái Lan chỉ là nhất thời, sau khi Việt Nam trúng thầu hợp đồng chính phủ bán cho Philippines 500.000 tấn gạo và áp lực mất giá đồng baht do tình hình bất ổn ở Thái Lan. Theo các chuyên gia, Việt Nam phải chào giá cao vì giá thành các loại gạo xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long tăng nhanh, trong khi giá gạo tiêu thụ trên thị trường nội địa cũng tăng trung bình hơn 1.000đ mỗi kg, mức cao nhất trong năm nay.

Phó Giáo sư Ngô Trí Long, chuyên gia nghiên cứu thị trường và giá cả từ Hà Nội phân tích:

“Trong tháng 11 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng mặt bằng chung chỉ tăng 0,34% nhưng trong đó nhóm lương thực thực phẩm tăng cao nhất. Vừa qua có thiên tai lũ lụt đặc biệt ở miền Trung; thứ hai có xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới, xuất tiểu ngạch rủi ro rất lớn nhưng giá tương đối cao so với giá thế giới. Chính 2 nhân tố đó vừa rồi làm cho giá lương thực trong nước tăng lên.

Bên cạnh đó giá lương thực của Việt Nam phụ thuộc một trong những yếu tố quan trọng là giá thế giới vì Việt Nam xuất khẩu tương đối nhiều. Trong thời gian vừa qua giá thế giới giảm, trong xuất khẩu có ảnh hưởng nhất định và có một số nước không thực hiện hợp đồng với Việt Nam. Nhưng trong bối cảnh vừa qua trận bão Haiyan tàn phá rất lớn làm cho nhu cầu về lương thực của Philippines rất là cao. Chính vì vậy họ lập tức phải ký hợp đồng khẩn cấp ngay để đáp ứng nhu cầu thị trường Philippines. Trong bối cảnh như vậy nguồn cung gạo của Việt Nam chưa sẵn sàng, tình hình đó làm cho khả năng cung cầu về gạo tương đối căng thẳng và chính vì vậy nó cũng là một nhân tố tác động làm tăng giá lương thực vừa qua ở Việt Nam.”
Số liệu không chính xác

Một nông dân Việt Nam. AFP photo

Câu chuyện thị trường lúa gạo cuối năm 2013 có một số sự kiện đáng chú ý, trong tháng 9 và tháng 11 vừa qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) 2 lần hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2013 từ 7,5 triệu tấn xuống 7 triệu tấn rồi giảm thêm chỉ còn 6,7 triệu tấn. Lúc trước Chủ tịch VFA nói là do bị cạnh tranh, thiếu thị trường xuất khẩu và giá gạo xuống quá thấp. 

Nhưng thời gian sau đó, VFA lại nêu ra một nguyên nhân khác là bị thiếu gạo để xuất khẩu vì các doanh nghiệp đã bán cho Trung Quốc 3 triệu tấn gạo, trong đó có tới 1,2 triệu tấn gạo đi qua con đường tiểu ngạch. Thông tin này bị giới chức Bộ Công thương phủ nhận trên Thông tấn xã Việt Nam ngày 6/11/2013. Theo đó, gạo xuất tiểu ngạch qua biên giới qua số liệu Hải quan tính đến ngày 15/10/2013 chỉ trên 330.000 tấn. Bộ Công thương vẫn dự báo có khoảng 1,4 triệu tấn gạo tồn kho sẽ chuyển qua quí 1/2014.

Đối với sự chênh số liệu rất lớn giữa Bộ Công thương và VFA, Phó Giáo sư Ngô Trí Long nhận định:

“Thường thường nhà nước có đánh thuế ở mức độ nào đấy, xuất qua tiểu ngạch độ rủi ro tương đối lớn và trốn tránh thuế người ta dễ thực hiện hơn. Đặc biệt trong bối cảnh vừa rồi, thị trường Trung Quốc có nhu cầu gạo rất lớn và xuất khẩu qua đấy chắc chắn có lợi hơn đối với các thị trường khác. Chính vì vậy lượng xuất tiểu ngạch tương đối là lớn. Chúng ta biết rằng xuất khẩu mặt hàng gạo tuy rất là lớn đúng là không thể giấu được, nhưng mà thường thường người ta trốn tránh đi bằng nhiều con đường, nhiều cách khác nhau.”
Theo Cục Trồng trọt, sản lượng lúa gạo năm nay không thấp hơn năm ngoái, lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu vẫn khoảng 7,3 triệu tấn. Cuối vụ hè thu VFA còn đề xuất kéo dài thời gian mua tạm trữ, nhưng không được chính phủ chấp nhận. Nay VFA đưa tin lo ngại thiếu gạo xuất khẩu sau khi trúng thầu hợp đồng tập trung 500.000 tấn gạo của Philippines.

Những số liệu mâu thuẫn dẫn tới những dự báo như hỏa mù rất khó hiểu.

VFA gần như độc quyền xuất khẩu gạo, mang tiếng rất nhiều vì vấn đề mua tạm trữ hưởng ưu đãi vốn vay. Thành viên VFA mua thấp bán cao, hoặc mua thấp bán thấp cũng đều được hưởng lợi, trong khi nông dân làm lúa có cuộc sống bấp bênh. Tình trạng này khiến cho đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về nhóm lợi ích lúa gạo ăn hớt lợi nhuận của nông dân.

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-12-05

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét