Cần khẩn cấp phá giá nội tệ và tự do hoá kinh tế - xã hội
Lại Trần Mai: Kinh tế - xã hội Việt Nam đang tiếp tục chìm ngày càng sâu trong một cuộc khủng hoảng trầm trọng, kéo dài triền miên và hầu như không thấy lối thoát.
Nếu như cách đây hơn 10 năm, dưới thời phát triển chậm mà chắc của Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi dự báo cuộc tổng khủng hoảng của nền kinh tế Việt Nam sẽ diễn ra vào khoảng năm 2020 và nguyên nhân là từ cuộc tấn công của giới đầu cơ quốc tế vào một nền kinh tế bắt đầu trưởng thành, có thu nhập khá và nhiều tài sản có giá trị (trước đó chúng chưa thèm đầu cơ hoặc chỉ đầu cơ chơi chơi vì lãi thu được không nhiều), thì nay cuộc tổng khủng hoảng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, có thể chỉ vô tình từ một cuộc tấn công chơi chơi của giới đầu cơ quốc tế mà mục tiêu của nó không phải là tổng tấn công mà chỉ là đầu cơ giải trí trong thời gian chúng rảnh rỗi.
Ngoài ra, bất cứ một ngọn lửa nào vô tình bốc lên từ nền kinh tế cũng có thể kích hoạt cho một cuộc đại suy thoái vô tiền khoáng hậu ở nước ta. Kinh nghiệm từ việc bắt một vài vị lãnh đạo ngân hàng thương mại đã cho thấy.
Tổng khủng hoảng lần này, nếu xảy ra, thì sẽ không còn đơn thuần là một cuộc khủng hoảng kinh tế như tất cả các lần trước mà sẽ là một cuộc khủng hoảng cả kinh tế lẫn xã hội. Với sự tiếp sức của truyền thông, internet và trong bối cảnh một xã hội cởi mở với hơn 90 triệu dân có nhu cầu cao (vì thường xuyên tiếp xúc với tiêu dùng ở các nước giầu qua xem tivi) nhưng trên thực tế ngày càng nghèo và cạn kiệt niềm tin, hy vọng, thì hậu quả của cuộc tổng khủng hoảng lần này sẽ không thể lường trước được.
Lần này, không còn hy vọng vào những nguồn thu nhập bất ngờ như lần trước (dầu mỏ, kiều hối, vốn vay và viện trợ nước ngoài, đất đai, tài nguyên khác, kinh tế thế giới khởi sắc và phát triển mạnh...) trong khi phạm vi hoạt động của chính phủ bị thu hẹp rất nhiều (vì thâm hụt ngân sách, nợ trong và ngoài nước đều đã rất cao, nguy cơ lạm phát cao thường trực nên không thể nới lỏng thêm chính sách tiền tệ...) thì thoát ra như thế nào ?
Trong một bài viết cũ ((2) Công nghiệp Việt Nam: Tăng trưởng và Suy thoái"), tôi đã viết: "Toàn bộ những tiến triển về tăng trưởng sản xuất, thay đổi cơ cấu, đầu tư và xuất khẩu của công nghiệp trong giai đoạn từ khi đổi mới đến nay (tức là đến năm 2000) có thể được lý giải bằng hai lý thuyết kinh tế chính: Lý thuyết tự do hoá kinh tế đi kèm phá giá nội tệ và lý thuyết nhập khẩu vốn kéo theo hiện tượng đánh giá cao nội tệ, trong đó lý thuyết tự do hoá kinh tế đi kèm phá giá nội tệ là cơ sở để giải thích tiến triển công nghiệp giai đoạn trước 1992 và lý thuyết nhập khẩu vốn và đánh giá cao nội tệ là cơ sở để giải thích tiến triển công nghiệp giai đoạn từ sau năm 1992". Điều này không chỉ đúng cho công nghiệp mà còn đúng cho toàn nền kinh tế.
Trong một bài viết khác năm 2011-2012 (đã được đưa lên trang này, nhưng nay tôi không biết nó nằm đâu), tôi đã đề nghị để tháo gỡ những khó khăn hiện nay, cần khẩn trương áp dụng trở lại các chính sách kinh tế tế giai đoạn 1986-1992, tức là cần "tự do hoá kinh tế đi kèm phá giá nội tệ".
Đây là một liệu pháp sốc, chỉ nên áp dụng khi con bệnh đã trở lên nguy kịch. Đó chính là nền kinh tế nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, thứ tự thực hiện chính sách nên thay đổi:
1. Trước tiên cần phá giá mạnh mẽ nội để để tạo ra một cú sốc tích cực là làm tăng mạnh khối lượng hàng xuất khẩu, giải tỏa hàng tồn kho, qua đó làm tăng mạnh thu nhập cho người làm hàng xuất khẩu, chủ yếu là người nông dân vì nông sản là hàng dễ tăng khối lượng xuất khẩu nhất sau khi phá giá tiền tệ. Khi một tầng lớp đông đảo người có thu nhập thấp được tăng thêm thu nhập thì tiêu dùng xã hội sẽ tăng lên. Tất nhiên, cần phải tính đến độ trễ 6-12 tháng để chính sách tỷ giá có thể phát huy tác dụng tích cực (tức là khi hoàn thành vòng đầu tiên: Phá giá, thực hiện quá trình xuất khẩu, nhận tiền USD, chuyển sang tiền Việt và giao lại cho người làm hàng xuất khẩu, người làm hàng xuất khẩu có tiền sẽ bắt đầu tiêu dùng và đầu tư tái sản xuất).
2. Cùng với phá giá mạnh mẽ nội tệ, cần áp dụng càng nhanh càng tốt một hệ thống các chính sách kinh tế - xã hội theo hướng tự do hóa càng mạnh càng tốt mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Bộ máy tuyên truyền phải huy động hết công suất để phổ biến quan điểm phát triển tự do này và giải thích càng rõ càng tốt mọi chính sách cụ thể kèm theo.
Mục tiêu là để tái lập lại niềm tin, hy vọng và động lực làm giầu mới cho mọi tầng lớp danh nhân và người lao động.
Đáng tiếc hiện nay, chúng ta không những không đi theo hướng tự do hóa kinh tế, xã hội mà ngược lại đang theo hướng thắt chặt. Đặc biệt, trong lĩnh vực nhạy cảm tài chính ngân hàng, có thể nói các biện pháp điều hành hành chính kiểu chỉ huy, mệnh lệnh đang được áp dụng phổ biến như dưới thời bao cấp, không cần biết doanh nghiệp và người dân đang khốn khổ như thế nào.
Chi tiết nên tham khảo thêm trong bài tôi viết cách đây hơn 10 năm:
Trong những năm 1999-2002 tôi đã liên tục đề nghị Việt Nam nên phát giá 30%, tốt nhất là 50%, làm một lần sau đó ổn định (nhưng không phải là cố định) tỷ giá trong nhiều năm Đa số các nhà kinh tế lúc đó đều choáng khi nhìn những con số "không tưởng" này. Thấy tôi kiên trì quan điểm này, TS Lê Đăng Doanh và bác Trần Đức Nguyên, trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, đã đề nghị tôi viết lại thành một văn bản chi tiết để trình lãnh đạo cấp cao .
Đây là văn bản viết tháng 5/2001:
Tôi hoàn toàn không tán thành các đề xuất dưới đây của Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim.
Theo tôi, càng kích cầu từ khu vực kinh tế nhà nước (bằng các nguồn vốn ngân sách, tín dụng ưu đãi hay đầu tư của DNNN) thì càng sai lầm và càng lao nhanh đến cuộc tổng khủng hoảng toàn diện kinh tế - xã hội. Chúng ta đã liên tục đổ thêm dầu vào lửa và hậu quả là những cái chúng ta đang chứng kiến và hiện đang chung sống với chúng.
Mọi con đường thoát ra khỏi khủng hoảng hiện nay đều phải bắt đầu từ huy động được nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước, từ việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, bắt đầu từ hạ giá bán (cạnh tranh qua giá nhờ mạnh mẽ phá giá nội tệ) nối tiếp là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động kinh tế, xã hội thông qua xây dựng một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa và một xã hội dân sự thực sự cởi mở và tôn trọng con người.
Kinh tế đang trong vòng xoáy dữ dội?
- Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, cựu giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thuỵ Sỹ, nền kinh tế Việt Nam đang đi vào vòng xoáy: cầu thấp do thất nghiệp tăng và thất nghiệp tăng dẫn đến cầu thấp.
Xuống "đáy" chữ U
Đánh giá về kinh tế nửa đầu năm 2013, ông Kim cho rằng, lạm phát thấp không phải do thành công từ công tác điều hành mà do kinh tế suy thoái, cầu thấp, cung tự giảm và nhiều lúc thấp đến mức đáng lo ngại, phải tạo ra tăng giá một số mặt hàng, dịch vụ để đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên.
Tính đến nay, có hai chính sách quan trọng bắt đầu đi vào cuộc sống là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người mua nhà ở xã hội và thành lập Công ty quản lý nợ xấu VAMC.
Từ năm 2012 đến nay, nền kinh tế không những không tạo ra
mà còn làm mất đi nhiều công ăn việc làm (ảnh SGTT)
|
Tuy nhiên, xét gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, có thể thấy chưa trúng mục tiêu và hiệu quả sẽ không cao.
Chẳng hạn, muốn sở hữu căn hộ 70m2, giá 15 triệu đồng/m2 thì người mua có thể vay 800 triệu đồng, lãi suất 6% trong 10 năm. Năm đầu sẽ phải trả cả gốc và lãi 128 triệu đồng (80+48), cộng với các chi phí sinh hoạt thì thu nhập của hộ mua nhà phải trên 200 triệu đồng/năm. Với thu nhập như vậy ở Việt Nam là khá cao và ít người có thể vay được. Và việc kích thích kinh tế thông qua gói này không mang lại nhiều kết quả.
Còn việc thành lập VAMC cũng không thể giải quyết được gốc của vấn đề là DN sẽ tiếp cận được vốn ngân hàng dễ dàng, cho dù các ngân hàng đã sạch nợ xấu. Vốn vì thế vẫn khó đẩy vào sản xuất kinh doanh khiến kinh tế khó khởi sắc.
Bên cạnh đó, đến nay đã có trên 300.000 DN bị thua lỗ, phá sản, ngừng hoạt động; số còn lại, khoảng 100.000 DN đang sống thoi thóp. Theo tính toán, bình quân 1 DN ngừng hoạt động sẽ làm mất 15 việc làm. Với số DN đã ra đi, hàng triệu việc làm không còn, chưa kể hàng năm có thêm hơn 1 triệu người gia nhập thị trường lao động. Như vậy, có thể nói từ năm 2012 đến nay, nền kinh tế không những không tạo ra mà còn làm mất đi nhiều công ăn việc làm. Số lượng lao động thất nghiệp cao, thu nhập giảm đã khiến nguồn cầu hạ thấp, các DN đã khó lại càng khó khăn hơn.
Có người cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã xuống "đáy" nhưng là "đáy" chữ U, xuống "đáy" rồi nhưng không biết khi nào mới có thể lên được. “Theo tôi, kinh tế Việt Nam đang rơi vào vòng xoáy khó có thể thoát ra, đó là cầu giảm gây ra thất nghiệp tăng, thất nghiệp tăng lại làm cho cầu giảm”, ông Kim nhận xét.
Tái cơ cấu kinh tế chậm
Nếu không có các chính sách đột phá, kinh tế sẽ còn khó khăn trong nhiều năm tới. Chính sách cần làm, theo ông Kim, trước hết phải tăng đầu tư. Đầu tư sẽ tạo ra việc làm, mang lại thu nhập cho người lao động, lợi nhuận cho DN, qua đó sẽ nâng nguồn cầu. Ngoài đẩy mạnh đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách thì phải thúc đẩy các DN đầu tư. Để DN tiếp cận được vốn trong tình hình hiện nay, không có cách nào khác là Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh để các DN tốt, dự án tốt được vay vốn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim
|
Ngoài ra, có thể kích thích bằng kích cầu bất động sản, nhưng chính sách phải khác, chẳng hạn dành cho tất cả người có nhu cầu mua nhà ở, không giới hạn diện tích và giá tiền, lãi suất ổn định và thời gian cho vay kéo dài đến 30 năm.
Trên thế giới, một số nước có chính sách dành cho người dân mua nhà được vay tới 30 năm, thậm chí có nơi 100 năm như Thụy Sỹ. Như vậy việc trả tiền vay gốc sẽ rất thấp, chỉ phải lo lãi suất. Khi thị trường bất động sản khơi thông sẽ kéo nhiều ngành sản xuất phát triển theo như vật liệu xây dựng, thiết bị nội thất, đồ dùng gia đình, học tập, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị điện, điện tử, giải trí... góp phần tạo cầu tăng.
Vế tái cơ cấu nền kinh tế, theo ông Kim, diễn ra quá chậm. Chạy theo kinh tế ảo, nhưng từ năm 2011, Việt Nam là quốc gia độc nhất trên thế giới mạnh dạn đưa ra chính sách tái cấu trúc nền kinh tế, được đánh giá cao. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra chậm. Tái cơ cấu ngân hàng và DN nhà nước tiến triển rất chậm và không như mong đợi. Đề án tái cơ cấu nền kinh tế thì quá dàn trải cho tất cả các ngành và tất cả các địa phương, không thấy đâu là mũi nhọn. Có thể nói Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đã không nắm bắt được hướng đi dựa trên những lợi thế và tạo ra sự khác biệt của riêng Việt Nam.
Với đề án như hiện nay thì thực hiện sẽ ít đem lại hiệu quả, bởi tất cả vẫn dựa trên ý chí và mong muốn chủ quan hơn là trên cơ sở thực tiễn.
Nếu đề án tốt thì thời gian qua, Việt Nam đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài và đây là nguồn vốn quý để phát triển kinh tế trong lúc khó khăn. Song, họ đến, đã hy vọng rồi thất vọng khiến đầu tư càng giảm trong giai đoạn này, tăng trưởng lại càng khó khăn.
Hiện tại vẫn chưa nhìn thấy kinh tế Việt Nam sẽ thoát "đáy" hay thoát khỏi vòng xoáy bằng cách nào.
Trần Thủy(ghi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét